Dự thi Nhà mình - Nguyễn Hoàng Thanh Mai

Dự thi Nhà mình - Nguyễn Hoàng Thanh Mai

“Sau này, tôi nghe ai đó phân loại tình yêu: yêu bằng lý trí và yêu bằng con tim. Với tôi, tình yêu chẳng liên quan gì đến lý trí. Lý trí không biết yêu. Giống như cảnh sát giao thông, lý trí chỉ có nhiệm vụ theo dõi và uốn nắn con tim-với cái còi lúc nào cũng lăm lăm trên miệng. Và con tim, như lịch sử nhân loại đã chỉ ra, lắm khi vượt đèn đỏ hoặc đi vào đường một chiều. Bởi cũng như con người, con tim luôn có những giới hạn. Nó cũng đầy rẫy những lỗi lầm. Nhưng cho dù như vậy, lỗi lầm của con tim là loại lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các loại lỗi lầm mà loài người mắc phải.”
Nhà mình - Văn học trẻ.JPG


Hôm nay, Hà Nội chợt đổ cơn mưa rào, để nhắn nhủ con người ta biết rằng thu qua rồi đông đến, nhân sinh vốn là vòng luân hồi tàn nhẫn, nó chả bao giờ chờ đợi ai. Hôm qua, các trang mạng xã hồi đồng loạt gặp sự cố vào cuối ngày, chắc lại để nhắn nhủ con người ta rằng, ai mới là người ta muốn yêu thương, ta cần liên lạc và ta mong chờ nhất.

Thoắt cái là hai tháng trôi qua, nơi đô thị phồn hoa nới lỏng giãn cách.

Nếu là trước kia, mình hay về chơi vào cuối tuần rồi ngủ lại một đêm. Nhưng giờ dịch bệnh sao mà tàn nhẫn quá, cuộc trò chuyện ngắn ngủi thấp thỏm vài phút thôi mà hai bên đầu dây cứ vọng qua lời nức nở, có lẽ mình không thể gọi nhiều, một vì bận, một vì sợ mong, một lại vì nhà mạng tính cước cao quá, mà ông bà mình nào có biết sử dụng điện thoại thông minh bao giờ!

Hai tháng ở nhà trôi qua như vậy đấy! Nó dịu êm nhưng man mác buồn, tựa hồ cái cảm giác mở cửa sổ ra nhìn xuống phố, thành phố đã lên đèn, không xồ bồ vồn vã nhìn khiến lòng người gợn sóng lăn tăn. Biết bao nhiêu lần, là một lần hay là một trăm lần, mẹ mình ngồi bó gối mơ màng, thẫn thờ mà tự hỏi bao giờ mới được phát lương? Biết bao nhiêu lần, là một lần hay là một trăm lần, ba mình đi công tác xa gọi về mà hỏi ở ngoài Bắc mọi người có ổn không con? Biết bao nhiêu lần, là một lần hay là một trăm lần, ông bà mình thao thức không ngủ được mà giữa đêm bắc điện thoại rằng, bao giờ mới hết dịch đây?

Phải chăng là do dịch bệch, khi hiểm họa cận kề, con người ta bỗng nhạy cảm và cẩn trọng hơn trong lời nói, trong suy nghĩ và trong cả hành động. Người ta mường tượng về tương lai nhiều hơn bao giờ hết, đó là sự cộng hưởng nhịp nhàng của lắng lo và sợ hãi. Dẫu thế nào đi nữa, có một điều không thể phủ nhận, cho đến cùng, nỗi trăn trở trải qua đêm dài rồi bỗng nhiên cũng được trải chuốt nhẹ như chiếc tơ hồng. Đó phải chăng là lí do tại sao mà chúng ta luôn chọn một cái nhìn đằm thắm khoan dung nhưng không kém phần sâu lắng cho dòng chảy thời thế đổi thay nhưng không phải là phó mặc cho số phận.

Tiếng cửa cuốn chậm rãi trong màn đêm tĩnh lặng chầm chậm cuộn tròn. Chỉ có bà mình ra đón với sự niềm nở trên môi và cả trên khóe mắt. Các mảng tường đang rộ lên những vết ẩm mốc, trông tựa như những mảng hoa văn xen kẽ xanh lam, xanh dương rồi lại đỏ. Đôi khi là cảm xúc cũng có năng lực chi phối cảnh vật xung quanh.

10 giờ tối, ông bà mình vẫn ngồi ở mép giường chuyển qua chuyển lại mấy bài ca nhạc chán ngắt. Bà hay bảo mình vô tuyến bây giờ buồn cười lắm, nhìn không rõ như ngày xưa, là bà mình đã già mắt kém, hay là thời thế đổi thay. Nghe ngày xưa thì xa quá những cũng gần thôi, chả mấy mà mình cũng gọi ngày hôm nay là ngày xưa mất!

Thế nhưng mà, tại sao con người lại được gọi là con người nhỉ? Chắc vì lòng ta nông sâu hơn nhưng rồi với chừng ấy ngã rẽ trong cuộc đời ta vẫn không ngừng mạnh mẽ. Sự yếu đuối đôi khi sẽ tìm ta trong phút chốc, ai mà chả biết dịch bệnh đáng sợ lắm đúng không? Nhưng mà thế thì sao nào? Khi dịch bệnh chỉ đơn thuần là nỗi đau về thể xác, còn cái đáng sợ hơn là hậu quả trong tinh thần. Thế thì cứ vô tư thôi vì dù ngày mai có đến hay không thì hôm nay mình cũng vui đủ rồi, bạn nhỉ!

Mình còn nhớ lúc ba mình trong Nam gọi điện về báo, ba mình mắc Covid mà vẫn vui tươi. Mình xem báo đài thấy người ta bảo bệnh này nguy hiểm lắm, cơ mà ở nơi đất khách quê người, ba mình vẫn không hề chùn bước. Thế rồi chính những vô tư không chút ưu phiền đã kéo ba mình ở lại, nó như thứ quả ngọt sau chuỗi ngày đắng ngắt, và cũng chính những thử thách chông gai đôi khi lại là bàn đạp để một khi con người có bản lĩnh vượt qua, ta sẽ lại có thêm nhiều sức mạnh.

Con người phi thường lắm! Tuy không phi thường về sức mạnh những chúng ta sở hữu một tâm hồn. Hãy sửa soạn làm sao để không cần khoác lên mình lớp áo giáp dày, ta vẫn vững tin và mạnh mẽ và kiên cường và quyết tâm sống một đời không vô cảm.

Mình biết dòng đời là hữu hạn, và chính sự hữu hạn đã khiến con người ngày một mạnh mẽ và quật cường hơn khi sẵn sàng đứng lên, dùng tấm lá chắn cuối cùng mà che cho những người cùng khổ. Mình biết còn gì đớn đau hơn khi phải trơ mắt nhìn người thân ra đi trước mắt mà đến lời cuối cũng chẳng thể buông. Nhưng ngẫm mà xem, ở tuyến đầu chống dịch, các bác sĩ đã oằn mình mà cứu sống cả nghìn bệnh nhân. Nhìn mà xem, người nhà của họ cũng đau đớn biết chừng nào cơ chứ, khi phải chứng kiến con mình, cha mẹ mình, máu mủ của mình hằng ngày dấn thân vào vực sâu thăm thẳm. Con người dù mong manh nhưng vẫn luôn tồn tại, vì con người có lòng trắc ẩn và biết khoan dung, rồi họ cũng biết nương tựa vào nhau cho qua cơn giông bão bập bùng.

Vào giờ phút sinh tử, hãy lắng nghe trái tim thay vì lý trí, bởi trái tim là mạch đập của tâm hồn, nó biết cảm thông và ngàn lần nhẫn nại.

Thế rồi, chẳng ai có quyền bắt bạn quẳng gánh lo đi mà sống cả. Chỉ là ngay trong tiềm thức, ta cho phép bản thân mình ồn ào thêm một chút, để biết mình không cô đơn, để biết mình còn may mắn hơn bao người, để trải lòng và sống trọn tình vẹn nghĩa, cho một ngày mai thức giấc vẹn tròn, khi mưa đã tạnh và trời đã quang, ta lại hối hả đua theo nhịp sống thấm đẫm yêu đời với niềm tin ngày mai còn mãi.
 
1K
15
10

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top