Baivanhay Nếu không thể thay đổi được sa mạc, chi bằng biến mình thành một cây xương rồng

Baivanhay Nếu không thể thay đổi được sa mạc, chi bằng biến mình thành một cây xương rồng

"Nếu không thể thay đổi được sa mạc, chi bằng biến mình thành một cây xương rồng". Nêu suy nghĩ của em về câu nói ấy bằng 1 bài văn NLXH
Cay-xuong-rong-2.jpg

Bài làm
Như khối rubik lập diện đa chiều, đa sắc, hiện thực thâm phồn của cuộc sống không ngừng xoay chuyển, khó đoán. Sau mỗi lần rubik chuyển dịch các mặt sẽ là một lần chuyển sắc. Cuộc sống luôn xê dịch, vận động không ngừng, cứ một giây qua đi, thế giới đã có biết bao sự thay đổi. Nếu con người không học cách thay đổi để bắt kịp cái guồng quay vội vã ấy sẽ bị hiện thực khốc liệt quật ngã mà dừng bước và chấp nhận” sự chọn lọc tự nhiên đào thải”? Phát triển là quy luật tất yếu không thể chuyển rời, con người vì thế mà phải học cách thích nghi để khẳng định bản thân trước những xoay vần. Thuở còn non trẻ, tôi chưa hiểu tại sao con người luôn phải thay đổi để tồn tại trong mọi hoàn cảnh sống? Nhưng trong một lần vô tình đọc được câu nói “Nếu không thể thay đổi được sa mạc, chi bằng biến mình thành một cây xương rồng”, tôi thấy mình đã tìm ra cánh cửa để tôi hiểu triết lý cuộc sống ấy. Hoàn cảnh không có lỗi, tất cả ở ý chí của con người có đủ vững vàng và mềm dẻo trong việc thay đổi chính mình để” cộng sinh” cùng nghịch cảnh.
Sa mạc là nơi có khí hậu khắc nghiệt, vô cùng khô nóng, nhiệt độ cao, lượng mưa rất thấp, hầu như các điều kiện thuận lợi để vươn lên phát triển chỉ là con số không tròn trĩnh. Song trên vùng đất cằn cỗi bao quanh bởi những cồn cát ấy vẫn có một loài thực vật sinh trưởng mạnh mẽ đó là cây xương rồng. Nơi khắc nghiệt tưởng như không có dấu vết nào của sự sống nhưng đó lại là nơi lý tưởng cho cây xương rồng phát triển và tồn tại lâu dài. “Chữ nghĩa đâu phải là thứ vật liệu đơ như gỗ đá” ( Đỗ Lai Thuý ), bao giờ nó cũng mang hơi ấm linh hồn, truyền tải một thông điệp nào đó. Câu nói “Nếu không thể thay đổi được sa mạc, chi bằng biến mình thành một cây xương rồng” đánh thức bao suy tư trong lòng người đọc. Phải chăng cuộc sống là một cuộc trường chinh gian nan và chúng ta phải học cách thay đổi chúng mình để thích nghi, bước tới “đích cuối cùng” khi chấp nhận bước trên chặng đường khó khăn ấy? Sa mạc tượng trưng cho những nghịch cảnh ta mà trò đùa của con Tạo luôn đẩy chúng ta vào. Còn cây xương rồng là bản lĩnh tiềm tàng trong con người, khi nó đối diện với nghịch cảnh nhưng không cho phép ta buông vũ khí xin hàng mà bắt buộc phải thay đổi bản thân để sinh tồn trong ngay cả trong môi trường khắc nghiệt nhất.
Có thể bạn chưa biết, các nhà khoa học nghiên cứu ra rằng khi mới xuất hiện trên trái đất, xương rồng là một loại cây yếu ớt, thân mỏng, lá dẹt như loài lá trá. Nhưng qua thời gian, để thích ứng với khí hậu sa mạc khô cằn, xương rồng đã tiến hoá để trở nên thật gai góc như ngày hôm nay. Đó chỉ là một loài thực vật nhỏ bé trong thế giới tự nhiên nhưng lại có khả năng thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh mà có thể sống đạt đến tuổi thọ gần 300 tuổi. Con người cũng phải giống như cây xương rồng ấy, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải học cách sinh tồn và cái giá phải trả đó là thay đổi từ chính bản thân mình. Cuộc sống nghe có vẻ đơn giản vì để miêu tả nó chỉ mất hai từ nhưng để hiểu được chiều sâu bề rộng thì lại là việc không đơn giản. Nó chuyển động liên tục không phải là một hằng số sẽ luôn mang nguyên một giá trị mà nó là giống như phương trình với biến x thay đổi liên tục tại mọi điểm. Con người là một phần của cuộc sống - một chân lý hiển nhiên bất biến. Khi xã hội thay đổi, con người lại chấp nhận bị động đứng yên tại một điểm? Tất nhiên là không? Trong tự nhiên không thay đổi để thích nghi tức là cái chết, điều đó cũng ứng với con người nếu không thích nghi thì cũng là sự huỷ diệt.
Chắc hẳn chúng ta từng một lần nghe đến “triết lý con gián”. Kể từ sau sự kiện tuyệt chủng Tam Điệp-Jura (201,3 triệu năm trước), khủng long trở thành nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt qua kỷ Jura cho đến cuối kỷ Phấn Trắng. Sự kiện Phấn Trắng-Cổ Cận (66 triệu năm trước) làm tuyệt chủng hầu hết các nhóm khủng long. Gián – một loài côn trùng xuất hiện vào kỷ Than Đá, khoảng 354–295 triệu năm trước đây, tức trước cả trăm triệu năm so với khủng long nhưng chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Loài gián có mặt khắp nơi, chúng có thể sống ở đa dạng môi trường kể cả nơi ẩm ướt bẩn thỉu nhất. Nó làm tôi nhớ đến câu nói của Adrian Toh "Không phải kẻ mạnh, hay kẻ thông minh, tài giỏi hơn sẽ là kẻ sống sót, mà là người nào biết thích nghi tốt nhất sẽ sống được” Từ sự tuyệt chủng của loài khủng long và tồn tại của loài gián đã cho chúng ta bài học về sự cần thiết khi sống cần phải linh hoạt thay đổi để phù hợp với dòng chảy cuộc sống. Thích nghi giống như là chìa khoá để nhân loại tồn tại và cũng là thước đo sàng lọc sự sống của mọi sinh vật tồn tại trên thế giới. Hoàn cảnh tác động rất lớn đến tốc độ phát triển của con người. Trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng được đặt trong điều kiện thuận lợi mà chủ yếu sẽ là những nghịch cảnh. Đối diện với hoàn cảnh “hoạ vô đơn chí”, ta chỉ có thể học cách tự giải quyết vấn đề. Một lần, hai lần và nhiều lần khác, khó khăn vẫn đến nhưng chúng ta không còn sợ hãi hay hoang mang như lần đầu đối diện. Ta bình tĩnh tìm hướng giải quyết, xoay chuyển cục diện bất lợi thành ưu thế, khó khăn thành bàn đạp tiến lên. Đó chính là lúc ta đã thích nghi cùng “nghịch cảnh”. Thích nghi gắn liền với sự vươn lên của nhận thức, thay đổi trong hành động không bao giờ đồng hành với cam chịu nỗi đau và những tổn thương. Tôi nhớ đến vũ công ballet nổi tiếng của Nga - Anna Pavlova. Mỗi lần biểu diễn trên sân khấu là mỗi lần Anna Pavlova khổ sở vì đau chân, vì thế bà đã sửa giày của mình bằng cách đệm thêm một miếng da cứng vào đế giày đồng thời đệm phẳng cả bên trong lòng giày. Kiểu giày đó đã giúp giải phóng cảm giác đau đớn từ bàn chân và giúp bà thuận lợi hơn trong xử lý các động tác để phát huy sự sáng tạo trong biểu diễn. Nữ hoàng sân khấu kịch của xứ sở bạch dương không để những hạn chế từ đôi giày ngăn mình tỏa sáng. Chính câu chuyện của nàng Anna Pavlova đã cho tôi nhận thức xác đáng nhất : thích nghi với nghịch cảnh không phải chỉ là chấp nhận sống chung với nó mà tìm cách khắc phục. Nếu cứ chấp nhận để nỗi đau đi kèm coi đó là sự “thích nghi” thì mãi mãi không thể nào thoát ly khỏi thử thách của hiện thực tàn nhẫn mà càng tự nhấn chìm mình vào đầm lầy của những giày vò.
Lật lại những trang sử của nhân loại, có một vị minh quân lỗi lạc của Nhật Bản - thiên hoàng Minh Trị. Ông được coi là người đặt nền móng cho sự phát triển thần kì của Nhật Bản. Nhìn thấy tình hình của đất nước đang ngày lạc hậu, đời sống nhân dân rơi vào khó khăn. Ông đã thực hiện cuộc cải cách theo xu hướng tư bản chủ nghĩa và thay đổi bộ máy nhà nước. Nhờ sự canh tân và đường lối chính trị đúng đắn của nhà cầm quyền Minh Trị. Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ trở thành nước thuộc địa và vươn lên phát triển mạnh mẽ. Chính ông đã tạo nên bước chuyển mình vượt bậc cho xứ sở phù tang để sau này trở thành cường quốc thuộc top đầu thế giới. Sự thay đổi để thích nghi với tình hình hiện tại của đất nước không chỉ mang đến lợi ích cho Thiên Hoàng mà còn là sự phồn thịnh của một đất nước. Thay đổi để thích thích nghi chính yếu tố then chốt để cả một xã hội vươn lên, một đất nước phát triển khẳng định được dấu ấn trên trường quốc tế. Quay trở về dòng chảy lịch sử nước ta, có thể thấy để có được thành công của cách mạng tháng Tám khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đều có sự thay đổi linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của tình hình thế giới. Từ đó, đưa ra khẩu hiệu, nhiệm vụ trực tiếp và phương pháp đấu tranh để giành lấy những điều kiện có lợi nhất cho cách mạng. Nếu không thay đổi theo từng giai đoạn, liệu Cách mạng toàn thắng có đến với chúng ta hay mãi mãi là một nước không thể thoát khỏi “xiềng xích nô lệ”? Tầm quan trọng của sự thay đổi với hoàn cảnh là không thể phủ nhận được. Đặc biệt là đặt vào hiện tại 2021 - “sống chung với lũ - covid 19”. Chúng ta phải thay đổi mọi thứ : lối sống, cách sinh hoạt đặc biệt là giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Vừa chống dịch vừa tăng gia sản xuất có hiệu quả. Ban đầu còn nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian thay đổi để thích nghi ta đã có những kết quả tích cực có thể coi là bước đầu của chiến thắng với đại dịch toàn cầu này. Một triết gia tôi vô cùng ngưỡng mộ từng đúc kết lại rằng “Sinh vật sống sót trên quả đất này không phải sinh vật khỏe nhất hay thông minh nhất mà là sinh vật ứng phó với biến đổi giỏi nhất”! . Chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh nhưng có thể “cải biên” chính mình để phù hợp với điều kiện sống mỗi ngày luôn xoay theo các chiều hướng khác nhau.

Nếu có người chống lại cái lẽ dĩ nhiên của cuộc sống “ thay đổi để thích nghi” họ sẽ trả giá như thế nào? Một bài học thực tế trên thương trường từ “ông lớn” đồng hồ Thuỵ Sĩ. Đồng hồ Thụy Sĩ từng chiếm tới 50% thị phần đồng hồ thế giới vào thập niên 70 , Nhưng với sự ra đời của đồng hồ điện tử, thị phần của đồng hồ Thụy Sĩ ngày nay chỉ còn 2%. Thời gian như câu trả lời tàn nhẫn nhất cho những ai luôn giữ khư khư cái cũ vốn không còn phù hợp với thời đại tất yếu sẽ bị đào thải nhanh chóng và biến mất. Dường như “thích nghi” đã trở thành điều thiết yếu và tất yếu nhưng quan trọng hơn hết là cách ta thay đổi để thích nghi như thế nào. “Thay đổi” phải là sự biến đổi bắt nguồn từ cái gốc là bản thân đó chính là cái tôi mang màu sắc cá nhân. Vì cuộc sống mà mất đi bản sắc mình vốn có, đánh mất giá trị ban đầu thì liệu sự “thích nghi” đó có đáng cho chúng ta đánh đổi ? Đó không phải biến đổi để thích nghi mà chỉ đơn giản cho mình một chỗ đứng “tạm bợ” nhìn qua vỏ bọc rất an toàn nhưng lại xuất hiện quá trình bào mòn “cái tôi” từ bên trong. Thay đổi thích nghi là điều cần thiết nhưng nó phải được phát triển từ giá trị riêng của mình. Đánh mất nó ta chỉ như “ngọn cỏ đầu tường”, mọi thay đổi đều chỉ là “gió xoay chiều”, cố gắng thích nghi theo cách ấy chỉ là làm những việc làm vô nghĩa.
Nói về thích nghi, tôi nhớ ngay đến câu nói của nhân vật Hải Lan trong bộ phim mình yêu thích “Người ta thường nói ngọn cỏ mạnh mẽ mới có thể sống được trong gió bão. Nhưng ta không tin. Bởi vì chỉ có ngọn cỏ mềm mại biết biến hoá mới không bị cơn gió xé nát”. Khi bão đến mang theo sức hủy diệt khủng khiếp, kẻ cả những cây cổ thụ lâu năm có bộ rễ bắt sâu vào lòng đất cũng có thể bị đốn hạ nhưng cây liễu trong gió thì không như vậy. Nó uyển chuyển nhịp nhàng theo từng làn gió và an toàn vượt qua cơn bão. Nghịch cảnh khó khăn không phải lúc nào đối đầu cũng sẽ thành công, đôi khi nó còn giống như “trứng chọi đá”. Ngược lại, nếu ta sống cộng sinh với nó, sự sống sẽ được nối tiếp lâu dài. Dù hoàn cảnh đưa đẩy ra sao chúng ta vẫn tồn tại.
“Chúng ta không thể nắm giữ được chiều dài sinh mệnh, nhưng chúng ta có thể mở rộng được chiều ngang của sinh mệnh. ( Khuyết danh ). Tuổi trẻ không đo đếm bằng tuổi tác mà bằng những trải nghiệm. Tôi thấy mình đủ lớn để nhận ra rằng việc duy nhất chúng ta phải làm đừng quá cố chấp giữ lại “cái cũ mèm như trái đất”, “F5 bản thân” thường xuyên và liên tục để hoà hợp với tốc độ phát triển của thế giới. Bạn sinh ra để tồn tại vươn cao lên những “nấc thang” danh vọng không phải sự xuất hiện nhạt nhoà rồi biến mất trong kẽ hở thời gian vô định khi mình không thể dung hoà với cuộc sống này. “Hòa nhập không hòa tan”- tôi xin chọn phương châm ấy làm kim chỉ nam để sự thay đổi của mình không bao giờ sai hướng.
Một nhà văn người Nhật đã từng nói “Nghệ thuật sống là phải thay đổi để thích nghi với môi trường”. Lời khẳng định ấy có chút mơ hồ với tôi cho đến khi tôi đọc được dòng chia sẻ đầy tâm tình “Nếu không thể thay đổi được sa mạc, chi bằng biến mình thành một cây xương rồng”. Giữa dòng đời chảy trôi, biến chuyển nhanh chóng, lúc lên cao, lúc lại rơi xuống, bạn chọn làm con tằm tự phong bế mình trong cái kén an toàn hay là một con tắc kè luôn thay đổi sắc màu của cơ thể theo môi trường để sinh tồn?
Xanh lá Hoa Mát-xa Phiếu quà tặng (1).png
 
Từ khóa
hoàn thiện nhân cách hồn trương ba hồn trương ba da hàng thịt kịch dài hiện đại linh hồn và thể xác lưu quang vũ nhà soạn kịch nổi tiếng nhu cầu tự nhiên và nhân cách nlxh sự thích nghi triết lý sống truyện cổ dân gian tư tưởng triết học vở kịch của lưu quang vũ đấu tranh trong bản thân mỗi con người
683
0
1

Ngu Van

Thành Viên
19/8/19
119
90
27,994
Xu
935,256
Các từ khóa được tag không có trong bài thì em tag làm gì thế?

Tag từ không liên quan nội dung khác gì treo đầu dê bán thịt..
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top