Nhận định về Lưu biệt khi xuất dương

Nhận định về Lưu biệt khi xuất dương

Các nhận định về Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu thường xuất hiện trong đề nghị luận về tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương. Tham khảo 3 nhận định thường đi kèm với bài thơ này để có cách dẫn bài khiến bài viết sinh động thú vị hơn, làm quen với đề nghị luận.​
Nhận  định về Lưu biệt khi xuất dương.png

Nhận định về Lưu biệt khi xuất dương​

1. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận định "Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời". Văn học vì lẽ đó vẫn luôn song hành với mỗi bước đi của lịch sử. Văn học Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cây bút cùng những tác phẩm nổi bật trong thời đại văn học. "Xuất dương lưu biệt" với tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm đi tìm con đường cứu nước của Phan Bội Châu cũng được đánh giá là một tác phẩm như thế.​

Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, gây ra bao cảnh lầm than cơ cực cho dân tộc, cho nhân dân. Nhiều phong trào yêu nước đồng loạt nổ ra nhưng thất bại, báo hiệu việc đi theo con đường phong kiến đã không còn phù hợp. Trước tình trạng bế tắc con đường cứu nước, Phan Bội Châu đã đứng lên thành lập Duy tân hội, phát động phong trào Cách mạng mới mang tên "Đông du". Năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản, bắt đầu tìm kiếm con đường cứu nước của mình. "Xuất dương lưu biệt" được sáng tác vào thời điểm trước khi ông khởi hành, gửi gắm ý chí quyết tâm, sự hăm hở và tinh thần yêu nước sâu sắc của ông.

Ngay từ hai câu thơ mở đầu, Phan Bội Châu đã bộc lộ hoài bão và chí khí của mình:

"Sinh vi nam tử yếu hi kì
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di"

(Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời)

Hai câu thơ với nhịp điệu dứt khoát đã nói lên suy nghĩ của Phan Bội Châu về 3 chữ quyết định trong cuộc đời đấng nam tử - "chí làm trai". Ông cho rằng, nam tử phải làm được chuyện lạ ở trên đời, có khát vọng và làm chủ thế sự. Họ là những người chủ động trước mọi thăng trầm của thời đại, không chấp nhận cuộc đời mà trời đất tự xoay vần, sắp đặt. Đây là tư tưởng vô cùng táo bạo. Để rồi khi soi chiếu vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng ta có thể nhận ra lời mà tác giả đang tự nói với mình, nói với những người nam nhi thời ấy. Đất nước đang rơi vào tình cảnh hiểm nguy, nam nhi phải đứng lên lập lại thời thế, xoay chuyển thực tại, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền cho đất nước, khẳng định vị trí của chính mình:

"Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy"

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?)

Lấy trăm năm (bách niên) hữu hạn đặt cạnh muôn thuở (khởi thiên) vô hạn, phủ định để khẳng định, Phan Bội Châu một lần nữa nhấn mạnh tiêu chí của đấng nam tử. Không chỉ chủ động trước thời cuộc, không chỉ làm những việc lạ, người nam tử còn mong muốn hoàn thành những chuyện lớn lao, vượt lên cả giới hạn của chính mình, gánh trên vai không chỉ việc mình mà còn cả việc đời. Câu hỏi "Trong khoảng trăm năm cần có tớ/ Sau này muôn thuở há không ai?" chính là lời khẳng định của tác giả về cái "tôi" cá nhân. Không rụt rè, không ẩn hiện, ý thức về cái "tôi" đến đây được thể hiện vô cùng rõ ràng. Tự nhận thấy vai trò và sứ mệnh của mình đối với thời thế và khát vọng công danh thôi thúc, nhân vật trữ tình đã can đảm đứng ra giữa cuộc đời.

Không những thế, Phan Bội Châu còn nhìn thấy cả sự lỗi thời, lạc hậu của quan điểm Nho gia:

"Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si"

(Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài)

Người nam tử đã ý thức được thực tại rằng non sông đã mất chủ quyền, đất nước bị giặc ngày đêm giày xéo. Bấy nhiêu năm theo học "thánh hiền" không giữ được non sông, học cũng hoài phí, sống thêm nhục nhã, vô nghĩa. Man mác nỗi xót xa, nhưng hai câu thơ đã đưa ra nhận định đúng đắn về thời thế, về thực trạng nước nhà dứt khoát, sáng suốt. Phan Bội Châu đã tỉnh táo nhận ra Nho học không còn phù hợp với thời điểm hiện tại, cần tiếp thu những tư tưởng và con đường mới, phù hợp hơn, phục vụ cho sự nghiệp cứu nước.

Hoài bão lớn lao đã bùng cháy lên trong suy nghĩ của người nam tử yêu nước, ông xuất phát ra đi tìm đường cứu nước với tư thế hiên ngang và tràn đầy hi vọng:

"Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi."

(Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

"Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi" là hình ảnh biểu tượng cho ý chí, khát vọng của người chí sĩ cách mạng. Hai câu thơ với những hình ảnh trừu tượng kì vĩ và lớn lao đã thể hiện khát khao, mong muốn và khí thế của người chí sĩ yêu nước, nguyện vượt cả Biển Đông, vượt mọi giới hạn để hoàn thành chí lớn, hoàn thành sự nghiệp vĩ đại.

Khép lại bài thơ, có thể đánh giá "Xuất dương lưu biệt" là một khúc ca khởi hành mang âm hưởng lạc quan và tràn đầy hi vọng. Bài thơ vừa thể hiện tư thế hiên ngang, quyết tâm của Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất dương đi cứu nước, vừa có giá trị thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Chính bởi những giá trị đó, "Xuất dương lưu biệt" xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học với giá trị sâu sắc, xứng đáng được thế hệ mai sau lưu giữ đến ngàn đời.

2. Nhận xét về xuất dương lưu biệt của Phan bội châu có ý kiến cho rằng bài thơ thể hiện lí tưởng yêu nước cao cả nhiệt huyết khát vọng lên đường cháy bỏng của nhà chí sĩ Cách mạng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước qua tác phẩm. Hãy làm rõ nhận định trên.​


Bài viết tham khảo:
Phan Bội Châu là một trong những nhà nho yêu nước của dân tộc Việt Nam ta. Với khao khát tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, ông đã quyết định sanh Nhật để thành lập " Hội Duy Tân" và đưa một số thanh niên yêu nước sang đó để học tập về cách làm cách mạng .Bài thơ “Xuất dương lưu biệt” ông làm tặng các đồng chí trong buổi đầu lên đường đã thể hiện rõ khát vọng giải cứu non sông và quả quyết khẳng định đã là phận nam nhi thì phải có chí hướng, có khát vọng lập công để lưu lại tiếng thơm muôn đời. Nhận xét về tác phẩm của ông, có ý kiến cho rằng : " Bài tho thể hiện lí tưởng yêu nước cao cả nhiệt huyết khát vọng lên đường cháy bỏng của nhà chí sĩ Cách mạng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước "

Phan Bội Châu vốn được biết đến là một chí sĩ yêu nước, là một người lãnh đạo nhiều phong trào yêu nước. Tuy con đường mà Phan Bội Châu đang đi gặp nhiều chông gai và đến cuối cùng ông phải chịu thất bại nhưng ông vẫn là tấm gương sáng của thế hệ mai sau. Không chỉ là một người chí sĩ, Phan Bội Châu còn là một người nghệ sĩ với nhiều tác phẩm hay. Năm 1905, Hội Duy Tân của có chủ trương phong trào Đông Du, và đưa thanh niên ưu tú sang Nhật. Việc này vừa nhằm mục đích chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho cách mạng, vừa nhằm mục đích tranh thủ sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài. Ngày trước khi lên đường, Phan Bội Châu đã làm bài thơ Lưu biệt khi xuất dương để bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình đối với những người đồng chí, đồng đội.

Trong bài thơ Xuất dương khi lưu biệt, Phan Bội Châu đã sử dụng ngôn ngữ thơ giàu sức lay động. Người chí sĩ cách mạng hiện lên trong thơ mang một vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hào hùng. Trong buổi ra đi tìm đường cứu nước, những tư tưởng mới mẻ, táo bạo của nhà chí sĩ cách mạng được thể hiện một cách cháy bỏng. Mở đầu bài thơ, Phan Bội Châu đã khẳng định chí làm trai ở trong trời đất:

Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời

Trước đây, Nguyễn Công Trứ cũng đã từng nói về chí làm trai rằng đã làm trai ở trong trời đất thì phải có danh gì với núi sông. Giờ đây, Phan Bội Châu cũng nói về chí làm trai nhưng viết theo một cách khác mới mẻ hơn. Đó chính là làm trai thì phải làm nên được điều lạ ở trên đời. Điều lạ ở đây có thể hiểu là đứng lên chống lại kẻ thù. Làm trai thì phải chủ động chứ không nên bị động để số phận cuộc đời mình cho trời đất xoay chuyển. Đó là một lời thuyết phục thế hệ trẻ phải biết táo bạo và quyết liệt hơn nữa. Chí làm trai của Phan Bội Châu đã vượt qua cái mộng công danh xưa nay là gắn với tam cương, ngũ thường của Nho giáo. Chí làm trai của Phan Bội Châu vươn tới lí tưởng xã hội rộng lớn và cao cả.

Một phần cảm hứng ấy có lẽ cũng xuất phát từ lý tưởng trí quân, trạch dân của nhà Nho thuở trước nhưng vì mang tính chất cách mạng nên tư tưởng trở nên tiến bộ hơn. Đúng như tự nhiên, con tạo xoay vần là lẽ tự nhiên nhưng Phan Bội Châu không chấp nhận điều đó. Ông muốn xoay chuyển cả càn khôn chứ không để nó tự chuyển vần. Điều này đồng nghĩa với việc Phan Bội Châu không chấp nhận khuất phục số phận hay hoàn cảnh.

Sang đến hai câu thực, nhà thơ ý thức rõ về trách nhiệm của mình trước lịch sử, trước vận mệnh của đất nước:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai

Không chỉ đơn giản là xác nhận sự có mặt của nhân vật trữ tình ở trên đời mà câu thơ thứ ba còn hàm chứa một tâm niệm đó là sự hiện diện của tác giả trên đời không phải điều ngẫu nhiên. Chính từ ý thức đó, nhà thơ tự thấy bản thân cần phải làm những điều có ích bởi vì sau này, chắc cũng sẽ có người nối tiếp con đường mà mình đã đi.

Cái chí làm trai không chỉ là cái lý tưởng suy nghĩ ở trong lòng tác giả mà nó được tác giả đặt vào trong hoàn cảnh thực tế của lịch sử:

Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài

Ở mỗi thời, có lẽ chí làm trai mỗi khác. Nếu như ở thời bình, chí làm trai là thi đỗ, làm quan thì thời chiến, sự nghiệp học hành, theo đuổi hiền thánh không còn đúng nữa. Nếu đất nước lâm nguy, rơi vào tay giặc thì việc học hành nào có ích gì. Non sông mà không còn thì sống chỉ thêm nhục. Đó là lý tưởng của con người thời đại. Đối với Phan Bội Châu, việc bây giờ là phải đánh đuổi được giặc thù. Hai câu thơ cuối đã thể hiện được khát vọng muốn vươn ra biển lớn của nhà thơ:

Muốn vượt biển Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi

Hình ảnh trong hai câu thơ mang tầm vũ trụ, nó khiến cho ý chí của tác giả trở nên lớn lao hơn, kì vĩ hơn. Tất cả mọi thứ cứ như hòa nhập lại và cùng nhau thăng hoa.

Có thể nói ý kiến bàn về tác phẩm của Phan Bội Châu vô cùng chính xác . Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương đã có sức lay động lòng người, khích lệ tinh thần tướng sĩ lúc bấy giờ. Đây xứng đáng là một kiệt tác mà không chỉ thế hệ trước, cả thế hệ chúng ta, thế hệ sau này cũng đều rút ra được bài học cho riêng mình.

3. Nhận định về sự nghiệp và văn chương của Phan Bội Châu, một nhà phê bình văn học có viết: “Con người viết văn, con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị. Ngòi bút Phan Bội Châu sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, lí tưởng anh hùng”. Hãy giải thích và chứng minh nhận định trên.​

Có thể nói Phan Bội Châu là linh hồn của các phong trào vận động cách mạng chống thực dân Pháp. Cuộc đời Phan Bội Châu hoàn toàn hi sinh cho công cuộc đâu tranh giải phóng dân tộc vào những thập niên đầu thế kỉ XX. Thơ văn ông là vũ khí tuyên truyền, vận động cách mạng sắc bén, là những lời tâm huyết chứa chan lòng yêu nước.

Nhận định về sự nghiệp và văn chương của Phan Bội Châu, một nhà phê bình văn học có viêt: Con người viết văn, con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí vơi con người chính trị. Ngòi bút Phan Bội Châu sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, lí tưởng anh hùng .

Ta hãy giải thích và chứng minh nhận định trên.

Trước hết, “con người viết văn, con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị”.

Phan Bội Châu là nhà yêu nước, đó là điều khẳng định của lịch sử, như lời Đặng Thai Mai: “...Trong trí nhớ, trung ấn tượng, trong phán đoán của công chúng nước ta, Phan Bội Châu là một nhà chí sĩ yêu nước, một bậc tiền bối cách mạng hăng hái kiên quyết, dù thể hiện được một cách hùng hồn, rực rỡ tinh thần bất khuất cứu dân tộc trong thời kì hai mươi lăm năm đầu thế kỉ.

Thật vậy, suốt mấy mươi năm dài, ông bôn ba vận động cách mạng từ trong nước đến nước ngoài, hoạt động ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan cho đến khi bị giam lõng ở Huế. Ông đã tổ chức nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân hội, Việt Nam Quang phục hội... Từ một trí thức phong kiến vêu nước, Phan Bội Châu trở nhà thành cách mạng dân chủ tư sản.

Không chỉ là một lãnh tụ cách mạng, Phan Bội Châu còn là một nhà thơ yêu nước. Sáng tác cua ông là đỉnh cao của thơ ca yêu nước cách mạng vào đầu thế kỉ này với hàng trăm bài thơ văn, hàng chục quyển sách thuộc nhiều thể loại văn chương.
Từ trước, ông đã phê phán quan niệm dùng văn chương để lập thân như lời thơ của Viên Mai:

Mỗi phận bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương.
(Mỗi bữa không quên ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy văn chương).

(Tùng viên thi thoại)

Ông chỉ xem văn chương như là một trong những phương tiện đánh giặc, văn chương để bút chiến. Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kì, phan Bội Châu viết hịch Bình Tây thu Bắc. Sau đó viết Lưu cầu huyết lệ tân thư như một mối dây liên kết tác giả với những sĩ phu yêu nước. Lúc ở nước ngoài, Phan Bội Châu sáng tác nhiều hơn, bất lực của ông mạnh hơn: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Trùng Quang tâm sử, và viết Ngục trung thư khi bị giam ở Quảng Châu.

Với nội dung yêu nước thương dân sâu sắc, theo quan niệm dùng văn chương phục vụ chính trị, thơ văn của Phan Bội Châu có một điểm nhất quán giữa nhiệt tình yêu nước và quyêt tâm làm cách mạng. Tư tưởng ấy được tác giả đưa vào văn học một cách tự giác. Nói cách khác “con người viết văn và con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị”.

Cho nên, như một hệ quả tất yếu, “ngòi bút Phan Bội Châu sáng ngời chủ nghĩa yêu nước”.

Vận mệnh của Phan Bội Châu như đã gắn chặt với vận mệnh của dân tộc: “Tôi sinh ra lúc Nam Kì bị mất đã 6 năm rồi (...). Năm tôi 19 tuổi (...), quân Pháp chiếm kinh thành Thuận Hóa...”. Phan Bội Châu đã xúc động thống thiết trước những tấm gương anh hùng nghĩa sĩ hi sinh chống Pháp: “Ông Trương Định vì Nam Kì mà tuẫn tiết, ông Nguyễn Tri Phương vì Hà Nội mà tuẫn tiết, chuyện đó tôi thường bùn đến, lại nắm tay đâm ngực xâu hổ phải lùi sau hai ông”...(Ngục trung thư).

Phan Bội Châu căm thù bọn thực dân đã bóc lột nhân dân ta tận xương tủy:

Trăm thứ thuê, thuế gì cũng ngặt,
Rút chặt dần như thắt chỉ xe

(Hải ngoại huyết thư)

Và xót xa tủi nhục cho kiếp nô lệ của nhân dân ta:

Nó nuôi mình nhu trâu như chó,
Nó coi mình như cỏ nhu rơm.

(Hải ngoại huyết thư)

Ông đả kích bọn vua chúa chỉ lo hưởng thụ:

Cơm ngự thiện bữa nghìn quan,
Ngoài ra dân đói, dân tàn mặc dân.


Để rồi chỉ biết đầu hàng giặc xâm lược:

Khi giặc đến, người trong phản trước,
Đem của dân vạch chước hòa thân.


Thư văn ông còn tố cáo bọn quan lại sâu mọt:

Ngày mong mỏi vài con ấm tử,
Tối vui chơi mấy đứa hầu non,
Trang hoàng gác tía lầu sun.
Đã hao mạch nước lại mòn xương dân.

( Hải ngoại huyết thư)

Phan Bội Châu còn bày tỏ lòng yêu nước một cách sâu xa. Ông đã ý thức rõ trách nhiệm cứu nước:

Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,
Mặt mũi anh hùng há chịu ri

(Chơi xuân)

Do đó, ông ôm ấp hoãi bão giải phóng đất nước:

Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà!

(Chơi xuân)

Với quan niệm yêu nước mang nội dung dân chủ, tiến bộ: “Dân là nước, nước là dân”. Không chỉ nêu trách nhiệm cứu nước, Phan Bội Châu còn lao vào cuộc đấu tranh chống Pháp không chút do dự: “...bọn tôi dà hiến thân thờ nước, đầu lâu tính mệnh có thể hi sinh được hết, thì con đường họa phúc lợi hại sao trù trừ mà tránh được nữa chăng?” (Ngục trung thư).

Đấu tranh bằng một hào khí ngất trời:

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

(Lưu biệt khi xuất dương)

Khi bị bắt giam, nghĩ mình không thoát khỏi cái chết, ông vẫn tỏ rõ khí phách hào hùng của một người chiến sĩ yêu nước:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

(Cảm tác trong ngục Quảng Đông)

Ngòi bút Phan Bội Châu còn “sáng ngời lí tưởng anh hùng”. Bên cạnh những câu thơ trung “huyết thư” thỏ hiện nồi đau lòng trước canh vong quốc, ông còn cho rằng cần nhiều bậc anh hùng đảm nhận trách nhiệm yêu nước. Cho nên ông tập trung thể hiện nhân vật anh hùng trong thơ văn. Các tác phẩm Việt Nam nghĩa liệt sĩ, Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu niên biểu đã khắc họa những bậc anh hùng hi sinh trong các phong trào chống Pháp. Bên cạnh các anh hùng tên tuổi, còn có những hào kiệt vô danh xuất thân từ quần chúng lao động. Trùng Quang tâm sử miêu tả những anh hùng xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ như các nhân vật anh Xí, ông Võ, anh Phấn ... Đặc biệt, vai trò của người phụ nữ trong sự nghiệp cứu nước rất được coi trọng: nhân vật cô Chí trong Trùng Quang tâm sử là một nữ anh hùng tài trí, có tâm cơ, nhất là có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.

Phan Bội Châu còn bày tỏ quan điểm của mình về vai trò của cá nhân và quần chúng. “Lê Lợi là một vị anh hùng nổi tiếng lừng lẫy hơn đời đấy thôi. Nếu không co ức triệu anh hùng đó vô danh khúc lôi kéo để thúc đẩy, để giúp đỡ cho thì vị anh hùng cũng không thể thành công được”. (Trùng Quang tâm sử).

Quan niệm về lí tưởng anh hùng này tuy chưa toàn diện như chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp vô sản nhưng vẫn mang yếu tố tích cực. Đây cũng là một mặt của chủ nghĩa yêu nước trong thơ văn Phan Bội Châu.

Tóm lại, Phan Bội Châu là một nhà cách mạng lớn, đồng thời cũng là một nhà văn lớn, vì trước hết ông có lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm cứu nước không gì lay chuyển nổi. Ông đã bôn ba đi tìm con đường giải phóng dân tộc và cống hiên đời mình cho công cuộc cứu nước, đồng thời để lại nhiều tác phẩm yêu nước có giá trị sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật. Cuộc đời và thơ văn Phan Bội Châu đã chứng minh rằng muốn phục vụ cách mạng bằng văn học nghệ thuật thì trước hết phải có lòng yêu nước tha thiết và có lí tưởng vì dân vì nước. Quả thật “Con người viết văn, con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị. Ngòi bút Phan Bội Châu sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, lí tưởng anh hùng”.

Nguồn: Baikiemtra


Xem thêm các bài viết về chủ đề Lưu biệt khi xuất dương: TẠI ĐÂY
 
Từ khóa
bài thơ thể hiện lí tưởng yêu nước cao cả chí sĩ cách mạng trong buổi đầu ra đi chủ nghĩa yêu nước con người chính trị con người làm thơ trong phan bội châu con người viết văn lí tưởng anh hùng mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời nhà phê bình văn học hoài thanh nhận định về lưu biệt khi xuất dương
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top