Nhà Nhà?

Nhà Nhà?

T.Thảo
T.Thảo
  • Thành Viên 18
“Con mẹ mày đâu rồi? Mày làm gì rượu của tao mà nó nhạt như nước lã thế này? Ra đây.”

Ôi thôi, bố lại say rồi!

Mỗi lần tôi nghe tiếng thủy tinh vỡ, tiếng quát lớn của bố, nỗi ám ảnh lại trào dâng trong lòng tôi. Tôi đứng trước cổng, chân nặng như đeo chì mà run lên bần bật, trống ngực cứ đập thình thịch trong tôi. Nắm chặt đôi quai cặp đã sờn cũ, ngồi bệt xuống đất ướt, khóc. Nhìn trời mới mưa trong xanh đến thế, nắng chói chang đến thế, tôi lại tủi thân vô cùng. Ngồi đó một hồi lâu, tôi như muốn kéo thời gian chậm thêm một chút, tôi không muốn vào nhà, cũng chẳng muốn về nữa, tôi sợ, sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến với tôi. Hức... tôi sợ lắm!

Tôi bước chầm chậm đến trước căn nhà ba gian cũ kĩ, mái ngói rêu phong ướt đẫm những hạt mưa, cánh cửa gỗ xanh cót két trong cơn gió lùa vào hồn làm lạnh ngắt con tim. Mẹ tôi ngồi sụp xuống nhặt mảnh bát vỡ vào thau hót, bóng lưng khúm núm đến đau thương. Còn bố tôi cứ cầm cốc rượu, vừa nốc vừa chửi, đạp phình phịch vào người mẹ. Những câu thê lương “Con mẹ mày sao mà vô dụng thế”, “Cút đi”, “Mày định cãi lại tao đấy à”, “Con gái đi học làm gì cho tốn tiền, nghỉ ở nhà đi làm công ty” từ bao giờ là những lời “yêu thương” duy nhất từ bố. Và đã bao lần thấy mẹ tôi phải khóc, phải chịu nỗi phẫn nộ từ người đàn ông kia, vết thương thân thể đã kết thành sẹo, vết thương tâm hồn không thể nguôi ngoai.

Bố tôi là một người thợ xây làm công ăn lương. Từ lúc có ý thức đến giờ, tôi đã biết bố tôi là một con sâu rượu. Hồi xưa, tôi luôn ngờ nghệch nuôi dưỡng một nỗi nhớ ngây thơ những tháng bố xa nhà, mơ một ngày bố trở về cho mẹ con tôi khỏi cô đơn. Vậy mà giờ có được lại muôn trùng đau thương.

Bố tôi già rồi, đi làm được buổi đực buổi cái. Bố tôi già rồi, tính tình cũng thay đổi. Lúc nào cũng rượu chè, tiệc tùng với những người “anh em tốt”, làm khổ mẹ, làm khổ tôi. Căn nhà lạnh lẽo lúc nào cũng chỉ là những tiếng mắng chửi, tiếng roi. Một sự âm u đến đáng sợ. Mỗi lần như thế, tôi lại trốn vào một góc nào đó hoặc chạy đi thật xa, thật xa để không phải nhìn thấy chúng. Đêm dài hai mẹ con rúc góc nhà tăm tối, mắt lệ đầy điêu linh, vết thương chằng chịt. Có biết không, đau khổ, cô liêu. Tôi thương mẹ, thương phận mình quá!

Người ta nói gia đình là chốn trở về bình yên, là nơi có ngập tràn tình yêu thương, nơi con người ta hạnh phúc nhất. Thật như vậy sao? Tôi lại không được may mắn như vậy! Cả tôi và mẹ tôi. Không biết bao năm rồi nhỉ, chịu khổ trong muôn vàn đắng cay. Khái niệm thời gian chẳng con đúng nữa rồi, bởi ngày nào chẳng là mắng chửi, gắt gỏng, đánh đập.

Tôi thấy nhói lòng khi mặt mẹ đỏ rát nhưng không do nắng hồng, mẹ ngồi một góc suy sụp với muôn vàn vết tím bầm. Cứ thấy xót một bóng người nhỏ bé dậy từ ba bốn giờ đêm gánh quang rau to ra ngoài chợ, tiếng rao khản đặc như điệp khúc: “Ai mua rau nào... “. Mỗi ngày trong gia đình này là mỗi ngày tôi khô héo, dao đâm vào tim, máu chảy không thể cầm nổi. Và từ lâu, tôi cũng thôi mỏi lòng trông đợi một ngôi sao băng đi lạc vào cuộc đời mình để mà nguyện ước một lần. Nếu nước mắt có thể tạo thành kim cương thì giờ có lẽ tôi đã trở thành người giàu nhất thế giới rồi nhỉ?

Mẹ tôi đã nghĩ đến cái chết, một cách nhẹ nhàng để thoát khỏi thế giới tàn nhẫn này. Khi con người không chịu được người ta thường hướng về cái chết. Khi người ta đau khổ tột cùng cũng hướng về cái chết. Thà chìm vào đất lạnh còn hơn phải chịu sóng gió vùi dập. Thà chết đi còn hơn là chịu khốn khổ cả quãng đời còn lại. Có lẽ đó là cách giải quyết tốt nhất, nhẹ dễ dàng nhất. Thật xấu hổ là tôi cũng như vậy. Nhưng mẹ và tôi đã không chọn cách làm như vậy. Mẹ sống vì thương tôi, tôi không quyên sinh vì chẳng đủ can đảm.




5671





Nhưng tại sao cuộc đời bất hạnh lại chọn tôi? Tại sao tôi phải chịu những đau khổ này? Tại sao tôi lại phải sinh ra?

Trong những ngày đen tối ấy, tôi luôn có mẹ - ánh sáng cuối cùng của cuộc đời tôi. Một người đàn bà duyên phận hẩm hiu, chịu đủ thứ dày vò từ bố, cuộc sống. Nước da mẹ đen sạm mất rồi, mặt hoa đâu thấy chỉ toàn là nếp nhăn hằn in màu của năm tháng. Tay mẹ dùi trống nút nẻ, chai sạn, run run tần tảo bất kể nắng mưa. Dù phải chịu bao nhiêu bất hạnh thì người phụ nữ ấy chưa hề than trách nửa lời. Bầu ngực ấm nóng ôm tôi mỗi đêm, mẹ chỉ khẽ xoa đầu tôi, thì thầm với tôi những lời cổ vũ, khuyến khích. Cái giọng khản đặc kia sao mà ngọt ngào, dịu dàng thế! Tấm thân mỏng manh nhiều vết thương sao mà ấm áp đến vậy!

Có một đêm tôi sờ vào đôi cánh của mẹ. Đôi cánh đầy những vết dao, những mảnh vỡ, máu chảy nhiều và nó cũng bắt đầu hoài tử. Này cô thiên thần ơi! Sao lại vì một con người nhỏ bé này mà trốn khỏi vườn địa đàng, mà ôm con người ấy bay qua sóng gió để phải chịu những tổn thương như vậy? Sao lòng mẹ bao la quá! Con làm sao có thể trả hết hồng ân? Mẹ ơi , con biết sống sao khi thiếu mẹ bây giờ!

Nhiều khi muốn đoạt được quyền năng của Đấng Tối Cao:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
(Vội vàng – Xuân Diệu)

Nếu có thể làm được như thế, có lẽ cuộc đời tôi và mẹ sẽ tươi sáng hơn, ấm áp hơn nhiều nhỉ? Ít nhất là hơn bây giờ.

Sau này, tôi sẽ cố hết sức học tập, dù có phải đánh đổi thứ gì đi nữa, tôi cũng phải trở nên thật giàu có. Tôi sẽ đưa mẹ ra khỏi chốn này. Đến thiên đường cũng được, đồng nội cũng chẳng sao, chỉ cần đem cho mẹ một cuộc sống thật hạnh phúc, vui vẻ, chỉ cần nỗi đau không rình rập mẹ con tôi nữa là đủ rồi! Nhưng nếu hỏi tôi có quên đi cái nhà này không, thì câu trả lời của tôi sẽ là không. Bởi vì...

Rồi một ngày, bố tôi không còn uống rượu nữa, gắng sức làm ăn, không đánh mẹ, chửi con. Bố tôi khác, trở thành một người cha mà tôi hằng ao ước. Hôm ấy bố mang về cho tôi một bọc cốm. Đó là hương vị ngọt ngào nhất từ trước tới giờ. Vì ngọt len lỏi qua đầu lưỡi rồi chạy thẳng vào tim. Cả nhà tôi quây quần bên bữa cơm ấm cúng. Dẫu chỉ có canh rau muống, đậu rán nhưng đây là bữa cơm tuyệt vời nhất.

Hơi rượu quái ác vây quanh bố tôi đã biến hết đi, mặt bố không còn cáu kỉnh. Những nỗi đau hình như cũng mờ dần trên tay mẹ, nếp nhăn cũng thôi mỏi mệt. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nụ cười trên môi người đàn bà khắc khổ. Nụ cười tạo nên từ vô cừng cảm xúc. Nhưng từ giây phút này trở đi, sẽ không còn lắng lo phải không? Chẳng còn bão tố phải không?

Căn phòng nhỏ của tôi đã rực sáng bởi chiếc đèn học bố mới mua. Ánh sáng xua tan những lạnh lùng, cô liêu. Mọi vật đều như đã thay da đổi thịt, một màu tươi sáng hơn. Tôi bước đến cái bàn học, ngồi xuống rồi mìm cười. Qua ô cửa sổ gỗ, tôi ngắm trời đêm nay đẹp quá! Trong lành không một gợn mây. Trăng tròn như chiếc đèn lồng của chị Hằng chơi khuya bỏ lại. Hàng nghìn ngôi sao lấp lánh như đang mỉm cười với tôi. A! Một ngôi sao băng vụt qua tầm mắt. Tôi chắp tay lại, nhờ gió gửi những lời ước nguyện đến vì sao xa xôi.

Gió mát quá, tôi ngủ đây, mong ngày mai tươi sáng!

Đứng trong khoảng sân nhỏ trước nhà, nhìn vào ô cửa sổ gỗ, tôi thấy một cô gái nằm tựa mình bên đống sách cũ kĩ. Trong thứ ánh sáng mập mờ, tôi thấy mắt lệ con chưa khô hẳn mà môi cứ run run như muốn nở một nụ cười. Lòng tôi lúc đó chợt trào dâng xúc cảm khó gọi thành tên.

Trời đêm nay mây giăng kín lối, sét rạch ngang trời, sấm lớn tiếng đe dọa, gió cường bạo đập phá mọi nơi. Tôi khẽ đóng cánh cửa kêu cọt kẹt. Tôi quay mình đi về phía bão giông.

Liệu tôi có nên nói với cô ấy đây là một giấc mơ không?

Phải rồi! Những đứa trẻ bất hạnh, những đứa trẻ không có một gia đình hoàn chỉnh như tôi, hạnh phúc có lẽ là điều xa xỉ, chúng luôn bị dày vò trong sâu thẳm trái tim ngập tràn giông gió. Nhưng tôi thực sự không muốn quên đi bởi vì gia đình là nơi có mẹ, có người tôi hằng yêu thương, có những ước mơ ấp ủ, có những trưởng thành đầu đời. Thật tâm tôi luôn mong ước có một gia đình trọn vẹn, được trái tim của mẹ, vòng tay của cha và những ngày tháng êm đềm chưa từng đau khổ. Và dù có phải chịu bao nhiêu đòn roi, bao nhiêu ngày khổ, bao nhiêu thất vọng đi chăng nữa, chúng tôi vẫn luôn hướng về phía có mái nhà cùng những bữa cơm có người thân. Dẫu chỉ trong giây phút ngắn ngủi thôi, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Bởi chúng luôn tin rằng: Nhà là nơi bình yên nhất!

Liệu tôi có nên nói với cô ấy đây là một giấc mơ không?

Suỵt, nhỏ tiếng thôi, cô ấy nghe thấy mất.

Đêm cũng khuya rồi...




5675






CHÚ THÍCH:

- Khi mình xem ti vi thì thấy có những trường hợp bạo lực gia đình như vậy nên mình đã tưởng tượng ra cảm xúc và ước mơ của những đứa trẻ trong cuộc. Có gì chưa đúng hoặc chưa đầy đủ mong mọi người thông cảm!

- Qua đây mình cũng muốn gửi đến một thông điệp: Hãy luôn yêu quý, gìn giữ gia đình của mình, hãy tạo nên một gia đình hạnh phúc, đúng nghĩa là "Nơi bình yên để trở về".
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Vanhoctre
889
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top