Nhà văn Nguyễn Thi, một cá tính văn chương hiếm gặp

Nhà văn Nguyễn Thi, một cá tính văn chương hiếm gặp

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Hầu hết chúng ta đều biết tới Nguyễn Thi qua truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" trong sách giáo khoa. Với những kiến thức về ông trong sách là quá ít ỏi để chúng ta có thể hiểu về tài năng Nguyễn Thi. Bài viết này, PC muốn cung cấp thêm cho các bạn góc nhìn của Phùng Văn Khai về tài năng của Nguyễn THi và những đánh giá hết sức khách quan, đúng đắn về nhà văn tài năng này.

Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh quen thuộc gửi từ chiến trường ra là Nguyễn Ngọc Tấn. Ông sinh ngày 15/5/1928 tại xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, ông xung phong đi chiến đấu cùng một tiểu đoàn pháo binh, tham gia đánh chiếm Sài Gòn và hy sinh trong tư thế một chiến sĩ cảm tử ngày 9/5/1968 tại đường Minh Phụng, thành phố Sài Gòn. Nơi ông hy sinh nay đã được mang tên ông - đường Nguyễn Thi.

Với khoảng hai mươi năm cầm bút, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ với nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký tiêu biểu: Trăng sáng, Đôi bạn, Chuyện xóm tôi, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, Sen trong đồng, Ở xã Trung Nghĩa, Ước mơ của đất và đặc biệt là Người mẹ cầm súng đã chứng tỏ văn tài nổi trội của ông khi viết về chiến tranh.

Từ những sáng tác của Nguyễn Thi, cho thấy một ngòi bút cường tráng, bám sát dân, bám sát bộ đội, bám sát đời sống chiến trường để từ đó khái quát cuộc chiến tranh theo nghĩa chân thực nhất.

Chưa ai viết ồ ạt như Nguyễn Thi. Trong gần hai mươi năm cầm bút, ông đã viết hàng chục tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút về chiến tranh mà sau độ lùi thời gian đã khẳng định một phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi độc đáo đầy sức sống.

Chất lượng, bản lĩnh, sức mạnh nghệ thuật hiện thực của Nguyễn Thi đã làm cho các tác phẩm của ông có sức gợi cảm, sức sống bền lâu trong lòng độc giả. Các nhân vật như chị Út Tịch, anh Phạm Văn Cội, chị Nguyễn Thị Hạnh... sẽ mãi còn lại với thời gian. Số phận đã không cho Nguyễn Thi được nhìn thấy ngày toàn thắng. Tuổi bốn mươi, ông ngã xuống giữa những trang sách bỏ dở. Đó là một mất mát lớn không chỉ của gia đình, vợ con, đồng đội thân thiết với ông, mà là cả văn chương.

Nguyễn Thi có một cuộc đời riêng nhiều biến động, từ một thiếu niên không nghề nghiệp, lang bạt kiếm sống khắp nơi, bắt gặp và được Cách mạng thức tỉnh, đưa vào đội ngũ, trở thành người chiến sĩ cầm súng rồi thành nhà văn là cả một chặng đường, có lúc như là huyền thoại.
Nguyễn Thi - một cá tính văn chương hiếm gặp.png

(Nhà văn Nguyễn Thi, một cá tính văn chương hiếm gặp)

Nguyễn Thi là một cá tính văn chương hiếm gặp ở đời.​


Dù khiêm nhường đến mấy, những đóng góp văn chương của các nhà văn, đặc biệt là những nhà văn liệt sĩ như Nguyễn Thi trong cuộc sống là không thể thiếu và phải được trân trọng. Không thể hình dung một dân tộc, một thời đại, một con người dù là quốc gia quốc tịch nào mà lại không cần đến văn chương. Văn chương góp phần không nhỏ trong hình thành và bồi đắp mỗi nền văn hóa.

Văn chương Nguyễn Thi bộc lộ một cảm thông sâu nặng với chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là những người dân vùng địch hậu. Nhiều câu văn, đoạn văn trong tiểu thuyết, ghi chép, truyện ngắn của ông đã đạt đến độ khái quát cao, có sức ám ảnh và lan tỏa với người đọc, đặc biệt là những bạn nghề nghiệp. Nền tảng sự cảm thông ấy ở đâu ra nếu không xuất phát từ trái tim chân thành và đau đớn của người viết. Và, từ những cảm thông ấy, đã hằn lên ước muốn làm tươi lại những tâm hồn trong chiến tranh cũng là một bản lĩnh ngòi bút. Và dường như, đó còn là một sự độc lập, một khẳng định chủ quyền về quyền năng nhà văn trong bày tỏ và sáng tạo. Và, thật tự nhiên, từ những sáng tạo chuyên tâm, bền bỉ, từ những thân phận da diết, ám ảnh, vang sâu đã góp phần định hình một phong cách riêng cần thiết, cần thiết và quyết định đến sự thành công của văn nghiệp Nguyễn Thi.

Có những lúc viết văn, là viết cho những gì rất thiêng liêng. Văn chương không chỉ dành riêng cho những cực lạc, viên mãn, đang háo hức với vị trí tốt đẹp của mình, mà còn là sự cảm thông với bơ vơ, bần hàn, oan khuất, cát bụi... nên văn chương lúc này không phải là thứ vỗ tay reo mừng chiến thắng, hân hoan đắc chí, mà khi ấy phải là thứ văn chương lầm than cùng với thân phận của con người. Người viết bấy giờ phải nổi chìm như đời sống thực, có khi còn phải đào sâu hơn, đớn đau hơn. Khi ấy, có thể sẽ xảy đến nhiều khả năng cho người cầm bút, thậm chí nhiều phần là khả năng xấu. Nhưng còn biết làm sao trong cuộc tự tìm mình, vì văn chương, vì nhân cách của mình.

Ở truyện “Im lặng” của Nguyễn Thi, viết về chiến tranh, khi in ra nhiều người bảo nó có vấn đề, nó bi quan. Truyện về một chiến sĩ trước sức ép tàn khốc của chiến tranh giáng xuống thể chất và tinh thần anh quá khốc liệt, quá sức tưởng tượng, đã mắc bệnh tâm thần. Và một cô gái, người nữ y sĩ chăm sóc anh cũng có một đời sống riêng rất éo le. Đến khi câu chuyện của người lính tâm thần kia sắp cởi ra cũng là lúc câu chuyện đời tư về cô y sĩ cần phải được khép lại, vĩnh viễn đóng lại. Câu chuyện nặng nề từ đầu đến cuối, từ bối cảnh, câu chữ, tuyến nhân vật và giọng kể. Đã có một thời người ta định lấp nỗi đau bằng mọi giá. Và đương nhiên, truyện ngắn “Im lặng” của nhà văn Nguyễn Thi, một câu chuyện rất hay, cách viết chín, sâu và cốt truyện rất đa nghĩa ấy thời ấy làm nhiều người không thích.

Nguyễn Thi là một nhà văn rất cá tính. Ông luôn có cách bảo vệ những đứa con tinh thần của mình cho dù cách ấy đôi khi không có lợi cho ông. Ngay sau khi in truyện ngắn ấy, ông đi B chiến đấu và hy sinh tại chân cầu chữ Y tết Mậu Thân. Sau này, khi tìm những tư liệu để làm phim chân dung về ông, tìm gặp bạn bè ông, những văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, tôi mới vỡ lẽ thêm nhiều tình tiết xung quanh “Im lặng”. Thì ra, những nhà văn chân chính, luôn luôn bày tỏ và lựa chọn một thái độ sống, bất chấp hiểm nguy, sống không tính đến lợi ích cá nhân, kể cả đến tình yêu của mình, tính mạng của mình.

Phẩm chất anh hùng của người cầm bút trong nhà văn Nguyễn Thi là rất rõ ràng​


Những tác phẩm văn học của ông để lại có tính ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ sau này về tính nhân văn, lòng yêu nước và khí phách anh hùng cách mạng. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các nhân vật của Nguyễn Thi đã góp phần tạo lên một sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, đánh thắng những kể thù hùng mạnh nhất. Những hình tượng, nhân vật được xây dựng từ thực tế chiến đấu của nhà văn đã thể hiện rõ khí chất anh hùng của dân để từ đó cho thấy một bản lĩnh anh hùng của cá nhân nhà văn. Phẩm chất anh hùng chỉ có được ở những yêu nước, một đời vì nhân dân vì dân tộc mà cầm bút và cầm súng.

Nguyễn Thi - nhà văn tài năng đã làm rất tốt công việc của mình, đặc biệt là trong những lúc cam go, ác liệt nhất, lúc đòi hỏi đức hy sinh và lòng quả cảm của người cầm bút với lẽ sống còn. Từ Nguyễn Thi, chúng ta cũng đặt ra những câu hỏi về thân phận và chức năng của người cầm bút. Người cầm bút hôm nay đang ở đâu, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn được đặt ra. Bầu trời văn chương mênh mông hay hạn định, cánh rừng văn chương thăm thẳm hay khuôn chừng trói buộc, trong hành trình ấy, có ga dừng, trạm nghỉ không, hay là như sóng biển không bao giờ cho bờ tĩnh lặng dù là ve vuốt mơn man hay phá phách hủy diệt vẫn trùng trùng những con sóng dội.

- Phùng Văn Khai​
 
Từ khóa
cá tính văn chương nguyen thi nhà văn nguyễn thi những đứa con trong gia đình phẩm chất anh hùng của người cầm bút phùng văn khai viết về chiến tranh
923
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top