Ngẫm về cách dùng thành ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp"

Ngẫm về cách dùng thành ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp"

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Cái nết đánh chết cái đẹp, câu nói này khi nhắc tới, 90% chúng ta đều sẽ nghĩ tới nghĩa của nó để ca ngợi việc rèn giũa tính nết, đề cao vẻ đẹp tâm hồn hơn vẻ ngoài. Trong trường hợp này, câu tục ngữ có nghĩa tương tự với câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Phân tích kĩ lưỡng câu tục ngữ, ta thấy có 2 vế cái nết – cái đẹp được đưa ra làm bàn cân so sánh. Nếu so sánh thông thường thì giữa 2 đối tượng này sẽ cần từ ngữ so sánh, từ chỉ phương diện so sánh, nhưng ở đây lại hoàn toàn không có, mà chỉ có động từ “đánh chết”. A đánh chết B. Đánh, động từ này cũng chia ra làm nhiều cấp độ, trong đó đánh chết là cấp độ cao nhất, thể hiện sự thắng thế hoàn toàn của vế A (tức cái nết). Ngày trước, các cụ nhà ta (cha ông thế hệ trước) coi trọng cái nết một cách tuyệt đối, thể hiện quan điểm bằng một câu tục ngữ có ý khẳng định rõ ràng. Cái nết, cái đẹp, chứng tỏ cuộc chiến giữa hai đối tượng này đã có từ xa xưa.

4798

Ngày nay, khi mà cái đẹp có lợi thế lớn trong tất cả các ngành nghề, công việc. Hướng tới cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp hình thể, cái đẹp bên ngoài, thì cụm từ khẳng định tuyệt đối “đánh chết” còn dùng hợp không? Tôi sẽ không kết bằng câu: ngày nay khi sắc đẹp bên ngoài ngày càng được coi trọng thì câu thành ngữ càng đúng, càng nên được vận dụng. Nói như thế thì quả thực có chút sách vở và không thực tiễn. Và, thử hỏi, câu tục ngữ này được vận dụng thực tế như thế nào, mấy ai còn dùng được nó. Bởi vì có hai đối tượng nhạy cảm nhắc tới ở đây : cái nết – cái đẹp, tại sao lại nói nhạy cảm? Bởi vì, trước một cá nhân nào đó gặp sự không may do hình thức bên ngoài đem lại, có thể nói là không đẹp, xấu, thì người ta mới nói câu tục ngữ này nhằm an ủi. Thử hỏi, ai mà thích nghe câu an ủi này, hóa ra là mình xấu nên người ta mới khen mình đẹp tâm hồn. Chứ thử mà muốn khen vẻ đẹp tâm hồn thì đã dùng : “Ôi chao, người đâu mà đẹp người đẹp nết”. Được nghe câu này mới mát lòng mát dạ. Xã hội ngày nay, khi mà vẻ ngoài được chú trọng: dễ kiếm việc hơn, làm lương cao hơn, ưu tiên nhận việc hơn… thậm chí còn có các dịch vụ làm đẹp, phẫu thuật thẩm mĩ, dạy cách make up rộng rãi, phổ biến. Chả thế mà người ta truyền tai nhau: Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp. Vậy thì, câu tục ngữ này không lẽ chỉ còn dùng trên sách vở, xuất hiện ở câu chữ, trong các bài văn mẫu để khen tâm hồn người phụ nữ mà không còn dùng trong hội thoại hàng ngày ư?

Lật ngược vấn đề, chúng ta không dùng nó để khen tâm hồn được nữa thì có thể dùng để “chê” tâm hồn, chê cái nết của ai đó được không? Giả dụ có một anh chàng L nọ rất đẹp trai, nhưng luôn có những hành động “thấp EQ”, sau đó anh ta trở thành ca sĩ, có rất nhiều antifan do việc nói năng vạ miệng, hành xử kém tinh tế với đồng nghiệp, giả dối... Có một bình luận đã hỏi tôi rằng: Anh L này cũng đẹp trai, xinh xắn, múa cũng đẹp nữa sao lắm anti vậy? Trong trường hợp này, tôi đã nói: vì cái nết đánh chết cái đẹp. Cái nết của anh L tệ tới mức mà vẻ đẹp bên ngoài có lộng lẫy cũng không kéo được sự yêu thích của người khác với anh ta. Tôi nghĩ, thời hiện nay, thành ngữ “cái nết đánh chết cái đẹp” này, dùng để khen thì người được khen không vui, thiết nghĩ dùng nó để chê thì hẳn là hợp lí hơn.

Kết bài, sau một hồi bàn về cách dùng thành ngữ, tôi thấy vẫn nên nói năng “sách vở”, “văn mẫu” để nói về chuyện cái nết. Đúng vậy, khi mà tất cả chúng ta đều sùng bái, theo đuổi vẻ đẹp bên ngoài, và một lúc nào đó, ai ai cũng đều đạt tới độ đẹp đồng đều, thì cái nết sẽ trở thành thước đo để đánh giá hơn kém một người. Anh X, anh Y đều đẹp, vậy anh nào tốt tính hơn thì sẽ đáng mến hơn. Nghe đúng nhưng mà buồn. Lẽ ra cái nết phải trở thành một thứ đồng đều, sau đó vẻ ngoài mới thành tiêu chí phụ thì thật đáng buồn thay mọi thứ đã đảo ngược lại. Cái nết hay tâm hồn con người mới là thứ căn cốt giữ cho xã hội phát triển theo hướng tốt đẹp. Bộ mặt là côn cụ, là cái kiếm cơm còn tâm hồn mới giúp chúng ta hòa hợp chung sống cùng phát triển bền vững, đi xa trong tương lai. Câu tục ngữ các cụ dạy không hề sai, nhưng ứng dụng như thế nào thì còn tùy trường hợp mà hiểu nghĩa. Tiếng Việt chúng ta phong phú mà giàu đẹp, tưởng khen mà chê, tưởng chê mà khen, vẫn cứ cần một "tâm hồn đẹp" để "lựa lời mà nói" đúng không các bạn.

Các bạn nghĩ sao về vấn đề “cái đẹp – cái nết” ở thời đại đang sống? Hãy cùng bình luận nhé.

- Phong Cầm -​
 
Từ khóa
cách dùng thành ngữ cái nết đánh chết cái đẹp cái đẹp tâm hồn tốt gỗ hơn tốt nước sơn vẻ bề ngoài
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top