Nghị luận về quan điểm:" Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống".

Nghị luận về quan điểm:" Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống".

Bài làm:
“Thơ là tiếng lòng”, là dấu ấn tư tưởng tình cảm riêng của người nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ là thư kí trung thành của trái tim. Thơ xuất phát từ tấm lòng, tâm hồn người viết. Các tác giả gửi gắm tới độc giả những gì mình tâm đắc nhất, rung động mãnh liệt nhất và kí thác vào thơ. Chính vì vậy, khi bàn về thơ và đặc trưng thơ, Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”.
Ý kiến trên là lời khẳng định về thơ: “Thơ là…”. Vậy thơ là gì? Thơ là phương thức trữ tình ghi lại tâm hồn, tư tưởng tình cảm sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất của người nghệ sĩ qua hệ thống ngôn từ nghệ thuật. Cách nói khẳng định đã lí giải thơ “là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn”. Nguyễn Đình Thi đã đề cao tính cần thiết nhất của thơ là tình cảm, cảm xúc. Đứng trước hiện thực xã hội, nhà văn chỉ viết những gì đập vào trái tim mình mạnh nhất, nhiều rung cảm nhất. Nhận định trên xuất phát từ đặc trưng của thơ. Nếu “ngôn từ là tiếng nói thứ nhất của văn học” thì “thơ là tiếng nói đầu tiên của tâm hồn” người nghệ sĩ bởi thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Tác phẩm ra đời đánh dấu những tình cảm cháy bỏng của người nghệ sĩ trước hiện thực. Không có tác phẩm văn chương nào, đặc biệt là thơ ca lại được viết lên bởi một trái tim lạnh lùng vô cảm. Đó là đặc trưng thơ về nội dung tư tưởng. Người thi sĩ phải có những rung cảm nồng nhiệt và cháy bỏng mới đốt cháy được trái tim người đọc, để độc giả cũng rung động với người nghệ sĩ. Nhà thơ không thể sáng tạo ra thơ từ một tâm hồn, một tình cảm hời hợt, lạnh lẽo.
Thơ xuất phát từ tâm hồn tình cảm và đó “phải là tình cảm chân thật.” (Viên Mai) Từ hiện thực cuộc sống, mỗi nhà thơ có những trải nghiệm riêng, tình cảm của riêng mình để viết nên những bài thơ hay, có nội dung độc đáo. Nội dung ấy trong thơ thể hiện tư tưởng chủ đề của người nghệ sĩ gửi đến các thế hệ bạn đọc. Xuất phát từ tình cảm nhưng thơ phải gắn với hiện thực cuộc sống thông qua cái nhìn đầy rung động của người nghệ sĩ. Mục đích lớn nhất của thơ ca nói riêng và văn học nói chung là nhận thức, khám phá bản chất thực sự của con người và cuộc sống. Lí luận văn học hiện đại đã khẳng định: văn học dù hoang đường kì ảo, viễn tưởng đến đâu cũng hướng đến hiện thực của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và qua từng thời đại. Nếu không gắn với hiện thực, thơ ca và văn chương chỉ còn là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, không thể thực hiện chức năng cao cả là “nghệ thuật vị nhân sinh” của nó nữa. Bởi vậy một tác phẩm thơ phải vừa là tiếng nói của tâm hồn tình cảm, tư tưởng mà người nghệ sĩ gửi gắm, vừa thể hiện sâu sắc, chân thực hiện thực của cuộc sống. Như vậy nhà thơ mới có được tác phẩm nghệ thuạt chân chính, làm rung động bạn đọc.
Là nhà tư tưởng, nhân đạo lớn trong văn học trung đại, Nguyễn Du đã đưa vào sáng tác của mình tưởng tình cảm mãnh liệt, làm rung động trái tim người đọc bao thế hệ. “Độc Tiểu Thanh kí” là tác phẩm kết tinh tiếng nói tâm hồn Nguyễn Du trước hiện thực đau đớn của xã hội phong kiến thời bấy giờ. Cảm thương, xót xa cho số phận Tiểu Thanh – người con gái tài sắc, trẻ tuổi mà bạc mệnh, tâm hồn tha thiết đầy tình yêu của nhà nhân đạo chủ nghĩa đã ám ảnh tình cảm, tư tưởng người đọc suốt bao thế hệ.
Đại thi hào Nguyễn Du – người có con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ cả nghìn đời đã chứng kiến và đau đớn trước hiện thực xã hội đen tối, đầy bất công đối với những kiếp người tài hoa bạc mệnh. Hiện thực cuộc sống đã vùi dập họ, không cho họ có quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc. Đau đớn làm sao cái xã hội bất công đem đến khổ đau cho con người mà đến Trời cũng không thể lí giải:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi)
Thời gian “cổ kim”, từ xưa đến nay, từ quá khứ cho đến hiện tại, những con người tài hoa như Tiểu Thanh không thể tìm được bến đỗ hạnh phúc mà bị đọa đày, chịu đủ những khổ đau ngang trái trong xã hội. Tiểu Thanh vốn là vợ lẽ, mới mười tám tuổi đã phải chôn vùi tuổi xuân trong nơi hoang vu, hẻo lánh trên núi Cô Sơn. Với tài năng văn chương và sắc đẹp của mình, nàng bị vợ cả ghen ghét, đố kị và hãm hại. Hiện thực xã hội tối đen với sự lộng hành của các thế lực độc ác tác oai tác quái. Trong xã hội ấy Nguyễn Du trông thấy những kẻ:
Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc
Mà xé thịt người nhai ngọt xớt

Số phận của Tiểu Thanh đã trở thành một quy luật của bao con người tài sắc khác. Chiều dài thời gian được khái quát bằng những số phận khổ đau nên càng thêm trĩu nặng. Nỗi đau đớn tiếc thương đã kết thành “hận sự” , thể hiện nỗi đau trước con người và hiện thực đã dâng đến đỉnh điểm. Nỗi hận ấy đến Trời cũng không thể lí giải được. Hiện thực tàn khốc của xã hội đã đẩy con người ta đến đường cùng, không thể tim thấy lối thoát, chỉ thấy cuộc đời đầy đau khổ, bi kịch.
Đứng trước hiện thực đau thương, bế tắc ấy, trái tim nhân đạo của Nguyễn Du rung lên từng hồi mạnh mẽ. Tiếng nói của tâm hồn yêu thương, xót xa, cảm thông với kiếp người tài hoa bạc mệnh đã thôi thúc Nguyễn Du cất lên tấm lòng của mình với Tiểu Thanh và với tất cả kiếp người tài hoa bạc mệnh. Đọc “Độc Tiểu Thanh kí”, người đọc bùi ngùi xúc động trước số phận nàng Tiểu Thanh:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)
Cảnh đẹp Tây Hồ mở đầu gợi nhớ đến câu chuyện buồn của nàng Tiểu Thanh. Ngay từ câu mở đầu, tác giả đã hé mở chủ đề tác phẩm là tấm lòng thương người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội xưa. Sự xuất hiện của “thành khư” (gò hoang) thay thế cho “hoa uyển” (cảnh đẹp) đã thể hiện sự biến đổi đến tận cùng của cảnh vật thiên nhiên theo chiều hướng tàn phai, héo úa, nhuốm màu đau thương. Cảnh vật biến đổi và con người cũng vậy. Nàng Tiểu Thanh tài sắc xinh đẹp đã không còn, chỉ để lại duy nhất một tập sách. Các từ Hán Việt “tẫn”, “độc”, “nhất” thể hiện nối đau đớn khắc khoải trong lòng Nguyễn Du trước số phận Tiểu Thanh dù chỉ viếng nàng qua một tập sách trước cửa sổ. Đó chính là tấm lòng yêu thương, xót xa đầy cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du với người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Từ tận đáy lòng ông cất lên những lời thơ ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp ấy:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
Trong xã hôi phong kiến xưa, người phụ nữ được nhắc tới chỉ bằng những nét đẹp hình thức, nhan sắc. Nguyễn Du là người đầu tiên trong văn học trung đại ca ngợi, khẳng định vẻ đẹp ngoại hình lẫn tài năng của người phụ nữ một cách có hệ thống. Từ “chi phấn” khẳng định vẻ đẹp nhan sắc của Tiểu Thanh trong khi “văn chương” lại đề cao tài văn chương nghệ thuật của nàng. Từ Tiểu Thanh, cô Cầm đến Thúy Kiều, Đạm Tiên… trong sáng tác của Nguyễn Du đều xuất hiện những người phụ nữ tài năng và nhan sắc. Ca ngợi vẻ đẹp, xót xa cho số phận, đó thực chất là hai mặt của tình yêu thương Nguyễn Du dành cho người phụ nữ.
Cảm thông, chia sẻ vói Tiểu Thanh, đại thi hào đã nhận ra và tự xót thương cho số phận của mình. Đó là tiếng vọng từ tâm hồn của một con người vướng vào kiếp phong lưu, cô đơn, không tìm được ai tri kỉ:
Phong vận kì oan ngã tự cư
(Cái án phong lưu khách tự mang)
Nguyễn Du nhận ra kiếp “phong vận” của những con người thanh lịch, tài năng mà bạc mệnh. Từ “ngã” đã khẳng định tiếng nói cá nhân của Nguyễn Du trong nền văn học vốn đầy rẫy tiếng lòng “phi ngã”. Điều đó khẳng định bản lĩnh, tài năng của Nguyễn Du. Đến câu thơ này nhà thơ đã đồng nhất thân phận mình với Tiểu Thanh, với kiếp đời tài hoa bạc mệnh, Nhà thơ tự nhận mình cùng hội cùng thuyền với nàng để từ đó tri âm đồng điệu và thấu hiểu. Đây cũng là một khía cạnh của tinh thần nhân đạo, của tiếng nói tri âm, tiếng nói tâm hồn trong “Độc Tiểu Thanh kí”. Cuối cùng Nguyễn Du cất lên lời đau thương xót xa mong người đời sau nhớ tới mình:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
?”
(Không biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Thời gian ba trăm năm là khoảng thời gian rất dài, con người có thể lãng quên đi mọi thứ. Nhưng lúc này, Nguyễn Du mong người đời sau tri âm thấu hiểu mình, cũng như hơn ba trăm năm trước Nguyễn Du đã khóc Tiểu Thanh. Bởi trong xã hội tối tăm bất công ấy ông không thể tìm được người tri âm, thấu hiểu mình. Kết thúc bài thơ là lời ngỏ với khát khao tìm được sự đồng cảm thấu hiểu, gửi niềm tin vào hậu thế.
Nhận định của Nguyễn Đình Thi khẳng định rất đúng về đặc trưng thơ. Nếu không có tình cảm, người nghệ sĩ không thể rung cảm với hiện thực cuộc sống, chính tình cảm của người nghệ sĩ làm nên giá trị tác phẩm. Bên cạnh đó, hiện thực xã hội là vùng đất, là địa hạt để nhà thơ gieo trồng cảm xúc, vun vén tư tưởng và tình cảm để kết tinh tác phẩm hay. Người viết còn cần có tài năng nghệ thuật để tạo nên một tác phẩm đích thực. Đó là đích đến của văn chương nghệ thuật, là mục tiêu người nghệ sĩ hướng tới. Trong sáng tạo nghệ thuật cần bắt rễ từ cuộc sống để sáng tạo tác phẩm gắn với hiện thực và có sự trải nghiệm, rung động thực sự. Người đọc cần hiểu được giá trị, ý nghĩa của hiện thực và thấu hiểu tư tưởng tình cảm trong đó.
Chính tấm lòng - “tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” đã tạo nên giá trị cho “Độc Tiểu Thanh kí”. Tác phẩm giàu giá trị nhân đạo, hiện thực và thể hiện tình cảm của đại thi hào dân tộc.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tái cuộc sống cre:trần thùy'




 
722
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top