Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, người viết tình ca lặng lẽ

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, người viết tình ca lặng lẽ

Nguyenmaihoa
Nguyenmaihoa
  • Thành Viên 27 đến từ Hà Nội
Tôi đến thăm nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế vào một ngày cuối xuân. Ông chậm rãi mở cửa đón tôi vào nhà và bảo: “Đợt này thời tiết ẩm thấp, bệnh đau lưng lại tái phát, chẳng ra ngoài, chỉ loanh quanh trong nhà đọc sách, viết được gì thì viết và dạy vài đứa học trò luyện thi”. Suốt mấy chục năm được quen biết, lúc nào tôi cũng thấy nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế nhẹ nhàng, ôn tồn với tất cả mọi người. Người ta vẫn bảo: “Văn là người”. Tôi thì thấy câu này không hoàn toàn đúng. Bởi có nhiều nhà văn, văn với người là hai nẻo riêng biệt. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế thì đúng “văn là người”. Ông Quế ngoài đời và ông Quế trong văn chương luôn là một, đó là sự mộc mạc, chân tình, trong sáng, thủy chung.

4482

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế sinh ra và lớn lên tại làng Bạch Câu, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn. Ngay từ nhỏ ông đã được biết đến là một cậu học trò hiếu học. Học cấp ba ông đã được cử đi thi học sinh giỏi toán và văn toàn miền Bắc. Tốt nghiệp cấp ba, lẽ ra Nguyễn Ngọc Quế được một suất du học nước ngoài nhưng chỉ đơn giản vì mẹ là bà bán cá ở chợ, gia đình bị quy là thành phần tiểu thương nên không được đi. Tình yêu dành cho hai môn Văn – Toán tưởng chừng rất trái ngược nhau ấy luôn luôn song hành với ông từ ấy cho đến nay. Khi đang còn là sinh viên Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh, ông đã có nhiều thơ đăng trên các báo Thanh Hóa và Nghệ An. Ra trường ông trở về quê làm thầy giáo dạy toán ở Trường THPT Lam Sơn. Ông bảo học trò của ông có nhiều người hiện là cán bộ trong các bộ, ngành, địa phương, nhà báo, giáo viên, cũng có người là anh nông dân, người bán cá. Sau này khi có điều kiện gặp lại trò cũ, điều làm ông cảm thấy thực sự vui, hạnh phúc cho nghề giáo của mình là đã góp một phần dạy dỗ những con người đó, nay họ đều đã trưởng thành trên phương diện một con người có ích cho cuộc đời, cho xã hội.

Trong những năm dạy học ở Thanh Hóa, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế đã tham gia công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, với nhiều năm làm Trưởng Ban Thơ. Đọc thơ Nguyễn Ngọc Quế, ta có thể dễ dàng chia ra làm ba mảng đề tài chính. Mảng thứ nhất, là mảng đề tài gắn bó với ông từ thuở ban đầu khi xác định bước vào con đường viết chuyên nghiệp, đó chính là thơ viết cho lứa tuổi mới lớn. Mảng đề tài thứ hai ông viết về quê hương bản quán, tình cảm gia đình. Giai đoạn sau này ông lại thiên về mảng thơ thế sự.

Thành công nhất của nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế đó chính là mảng đề tài ông viết cho lứa tuổi mới lớn. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi ông là người gắn bó với học trò suốt mấy chục năm trên bục giảng. Thực sự những người cầm bút chuyên nghiệp làm thơ cho lứa tuổi này không có nhiều, bởi nó không dễ. Phần lớn là thơ của chính các em tự viết cho mình và cho bạn. Để viết cho lứa tuổi mới lớn tác giả phải hiện thân vào lứa tuổi với những yêu đương kiểu học trò, với những bay bổng lãng mạn trong sáng, hồn nhiên, với những tinh nghịch dại khờ… Minh chứng rõ nhất đó là hiện tượng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chuyên viết cho lứa tuổi mới lớn, khi ông đã khai thác đúng tâm lý lứa tuổi. Đọc thơ Nguyễn Ngọc Quế viết cho các em, tôi cứ hình dung ra một ông giáo hiền từ, yêu thương học trò như chính con của mình, thậm chí còn coi chúng là bạn:

Vòm hoa tím cánh xòe tở mở
Người nói người nghe vòng vo chuyện kể
Răng khểnh cười
Tí tách mưa duyên.

Người đi rồi rối bước đường quen
Nắng bừng đỏ thênh thênh cánh mối
Gió còn hát điều chi bên cửa mở
Răng khểnh ơi?
Cắn chắt hạt mưa nào?

(Tí tách mưa rơi).

Đọc bài thơ này tôi chợt nghĩ, có lẽ nào tác giả đang nhớ lại mối tình thuở học trò của mình chăng. Nói bài này là của tuổi mới lớn thì đúng rồi, nhưng nếu bảo đó là thơ tình người lớn cũng vẫn được. Ở đây bắt đầu có những hình ảnh mang tính trải nghiệm nhưng được thể hiện đầy dễ thương như “Người nói người nghe vòng vo chuyện kể”, “Người đi rồi rối bước đường quen”. Sự tài tình của những câu thơ là chỗ đấy, bởi lứa tuổi này bắt đầu đi qua trẻ con để chuẩn bị thành người lớn. Nhà thơ Định Hải, một tên tuổi chuyên viết cho thiếu nhi, cũng là người buổi đầu dìu dắt Nguyễn Ngọc Quế đến với thể loại thơ này, bộc bạch: “…Dường như có điều gì đó phải kiêng kị, sợ vẽ đường cho hươu chạy chăng. Bởi vậy thơ viết cho thiếu nhi bị đứt đoạn từ tuổi 15 cho đến lúc trưởng thành. Vì lẽ đó con em chúng ta hoặc phải đọc thơ cho nhi đồng, hoặc phải đọc thơ cho người lớn. Trong thực trạng đó, có một nhà thơ say mê viết cho tuổi mới lớn và đã viết thành công suốt 20 năm nay là điều đáng ghi nhận. Tôi muốn nói đến Nguyễn Ngọc Quế, một trường hợp độc đáo của miền Bắc…”. Bởi thế mà Nguyễn Ngọc Quế đã 3 lần nhận giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi của Nhà Xuất bản Kim Đồng, 1 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Chính từ những thành công đó mà Nguyễn Ngọc Quế được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là nhà thơ viết cho thiếu nhi, một lực lượng sáng tác đang còn rất mỏng, rất thiếu.

4483

Các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế.
Mảng thơ người lớn của Nguyễn Ngọc Quế dường như cũng ngày càng thâm trầm, sâu sắc hơn về cuộc đời về nhân tình thế thái. Có những câu thơ của Nguyễn Ngọc Quế khiến người đọc xong không thể không chùng lòng mà ngẫm ngợi. Đó chính là sự dẫn dắt tài tình của người viết:

Một mình một chén này thôi
Ngoài kia rét đậm đầy trời mưa giăng
Chén chờ đặt xuống lại nâng
Người đi núi khuất, gió vần mây bay…

(Ngóng người tận xứ mây vàng).

Sau khi nghỉ hưu, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế ra Hà Nội sinh sống, để được gần gũi với con cháu. Chính vì thế ông có nhiều thời gian giao lưu với bạn bè văn chương hơn. Và hình như đời sống đô thị, đời sống văn chương ở thủ đô cũng có tác động ít nhiều đến sáng tác của ông, với nhiều triết lý và suy tưởng hơn. Ông chia sẻ, trong cuộc đời sáng tác của ông có chịu ảnh hưởng từ hai người, đó là nhà thơ Võ Thanh An và nhà thơ Anh Chi. Nhà thơ Anh Chi thì là bạn thân với ông từ thời thanh niên ở quê nhà. Còn tình bạn với nhà thơ Võ Thanh An đến nay cũng 40 năm. Giờ thì nhà thơ Võ Thanh An cũng đã thành người thiên cổ.

Mấy năm gần đây, thỉnh thoảng Nguyễn Ngọc Quế xuất hiện trên các tạp chí, báo văn không phải với tư cách nhà thơ mà trong vai trò một người viết báo với thể loại chân dung văn học. Nhân vật trong các bài viết đó là các nhà văn, nhà thơ đương thời với ông, có người thân người sơ, có người nổi tiếng có người bình lặng, nhưng họ đều là những người mà Nguyễn Ngọc Quế yêu quý, trân trọng.

Chia tay với nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, tôi ra về với suy nghĩ, thực ra cuộc đời thật đơn giản, tại sao chúng ta cứ phải bon chen, tranh giành hơn thua. Điều quan trọng là anh có được sống là chính con người mình hay không, được làm những điều anh yêu thích, góp cho đời những điều ý nghĩa từng nào vui từng đó. Và tôi tin nhà thơ, ông giáo già đã bước qua tuổi 70 Nguyễn Ngọc Quế đã luôn sống và làm như thế. Bình dị và lặng lẽ góp mật cho đời!

Nguồn: Banluanvanhoa.com
 
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top