Nét văn hóa được phản ánh trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân

Nét văn hóa được phản ánh trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Văn hóa là một phạm trù rất rộng, là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra để gắn kết chặt chẽ với nhau vì vậy có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm văn hóa.

Theo Cristina De Rossi: “Văn hóa bao gồm tôn giáo, thức ăn, những gì chúng ta mặc, cách chúng ta mặc, ngôn ngữ, hôn nhân, âm nhạc, những gì chúng ta tin là đúng hay sai, cách chúng ta ngồi vào bàn, cách chúng ta chào đón du khách, cách chúng ta cư xử với những người thân yêu, và hàng triệu thứ khác” (dẫn theo Kim Ann Zimmermann, 2017). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Mỗi tác phẩm văn chương hướng đến miêu tả đối tượng trung tâm là con người thì tác phẩm đó ít nhiều mang những nét đặc trưng về văn hóa của dân tộc, đất nước nơi nhà văn được sinh ra, được tắm mình trong nền tảng giá trị văn hóa đó.

Lê Nguyên Cẩn cho rằng: “Tính văn hóa (la culturalité) của tác phẩm văn học là tính chất đặc thù gắn liền với mỗi tác phẩm văn học. Nó cho thấy tác phẩm văn học không chỉ toát lên vẻ đẹp ngôn từ mà còn là vẻ đẹp tâm hồn qua cách ứng xử và cách tiếp nhận, xử lý cuộc sống của một dân tộc hay một cộng đồng người nhất định. Nó không chỉ là quan niệm về con người được thể hiện qua sự khéo léo của nghệ thuật ngôn từ mà còn cả chuẩn mực ứng xử của cộng đồng, dân tộc trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Mỗi tác phẩm văn học đều mang trong nó tính văn hóa đặc trưng của dân tộc, của đất nưc nơi tác phẩm được sinh ra”. Tác phẩm thể hiện rõ nhất chân dung con người và thời đại là yếu tố thu hút người đọc khám phá suy ngẫm và góp phần quan trọng tạo nên giá trị tác phẩm. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra mỗi tác phẩm văn học là sự kết hợp đan cài của nhiều mã khác nhau để tạo ra các hệ thống tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm. Bàn về mã văn hóa (cultural code), Jenny Hyatt và Helen Simons (1999: 28) nhận định: “Sự hiểu biết về văn hóa thường được thể hiện thông qua việc sử dụng mã. Các mã là một hệ thống bí mật của các từ, ký hiệu hoặc hành vi, được sử dụng để truyền tải các thông điệp bị ràng buộc theo ngữ cảnh”.

Như vậy, nói đến mã văn hóa trong tác phẩm văn học có thể hiểu đó là tất cả các tín hiệu, các ký hiệu “ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, hình tượng con người, thiên nhiên, phong cảnh, cách nói, kiểu nói, cách tổ chức văn bản nói chung, nhằm chuyển tải tới độc giả một nội dung, một thông điệp, hoặc mang tính riêng, hoặc mang tính chung” (Lê Nguyên Cẩn). Khai thác tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hóa chính là khám phá, bóc tách các lớp vỏ ngôn ngữ để hiểu được “bí ẩn” hệ thống các mã trong văn bản, cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa các mã để tạo thành ý nghĩa bề sâu trong văn bản.

Nét văn hóa được phản ánh trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.png

NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐƯỢC PHẢN ÁNH TRONG “VANG BÓNG MỘT THỜI” CỦA NGUYỄN TUÂN​


Nguyễn Tuân lớn lên trong thời buổi có nhiều thăng trầm biến đổi về văn hóa với sự xâm nhập của văn minh phương Tây thời Pháp thuộc. Sự xâm nhập này tác động đến những nền nếp sinh hoạt cổ đang ngày càng đi vào tàn lụi. Ông đã lựa chọn những nét văn hóa tiêu biểu của cuộc sống. Bằng tài năng của mình ông đã biến những nét văn hóa ấy trở thành chất liệu nghệ thuật đắc dụng góp phần làm nên những trang văn cuốn hút thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người với đầy đủ bản sắc văn hóa của một thời kỳ lịch sử nhất định. Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã gợi ra sinh khí, hồn cốt của văn hóa, phong tục Việt Nam. Đọc tập truyện, người đọc như được dẫn dắt vào một thế giới xa xưa với những nét văn hóa rất đẹp như: đánh thơ, thả thơ, làm đèn trung thu, một buổi thưởng trà, những nét phong tục tập quán, cách ăn mặc, ứng xử, đối đãi, nhân cách đẹp và nếp sống văn hóa... Những cảnh ấy tạo nên nét văn hóa xưa cũ của một thời vang bóng, gợi tới những gì xa xưa, trầm mặc, tĩnh lặng và ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Có thể nói, tập truyện đã làm sống lại những nét văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

1. Dấu ấn văn hóa ứng xử​

Văn hóa ứng xử là một nét văn hóa biểu hiện lối suy nghĩ, cách cư xử, những hành động, sự giao tiếp giữa con người với con người, rộng hơn nữa là biểu hiện cách ứng xử giữa con người với tự nhiên. Cách ứng xử có văn hóa thể hiện phẩm chất đạo đức, nhận thức của cá nhân hay cộng đồng xã hội được quy định bởi tư tưởng, phong tục, tập quán, luật lệ trong mỗi thời kỳ lịch sử được truyền từ đời này sang đời khác vừa có sự thay đổi vừa có sự kế thừa tạo thành nét văn hóa ứng xử có tính truyền thống. Và lối suy nghĩ, hành động ứng xử được xem là có tính văn hóa khi hành động đó được mọi người thừa nhận và cho là phù hợp. Nguyễn Tuân rất chú trọng miêu tả văn hóa ứng xử giữa người và người, ứng xử giữa các quan hệ xã hội. Trong công trình Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa, Lê Nguyên Cẩn (2014: 18) cho rằng: “Tác phẩm văn chương thường trình bày một câu chuyện trong đó các nhân vật được đặt trong quan hệ giao tiếp với nhau, đối thoại với nhau, trong một phạm vi ứng xử văn hóa với nhau... Các ứng xử đó đều mang đặc trưng văn hóa dân tộc, tạo ra màu sắc dân tộc”. Trong Vang bóng một thời, dấu ấn văn hóa ứng xử được thể hiện rất đậm nét. Con người ứng xử với nhau bằng tình cảm gần gũi, gắn bó, đúng mực thể hiện tình yêu thương, sự tôn trọng giữa con người với con người. Đó là sự ứng xử tình nghĩa của một nhà sư với cụ Sáu trong Những chiếc ấm đất, ứng xử của những người phong lưu sành uống trà với một người ăn xin biết trân trọng và thưởng thức một thú thưởng trà tinh tế, hay cách ứng xử của một người chủ nhà với người lão bộc đã giúp cho thú vui thanh nhã của những người “đánh thơ”. Văn hóa ứng xử ấy thể hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa người với người mà Nguyễn Tuân luôn trăn trở thể hiện và khẳng định. Chẳng hạn: “Ông Kinh Lịch là một người trọng cái sạch sẽ của tâm hồn, nói to cùng mọi người là ông không thu tiền hồ. Ông chỉ yêu cầu ai được thơ nhiều nhất thì nên cho người lão bộc nhà ông một số tiền nhỏ mọn để đền lại cái công nó làm dầu, làm đèn, nấu cháo và bưng biếu. Ông Kinh lại còn khẩn khoản với mọi người đừng nên làm huyên náo nhà cửa lên” (Đánh thơ, tr. 63). Suy nghĩ, hành động của ông Kinh Lịch cho thấy một nét ứng xử đầy tính văn hóa. Ông thể hiện một thái độ tôn trọng và sự quan tâm với chính người ăn kẻ ở trong nhà.

Ở một truyện khác, Nguyễn Tuân cũng xây dựng nhân vật với hành động ứng xử, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp trong bản chất của người Việt. “Ngày xưa, anh em đã có dịp được hầu cáng quan Án nhà nhiều chuyến lắm. Cụ ngày xưa thường có săn sóc đến anh em chúng tôi. Giờ là ngày mùa, những được tin cô gọi, anh em cứ xuống ngay là vì anh em nghĩ đến cái tình quan Án ngày xưa hay thương đến. Còn tiền nong, thôi, cô cho thế nào cũng được. Chúng tôi không dám kỳ kèo” (Nguyễn Tuân, 2005: 75). Hành động ứng xử của nhân vật trong đoạn văn trên thể hiện lối sống có tình, có nghĩa của người Việt Nam, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.

Tôn sư trọng đạo cũng là một biểu hiện của nét văn hóa ứng xử truyền thống tốt đẹp, cao quý của người Việt Nam. Nguyễn Tuân đã thể hiện nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này chỉ bằng một chi tiết rất giản dị: “Có người học trò cũ ở Sơn Tây về qua Hà Nội, biết ông cử Hai có con, đem biếu thầy học cũ một cái bánh dẻo mặt trăng, mặt bánh to một thước, thế nào lại nhằm ngay vào giữa hôm ông cử Hai thử đèn xẻ rãnh. Ông bày đèn ra sân, đốt hết cả mười bấc cháy sáng. Ông bày luôn ra sân bộ đồ trà, mời cụ Thượng ra ngồi vào cái ghế đẩu đã để sẵn trước đèn. Cụ Thượng ngồi, ăn bánh, uống nước và trịnh trọng như một người được mời tới để định giải thưởng cho đèn xẻ rãnh. Rồi cả nhà, mỗi người một miếng, trông vui vẻ lạ” (Đèn đêm thu, tr. 122). Người học trò luôn nhớ về người thầy của mình và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét văn hóa thiêng liêng, cao quý của người Việt.

Ngoài văn hóa ứng xử đối với con người, Nguyễn Tuân cũng rất đề cao sự ứng xử của con người đối với thiên nhiên, bộc lộ sự nâng niu, trân quý những giá trị, những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng: “Cụ muốn nói rằng người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng kia. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng, phó mặc chúng ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn lá cũng không hay, thì chơi hoa làm gì cho thêm tội” (Hương cuội, tr. 84). Đối xử với cỏ cây như người bạn tâm giao, tri kỷ, đó là cách đối xử “của người tài tử”, của người biết đặt mình vào vũ trụ, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, đó cũng là cách để lắng lại, làm thanh sạch tâm hồn mình.

2. Dấu ấn văn hóa nhân cách​

Nguyễn Tuân đã thể hiện một nét văn hóa rất đẹp trong con người đó là văn hóa nhân cách. Nhân cách biểu hiện trong “tổng hòa những mối quan hệ xã hội” của con người. Bàn về vấn đề nhân cách, Hoàng Chí Bảo cho rằng: “Mỗi một cái Tôi nhân cách đều mang dấu ấn của nhân cách xã hội, chịu ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh xã hội, điều kiện sống, truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như trình độ và tính chất phát triển của xã hội đương thời” (Hoàng Chí Bảo, 2010). Trong Vang bóng một thời, văn hóa nhân cách được Nguyễn Tuân thể hiện thông qua những hành động, triết lý nhân sinh của nhân vật. Nhà văn để nhân vật bộc lộ nhân cách đáng trọng trong những hành động của cuộc sống hàng ngày: “Cứ một cái lối đánh cờ của cậu tôi cũng thấy được một phần cái tương lai của cậu. Nhiều nước cờ bắt bóng, chiếu rứ, có vẻ tài tử lắm. Tôi nghiệm ra cậu không hay rình chiếu bí. Đáng để ý nhất trong lối xuất quân, là cậu đánh mấy ván đều vào pháo đầu cả. Người hào hùng đánh cờ bao giờ cũng vào ngay pháo đầu. Đánh cờ tức là người đấy. Rồi cậu cứ nghiệm mà xem, trong mười kẻ tầm thường, nhút nhát, không khoáng đạt là có đến chín người ghểnh tượng ở nước đầu” (Ngôi mả cũ, tr. 78). Thông qua việc đánh cờ, một thú chơi tao nhã tiêu khiển trong cuộc sống đời thường mà người ta có thể đánh giá được nhân cách của cả một con người. Sự đánh giá ấy đồng thời thể hiện nhân sinh quan, triết lý, sự trải nghiệm của chính người đã thấy được nét nhân cách đáng trọng của người đối diện.

Trong bóng một thời, Nguyễn Tuân thường đúc kết và đưa ra những lời triết lý, đánh giá về nhân cách của con người, về cách nhìn của con người từ sự chiêm nghiệm, suy tư đối với con người và cộng đồng xã hội. Qua đó, khẳng định cách ứng xử, lối suy nghĩ đúng đắn về bản chất của con người trong đời sống xã hội. Ông cha ta vốn có truyền thống đánh cờ, thả thơ, ngâm vịnh. Đánh cờ là một thú vui tiêu khiển, qua việc đánh cờ mà người chơi có thể rút ra rất nhiều triết lý nhân sinh đầy ý nghĩa. Những chiêm nghiệm, suy tư, đánh giá về con người, về cuộc đời từ việc đánh cờ được Nguyễn Tuân thể hiện đậm nét trong một vài tác phẩm. Trong truyện Ngôi mả cũ, nhân vật thể hiện một cái nhìn sâu sắc về nhân sinh, thế sự: “Cậu thua vì đã khinh thường con tốt biên của tôi và để nó lọt qua hà. Rồi lại cho nó nhập được vào cung. Một con tốt lọt qua sông là cái giá trị nó bằng nửa sức con xe rồi. Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế. Tha hồ mà phá phách. Mạng nó đổi lấy quân nào nó cũng lấy làm sở nguyện rồi kia mà” (Ngôi mả cũ, tr. 78). Mỗi con người, sự vật đều có giá trị riêng trong thế giới này. Ý nghĩa triết lý được đúc kết giản dị mà sâu sắc từ chính những thú chơi tao nhã hàng ngày.

Nói đến văn hóa nhân cách, trong Vang bóng một thời không thể không nói đến Chữ người tử tù. Trong tác phẩm này, văn hóa nhân cách của con người được bộc lộ xúc động hơn bao giờ hết, đó là nhân cách thiện lương trong sáng đầy khí phách của nhân vật Huấn Cao, nhân cách đẹp của một viên quản ngục biết trọng người tài và trân quý cái đẹp: “Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đi phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” (Chữ người tử tù, tr. 95). Hai nhân cách tham chiếu và tỏa sáng cho nhau, tôn vẻ đẹp nhân cách cho nhau.

3. Dấu ấn văn hóa sinh hoạt đời thường​

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân cũng nói rất nhiều đến nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt đời thường. Những thú chơi tao nhã, những tục lệ đẹp đẽ đã trở thành nét văn hóa truyền thống mà nhà văn đã hết sức trân trọng miêu tả, thể hiện đậm nét trong những tác phẩm như: Thả thơ, Đánh thơ, Chữ người tử tù, Những chiếc ấm đất, Chén trà sương... Nguyễn Tuân miêu tả những nét văn hóa của một thời đã tàn, một thời đã qua bằng tất cả niềm tiếc nuối, chạnh lòng. Đã từng có một thời người ta say mê thơ phú, thưởng thức thơ phú và xem việc “thả thơ” như một thú vui tinh thần rất đẹp: “Trên mặt nước sông thu, tiếng ngâm của một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn nào” (Thả thơ, tr. 57).

Trong truyện “Chữ người tử tù”, văn hóa truyền thống chơi chữ, say mê thư pháp cũng được Nguyễn Tuân đề cao và thể hiện thông qua việc miêu tả tài năng viết chữ của ông Huấn Cao, cũng như sự say mê, tôn kính của viên quản ngục đối với nét đẹp ở từng con chữ. Tục xin chữ và cho chữ vốn là một nét văn hóa mang đậm truyền thống trọng chữ nghĩa của người Việt Nam. Viên quản ngục trong tác phẩm này cũng là người biết trọng, biết quý cái đẹp, và ông khát khao muốn duy trì truyền thống văn hóa trọng chữ nghĩa từ bao đời nay: “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời” (Chữ người tử tù, tr. 94). Chính tấm lòng tha thiết với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã khiến nhà văn không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc về một nét văn hóa cổ truyền rất đẹp đang dần bị mai một, tàn lụi trong thời buổi văn hóa phương Tây đang “xâm thực” mạnh mẽ vào truyền thống văn hóa phương Đông. Trong sinh hoạt đời thường, việc thưởng thức tách trà và ngâm ngợi vài câu thơ đã trở thành một nét sinh hoạt đời thường dân dã của người Việt, có khi được nâng lên thành một nét văn hóa ứng xử đầy tình nghĩa giữa người với người trong cuộc sống đời thường.

Đối với các nhà Nho xưa, trà được xem như một người bạn tâm giao, là thú tiêu khiển lúc thanh nhàn, ẩn dật. Trầm lặng thưởng thức một tách trà cũng là cách để người ta suy ngẫm về cuộc đời, về thế thái nhân tình, buông bỏ những ưu phiền trong cuộc sống.

Trong Vang bóng một thời, nét văn hóa sinh hoạt này được Nguyễn Tuân miêu tả tỉ mỉ từ cách lựa chọn loại trà, lựa chọn nước, đồ dùng để pha trà, và đặc biệt là có những người bạn tri âm để cùng thưởng thức một ấm trà thơm. Dù cuộc sống của họ có cơ hàn, lỡ vận thì các nhà Nho vẫn duy trì nét sinh hoạt dân dã, thanh đạm này trong cuộc sống thường nhật. Đối với họ, việc thưởng trà là một cách để tiêu khiển, nhưng đồng thời cũng là cách để họ thể hiện một phong cách sống rất riêng và độc đáo: “Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ” (Những chiếc ấm đất, tr. 50). Trong một truyện khác, Nguyễn Tuân thể hiện cách nhân vật thưởng trà cũng tinh tế, cầu kỳ: “Cả ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm” (Chén trà sương, tr.110). Uống trà cũng là một cách “vận động thần khí để tiết ra ngoài những cái nặng nề trong cơ thể, đón khí lành của trời đất”, mà để có một ấm trà thơm hương vị của đất trời, cụ Ấm đã chăm chút làm bằng cả cái tâm từ chọn nước, đun nước đến pha trà. Lúc thưởng trà là lúc cụ Ấm chiêm nghiệm suy tư về thế thái nhân tình, là cách thể hiện một nét văn hóa ứng xử đầy tinh tế, thi vị: “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý” (Chén trà sương, tr. 108). Còn cụ Sáu trong truyện “Những chiếc ấm đất” nghiện trà tàu nhưng lại rất kén chọn nước dùng để pha trà. Cụ khăng khăng phải xin cho được nước giếng của nhà chùa ở đồi Mai xa làng nửa ngày đường gánh về mới chịu pha trà. Cụ Sáu tâm sự với nhà Sư: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng nhà chùa đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà” (Những chiếc ấm đất, tr. 50). Trong Vang bóng một thời, người đọc dễ dàng nhận thấy nét văn hóa sinh hoạt rất đẹp của các nhà Nho xưa, đó là văn hóa thưởng thức ngâm vịnh thơ ca. Trong các dịp đối ẩm, hoặc lúc thanh tịnh họ thường ngâm ngợi những câu thơ đầy ý vị để bộc bạch tâm sự, hoặc là để thư giãn cho tinh thần. Nét văn hóa của sinh hoạt này có lẽ được tiếp nối từ truyền thống ngâm vịnh thi ca khởi nguồn từ Tao đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XV. Văn hóa thưởng thức ngâm vịnh là thú vui tao nhã của các nhà nho trong các dịp năm hết tết đến: “Mấy cụ đều khen lẫn nhau là thơ hay. Trong cái êm ấm của chiều xuân sớm, tiếng ngâm thơ quyến rũ cả đến tâm hồn một người lão bộc. Bõ già, chiều mồng một tết tự nhiên mặt sáng tỏ hẳn lên. Cái đẹp của tiệc rượu ngâm thơ lây cả sang người bõ” (“Hương cuội”, tr. 88). Trong sinh hoạt hàng ngày, có những nhà Nho lại chọn ngâm vịnh như là một thú tiêu khiển không thể thiếu để vui thú cảnh điền viên: “Sáng nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kỳ diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết ra hết ngoài những cái nặng nề trong cơ thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm và một phép vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh” (Chén trà sương, tr. 109)

Lối uống rượu thưởng hoa của ông cụ Kép với mấy người bạn già tâm giao cũng rất cầu kỳ, lạ đời, độc đáo; uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha, rồi ướp với hoa lan ủ kín trong lồng bàn phất giấy, khi cuộc rượu bắt đầu, mở lồng bàn ra thì mùi hương lan dìu dịu bay tỏa vào không gian. Các cụ vừa thưởng rượu, vừa thong thả ngâm thơ trong một không khí đầm ấm, thanh lương: “Rồi mỗi chén rượu ngừng là một bài thơ ngâm trong trẻo. Cứ thế cho tàn hết buổi chiều” (Hương cuội, tr. 88). Họ uống rượu để suy ngẫm, để thưởng thức cái dư vị nhàn tản, thanh đạm của cuộc sống. Việc uống rượu ngâm thơ cũng là một thú vui truyền thống của các nhà Nho xưa.

4. Dấu ấn văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật​

Tiếp cận tác phẩm từ góc độ văn hóa học hướng đến khai thác những giá trị văn hóa được biểu hiện trong tác phẩm qua hệ thống ngôn ngữ, thế giới hình tượng được mô tả. Qua đó, người đọc hình dung được những dấu ấn văn hóa của thời đại. Mỗi tác phẩm văn học được hình thành dựa trên những nền tảng văn hóa lịch sử nhất định. Dựa trên các phương diện như ngôn ngữ, kết cấu, hình tượng nghệ thuật, nhân vật, ngữ cảnh để tìm ra dấu ấn văn hóa của dân tộc, thời đại là một cách tiếp cận có thể bắt rễ sâu vào tác phẩm để giải mã các ký hiệu trong tác phẩm ấy. Ngôn ngữ là một yếu tố nghệ thuật tạo nên phong cách sáng tác riêng của mỗi nhà văn. Tiếp cận thế giới hình tượng trong tác phẩm, người đọc phải từng bước khám phá những vỉa tầng ngôn ngữ để có thể hiểu được ý nghĩa ẩn tàng trong chỉnh thể nghệ thuật ngôn từ ấy. Ngôn ngữ hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa của một cộng đồng nhất định. Người đọc muốn cảm nhận được những giá trị văn hóa ấy cần phải có trí tưởng tượng, sự hiểu biết, sự trải nghiệm văn hóa của cộng đồng ấy. Nhà văn là người thẩm thấu văn hóa thời đại mà họ đang sống. Bằng tài năng sáng tạo, nhà văn sẽ thể hiện được những giá trị văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật để mang lại giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm văn học. Ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt tư tưởng của con người và cũng là đối tượng để người ta khám phá tư tưởng, văn hóa của con người trong các vỉa tầng ngôn ngữ. Ngôn ngữ gắn liền với tư duy, gắn liền với văn hóa của con người mỗi thời đại. Do vậy, “Văn học nghệ thuật tác động tới tư tưởng, tình cảm người đọc không phải bằng lôgic lý trí, bằng ngôn ngữ chính luận mà chủ yếu bằng thi pháp nghệ thuật và ngôn ngữ hình tượng” (Lã Nguyên). Nhà văn xuất thân từ môi trường văn hóa nào ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng dấu ấn từ môi trường văn hóa đó.

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã “phục nguyên không gian văn hóa”, con người văn hóa bằng một sự trau chuốt chắt lọc câu chữ trên từng trang viết. Hà Văn Đức cho rằng: “Nguyễn Tuân kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ cổ xưa với ngôn ngữ hiện đại, sử dụng mặt mạnh của ngôn ngữ nhiều ngành nghệ thuật “để làm giàu có thêm cho ngôn ngữ văn học”. Những trang văn của Nguyễn Tuân cho thấy một tài năng độc đáo trong việc sử dụng, lựa chọn ngôn từ tinh tế và sâu sắc. Ông đã thể hiện sự tài hoa, uyên bác của mình qua việc sử dụng ngôn ngữ trong Vang bóng một thời. Bằng sự am hiểu vốn văn hóa của dân tộc, bằng cách sử dụng từ ngữ đầy tinh tế, ông đã viết nên những trang văn giàu tính tạo hình, sinh động và mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Trong Chữ người tử tù, sự miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và những từ ngữ Nguyễn Tuân lựa chọn để miêu tả góp phần thể hiện rất rõ hoàn cảnh, cử chỉ, dáng điệu bộc lộ được khí chất và tâm trạng của từng nhân vật: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực...” (Chữ người tử tù, tr. 96). Những câu chữ miêu tả đặc sắc đầy đường nét, giàu tính chất tạo hình trên một lần nữa cho thấy: “Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc; đồng thời cũng khẳng định thêm sự phong phú, chính xác về kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội” (Tôn Thảo Miên).

Nguyễn Tuân sử dụng dày đặc những từ ngữ miêu tả, bộc lộ rõ nét vẻ cổ kính, để dẫn dắt người đọc về lại những khung cảnh một thời quá khứ xa xưa. Không khí của một tiệc rượu đậm chất văn hóa của các nhà nho xưa được phác họa qua ngòi bút của ông: “Dứt tiếng cụ Kép, tất cả bốn cụ đều úp lòng tay vào nhau thi lễ và giơ tay chỉ thẳng vào giữa, mời nhau ai cao tuổi xin nhắp chén trước đi. Tiệc rượu bắt đầu. Bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng thèm say lắm” (Bữa rượu máu, tr. 87). Hay trong truyện Chén trà sương, ông mô tả sự chăm chút kỹ lưỡng của cái thú uống trà giữa các bậc hàn nho: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính” (Chén trà sương, tr. 108).

Câu văn của Nguyễn Tuân tạo ra sự khoan thai, đĩnh đạc, thong thả trong giọng điệu khi ông nói về những nét sinh hoạt văn hóa của các bậc nho sĩ. Cấu tạo câu văn của ông thường nhiều thành phần kết hợp với các biện pháp tu từ để tạo nên hiệu quả nghệ thuật độc đáo: “Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc, râu bạc, mặc áo lông trắng, lom khom tỉa những lá úa trong đám lá xanh. Cụ Kép nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý” (Bữa rượu máu, tr. 80). Trong nhiều truyện, Nguyễn Tuân sử dụng câu văn tương đối dài, khai triển nhiều thành phần trong một câu. Ông phát triển câu văn một cách rất tự nhiên, tạo ra sự miên man trong giọng kể. Khẳng định tài năng trong việc lựa chọn ngôn từ, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật đầy giá trị đặc sắc của tác giả tập Vang bóng một thời, Nguyễn Đình Thi đã ca ngợi: “Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy của tiếng Việt Nam và ông làm công việc tạo ra những cái chưa có, sự sáng tạo ấy do tự học, tự tìm tòi trong trường đời, trong ngay nội tâm mình và trong văn hóa dân tộc ta và các dân tộc khác” (dẫn theo Phan Cự Đệ và tập thể tác giả, 2005: 610). Nguyễn Tuân đã lựa chọn ngôn từ thể hiện với một giọng văn rất riêng cho tập truyện Vang bóng một thời, để lại dấu ấn khác lạ trong sự nghiệp sáng tác của ông, và cũng ghi dấu ấn độc đáo không lẫn với bất kỳ giọng văn nào trước và sau ông.

THAY LỜI KẾT​

Có thể thấy, qua tác phẩm Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã miệt mài đi tìm và cố gắng lưu giữ lại nét đẹp trong đời sống xã hội và văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông hướng ngòi bút miêu tả vào những chuyện xưa, về một thời quá khứ để bày tỏ nỗi lòng mình. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Tác giả chỉ định dùng những nét đơn giản để ghi lại mấy cảnh xưa có những tính cách đặc Việt Nam. Cái tiếng vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua mà ngày nay người ta tưởng như còn văng vẳng và thấp thoáng”. Trong Vang bóng một thời, người ta nhận thấy những nét văn hóa truyền thống còn đậm nét của người Việt. Tất cả được thể hiện qua thế giới nhân vật với tiếng nói, dáng điệu, cách ứng xử mang đậm dấu ấn nét đẹp xưa, đúng như Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Vang bóng một thời đã giữ người ta lại với những hình ảnh gần gũi nhất của dân tộc”.

(Trích bài: DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TẬP TRUYỆN VANG BÓNG MỘT THỜI CỦA NGUYỄN TUÂN PHẠM THỊ LƯƠNG - TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 4 (272) 2021| Đại học Bạc Liêu)
 
Từ khóa
bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc câu văn của nguyễn tuân dấu ấn văn hóa nhân cách dấu ấn văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật dấu ấn văn hóa sinh hoạt đời thường dấu ấn văn hóa ứng xử lưu giữ lại nét đẹp trong đời sống xã hội nét văn hóa được phản ánh trong vang bóng một thời ngôn ngữ cổ xưa với ngôn ngữ hiện đại ngôn từ tinh tế và sâu sắc
4K
3
2

Seoul

Thành Viên
29/12/22
11
8
1,000
Xu
43,015
Mình khoái nhất trong Vang bóng một thời của cụ Nguyễn Tuân là hình ảnh "chém" của tay đồ tể. Chém sao cho không đứt hết mà phải còn dính lại chút..

Người viết là nghệ thuật, chém gió là nghệ sĩ ^^

:bigsmile::bigsmile:
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top