Mùa hè năm ấy

Mùa hè năm ấy

Hoa Phù Sa
Hoa Phù Sa
IMG_UPLOAD_20221215_104159 (1).jpg


Lại một mùa hè đến, một mùa hoa phượng nhớ mối tình đầu. Năm nay mùa hè đến muộn, tháng năm rồi mà sương vẫn chùng chình cùng cái tiết se se như mới lập xuân. Vẫn còn những cơn mưa phùn kéo dài suốt buổi. Cả không gian hiu hắt. Con đường có nhộn nhịp hơn một chút, nhưng mọi thứ hàng hóa vẫn ế ẩm như những ngày còn trong đại dịch. Bên ngoài trời vẫn đang mưa, cơn mưa lặng lẽ tới nhẹ nhàng như cách mà người đàn ông đó đến và đi trong đời tôi. Đã mười hai năm, từ ngày chùm hoa phượng mới điểm từng chấm đỏ. Hình ảnh người con trai cao cao gầy gầy vẫn len lỏi trong suy nghĩ, có nhiều khi tôi cố gắng quên nhưng không làm được.

Trời dạo này thật lạ. Trong gian hàng nhỏ mọi thứ dường như vẫn còn nguyên như buổi sáng. Qua cánh cửa sắt ọp ẹp từng hạt mưa li ti rơi trên mái tôn tạo thành từng giọt lớn, lăn xuống rơi vỡ tan trên nền gạch. Lại một buổi ế hàng, tôi cũng chẳng buồn quan tâm, bởi lẽ nó đã quá quen với một đứa bán rau củ nơi xóm núi. Mơ mơ màng màng khi vài câu thơ đột ngột xuất hiện trong ý thức. Câu thơ cũ nhưng rất hợp với cảnh lúc này :
" Trời mưa trốn việc ngồi nhà
Em ơi còn nhớ hôm qua đã từng
Trên cành hoa phượng nở bung
Mùa hè còn đợi em chung lối về”.
Mùa hè còn đó, nhưng lối về. Ôi cứ nghĩ lại thấy buồn, không biết ở một nơi trên dải đất hình chữ S hiện giờ người ta còn nhớ mình như mình nhớ người ta không?. Tự cười nói mình quá viển vông, chắc vì cái tội mê thơ đã sinh ra một đứa hay đa sầu đa cảm. Sở dĩ tôi hay viết thơ cũng có một phần nguyên nhân từ người con trai ấy. Tôi là đứa sống nội tâm, mọi suy nghĩ luôn được cất giấu sau nụ cười và câu trả lời cho có lệ. Thơ, là cách tôi bộc lộ, là phương pháp giải tỏa hữu hiệu, là cách để trái tim sống lại một thời đã qua. Nhưng riêng về người con trai ấy, có viết cả ngàn bài thơ với những lời sến súa nhất cũng không thể tả hết cái cảm giác chơi vơi, lạ lẫm khi đối mặt với anh. Chàng trai tuổi mười bảy hoàn mỹ như một vị hoàng tử bước ra từ chuyện cổ tích, còn tôi là cô công chúa ngủ say cả trăm năm chỉ để chờ một nụ hôn khiến tòa lâu đài bừng tỉnh.
Sài Đồng B mùa hè năm 2010 nóng như đổ lửa, cả khu đô thị mới thi công ngổn ngang gạch, đá,sắt, xi.. . Trong dãy lán nhỏ, tiếng người đàn bà oang oang:
__ Long ơi! Từ mai bảo ông Tuyến chuyển giờ làm buổi sáng từ sáu giờ đi. Trời nóng thế này mà bảy giờ tới mười một giờ đằng đẵng, ai mà chịu nổi.
Đó là tiếng dì Kha. Một người đàn bà ngoài năm mươi, thấp bé với khuôn mặt sạm nắng, cùng giọng nói the thé.
_ Vâng!. Cháu bảo mấy lần rồi mà cái ông kỹ thuật ấy có nghe đâu. Họ dân văn phòng, quen ngồi máy lạnh có phải như dân lao động mình đâu mà biết.

Tiếng anh Long từ giường bên đáp lại. Anh Long là chủ cai lán công nhật. Là một người thanh niên hai bảy tuổi. Dáng cao gầy, làn da đen, mái tóc húi trọc, trên cằm có mấy sợi râu lưa thưa cứ rung rinh mỗi khi nói chuyện. Anh thẳng tính, nhưng được cái rất dễ gần, luôn coi mọi người trong lán như người thân, có nhiều lúc tức là chửi thẳng vào mặt. Mặc dù toàn dân tứ xứ, nhưng dưới tay anh ba mươi con người già trẻ sống chung, cả năm vẫn không có một lời to tiếng.

__ Nào, tất cả tập trung lại đây điểm danh. Con Lan, con Ngọc đâu?. Vào lán xem còn đứa nào không gọi ra hết đi. Trời nắng thế này mà còn đủng đỉnh. Không nhanh tí sếp chấm công, không có tên thì đến lúc đừng có mà kêu.

Đó là tiếng anh Long, và công việc thường ngày mỗi sáng của cả đoàn người. Ngày nào cũng thế, bảy giờ làm thì sáu giờ bốn năm tập trung để kỹ thuật chấm công và giao việc.
__ Gọi chúng nó ra nhanh lên, tao giao việc. Mẹ kiếp! Có mỗi mấy bước chân mà cứ lề mề.
Tiếng ông Tuyến sang sảng. Đó là kỹ thuật của chúng tôi. Một người đàn ông ngoài năm mươi, béo, lùn, da đen như cục than, tóc xoăn, tính nóng như lửa. Công việc của ông ấy mỗi ngày là đi chấm công và kiểm tra chúng tôi làm việc. Ông rất hay bắt bẻ, nên không chỉ lán công nhật mà các lán sắt, lán cốt pha, lán bê tông..không một ai ưa cả.

Trời hôm nay nắng chang chang. Mới sáng sớm mà từng cơn gió lào đã thổi bụi cát bay nóng hầm hập. Trên khu đất nền ngổn ngang sắt thép, từng lớp người như những đoàn kiến làm việc miệt mài. Tiếng máy xúc, máy đóng cọc, máy bê tông... ầm ầm. Nơi bãi thi công một tốp người đang đi lại nhộn nhịp, trên vai họ là những cây sắt phi 32 to bằng cổ tay, dài tới hơn mười mét.
_ Này béo, để anh nhấc đầu này lên trước rồi em hãy cầm vào. Này béo, để ý khi nào anh bảo ném xuống thì cùng thả tay nhé.
__ Em biết rồi!. Ơ người ta cũng có tên rõ đẹp sao anh không gọi?. Gọi gì kỳ lạ thế.
__ Kệ! Thích thì gọi thôi.
__ Này béo! Uống nước không?. Trời hôm nay nắng quá, lại đây ngồi nghỉ đã.
__ Không, em ra chỗ mẹ ngồi cơ. Ở đây toàn sắt xi ngồi chỗ nào.
__ Ra làm gì? Em không thấy góc kia còn nắng hơn à. Và lại cả đám người già, ngồi chỉ tội nóng thêm.
__ Kệ! Em thích ra đó hóng.
Những lời đối thoại ấy ngày nào cũng lặp lại. Hầu như mỗi lần tôi đi đến đâu khi ngoảnh lại là thấy anh lững thững bước sau.

_ Mấy bà đi xuống nhét túi bóng vào những chỗ cốt pha hở đi, nhét chặt vào nhé chiều mai đổ bê tông rồi. Còn sáu đứa này xuống chỗ đang ghép cốt pha kê dầm, lấy xà cầy bẩy góc sắt lên cho con kê vào, lấy loại mười phân lúc chiều qua cô Nhâm đổ nhé. Rồi đi đi.
Ông Tuyến giao xong cũng không nói thêm gì, cứ thế bước đi xuống kiểm tra mấy tổ khác đang làm việc.
_ Này béo! Sang đây đi với anh.
Tôi đang bỡ ngỡ không biết chọn đi với ai thì anh gọi. Kệ! gọi rồi thì còn ngại gì nữa. Quay sang con Lan, con ngọc tụi nó đã đi từ bao giờ.
_ Dạ!
_ Em đi nhặt kê, anh lấy xà cầy. Đi đi cần anh soi đường cho không?.
_ Dạ thôi! Sáng thế này soi làm gì. Lấy xong đứng chỗ đường xuống chờ em nhá.
_ Ừ! Em đi trước đi. Nhìn đường không lại vấp ngã bây giờ, sắt gỗ đầy đường đấy.
_ Biết rồi! Đại ca.
Tôi sách xô bước lững thững đi về bãi nhặt kê. Và phía sau lưng vẫn còn một ánh mắt dõi theo.
_ Này béo! Ước mơ của em lớn lên làm nghề gì?.
_ Em hả?. Ước mơ lớn lên trở thành một nhà thơ, cuốn sách đầu tiên xuất bản sẽ đem tặng hết cho bộ đội.
_ Hử! Sao kỳ thế? Không bán lấy tiền à?. Anh thấy người ta viết thơ được nhuận bút đó.
_ Không! Đã gọi ước mơ thì tiền bạc gì nữa. Còn anh thì thế nào?.
_ Anh hả?. Anh thích môn sinh học, khi tốt nghiệp anh muốn thi vào trường đại học Thái Nguyên chuyên ngành bác sỹ.
_ Còn em thích vào trường đại học Văn Hóa khoa sáng tác Văn học.
_ Ừ! Cố gắng nhé. Anh còn một năm nữa, em thì hai năm.
_ Này béo! Nốt mấy con kê này thì em ngồi im đây để anh đi lấy kê cho nhé. Này béo! Đi từ từ thôi đầy đinh kia kìa không khéo lại đạp phải bây giờ.
_ Biết rồi đại ca, anh còn cằn nhằn hơn mẹ em rồi đó.
Mười một giờ đêm, trời bỗng dưng nổi gió. Từng cơn gió ù ù từ đâu thổi đến, cả khu công trường chìm trong cát bụi. Tiếng các loại máy vẫn hoạt động bình thường. Trời không một ánh sao. Bỗng dưng, một tia sét sáng rạch ngang rồi dồn dập là những tiếng sấm rung chuyển. Một trận mưa không báo trước đổ xuống. Cả khu công trường nháo nhào chạy.
Lúc chúng tôi về tới lán là nửa tiếng sau. Cả lán toang hoang, bạt ở hai bên tốc ngược hết lên cao, nước từ trên mái, từ bốn bên tạt vào lênh loáng. Cả căn phòng ngập nước. Tất cả quần áo, chăn, màn, chiếu của mọi người đều ướt sũng. Mẹ tôi mở vội túi quần áo ra tìm mãi được một bộ còn khô đưa cho tôi mặc.
Lần đầu tiên trong mười sáu mùa hoa phượng tôi cảm nhận được sự bất lực, tủi thân, lạnh, rét, không có chỗ tắm và đói. Bên ngoài trời mưa vẫn rơi, mẹ tôi ướt sũng, đội cái nón đứng gọi mấy đứa từ vách phòng kế bên chưa có người ở.
_ Mấy đứa ơi! ôm quần áo sang đây thay đi, mẹ sách nước vào rồi. Nhanh lên không lạnh.
Ba đứa vội vàng ôm sẵn túi quần áo chạy ùa sang. Vừa thay đồ Vừa run cầm cập.

Đêm, mưa tạnh, trên bầu trời ánh trăng mờ mờ sau những đám mây, từng ngôi sao lấp lánh như những ánh mắt dõi theo nhịp bước nhân gian quay cuồng đêm ngày lẫn lộn. Đêm, từng cơn gió mang hơi nước tạt vào căn phòng, thổi bay cánh cửa màn tuyn đang ẩm ướt. Chiếu ướt, chăn ướt, tôi nằm co ro bên trên mảnh áo mưa mượn tạm trong kho công ty, xoay dọc ngang mãi không ngủ được.
_ Nhắm mắt ngủ đi con, mai dậy sớm còn đi làm.
Không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu mẹ nhắc tôi đi ngủ. Và ở tuổi tôi dù vứt xuống vũng nước lúc nửa đêm cũng chưa chắc đã tỉnh nổi, nhưng hôm nay thức trắng một phần là do tiếng ồn của máy nhồi cọc cả đêm, một phần là vì lạnh.
_ Dạ! Mẹ ơi mấy giờ rồi? Đêm nay lạnh quá mẹ nhỉ. Mẹ ơi! Mẹ lạnh không?. Mẹ cần con ôm không?.
Mẹ tôi lần mò tìm được chiếc điện thoại nokia đen trắng dưới gối ấn mở, tôi nhìn rõ từ màn hình con số 03h 30. Thầm nghĩ, sao hôm nay thời gian dài thế.
_ Ngủ đi con, lạnh thì quấn tạm cái áo mưa cho đỡ. Chờ sáng nắng lên mới phơi được chăn màn. Cố nhắm mắt ngủ đi.
_ Dậy! Dậy thôi mấy đứa, sáng tỏ rồi. Dậy đánh răng rửa mặt còn ăn cơm đi làm.
Anh Long đứng ở cửa lán gọi vọng vào. Trong khi bên dãy chúng tôi các bác mẹ đã dậy từ lâu chăn màn gọn gàng, thì dãy còn lại mấy anh vẫn mắt nhắm mắt mở nằm trên giường uể oải. Cho tới khi gọi đến lần thứ n thì từ trong màn những cái bóng im lìm mới thoát ra khỏi cái chăn, ngồi dậy bước xuống giường.

_ Mấy đứa ngó xem còn Hà ở đâu gọi về ăn cơm?. Không biết nó đi đâu mà từ sáng dậy anh chưa thấy mặt.
_ Đêm qua chị đi cả đêm có về đâu mà anh tìm. Chắc lại ngủ chơi ở đâu rồi. Chậc Chậc “gái công trường như giường bệnh viện”. Vừa nói anh T vừa lắc đầu.
Chị Hà là người ở xóm tôi. Gần ba mươi tuổi, làn da hơi ngăm, mái tóc tuy xoăn nhưng trên đầu chị luôn được tết thành hai bím dài. Chị không xinh nhưng được cái ưa nhìn. Cả đám con trai lán tôi không ai thích chị một phần vì chị hơn tuổi, một phần chị có tính trăng hoa.
_ Anh T vơ đũa cả nắm vừa thôi. Ối người cũng gái công trường mà đâu phải ai cũng thế.
Con Ngọc vừa nói vừa nhanh chân đi xếp bát lên mâm.
_ Rồi mấy đứa mày giỏi nhất. Nhanh lên ăn sớm đi làm sớm, hôm cả lán xuống K7 nhé. Chà..chà! Hôm nay lại nắng vỡ đầu.
Bình minh lên, từng tia nắng ban mai lan tỏa khắp mọi nơi trên mặt đất. Tiếng ồn của máy móc hòa chung với tiếng bước chân tạo nên một khúc nhạc rộn ràng. Thời gian trôi, ngày tháng trôi, tuổi thanh xuân cũng lặng lẽ đến rồi đi xóa sạch dấu vết như chưa từng xuất hiện. Điều lưu lại trong mỗi người có chăng là những kỷ niệm vụ vặt về cuộc sống, về chữ duyên kỳ diệu trong đời. Với tôi thứ còn lưu luyến là những khắc khoải về ước mơ dang dở, về lời ước hẹn với ai đó không thành. Chắc trên đời chỉ những ai như tôi mới thấu hiểu hết cái cảm giác chênh vênh tiếc nuối ấy.
_ Bà chủ ơi?. Bán em mớ rau nào. Khiếp tháng năm rồi mà còn mưa rét. Chậc chậc biến đổi khí hậu rồi.
Tiếng hỏi của người đàn ông kéo tôi ra khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn. Một người thanh niên ngoài ba mươi trong bộ quần áo mưa lụp xụp bước vào.
_ Anh ăn rau gì ạ?
_ Gì cũng được. Mà bán anh mớ rau muống đi. Về xào tỏi ăn nóng cho ngon. Cho thêm nửa con gà với năm nghìn sả nhé.
_ Vâng chờ em tí.
Tiễn người khách thứ ba trong ngày ra về. Tôi đứng nhìn theo lòng ngổn ngang bao cảm xúc. Ngoài trời vẫn mưa, từng giọt mưa lặng lẽ buông mình rơi rồi vỡ tan trên mặt đất, như cuộc đời mỗi người hôm qua còn trên đỉnh cao hôm nay đã rơi xuống tan vào hư vô không ai còn nhớ. Chẳng biết tôi đã quá quen thuộc với cảnh ế ẩm hay tại bản thân quá hững hờ, quá lạc quan tin vào một tương lai tươi sáng. Cơn gió ù ù thổi qua từng cánh hoa phượng rơi lả tả đỏ cả lề đường. Tôi vẫn tự nhủ tin rằng, ngày mai trời lại nắng. Và đâu đó trên trái đất này có một người cũng đang nhìn mưa rơi, cũng đang nhớ đến tôi.

Ảnh con đường sau cơn mưa sưu tầm
Hoa phù sa
 
553
4
2

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top