Ngõ quê

Ngõ quê

Tuổi thơ tôi gắn bó với những con ngõ ngang dọc ở làng không nơi nào mà tôi chưa lân la tới. Những con ngõ nhà quê, nơi tôi ở khác hẳn với những con hẻm ở phố thị nơi tôi mưu sinh, kiếm sống. Con ngõ ấy không đông đúc, nhộn nhịp, bán buôn ngày đêm những thức quà đắt tiền mà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Một sáng tinh mơ đã vương những dấu chân nhỏ bé cùng nhau rủ nhau đi học trường làng. Rồi chiều về lại cùng nhau lùa bò về sau một ngày mục đồng nơi đồng xa, ruộng cạn. Bao nhiêu vị quê giấu trong chúng tôi thứ mùi quen thuộc mà cứ hễ gặp nơi nào cũng nhớ nhớ, thương thương. Và nó cũng không có thứ mùi đặc biệt giống đô thị mà mỗi khi ngang qua thoảng lên cánh mũi hơi lạ lẫm. Dường như mùi bùn đất thảng vị thanh bình, yên ả, thoải mái, khắc ghi vào lòng lũ trẻ chúng tôi hơn. Tôi thích cái mùi vị ở con ngõ quê tôi trải qua bốn mùa đến dâng tràn.
D7D90BBC-0188-4E7B-A623-8BA3B4F957ED.jpeg

Mùi rơm rạ thơm hương quê rải phơi đầy đường ngất ngây khi nắng trưa chiếu đẫm, bước chân mệt mỏi dậy tuổi thơ của tháng 5 và thơm thơm mùi rơm lúa nếp cái hoa vàng của vụ mùa tháng 10 mỗi năm thi vị biết nhường nào. Hương vị của bao mùa gặt là bấy nhiêu kỉ niệm. Những đống rơm phơi khô chất thành cây giấu nỗi nhọc nhằn khi phơi nắng, chạy mưa rồi có khi ngẩn ngơ nhìn mưa phũ dồn đống che không kịp. Những lúc ấy, như người mất hồn nhìn vô vọng mà oán trách ông trời chẳng thương người nông dân.
Lại được ngửi mùi thơm của vườn cây nhà ai trong ngõ thoảng hương thị chín vàng, từng chùm quả chụm vào nhau lủng lẳng trên cao muốn trèo trẩy quả, cúng cỗ đêm rằm trung thu mà nhớ bà, thương mẹ.
Ngắm chùm hoa bưởi trắng tinh khôi ngát mùi hương mỗi độ giêng hai về bay xa nồng nàn lại nhớ bát chè bưởi nấu với hạt sen bà gửi lại cho con cháu để cập bến bình an thiên cảnh cuối trời.
Lại thoảng mùi ngai ngái, hăng hắc của hàng xoan ngõ nhà ai nở tím, trôi bồng bềnh như mờ sương chẳng làm say khi ong bướm ve vãn mà nhớ mùa xuân thuở nảo thuở nào, trẻ con trong ngõ mang bệnh sởi một thời không quên được.
Chẳng biết những con ngõ này có tự khi nào mà chúng tôi lớn lên đã thấy rồi. Dường như ngõ nào cũng là ngõ đất. Hai bên là những bờ rào, bờ giậu trồng nhiều cây khác nhau trong phần khuôn đất mỗi nhà để phân biệt nhà ông này, bà nọ cho dễ nhớ khi người lớn sai chúng tôi đến đỡ mất công hỏi thăm. Những dấu vết ấy cũng hay hay đối với chúng tôi khi người tận xứ sở nào hỏi thăm để chỉ lối cho nhanh. Chúng tôi quan sát từng chi tiết mỗi con ngõ rồi đặt tên nó với nhà nào nằm đầu tiên khi vào ngõ như ngõ ông Gần, ngõ ông Hoạt, ngõ ông Nhu…Ngõ in dấu bao vui buồn một thuở xa xưa. Dù có đi đâu xa, chúng tôi cũng không bao giờ quên nét giản dị, mộc mạc, gần gũi tình làng, nghĩa xóm. Hình ảnh ngõ quê có thể quẩn quanh trong mỗi giấc mơ nơi sinh sống không phải quê hương mình.
Con ngõ ấy, những ngày hè oi nồng, lũ trẻ chúng tôi, gái trai đánh trần chơi trò chơi trốn tìm, om sòm quên giấc ngủ trưa mà vô tư quá đỗi. Những trận tranh cãi nhau để giận dỗi, hờn trách nhưng khi xa nhau lại nhớ, lại thương.
Con ngõ gợi nhớ những trò chơi dân gian đánh chuyền, đánh chắt với câu vè dễ thuộc không biết ai đã đặt ra. Rải lần mốt, rải lần hai, rải lần ba “ba dây cà, ba dây muống, ba luống cuống, một linh tư”. Đứa nào chơi cũng thuộc làu làu không sót một điệu. Cứ mỗi lần rải chuyền như thế, chúng tôi đưa mắt nhìn cho nhanh, cho tinh kẻo mất lượt. Thắng thua là do chúng tôi quy định, ai thua thì nợ một que kem mút hay quả thị, quả ổi hay quả nhót chua kèm thanh quế khô cay thơm mua vài xu của bà hàng xén bán bên gốc cây bàng đầu làng.
Ngõ quê là những ngày mưa đầu mùa. Khi mưa rào trút xuống, chúng tôi rủ nhau tắm mưa cho rôm sãi lặn bớt đỡ ngứa ngáy bao ngày bắt bà và mẹ gãi đỏ lưng. Mưa rào trút xuống kèm theo giông lốc, chớp rạch xanh lè “xoẹt...xoẹt..xoẹt…” là tiếng rầm vang cứ tưởng giặc Mỹ ném bom một thuở trốn gậm giường. Cả lũ tung ta tung tăng chạy khắp ngõ, rụt mình lại để nước mái nhà tung giọt mưa giội vào tấm lưng trần, nhìn nhau khúc khích, vô tư không biết chán. Mặc cho nước thấm vào người thâm tím bờ môi nhưng cũng chẳng có đứa nào ốm đau gì cả. Vô tư thật!
Ngõ quê là những ngày bé thơ ra đầu ngõ ngóng chờ mẹ đi chợ về mua bao nhiêu quà bánh. Xâu khế ngọt rưng rức vị quê chạm nơi đầu lưỡi nhớ mãi khó quên. Nắm bỏng ngô quết chút mật mía vàng ong gói túi giấy bóng cứ nhớ bàn tay khéo léo của người làm lại bấu víu tuổi thơ, dẫu chẳng no lòng nhưng chứa chất vị ngọt quê hương. Một bao lông gà, lông vịt, dép nhựa...chất gần đụn rơm chờ bà đồng nát đến mua để có đồng xu nhét vào ống tre tiết kiệm chờ tết mua áo hoa, quần lanh khoe bè bạn.
Rồi ảnh hình ấy trôi dần vào quá khứ!
Ngõ quê ngày nay không còn những bờ rào, bờ giậu, hàng xoan tím nữa mà thay vào là những bức tường cao hun hút, nóng bức ngày hè. Ngõ mất đi cơn gió nồm nam bởi nhà cao tầng che chắn. Sự ấm áp ngày đông cũng là điều dễ hiểu, rồi vắng dần những trò chơi dân gian, đêm trăng sáng, tắm mưa đầu mùa núp vào dĩ vãng để tiếp cận những thứ hiện đại hơn. Ai đó đã mang vào ngõ quê trò chơi điện tử làm trẻ con quên việc mục đồng cắt cỏ, chăn trâu, quên lãng việc học hành để bị đòn roi vô cớ? Cuộc sống nơi đô thị đã mon men về từng ngõ quê mà mất đi tình làng xóm. Thi thoảng có việc chẳng quan trọng gì lại vang tiếng hát làm mất đi lời nói mộc mạc, đơn sơ “bác cứ vẽ chuyện, quý hoá quá!”
Vâng, thời thế đâu phải lúc nào cũng ôm ấp ngày xưa. Sự đổi thay là dĩ nhiên. Trong tôi vẫn tiêng tiếc con ngõ ấy dù cho năm tháng đã qua, con ngõ tuổi thơ ôm trọn cả đời người.
Phùng Văn Định
 
Từ khóa
kí ức ngõ quê
434
4
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top