Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, được nhận biết bằng nhiều dấu hiệu khác nhau. Bên cạnh các yếu tố như tiểu sử, nghề nghiệp, đặc điểm về số phận, tính cách... thì tên gọi là một dấu hiệu, nếu không nói là dấu hiệu nhận biết đầu tiên. Nguyễn Nhật Ánh trong các tác phẩm viết về thiếu nhi của mình, ông đã xây dựng nên hệ thống những nhân vật vừa phong phú, đa dạng nhưng lại độc đáo,ấn tượng khiến bạn đọc nhớ mãi về nhân vật ấy như một người bạn. Vậy, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng nhân vật như thế nào, hãy cùng xem bài viết này nhé.

1. Cách đặt tên nhân vật

Trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, tên gọi các nhân vật hết sức ấn tượng. Tên các nhân vật dễ nhớ và đầy màu sắc hài hước, thường được cấu trúc theo kiểu: Tên chính + biệt danh: Quý ròm, Tần ghẻ (Kính vạn hoa), Hải cò, Tí sún (Cho tôi đi một vé tuổi thơ), Suku biết tuốt, Steng rác rưởi (Chuyện xứ Langbiang). Có khi, nhân vật chỉ được gọi bằng biệt danh như: thần đồng toán học, thằng ròm (chỉ Quý ròm); bộ từ điển biết đi, nhà thông thái mang kính cận (chỉ nhỏ Hạnh); nhóm tứ quậy (Lâm, Quới Lương, Quốc An và Hải quắn); băng đô-mi-nô chuyên đi trấn lột đồ của học sinh gọi nhau bằng biệt danh Bò Lục, Bò Trổng, Bò Tứ; “thằng thỏ đế” để chỉ Duy Dương (Kính vạn hoa); “chủ nhân núi Lưng Chừng” để chỉ giáo sư Ako Nô, “giáo sư lãng quên” để chỉ đại phù thủy Păng Sur và cùng với đại tiên ông Mackeno, cả ba hợp thành “tam tiên”, “sát thủ ngày thứ ba mươi” là chỉ sứ giả thứ ba của trùm Batsu có thói quen trước khi hạ sát ai sẽ nặn tượng người đó và gửi cho họ trước ba mươi ngày để “chuẩn bị tinh thần”, “người con gái cài hoa đỏ” để nói về hộ pháp Balikem của trùm Batsu (Chuyện xứ Lang Biang); chú cún Bêtô gọi người bạn Binô là “nhà hiền triết” hay “nhà thông thái” (Tôi là Bêtô). Các biệt danh ấy có thể xuất phát từ đặc điểm ngoại hình, tính cách hay một sự tích nào đó gắn với nhân vật, ví như Tiểu Long, thân hình phải gọi là “đại” Long mới xứng đáng, nhưng bạn bè gọi như vậy để chỉ cậu có võ thuật giỏi như huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, thằng Tắc Kè Bông tức thằng Bông bị gọi như vậy vì mỗi lẫn tức giận thì mình mẩy nổi từng vạt đo đỏ trông hệt như con tắc kè, gọi là thằng Dế Lửa vì nó đánh nhau còn ghê hơn cả Dế Mèn (gợi nhớ đến nhân vật Dế Mèn trong Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài), Quý còn được gọi là “thi sĩ Bình Minh” để đối lập với Lâm “thi sĩ Hoàng Hôn” sau trận so tài làm thơ (Kính vạn hoa)... Nhưng tất cả là để tạo cho nhân vật một nét riêng phân biệt với các nhân vật khác hoặc giúp độc giả có ngay những hình dung ban đầu về nhân vật hoặc tạo sự tò mò về nhân vật, một cách gây sự chú ý khiến độc giả không thể rời mắt khỏi mắt khỏi nhân vật. Đôi khi cách gọi nhân vật bằng biệt danh cũng khiến cho hình ảnh nhân vật trở nên gần gũi, thân mật hơn cũng giống như những người bạn thân thiết gọi tên nhau, vừa dễ nhớ, vừa dễ thương, gây ấn tượng, hứng thú cho các bạn trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm lí trẻ em.

Tên nhân vật, ngoài ý nghĩa định danh, bao giờ cũng bao hàm một lượng thông tin nhất định về thái độ, tình cảm của nhà văn đối với nhân vật. Thái độ, tình cảm ấy, dù tích cực hay tiêu cực, đều là tín hiệu dẫn người đọc thâm nhập vào thế giới bên trong của hình tượng. Trong truyện Chuyện xứ Lang Biang, Nguyễn Nhật Ánh đã đặt tên cho nhân vật của mình những cái tên độc đáo theo tên những món ăn, đồ uống, tên xửa hàng cửa hiệu, tên sách, bùa chú... Đặc điểm này cho thấy rõ màu sắc Việt Nam trong tác phẩm của nhà văn bởi chỉ có tiếng Việt mới tạo ra được những cái tên lí thú như vậy. Trong tâm lí tiếp nhận chung, người Việt gần như mặc định những gì liên quan đến phù thủy đều thuộc về phương Tây, do vậy nhà văn đã hạn chế tối đa những tên riêng mang màu sắc phổ biến ở Việt Nam như Quý, Hạnh, Long, Nguyên, Kim, Tam... mà chủ yếu sử dụng cái tên mang màu sắc dân tộc “lạ mắt” với số đông và màu sắc sắc phương Tây. Nguyễn Nhật Ánh rất tài tình khi “gài bẫy” độc giả ở các tên riêng trong tác phẩm, những cái tên nghe có vẻ rất tây, nhưng đọc kĩ sẽ thấy đó là cụm từ có ý nghĩa vô cùng hài hước: Đại tiên ông Mackeno (tức mặc kệ nó), có em trai tên Macketa (mặc kệ ta), tên các thuộc hạ của trùm Batsu mang đầy “ẩn ý” như sứ giả thứ ba là Baltalon (banh ta lông), tả hộ pháp Balibia (ba li bia), hữu hộ pháp Balikem (ba li kem); tên cảu các nhân vật hành nghề kinh doanh trong thế giới phù thủy cũng rất thú vị: chủ tiệm cầm đồ là lão Lomcom (lôm côm), chủ cửa hiệu Thất tình là lão Seradion (xê ra đi ông), chủ quán Bánh nhớ dai là mụ Gian (gian), chủ cửa tiệm Bay lên nào là mụ Kibo (ki bo), chủ tiệm Những dấu hỏi là lão Luclac (lục lạc hoặc lúc lắc), chủ cửa tiệm Cái cốc vàng là hai vợ chồng lão Bebet (be bét). Tên giáo viên trường Đămri cũng đầy ấn tượng: thầy Haifai (hai phai, hai phái trong một cơ thể, thầy và vợ sống chung trong một thân xác) dạy lớp Cao cấp 2, thầy Hailixiro (hai li xi- rô) dạy lớp Cao cấp 1, cô Cafeli Chil (cà phê ly), cô Kemli (kem ly), pháp sư Lăk (lắc) làm việc tại phòng y tế. Tên học sinh trong trường và các nhân vật khác: Hailibato (hai lu ba tô), một cậu học sinh béo không kém gì thầy Hailixiro là Diradivo (đi ra đi vô), Bolobala (bô lô ba la), Bố của Mua ông Pirama (pijama), lão quản gia của họa sĩ Yan Dran có tên Imđi (im đi) vì câu cửa miệng lão dùng để nói với cậu con trai nghịch ngợm của Yan Dran luôn là “Im đi”, ca sĩ La Lênđi (ca lên đi), ba Ka Lên (ca lên) là mẹ của K’Brăk và cháu của bà Ka Lênđi, nhà tướng số Lunlun Sai (luôn luôn sai), thợ uốn tóc Y Conma (y con ma), lão Daoto (dao to hoặc đao to) chủ lò mổ thịt, khách hàng của tiệm Những dấu hỏi là bà Homhem (hom hem), lão Lonton (lon ton)...

Những cái tên đầy ấn tượng, cần người đọc giải mã là một trong những yếu tố dù nhỏ bé nhưng quan trọng trong việc góp phần tạo nên sự lôi cuốn với độc giả, đặc biệt là các em nhỏ. Dù là chi tiết nhỏ nhưng càng chứng minh được sự tinh tế của tác giả trong việc sáng tạo nghệ thuật.

2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động
Chẳng ngẫu nhiên mà dân gian Việt có câu “trông mặt mà bắt hình dong”, tuy không hoàn toàn chính xác nhưng trong đa số hoàn cảnh, ngoại hình là yếu tố đầu tiên để đánh giá một con người trong lần đầu tiếp xúc. Cách xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình của nhân vật không phải là mới. Đây là một phương diện cơ bản trong xây dựng nhân vật đã có từ văn học dân gian, được thể hiện khá phổ biến từ văn học thời kỳ trung đại. Nhân vật được nhận biết trước hết qua diện mạo, cử chỉ, sắc phục, điệu đi tướng đứng. Thông qua diện mạo bên ngoài, người đọc dễ dàng nhận biết được phần nào về tính cách, thành phần xuất thân và số phận của nhân vật. Chỉ vài ba nét đơn sơ, dăm ba hàng thật linh động, tác giả đã có thể phác họa nên một chân dung thích hợp cho mỗi vai. Ngoại hình được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đặc biệt chú trọng nhấn mạnh để không nhân vật nào nhầm lẫn được với nhân vật nào, ta gọi đây là cách miêu tả chân dung nhân vật theo hướng cụ thể hóa, cá thể hóa. Giả dụ, nhắc đến Quý ròm là người ta nghĩ đến bộ dạng gầy nhẳng, nhắc đến Hạnh là người đọc mường tượng ngay ra cặp kính cận của nhỏ, còn Tiểu Long thì hiện lên với thân hình khỏe mạnh, cơ bắp, làn da ngăm đen.

Trong bức tranh tổng thể, các nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh thường hiện diện với những điểm nhấn rất riêng, đặc biệt là đối với các nhân vật thiếu nhi. Điểm nhấn trong bức chân dung của nhân vật có thể được gọi tên ngay trong chính việt danh của nhân vật ấy. Sở dĩ nhân vật Quý ròm trong Kính vạn hoa có biệt danh là Quý ròm bởi thân hình của cậu thực sự rất còm. Nguyễn Nhật Ánh đã nhiều lần nhắc lại bộ dạng của Quý ròm trong những tình huống khá hài hước. Khi cậu cố tình ngủ lười mặc cho bà nội gọi dậy, bà đã so sánh thân hình còm cõi của Quý với thân hình to lớn khỏe mạnh của Long (Nhà ảo thuật), hay khi gặp Lâm để hỏi nhà của Quới Lương, Quý đã bị Lâm nói xỏ đến hình dáng “cỏm rỏm còm ròm”. Quý ròm cũng không ít lần than khổ khi phải đối diện với những cuộc đụng độ bất đắc dĩ với Văn Châu (Người bạn lạ lùng) hay “anh của thằng bạn cùng lớp” Lệ Hằng (Gia sư). Hình hài ốm nhách của Quý còn được thầy Đoàn đưa ra làm minh chứng trong giờ Thể dục khi thầy giới thiệu với học sinh về tầm quan trọng của thể dục đối với sức khỏe con người… Đối lập với ngoại hình ốm nhơ ốm nhách của ông bạn ròm thì Tiểu Long lại có thân hình vạm vỡ, cao lớn. Hạnh thì luôn thường thấy với cặp kính to, dày cộp và mái tóc thắt bím hai bên. Thầy Hailixiro trong Chuyện xứ Langbiang được miêu tả với hình dáng bên ngoài quá khổ, phì nộn đến mức cả buổi gần như thầy không đứng lên khỏi ghế lần nào, vì nếu thầy đứng dậy thì sẽ lôi cả cái ghế lên theo. Trái với vẻ ngoài hài hước của thầy Hailixiro thì thầy Haifai lớp Cao cấp 2 lại có bề ngoài làm cho bất cứ ai nhìn thấy thầy cũng vô cùng khiếp đảm, thầy được mô tả “rất giống một con ma cà rồng với cái đầu lưa thưa tóc, hai vành tai đeo khoen bạc, xương trán dồ ra khiến cặp mắt thầy sâu hoắm và tối om, ngó y chang hai đường hầm, mũi thầy gãy khúc như vừa bước ra khỏi một trận đấu quyền Anh và nhất là đôi môi đỏ như thoa son không bao giờ khép kín, bày ra một hàm rang nhọn hoắt như thể ba mươi hai chiếc toàn là rang nanh; đã thế lúc thầy nhịp nhịp tay, tụi nó như phát sốt khi nhìn thấy những móng tay dài ngoằng, cong vút, xanh xanh đỏ đỏ như một mụ đồng ưa làm đỏm” (Pho tượng BaltalonChuyện xứ Lang Biang). Bề ngoài của thầy Haifai đã dẫn đến gây hiểu lầm cho lũ học sinh thầy là người xấu, thuộc phe Hắc Ám. Cô bé Păng tin được miêu tả với lối ăn mặc, kiểu tóc kì cục không giống ai ở thế giới phù thủy ấy. Cậu bé Suku với đôi mắt sáng như sao, thể hiện trí thông minh và tâm hồn trong sáng, trái tim chân thành của cậu bé. Nhiều lần, Nguyễn Nhật Ánh đã diễn tả đổi mắt ấy: “Ánh sáng đã trở lại trong đôi mắt tinh anh của Suku và nó chiếu đôi mắt như sao đó vào mặt bạn; đôi mắt Suku mở to như hai giokt nước nhìn qua kính lúp; ánh mắt Suku văng ra khỏi trần nhà, rớt thẳng xuống mặt Nguyên và cháy bừng lên; đôi mắt sáng của nó lóe lên như hai vì sao; đôi mắt sáng long lanh lăn qua lăn lại như hai giọt nước…”. Mỗi đôi mắt được miêu tả đều là biểu hiện cho một nét tính cách của nhân vật. Vì vậy mà cùng là chi tiết về đôi mắt nhưng nhân vật Baltalon của phe Hắc Ám lại được miêu tả với đôi mắt sắc lạnh của một sát thủ không ghê tay, ánh mắt ông K’Tul thì “lấp lánh một cách đáng ngại”, biểu hiện cho con người không đường hoàng, mưu mô còn đôi mắt thầy hiệu trưởng N’Trang Long có đôi mắc to cồ cộ như lục lạc, chứng tỏ tính tình vui vẻ, hài hước của thầy. Diện mạo nhân vật K’Tul còn gây ấn tượng với người đối diện bằng bội ria con kiến và trang phục đặc trưng là chiếc khăn rằn và đôi guốc gỗ kì dị, thầy hiệu trưởng lại luôn đi chân trần và bộ áo trùng tím, bà Ê mô luôn xuất hiện với cách ăn mặc lịch sự và chỉn chu, thậm chí có phần hơi điệu đà. Cô bé Ê mê có phần giống mẹ ở chiếc mũi hếch. Bolobala luôn được so sánh với hình ảnh con mèo: “Con bé mắt to, lông mày rậm khuôn mặt bầu bĩnh và nom ngộ nghĩnh đến mức ngay lần đầu tiên nhìn thấy, Kăply tự nhiên liên tưởng đến một con mèo khoác áo trùng; Bolobalo cong môi lên như cố giống một con mèo hờn dỗi…”.

Song song với miêu tả ngoại hình, tác giả cũng chú ý tới tô điểm cho chân dung nhân vật bằng những hành động. Hành động nhân vật là khái niệm nhằm chỉ các việc làm của nhân vật. Ðây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, lí tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Hơn nữa, trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện... Thông qua các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật trong những tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật. Bên cạnh việc mô tả những hành động hàng ngày, hành động phát sinh trong từng sự việc thì nhà văn cũng thường tạo hành động quen thuộc cho mỗi nhân vật, tạo thành bản sắc riêng khi nhắc đến mỗi nhân vật đó. Quý ròm mỗi khi lúng túng nó thường khụt khịt mũi, nhỏ Hạnh thì có thói quen vỗ vỗ trán và đẩy gọng kính khi có việc cần suy nghĩ, còn câu nói ưa thích của Tiểu Long khi phát hiện ra vấn đề (nhờ cái đầu của Quý ròm) là “Ờ há”, lúc nó muốn giảng hòa cho những cuộc đấu khẩu trong lớp là “Có gì thì ngồi xuống uống nước ăn miếng bánh”, câu nói này trong nhiều trường hợp cũng thường bị bạn bè đem ra giễu nhại và coi đó là bản quyền của riêng Tiểu Long. Đôi bạn Quý ròm – Tiểu Long gợi liên tưởng đến hai nhân vật Nguyên – Kăply. Nguyên mang dáng dấp của Quý ròm còn Kăply mang dáng dấp của Tiểu Long. Kăply coi Nguyên là “thằng bạn đại ca”, tự thấy mình có “cái đầu cục gạch” nên mỗi lần được Nguyên khai thông cho cục gạch ấy nó lại thốt lên câu nói ưa thích “Ờ há”. Nguyên là đứa thông minh và suy nghĩ chin chắn hơn và mỗi lần cần suy nghĩ nó thường bứt một sợi tóc. Gặp những vấn đề rắc rối, Nguyên thậm chí còn bứt mấy sợi tóc liền mà không để ý. Suku cũng là một đứa trẻ thông minh, được mệnh danh là biết tuốt, nhưng khác với kiểu bứt tóc của Nguyên, mỗi lần suy nghĩ để tìm câu trả lời cho những câu hỏi được các bạn đặt ra cho mình, Suku đều ngước mắt lên trần nhà, thằng Bông mỗi lần nổi giận thì toàn thân nổi từng vạt đỏ như con tắc kè, thằng Dưỡng thì mỗi lần cảm thấy vui vẻ nó lại không kiềm chế được rống to (mặc dù là nó hát) khiến bạn bè phải bỏ chạy,…

Trên đây là biện pháp chung nhất trong việc xây dựng nhân vật. Ngoài biện pháp trên, nhà văn còn có thể khắc họa nhân vật thông qua việc đánh giá của các nhân vật khác trong tác phẩm, thông qua việc mô tả đồ dùng, nhà cửa, môi trường xã hội, thiên nhiên...mà nhân vật sinh sống. Qua việc miêu tả ngoại hình, hành động, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên những nhân vật thật sự sống động, chân thật, góp phần lớn vào thành công của tác phẩm khiến những nhân vật ấy đi vào lòng của mỗi người bạn nhỏ.

3. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm
Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Ðó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí... của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời. Trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, việc thể hiện nhân vật qua nội tâm ngày càng có vai trò quan trọng. Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L. Tônxtôi: “Mục đích chính của nghệ thuật...là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”. Ðể làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật. Thông thường, khi miêu tả hành động nhân vật, nhà văn thường kết hợp với những biểu hiện nội tâm tương ứng vì đằng sau mỗi hành động, bao giờ cũng có một tâm trạng hoặc một động cơ nào đó.

Ví dụ trong tập Bắt đền hoa sứ (Kính vạn hoa), rất nhiều lần Tiểu long lảng tránh việc đụng độ với Tắc Kè Bông, rồi khi bị Tắc Kè Bông khiêu khích đánh nhau khi đi câu cá, Tiểu Long nhận lời ngay vì “Khi nãy nhìn quanh quan sát địa thế, Tiểu Long thấy quãng suối này khá vắng vẻ, một “võ đài” lý tưởng để hai bên có thể tranh tài cao thấp mà không hạ gục Tắc Kè Bông một cách dễ dàng. Nhưng nó lại không muốn bất cứ đứa nào trong xóm chứng kiến điều đó. Thực lòng Tiểu Long chỉ muốn dằn mặt Tắc Kè Bông để nó khỏi tò tò theo quấy nhiễu mình đồng thời gọt dũa bớt thói hung hăng, ưa hiếp đáp người của nó mà thôi. Chứ còn hạ nhục thủ lĩnh Xóm Trên trước mặt thủ hạ là điều Tiểu Long hoàn toàn không muốn”… Quý ròm thấy bạn cứ nhịn nhục thằng Tắc Kè Bông hoài làm nó cũng tức thay, nếu có võ công thật chắc nó đã đánh cho thằng nhóc đó một trận nên thân. Nhưng khi nghe đứa bạn thân của mình – thằng Tiểu Long nói lên nguyên do, Quý ròm cũng đã hiểu ra và từ đó, nó “nhịn nhục” cùng thằng bạn: “Tâm sự của Tiểu Long khiến Quý ròm ngẩn tò te. Cái lý lẽ đơn giản và rõ ràng như vậy mà nãy giờ mải say sưa với chuyện đánh nhau, nó quên nghĩ tới. Ừ nhỉ, thằng Tắc Kè Bông dù gì cũng là con của thím Năm Sang, tức xem như em của Tiểu Long, ngang với thằng Lượm. Tiểu Long ở vai anh, nó đâu thể ra tay đánh nhau với em mình được. Hơn nữa, chú Năm Chiểu là cha kế của thằng Tắc Kè Bông, thím Năm Sang là mẹ kế của thằng Lượm, hai đứa này là hai đứa con riêng, biết tụi nó có hục hặc gì với nhau không, tự dưng nhào vô đập lộn với thằng Tắc Kè Bông không khéo lại sinh ra to chuyện! Ngẫm nghĩ một hồi, Quý ròm dần dần nhận rõ cái thế khó xử của bạn mình”. Chỉ qua một đoạn miêu tả nội tâm của Tiểu Long và Quý ròm, tác giả đã cho thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ của hai đứa trẻ nhất là Tiểu Long. Tuy còn nhỏ nhưng chúng đã có suy nghĩ chín chắn, không vì cái thú nông nổi, hiếu thắng của tuổi trẻ mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của người lớn. Một giây phút kiềm chế được của Tiểu Long ấy cũng là chuyện mà nhiều khi người lớn cũng không làm được. Hay trong tập Cô giáo Trinh (Kính vạn hoa), Nguyễn Nhật Ánh đã tăng cường biểu hiện nội tâm của Quới Lương khi đọc cuốn sổ nhật kí lớp của cô Trinh. Khi nghĩ đến cảnh tình cô Trinh phát hiện ra việc mất sổ sách, nó nghĩ: “Chắc là cô sẽ phát hoảng lên, mặt cô sẽ xanh như tàu lá! Thầy cô giáo không có giáo án cũng chẳng khác nào người lính không có súng, người thợ mộc không có đục, cưa… Hẳn nhiên cô sẽ chạy nhắng lên, sẽ cuống cuồng đập cửa hàng xóm, sẽ rối rít hỏi han người qua kẻ lại và cuối cùng là ôm đầu ngồi ủ rũ bên góc tường”; “Tại cô cả thôi! Ai bảo cô chỉ lo o bế tụi học thêm với cô, bỏ bê những đứa nhà nghèo như mình! Đã thế, cô còn ghét mình đến mức lựa những bài cô biết chắc mình không nắm vững để ra đề thi. Cô làm thì cô chịu, còn biết trách ai!””, khi phát hiện ra cuốn sổ nhật kí: “Hoá ra đây là những ghi chép của cô Trinh về lớp mình!” Quới Lương ngạc nhiên nhủ bụng, rồi nó tiếp tục dòng suy nghĩ trong tâm tưởng: “Hừ, ngay từ đầu năm cô đã "lưu ý" đến mình rồi! Hèn gì!”. Và khi Quới Lương đọc hết cuốn sổ, khi nó vỡ lẽ ra những việc cô giáo đã giúp mình, nó liên tục có những suy nghĩ trong đầu: “Thế ra cô không chỉ tới nhà nó một lần, mà nhiều lần. Và bất chấp tình trạng sức khoẻ kém cỏi của mình, cô đã bấm bụng mở lớp dạy thêm để kiếm tiền âm thầm giúp đỡ mẹ con nó. Cô không muốn nó phải nửa chừng bỏ học và mẹ nó phải buồn lo sầu héo. Trong khi đó, nó lại hùa theo thằng Lâm nói xấu cô, nói xấu chuyện dạy thêm của cô. Tệ hại hơn nữa, nó đã “đền ơn” cô bằng cách lẻn vào nhà đánh cắp toàn bộ những sổ sách quan trọng của cô như một tên lưu manh hạng bét”. Diễn biến nội tâm của Quới Lương là một phần quan trọng để bạn đọc nhìn thấy quá trình thay đổi của nhân vật khi tự nhận ra những sai lầm của mình. Nếu không nhờ diễn biến nội tâm này, khi Quới Lương đến nhận lỗi và khóc trước mặt cô giáo Trinh, bạn đọc sẽ cảm thấy khó hiểu và cái hay của câu chuyện sẽ giảm đi rất nhiều.

Trong Kính vạn hoa ngôi kể là ngôi thứ ba, do vậy hành động và đối thoại thường nhiều hơn những đoạn biểu hiện nội tâm, còn trong Tôi là BêtôCho tôi xin một vé đi tuổi thơ thì tiếng nói nội tâm của nhân vật xuất hiện nhiều hơn, thậm chí dày đặc. Chú chó Bêtô luôn bày tỏ suy nghĩ bên trong của mình về tất cả những gì nó nhìn thấy, và tác giả cũng “tranh thủ” mượn những dòng suy nghĩ ấy để thể hiện những triết lý về con người, về tình bạn, về cuộc sống. Ta rất dễ bắt gặp những đoạn như: “Tôi chẳng hiểu Binô thích tôi ở điểm nào. Binô là một đứa bạn thú vị. Trong khi ngược lại, tôi là một đứa nhạt nhẽo. Có lẽ nó thích tôi chỉ vì tôi thích nó. Con người chắc cũng vậy: đôi khi bạn yêu mến một ai đó đơn giản chỉ vì người đó thật lòng yêu mến bạn” khi Bêtô suy nghĩ về Binô và tình bạn. Rồi chú cún đôi khi lại suy nghĩ về cái tên của nó: “Tôi là Bêtô. Tôi chưa bao giờ tự gọi tên tôi. Hôm nay là lần đầu và tôi ngạc nhiên nhận ra mình tự gọi tên mình rồi lim dim mắt lắng nghe cái âm thanh vừa thân thiết vừa bổng nhiên lạ lẫm đó ngân nga trong tai là một điều vô cùng thú vị”. Hay những đoạn nội tâm của cu Mùi lúc lên tám tuổi về Tí sún, về con Tủn: “tôi sẵn sàng chấp nhận nó làm vợ tôi, chỉ vì nó thích tôi, tôi bảo gì nó cũng nghe răm rắp. Thật lòng, tôi thích con Tủn hơn, vì con Tủn xinh gái nhất xóm, lại có lúm đồng tiền. Nhưng tôi không cưới con Tủn bởi tôi thấy nó cứ hay cặp kè với thằng Hải cò. Sau này tôi biết đó là cảm giác ghen tuông, tất nhiên là ghen tuông theo kiểu trẻ con, còn lúc đó tôi chỉ cảm thấy khó chịu thôi”; “Sở dĩ con Tí sún nằm ngoài kế hoạch hôn nhân của tôi (nếu tôi thực sự có kế hoạch lấy vợ vào lúc tám tuổi) chỉ bởi một lý do đơn giản: con Tí sún là đứa con gái nấu ăn kém nhất trong những đứa con gái mà tôi từng biết và sẽ biết”. Nhờ những suy nghĩ nội tâm ấy mà bạn đọc thấy được cu Mùi là một đứa trẻ con đúng nghĩa, trẻ con thích cái gì hay không thích gì cũng có lí do rất rõ ràng và đơn giản, không phức tạp như người lớn. Thằng cu Mùi không muốn lấy Tí sún chỉ đơn giản vì Tí sún không biết nấu mì tôm, thích con Tủn vì nó xinh gái và chấp nhận Tí sún làm vợ trong trò vợ chồng vì Tí sún rất dễ bảo. Rồi lí giải chuyện nó thích uống nước trong chai: “Chính vì tất cả mọi người đều uống nước trong ly nên tôi mới thích uống nước trong chai. Lý do hết sức đơn giản nhưng tôi chỉ dám nghĩ trong đầu. Tôi không thể nói điều đó ra miệng, e rằng sẽ làm cho mẹ tôi thêm hoảng. Nếu như bây giờ mẹ tôi còn đủ minh mẫn để nhớ lại câu chuyện hồi đó và lặp lại câu hỏi trên kia, tôi sẽ sẵn sàng giải thích cho bà hiểu rằng bọn trẻ con trên thế giới vẫn thích làm như vậy và tất cả những đứa đó chẳng có đứa nào bị điên hết”. Dùng nội tâm để lí giải hành động, sử dụng hành động để làm sáng tỏ nội tâm là một hiện tượng phổ biến trong việc miêu tả nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra tinh tế khi nắm bắt và diễn tả những chuyển biến tâm lí của các nhân vật. Các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không có những diễn biến tâm lí quá phức tạp với chiều sâu suy tưởng, triết lí theo kiểu người lớn nên độc giả hầu như không bắt gặp trong truyện Nguyễn Nhật Ánh những đoạn tự chất vấn, suy tư quá nặng nề.

Việc dùng thủ pháp độc thoại nội tâm là một trong những phương thức hữu hiệu để khắc hoạ tính cách nhân vật. Muốn sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật này, nhà văn cần có sự am hiểu sâu sắc các quy luật tâm lý của con người. Khi nhà văn để cho nhân vật mình độc thoại, nhân vật sẽ bộc lộ suy nghĩ về những vấn đề thầm kín thuộc về bản thân và những người xung quanh. Những suy nghĩ này không phải bao giờ cũng có điều kiện để bộc bạch, tỏ bày. Chỉ khi nhân vật tự đối diện với bản thân mình thì mới bộc lộ. Những suy nghĩ của nhân vật về bản thân, về các mối quan hệ với những nhân vật khác, về những sự việc của quá khứ, hiện tại và tương lai, sẽ giúp người đọc hiểu hơn về nhân vật. Qua việc sử dụng độc thoại nội tâm, nhà văn đã để cho các nhân vật có dịp bộc lộ những góc khuất thầm kín của đời sống tâm hồn, nhân vật trở nên sống động, phức tạp, vì thế trở nên thật hơn, đời hơn. Nguyễn Nhật Ánh đã chứng minh khả năng nắm bắt một cách tài tình những ý nghĩ, tình cảm sâu kín của nhân vật và diễn tả nó một cách sinh động.

4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Định nghĩa ấy ngắn gọn nhất nhưng cũng đã nói lên được vấn đề cơ bản nhất: chất liệu của văn học là ngôn từ. Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu... Ngôn từ trong tác phẩm văn học không phải do nhà văn tự sáng tạo nên theo một kiểu riêng, hoàn toàn độc lập mà thực chất là ngôn ngữ của đời sống đã được lựa chọn và sàng lọc để trở thành ngôn từ của tác phẩm. Công việc của một nhà văn được ví như công việc của một người nông dân đang canh tác trên “cánh đồng chữ nghĩa” hay công việc của một người thợ mỏ đang khai thác những vỉa quặng quý hiếm. Cùng khai thác trên một chất liệu nhưng mỗi nhà văn bằng cá tính sáng tạo của mình sẽ có những cách thể hiện khác nhau, tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của mỗi người. Nguyễn Nhật Ánh cũng đã tạo dựng cho mình một tập hợp các tác phẩm có số lượng khá lớn, đồng thời cũng dần định hình một phong cách riêng. Ở khía cạnh ngôn ngữ và giọng điệu, các tác phẩm truyện của Nguyễn Nhật Ánh nổi bật ở hai đặc điểm lớn là giản dị, trong sáng, gần gũi với đời sống và chất hài hước, dí dỏm.

Ngôn ngữ nhân vật là một phần vô cùng quan trọng góp phần biểu hiện tính cách nhân vật cũng như tạo hấp dẫn cho tác phẩm. Trong hầu hết các truyện của Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ do nhân vật trong tác phẩm của nhà văn đa phần là thiếu nhi, ở tuổi ưa hoạt động, ưa khám phá nên tâm lí, tình cảm đã thể hiện trong lời nói. Ngôn từ dung dị, dễ hiểu, không có chơi chữ thâm ý. Có thể nói, truyện Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện được kể với thứ ngôn ngữ lạ kì, dí dỏm nhưng không hề xa lạ, khó hiểu. Truyện Nguyễn Nhật Ánh thu hút tất cả mọi người một phần do “ngôn ngữ trẻ thơ” tươi tắn đó. Ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chiếm một tỉ lệ khá lớn. Trong những cuộc đối thoại ấy, người đọc bắt gặp những câu nói hết sức đời thường như những câu giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Khi nhắc nhở Quý ròm về việc làm thí nghiệm khoa học, bà đã mắng cậu: “Tổ mẹ mày, súng với chả súng! May mà không banh xác cả lũ”. Trong những lúc tức giận, Nguyên thường mắng Kăply bằng những câu thẳng thừng không nể nang gì, kiểu như: “Thằng ngu! Mày làm trò gì thế hả?” rồi giận dữ rít qua kẽ răng: “Đừng đụng vô nó. Nếu nó thực sự là người của phe Hắc Ám thì tao với mày sắp tiêu tùng rồi đó, biết chưa đồ con lừa!” (Pho tượng của BaltalonChuyện xứ Lang Biang).

Gia tăng lời thoại, giảm thiểu kể, tả, bình luận (hay lời thoại đã bao hàm luôn chức năng kể, tả, bình luận) là một trong những điểm nổi bật ở nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Ý nghĩa của các đoạn hội thoại trong việc phát triển “cốt truyện”, chi phối diễn biến của “chuyện” càng rõ. Ở nhiều truyện, người kể chuyện chủ yếu đóng vai trò tổ chức truyện kể nhờ vào các mẩu hội thoại – hay nói cách khác là kể bằng lời thoại. Tiêu biểu cho kiểu trần thuật đối thoại này có thể kể đến bộ truyện Kính vạn hoa (gồm 54 tập). Đoạn đối thoại giữa Hạnh và Quý trong tập “Cô giáo Trinh” (Kính vạn hoa) dưới đây rất thường thấy:

- Quý và Long có biết tại sao sáng nay cô Trinh trông rầu rầu vậy không?
Quý ròm nhếch mép:
- Chắc tại cô thèm… bò viên.
- Đùa vô duyên! – Nhỏ Hạnh nhăn mặt.
- Có Hạnh vô duyên thì có. – Quý ròm cãi lại – Bọn này nghỉ học gần một tuần, sáng nay mới ló đầu vô lớp, làm sao mà biết được mà Hạnh hỏi?
Nhỏ Hạnh dường như cũng nhận ra câu hỏi cắc cớ của mình, liền mỉm cười làm hoà:
- Ừ hén!


Lời thoại trong truyện Nguyễn Nhật Ánh rất tự nhiên (đến mức hiển nhiên phải thế chứ không thể khác), nhưng lại không thể đoán trước. Tính chất bất ngờ từ tình huống truyện, đến ngôn ngữ, hành động của nhân vật thường là nguyên nhân khiến độc giả lớn/nhỏ đọc Nguyễn Nhật Ánh một cách say mê. Ở nhiều đoạn hội thoại tính chất hài hước được bật ra qua sự kết hợp “tung hứng” giữa lời kể, lời bình luận và đối thoại nhân vật. Như đoạn:

Chuyện tưởng đến đó là xong. Nhưng Hải quắn là đứa được đằng chân lên đằng đầu. Thấy Bội Linh chịu lép, nó càng lấn tới:
- Nhưng giả dụ báo Khăn Quàng Đỏ chịu đăng liền tù tì, Lan Kiều cũng chẳng thể làm mỗi tháng bốn bài nổi!
- Nổi! - Bội Linh đã tính nhịn, nghe vậy liền nghinh mặt cãi lại.
- Không nổi!
- Có học dở như bạn làm không nổi thì có!
Hải quắn nghiếng răng:
- Học dở học giỏi gì cũng làm không nổi!
Bội Linh không chịu thua:
- Cả lớp này có thể không ai làm nổi, nhưng Lan Kiều chắn chắc làm nổi!


Chính vì cuộc đối thoại trên giữa Lâm và Bội Linh lọt vào tai Quý ròm đã khiến lòng tự ái của Qúy ròm nổi lên và nó quyết định làm thơ để cho mọi người thấy làm thơ dễ ẹc (Thi sĩ hạng ruồiKính vạn hoa).

Những đoạn đối thoại (trò chuyện, bàn bạc, cãi cọ…) của các cô cậu học trò hồn nhiên đã góp phần làm nên sức hấp dẫn, hài hước của truyện Nguyễn Nhật Ánh. Thông qua các màn hội thoại, chất hài hước, dí dỏm của truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng được thể hiện rõ nét. Dí dỏm, cười vui nhưng truyện Nguyễn Nhật Ánh không hề suy giảm tính giáo dục, một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị thật sự của truyện thiếu nhi. Bằng những nụ cười, ý nghĩa, “bài học” dành cho trẻ vẫn được thể hiện sáng rõ qua những màn đối đáp của nhân vật, chẳng cần người kể chuyện phải bình luận thêm. Chỉ qua một đoạn đối thoại mà bạn đọc có thể nhận ra tấm lòng thương người và tin tưởng người khác của cô bé Văn Châu:

Cảm ơn em! – Giọng chị cảm kích – Khi nãy nếu em không cứu chị, chị không biết sự việc sẽ ra sao.
- Thôi, bỏ qua đi. – Giọng Văn Châu nhẹ nhàng.
Chị Thắm vẫn cố phân trần:
- Chị thấy gia đình ta giữ gìn đồ đạc rất kĩ nên chị không dám hỏi mượn. Nhưng chị không có ý đánh cắp. Chị chỉ định bụng âm thầm mượn con búp bê về cho bé Thảo chơi vài hôm rồi lén trả lại chỗ cũ. Ngày mốt là sinh nhật của nó, chị chỉ muốn cho nó vui mấy hôm thôi.
(…)
- Chị cứ đem về cho bé Thảo chơi đi!
- Nhưng em tin là chị không cố ý đánh cắp chứ? – Chị Thắm vẫn chưa hết băn khoăn.
- Em tin.
- Em tin là sau ngày sinh nhật của con gái chị, chị sẽ tự động đem con búp-bê trả lại chỗ cũ chứ?
Văn Châu dịu dàng:
- Tất nhiên chị sẽ làm thế.
Mặt chị Thắm tươi lên:
- Cảm ơn em


Việc khám phá ra bộ từ điển ngôn ngữ trẻ em và ngôn ngữ loài vật, có lẽ, chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong văn của Nguyễn Nhật Ánh mà thôi. Trong truyện Tôi là Bêtô, hai chú chó Bê tô đã nhận ra cuốn từ điển “trẻ con – người lớn”, giống như từ điển Anh – Việt hay Pháp – Việt vậy.

Đại khái nó sẽ như thế này:
- Mẹ ơi, con nhức đầu.(có nghĩa) Mẹ ơi, con muốn nghỉ học sáng nay.
- Mẹ ơi, hôm nay tháng mấy rồi?(có nghĩa) Mẹ ơi, sắp đến sinh nhật con rồi đó.
- Mẹ ơi, ngày mai trời có mưa không hở mẹ?(có nghĩa) Mẹ ơi, ngày mai dẫn con đi siêu thị nha mẹ
.
- Câu này nữa, chị Ni rất hay dùng, nhất là khi trò chuyện qua điện thoại hay chat qua internet: Bạn chờ tôi chạy đi uống nước chút nha. - Nghĩa là: Tôi phải đi toilet!

(Chương 29 – Tôi là Bêtô)​

Rồi những tiếng meo meo rù rù của mèo Gấu qua tài năng của tác giả đã biến thành những bài thơ tuyệt hay. Chắc hẳn mỗi bạn đọc sẽ cảm thấy thích thú qua việc dịch một ngôn ngữ mèo thành ngôn ngữ người trong Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Trong truyện Chúc một ngày tốt lành, thằng Cu và đám Lọ Nồi đã cùng nhau sáng tạo nên bộ từ điển mới: “Thú – Người” làm khuấy động xóm làng, địa phương lẫn cả truyền hình quốc gia (trong truyện) và chắc hẳn cũng tạo nên một phong trào “con người chào nhau bằng tiếng thú” cũng sôi nổi không kém trong thế giới trẻ em – những “fan” của Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn từ điển đó có thể được dịch ra như sau:

Un un gô - Gô un un có nghĩa là Chào buổi sáng
Chiếp un un? = Anh có khỏe không?
Un un - chiếp un un? = Tôi khỏe. Còn anh?
Un un. = Khỏe ạ.
Un gô gô. = Chúc ngủ ngon.
Ăng gô gô. = Chúc một ngày tốt lành.
Chiếp chiếp gô. = Cảm ơn.
.........


Là một tác giả miền Nam viết truyện nên ngôn ngữ trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mang rất rõ màu sắc địa phương. Có thể liệt kê hàng loạt những từ địa phương trong tác phẩm của ông như : muỗng canh, càm ràm (càu nhàu), phăng ra (tìm ra), bá láp, chỉ, ảnh, ổng, bả. xớ rớ, banh ta lông, cà lăm, xụi lơ… (Chuyện xứ Lang Biang) ; ớn, rầu, lính quýnh, thẩu thủy tinh, thí mồ, rảy cánh tay, đui, hách xì xằng, trờ tới, trớt quớt, thảy, xài xể, cọng thun,… (Kính vạn hoa). Sự xuất hiện các từ ngữ mang màu sắc địa phương trong tác phẩm truyện Nguyễn Nhật Ánh không làm cho độc giả trên mọi miền đất nước cảm thấy khó chịu hay khó hiểu bởi thứ “gia vị” này, “người đầu bếp tài ba” Nguyễn Nhật Ánh đã nêm rất vừa phải, tạo cho tác phẩm sức hấp dẫn riêng, mang lại âm hưởng lí thú cho bạn đọc. Bên cạnh đó, cách sử dụng từ ngữ của nhà văn cũng giàu hình ảnh, sinh động khác thường. Quý ròm sở dĩ không kèm cặp Tiểu Long thành công là do nó sử dụng triệt để “phương pháp quát tháo”, khiến cho “cái mầm hi vọng của Tiểu Long vừa nhú lên chưa kịp đâm chồi đã nhanh chóng bị ông thầy của mình vùi dập tơi tả” (Ông thầy nóng tínhKính vạn hoa). Những câu văn trở nên sinh động hẳn bởi cách sử dụng từ độc đáo của tác giả: Ngày hôm sau, Hải cò cầm chai nước qua nhà tôi, mặt hiu hiu tự đắc; Tôi chí thú sưu tập hết điểm 10 này đến điểm 10 khác và ngày ngày sung sướng bơi trong những tiếng trầm trồ của tụi bạn; con Tủn và Tí sún lếch thếch lôi nhau tới, mặt mày nhàu nhò như quần áo vừa lấy vô từ dây phơi; Câu nói của con Tủn ghim chặt tôi xuống ghế… (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Cơn mưa quát tháo, bọn trẻ đã tiêu nhẵn đến gam nhẫn nại cuối cùng, bộ mặt nhão nhè nhão nhẹt của Ê mê, câu nói đột ngột bị rơi mất khúc sau… (Chuyện xứ Lang Biang). Trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh cũng xuất hiện khá nhiều thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ đã một lần nữa minh họa cho ngôn ngữ mang tính đời sống trong tác phẩm của nhà văn. Ngôn từ phong phú, cách sử dụng hiệu quả đã khiến cho tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có sức hút mạnh mẽ, các nhân vật không chỉ còn là nhân vật trong tác phẩm, sống trong trang sách nữa mà trở nên chân thật như con người ngoài đời thực. Điều đó chứng tỏ vốn từ giàu có và tài năng của một nhà văn lớn.

Điểm hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh còn ở giọng điệu. Giữa rất nhiều cây bút tài năng trong văn học thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh có một giọng riêng làm nên phong cách. Đó là giọng dí dỏm, hài hước. Ở bất cứ truyện nào, người đọc cũng dễ nhận ra chất “humour - trẻ - con” mà nếu không hoá thân, không một người lớn nào có thể “nhại giọng”. Tác giả sử dụng rất nhiều yếu tố để tạo nên giọng điệu hài hước cho tác phẩm như cách đặt tên nhân vật, đồ vật, tên các loại bùa chú, các loại sách hay môn học ở thế giới phù thủy trong Chuyện xứ Lang Biang; cách sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt, đặt câu, cách nhìn nhận vấn đề hoặc tạo tình huống…tất cả tạo nên không khí vui vẻ cho các tác phẩm của nhà văn. Giọng điệu hài hước trong truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng có nhiều cung bậc và sắc độ khác nhau. Có khi là nụ cười tủm tỉm của nhà văn ẩn sau câu chữ khi viết về những rung động ban đầu của tuổi mới lớn, những biến đổi về mặt tâm lí khiến mỗi nhân vật tự ngạc nhiên về sự thay đổi của chính mình, sự ngại ngùng phải tìm cách che giấu hoặc có những hành động ngây ngô rất đáng được cảm thông như khi Kăply dán nhầm “bùa gây gổ” thay cho “bùa yêu”, Quý ròm ngẩn ngơ trước đôi mắt to và đen lay láy của nhỏ Muội Muội mà quên mất mình đang là “thầy giáo” hỏi bài của hai học trò. Có khi những câu văn, hình ảnh trong tác phẩm khiến cho độc giả phải bật cười như khi chứng kiến đám học sinh của trường Đăm ri trở thành nạn nhân như thế nào khi sử dụng “sản phẩm pháp thuật cao cấp” của thằng bé Suku, các sản phẩm ấy “cùng lắm chỉ làm cho nạn nhân của nó u đầu, bầm mặt, cháy trụi hết lông mày hay mọc thêm một cái tai là cùng”; những lúc mà đám trẻ tranh cãi với nhau hay chuyện Quý ròm lôi sở thích bò viên của nhỏ Hạnh ra trêu chọc… Người đọc cũng có thể bật cười khi qua mỗi tác phẩm được nhìn thấy những câu nói, những hành động ngây ngô mà ngày xưa mình cũng đã từng trong đó.

- Phong Cầm -
Bản quyền thuộc về Văn học trẻ
 
Từ khóa
miêu tả ngoại hình nhân vật nghệ thuật biểu hiện nội tâm nghệ thuật xây dựng nhân vật ngôn ngữ và giọng điệu tên nhân vật truyện thiếu nhi nguyễn nhật ánh đối thoại độc thoại
4K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top