Nghệ thuật trong bài Hầu trời

Nghệ thuật trong bài Hầu trời

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định

Tìm hiểu về một tác phẩm không thể không nhắc tới những nghệ thuật sử dụng trong bài thơ đó để thấy rõ tài năng của tác giả trong việc vận dụng thể thơ, biện pháp tu từ, ngôn ngữ để truyền tải cảm xúc, lí tưởng. Cùng xem bài viết Nghệ thuật trong bài Hầu trời - Tản Đà để khám phá sâu hơn về tác phẩm.​

Nghệ thuật trong bài Hầu trời.png

I. Đặc sắc nghệ thuật ở bài thơ Hầu Trời của Tản Đà

1. Hầu trời tuy vẫn dùng thể thơ thất ngôn cổ điển nhưng Tản Đà đã có ý mở rộng biên độ thành “trường thiên”. Khi in bài thơ lần đầu, nhà thơ ghi dưới tên bài là “Điệu thu thuỷ” và chú thích ở dưới: “Thu thuỷ” là nước mùa thu, mùa thu nước lũ chảy thật mạnh, gỗ, bương, củi, sậy cùng trôi, không có kĩ luật nào (Còn chơi). Đúng như lời giải thích về điệu thơ, toàn bộ bài thơ chảy trôi theo một mạch thơ vô cùng phóng túng, có cảm giác không hề bị câu thúc bởi vần điệu và niêm luật; ngôn ngữ và hình ảnh cứ thế tuôn trào một cách tự nhiên theo dòng cảm xúc. Chính nguồn cảm hứng mới mẻ của Tản Đà đã kéo theo sự biến đổi tự bên trong của thể thơ, làm điệu thơ mang một sức sống mới.

=> Thể thơ trường thiên tự do

2. Giọng kể dí dỏm, hài hước, phá vỡ sự trang nghiêm của thơ cổ điển; ngôn ngữ sống động, đem vào thơ một hơi thở cửa đời sống thông tục rất thú vị. Bài thơ hấp dẫn ngay từ những lời mở đầu: Đêm qua chẳng biết có hay không... - Thật được lên tiên - sướng lạ lùng. Sự dí dỏm nằm trong những câu thơ kiểu văn nói: Đương cơn đắc ý đọc dã thích - Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi; Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!;... trong những lời đối thoại nôm na mà hóm hỉnh: Nhờ Trời văn con còn bán được - Chửa biết con in ra mấy mươi?; Chư tiên ao ước tranh nhau dặn - “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”,... Giọng thơ ở đây biểu lộ sự vui vẻ thư thái ung dung của thi nhân. Vừa là người kể vừa là nhân vật chính trong câu chuyện, nhà thơ nhập vai rất thoải mái, nói năng trào lộng như ở nhà tạo cảm giác chôn thiên đình là nơi quen thuộc, người tiên hầu như cũng là chỗ bè bạn của nhà thơ. Đó cũng là một trong những biểu hiện của cái “ngông” Tản Đà.

=>- Ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi nhưng có sự chọn lọc tinh tế. Cách kể chuyện hóm hỉnh, sống động

II. Biện pháp tu từ trong bài Hầu trời​

- Điệp ngữ: “Thật”,…
- So sánh:

“Khi văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”,…


- Nhân hoá:

“Trời nghe hạ giới ai ngâm nga,
Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà!
Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng
Có hay lên đọc, Trời nghe qua.”


III. Phân tích nghệ thuật của Hầu trời - Tản Đà​

Tản Đà dấu gạch nối, bản lề khép mở giữa hai giai đoạn văn học Việt Nam. Ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, phong phú trên nhiều thể loại. Tác phẩm của ông thể hiện cái tôi vừa lãng mạn, bay bổng vừa ngông nghênh. Chính những yếu tố đã tạo nên dấu ấn riêng biệt cho thơ văn Tản Đà. Hầu trời có thể coi là một trong những tác phẩm hay nhất, kết tinh giá trị nội dung, nghệ thuật của Tàn Đà.

Cách Tản Đà mở đầu tác phẩm của mình hết sức đặc biệt:

“Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên sướng lạ lùng.”


Câu thơ đầu tiên là nỗi băn khoăn hết sức chân thật, liệu đêm qua có là thực, hay chỉ là hư. Hỏi đấy rồi để câu thơ 2,3,4 ông đã tự trả lời cho chính những băn khoăn ấy: Tản Đà khẳng định giấc mơ đêm qua bằng cách phủ định liên tiếp, từ “thật” được lặp lại bốn lần: thật hồn, thật phách, thật thân thể, thật được lên tiên để nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc mà đêm qua chính ông đã được trải nghiệm, đó là nỗi “sướng lạ lùng”. Đây chính là cách Tản Đà dìu dắt người đọc vào thế giới mộng tưởng, vào giấc mơ đêm qua của ông.

Trong đêm trăng thanh gió mát, giữa lúc canh ba yên ắng, tĩnh mịch, Tản Đà nằm buồn uống nước và ngâm văn thì bỗng thấy có hai cô tiên xuống đón ông lên trời. Chuyện dường như hoàn toàn hư cấu, khó lòng có thể tin được nhưng bằng cách giải thích dí dỏm, hài hước, Tản Đà đã khiến cho lí do đó trở nên chân thực, đồng thời còn khẳng định được tài năng của bản thân: “Trời nghe hạ giới ai ngân nga/ Tiếng ngân vang cả sông Ngân Hà/ Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng/ Có hay lên đọc, Trời nghe qua”.

Trước sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của thiên giới, thi sĩ hăng say thể hiện bản thân:

“ Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi”


Và ông tự lên tiếng khẳng định, tự khen tài năng văn chương của bản thân “văn dài hơi tốt”, “văn đã giàu thay lại lắm lối”. Ông khẳng định tài năng của bản thân không chỉ ở phần nội dung, nghệ thuật mà văn chương còn đồ sộ về số lượng, phong phú về thể loại. Trước tài năng của Tản Đà ai nấy đều cảm thấy vui sướng, hạnh phúc: Trời “lấy làm hay” “bật buồn cười”. Các vị chư tiên “nở dạ” (sung sướng), “lè lưỡi” (thán phục), “chau mày” (suy ngẫm), “lắng tai” (chăm chú), “cùng vỗ tay” (tán dương), ao ước mong mỏi sở hữu những bài thơ bài văn ấy. Và họ tranh nhau dặn:

- “Anh gánh lên đây bán chợ Trời”

Những lời tán dương, ngợi khen của các vị chư tiên lại một lần nữa khẳng định tài năng của Tản Đà:

“ Nhời văn đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết.”


Hàng loạt hình ảnh so sánh đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất: sao băng, mây chuyển, tinh như sương, đầm như mưa sa, lạnh như tuyết, đã diễn tả những vẻ đẹp đa dạng, phong phú trong thơ văn Tản Đà. Đồng thời cho thấy niềm sây mê ngưỡng mộ của họ đối với thi nhân. Niềm đam mê văn chương đã xóa nhòa khoảng cách giữa một người trần mắt thịt với những người của nhà Trời. Dường như đến với nghệ thuật, chính cái hay, cái đẹp là sợi chỉ kết nối những tâm hồn nghệ sĩ với nhau, giữa chiếu văn chương không còn người nhà Trời với người trần, không còn người bề trên với kẻ bề tôi, mà chỉ còn quan hệ giữa tác giả và độc giả.

Đoạn thơ đã cho người đọc phần nào thấy được con người của Tản Đà, ông là một người tự tin, kiêu hãnh với tài năng của bản thân, ông ý thức được giá trị của chính mình. Nhưng đồng thời cuộc vượt thoát lên chốn tiên giới này cũng cho thấy sự cô đơn, lạc lõng của ông với cuộc đời. Ông khao khát tìm được tri âm để có thể thấu hiểu tất thảy những tâm tư, tình cảm của mình. Đây đồng thời cũng là khát vọng chung của những người nghệ sĩ đương thời.

Sau khi đem tài năng thể hiện cho mọi người, Tản Đà đồng thời cũng đem những tâm sự rất thực chia sẻ với Trời cùng các chư tiên: “Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó/ Trần gian thước đất cũng không có”. Cái ông có chỉ là “một bụng văn” nhưng lại bị o ép nhiều chiều: thuê giấy mực, in, lại thuê cửa hàng, hao công tốn của những văn chương hạ giới lại rẻ mạt, “Kiếm được đồng lãi thực rất khó” “Làm ăn quanh năm chẳng đủ tiêu”. Câu thơ đậm cảm xúc ngậm ngùi, nghi ngại về sứ mệnh của kẻ cầm bút. Để rồi sau đó, Trời đưa ra những lời động viên hết sức chân thành: “Thôi con cứ về mà làm ăn/ Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết”. Lời động viên cũng chính là lời tự an ủi chính mình và các văn sĩ cùng thời. Đoạn thơ này lại cho thấy cái “ngông” trong con người Tản Đàm tự tin, kiêu hãnh về giá trị của bản thân đồng thời ông cũng có ý thức trách nhiệm với cuộc đời.

Bằng thể thơ thất ngôn trường thiên, với ngôn ngữ trong sáng, giọng điệu tự nhiên Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện cái tôi của bản thân. Đó là cái tôi : ngông ngạo, phóng túng, tự ý thức sâu sắc về tài năng, giá trị đích thực của mình, khao khát được khẳng định giá trị của mình trước cuộc đời.

Xem thêm các bài viết liên quan tới bài Nghệ thuật trong bài Hầu trời:
Phân tích bài thơ Hầu trời - Tản Đà

Cảm nhận cái “tôi” độc đáo trong bài thơ "Hầu trời"
 
Từ khóa
biện pháp tu từ trong bài hầu trời nghệ thuật trong bài hầu trời phân tích nghệ thuật của hầu trời thể thơ trường thiên tự do đặc sắc nghệ thuật ở bài thơ hầu trời
446
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top