Nét độc đáo khi miêu tả con người lao động của Nguyễn Tuân

Nét độc đáo khi miêu tả con người lao động của Nguyễn Tuân

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
“Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo” – Nguyễn Tuân. Phải chăng, do quan niệm này theo Nguyễn Tuân suốt cuộc đời sự nghiệp, mà trong mỗi tác phẩm, ông đều chú trọng xây dựng nét độc đáo riêng? Với con mắt tinh tường của mình, nhà văn đã gợi ra trước mắt bạn đọc hình ảnh ông lái đò trước sự hung tợn của dòng Sông Đà trong thiên tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.

“Người lái đò Sông Đà” là một trong những tác phẩm thuộc thể loại sở trường của nhà văn Nguyễn Tuân - tùy bút. Là một trong những cây bút nổi danh cả trước và sau cách mạng, Nguyễn Tuân luôn mang tới những cái nhìn đầy mới lạ trong mỗi tác phẩm của mình, nhất là những cái nhìn về con người. “Người lái đò Sông Đà” được trích trong tùy bút “Sông Đà” viết năm 1960 đã mang tới cái nhìn hết sức chân thực cả về thiên nhiên lẫn con người. Với những nét vẽ về người lái đò trước những khó khăn mà con sông Đà mang lại, hình ảnh ông lái đò vượt qua những cửa với đoạn trích nằm ngay giữa tác phẩm. Để rồi từ đó người đọc nhận ra vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ được ẩn sâu bên trong người lái đò trông đầy vẻ bình thường.

Con người ấy thật đặc biệt. Chúng ta biết đến con người ấy không phải bằng một cái tên cụ thể. Thứ để làm thân chỉ có một danh xưng kèm công việc của ông - người lái đò. Chân dung của ông cũng được nhà văn miêu tả đầy sinh động. Người lái đò hiện lên với những nét khắc họa: “tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”, “cái đầu bạc quắc thước… đặt lên thân hình gọn quánh chất sừng chất mun”.

Ngay từ những dòng đầu tiên, người đọc đã bắt gặp cái dữ dội của thác nước sông Đà: “Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”. Nhưng rồi con nước dữ dội ấy cũng chỉ trở thành một màu nền “xám tro” để làm nổi bật lên cái màu vàng của lòng quả cảm, của nghệ thuật tài tình trong công việc nơi ông lái đò. Thế nhưng ông đã cưỡi lên thác sông Đà, cưỡi lên hổ và bao giờ cũng chiến thắng. “Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.” Một loạt những hành động nhanh mà chắc đã khiến ông đò đả được con hổ dữ vùng Tây Bắc.

Thiên nhiên sông Đà có sức mạnh ghê gớm, sức mạnh của một kẻ đô vật. Đối tượng mà con sông nhắm vào chính là người lái đò đang vững tay chèo trên chiếc thuyền đăm đăm tiến về phía trước. “Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.” Kinh nghiệm trong suốt những tháng ngày cầm mái chèo đã khiến ông lái đò “nhớ mặt” từng ngóc ngách. Nguyễn Tuân khéo léo sử dụng biện pháp nhân hoá, vì thế mà thiên nhiên trở nên sống động như thật. Hay chăng thứ ông lái đồ đối diện là một thiên nhiên đầy tính người, là những gã khổng lồ mang theo sức mạnh dữ dội. Và rồi với những kinh nghiệm của mình, ông biết cách để vượt qua tất thảy đám “thuỷ quân” ấy. Mỗi một “đứa” ông luôn có những cách thức khác nhau để chinh phục chúng. Những động tác gọn gàng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của lý trí đầy mạnh mẽ và luôn được lập trình sẵn. Không có phút giây chần chừ, ông rẽ thuyền đi thẳng và để lại sau lưng những cửa tử tưởng chừng khó vượt.

Nhưng hành trình vượt thác của ông lái đò Lai Châu chẳng dừng lại ở đấy. Khi văng vẳng là tiếng reo hò “khiêu khích” của những thác luồng sinh, khi xa xa là cái vẻ “tiu nghỉu” của thằng đá đứng, ông lão đối diện với trùng vây thạch trận thứ ba. “Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó.” Đến với thạch trận này dường như ông lão chẳng hề mất đi sự bình tĩnh vốn có của mình. Ông cứ thế, than nhiên đối diện với những khó khăn của con nước, của những tảng đá lớn sông Đà.

“Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được. Thế là hết thác.” Nhanh nhẹn và quyết đoán. Dường như đã vượt qua vô số lần, ông lái đò biết cách để vượt qua những con thác ấy. Con thuyền trở thành công cụ hữu dụng để chinh phục thiên nhiên dữ dội. Thuyền lao vun vút, vượt qua một loạt những “cửa trong”, “cửa ngoài” rồi là cửa trong cùng. Cứ thế tiến về phía trước. Dường như ngay lúc hết thác, chúng ta có thể thở phào đầy nhẹ nhõm. Trước cái hung tợn của thiên nhiên, ai trong chúng ta có thể nói mình không run sợ nhưng ta dường như chẳng tìm thấy chút lung lay nào nơi ông lão. Con thuyền vút đi là minh chứng cho sự kiên cường nơi con người ấy, “dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Thứ đọng lại có là chỉ là sự cảm thán của con người khi vượt qua thác dữ.

Trước thiên nhiên, ông lão gầy ấy tưởng chừng như nhỏ bé, như sẽ bị đánh gục bất cứ khi nào. Nhưng mọi suy đoán đều chẳng thành hiện thực. Ông lão với con thuyền, với mái chèo như trở thành người nghệ sĩ thực thụ. Từng đường lái, từ cú lách thuyền trở thành những nét vẽ tuyệt đẹp trong bức tranh lao động của con người. Nhưng những người chứng kiến nét đẹp ấy hằng ngày dường như lại thấy nó là một điều hiển nhiên và bình thường. “ Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo.” Cuộc sống thôi thúc họ phải mưu sinh, phải chiến đấu với con thác dữ. Một lần, hai lần và rồi là nhiều lần hơn nữa họ đã thôi cảm thán trước những “chiến công”. Có lẽ việc đáng nhớ hơn cả đối với những con người ấy là giữ được mạng sống qua từng ngày, còn vượt thác, vượt những thạch trận tinh quái là điều dĩ nhiên khi con người tranh chấp sự sống với thiên nhiên khổng lồ.

Nhưng chính những ngòi bút của nhà Nguyễn đã khiến cho chúng ta cảm được cái đẹp, cái nét riêng độc đáo nơi con người. Hùng dũng là vậy, nhưng ông lái đò trong bút kí của Nguyễn Tuân cũng thật lãng mạn. Phảng phất trong cuộc hành trình chinh phục thác nước sông Đà là chất nghệ sĩ dịu ngọt trong tâm hồn người đàn ông bản lĩnh này. Điều đó được thể hiện ở chặng kết thúc thác nước, ông cùng những người lái đò khác không “bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng quân dữ tợn vừa rồi”.Người lái đò đối mặt với ba trùng vi thạch trận để rồi khi hết thác nước, người lái đò chẳng bận tâm gì đến chặng thác vừa qua. Không lo âu, sợ hãi. Không ngợi ca bản thân mình dẫu chiến thắng con sông Đà là chiến thắng thật ngoạn mục mà không phải ai cũng có thể làm được. Đến quãng sông êm ả thanh bình, thác nước với vô vàn những hòn đá dàn bày trận địa sẵn ở lại phía sau.

Sông Đà trở thành hình tượng đẹp trong tùy bút của Nguyễn Tuân, mang đặc trưng của xứ sở Tây Bắc hoang dã, dữ dội mà đôi khi cũng nên thơ, mượt mà. Người lái đò sông đà là nhân vật trung tâm của “Sông Đà”, là con người lặng thầm nhưng bản lĩnh đêm ngày nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, hòa mình hưởng ứng cuộc vận động xây dựng kinh tế - xã hội Tây Bắc. Tác phẩm thể hiện sự thay đổi trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: mới mẻ, đa chiều, tài hoa uyên bác. Phải chăng vì mạnh mẽ thay đổi chính mình, phá vỡ khuôn mòn mình đã đi và dám đương đầu với những thách thức mới về đề tài, hoàn cảnh xã hội… mà văn Nguyễn Tuân vẫn đủ sức cuốn hút bạn đọc cho đến ngày hôm nay? Và trên hết, Nguyễn Tuân chính là nhà văn lao động nghệ thuật nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước ngòi bút của chính mình….

(VHT tổng hợp)

Xem thêm: Vẻ đẹp dòng sông chữ trong tác phẩm Người lái đò sông Đà
 
Từ khóa
bai phan tich nguoi lai do doc dao trong mieu ta nguoi lao dong nguoi lai do song da nguyen tuan thien but ki dac sac
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top