Thông Báo Nhận xét các tác phẩm dự thi tuần 4 cuộc thi viết chủ đề nhà

Thông Báo Nhận xét các tác phẩm dự thi tuần 4 cuộc thi viết chủ đề nhà

Thy Việt
Thy Việt
Tuần thi 4 này, các tác phẩm dự thi khá đồng đều, bất cứ bài viết nào cũng đã được coi là một tác phẩm. Có những lỗi mà BGK cố moi móc ra là để bới vạch vì cuộc thi mà thôi. Truyện ngắn, tản văn tuần này toàn các tác phẩm xuất sắc, bài nào cũng đáng để chọn, thực sự khó cho Ban Giám Khảo, mỗi tác phẩm một vẻ, và nếu bài nào được chọn để chiến thắng thì chắc hẳn là BGK đã phải tìm yếu tố phụ khá nhiều để cân nhắc.

6168


Nhận xét các tác phẩm dự thi

1/ Bàn cờ và ông chú – Vân Anh

Ưu điểm: Lối viết chắc tay, hấp dẫn, “tín hiệu” nhà hơi mờ, nhưng do lối viết hay nên chấp nhận được. Dùng từ tạo ra giọng điệu riêng tốt. Đọc lên vô cùng lôi cuốn.

Phần yếu: Lặp từ “vô thức” phần cuối, ông chú lặp vô cùng nhiều do không đặt tên (ông chú này có cá tính riêng biệt không đại diện cho nhiều người nên dù không cần đặt tên nhưng nếu có tên sẽ rõ ràng chân thực hơn rất nhiều, từng có một người như thế trong cuộc đời tôi), mối quan hệ với gia đình chưa được làm rõ, nếu được sẽ làm nổi bật hơn nữa giá trị của ông chú trong cuộc đời nhân vật để xứng đáng với chữ “Nhà” dành cho ông chú đó.

2/Chiếc bẫy tình yêu – Minh Phong

Chữ dùng của Minh Phong không đặc sắc, không mượt mà, cốt truyện xây dựng lúc đầu chưa hấp dẫn, phần nửa sau hay hơn, có ý nghĩa trong việc nêu thông điệp giữ gìn mối quan hệ gia đình: nhận lại nhưng cũng cần cho đi để hiểu nhau hơn. Phần độc thoại nội tâm nhân vật viết cũng rất ổn, hay nhất là cảnh Hoàng ngồi vẽ tranh và gặp mẹ mình. Thử mở lòng với nhau, tâm sự để hiểu nhau, biết đâu những khúc mắc trong lòng mỗi người được cởi bỏ. Đôi khi, cái chúng ta thiếu chỉ là một câu chào nhau.

3/ Ngay dưới hiên nhà – Trần Hàn

Trần Hàn đã thực sự chinh phục được độc giả bằng ngòi bút của mình, tâm lí nhân vật được mô tả kĩ lưỡng chân thực. Tôi chỉ tiếc cho cái kết. Có thể do chính tôi nông cạn chưa hiểu hết về cuộc đời này, nhưng theo đa số những việc tôi thấy thì nếu như cha mẹ không vứt bỏ ruồng rẫy con cái (cả cha lẫn mẹ), thì chúng ít khi tự tử, chỉ cần tình thương của cha/ mẹ cũng khiến cho chúng mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nếu tác giả để cái kết là bà mẹ/ đứa con “xiên” ông bố tôi thấy hợp lẽ hơn nhiều. Tôi không cho rằng cái chết của đứa trẻ sẽ có giá trị cảnh tỉnh, nó mang lại sự đau đớn nhiều hơn người mẹ, còn ở người bố thì không. Nhiều độc giả nói cảnh tỉnh người mẹ để bà mạnh mẽ hơn nuôi nấng đứa út cũng không hợp lẽ, bởi người bố đó toàn đánh vợ, người gây ra tai họa ấy mới là kẻ cần giải quyết. Đứa con cần mạnh mẽ hơn, cầm dao kề cổ mình để đe dọa bố, hoặc giả là tình tiết đứng giữa: cha cũng yêu quý thương con nhưng lại đánh mẹ, mẹ cũng thương con, nhưng cam chịu, đứa con rơi vào bước khó xử, dằn vặt thì mới có thể có kết như của bạn viết được. Thiện Đức nói rất chuẩn 1 câu: nhiều khi đứa trẻ - chịu bạo hành gián tiếp, về mặt tâm lí còn đau khổ hơn gấp bội. Song, đưa cái chết vào đúng vị trí của nó thì sẽ có giá trị hơn nhiều. Tác phẩm thực sự cuốn hút.

4/ Tổn thương nào cũng được chữa lành bằng sự yêu thương - Trương Nguyễn

Bài gửi đầu tiên của tuần thi 4, đây cũng là truyện ngắn mà tôi đánh giá là hay, thông điệp giống như tên của tác phẩm: là nơi chữa lành. Xin mượn bình luận của Thiện Đức dành cho bài viết này:

“Trong cuộc sống, rất nhiều câu chuyện ẩn chứa những giá trị giáo dục mà nếu vô tình bỏ qua thì thật sự đáng tiếc. Chỉ khi chị Lộc bị tổn thương và mang trong mình dòng máu của đứa con ruột thịt thì chị mới thấu hiểu cảm giác của người làm ba, làm mẹ. Còn ba mẹ chị Lộc thì chỉ khi đứa con gái bỏ đi rồi trở về với hình hài khắc khổ cùng với thương tật cả tâm hồn lẫn thể xác thì mới mở rộng trái tim để vị tha mà bỏ qua tất cả định kiến xưa kia. Giá như nền móng của mỗi ngôi nhà đều được xây dựng bằng tình thương vững chắc từ tri thức trước khi mỗi bạn trẻ quyết định trở thành những người ba, người mẹ thì quý biết bao. Cảm ơn câu chuyện của bạn!”

5/ Hết dịch con sẽ về - Vii

Vii trở lại với cuộc thi lần này và viết mượt mà hơn rất nhiều. Đọc êm, cốt truyện tâm lí, và những diễn biến tâm lí của nhân vật xen chút hội thoại hợp lí, logic, cuốn hút tôi đọc. Duy nhất cái kết giống như hơi tách biệt, hơi gượng để đi theo lối cổ động. Giá chỉ cần dừng ở việc chị Tú nói thế này thế kia nhiều , nhờ chị giúp tôi, luôn nói những chuyện tích cực nên tinh thần tôi cũng lạc quan theo. Ừ nhỉ, giữa lúc dịch bệnh hoành hành thế này, cái chúng ta cần làm là…. Như thế tự nhiên hơn nhiều.

6/ Lạc lối – Công Đức

Cốt truyện hoàn hảo từ lúc mở đầu tới khi cao trào, kết thúc bằng cái kết đẹp sau những năm cải tạo trong tù của Hùng. Câu chuyện vừa đời thực vừa có ý nghĩa về những sai lầm mỗi chúng ta mắc phải trong đời, chỉ cần chúng ta hối cải, sẵn sàng làm lại thì nhà sẽ luôn bao dung, chờ đón ta về.

Tuy nhiên, cách viết chưa thực sự thuyết phục lắm.

7/ Nải chuối háp – Kim Dương

Một câu chuyện dễ thương về tình cảm gia đình (giữa bà cháu , mẹ con) và tình người ấm áp giữa mùa dịch. Lối viết giản đơn, yên bình, nhẹ nhàng cũng như nội dung câu chuyện vậy. Cái nải chuối dư của nhà này lại cần thiết với một gia đình khác biết mấy, chia sẻ đi những gì mình có, biết đâu lại giúp cho một gia đình nào đó ấm áp hơn. Một thông điệp khá ý nghĩa của Kim Dương. “Hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi”. Bài viết rất đẹp, làm bạn đọc thấy ấm lòng và tin tưởng hơn vào những tốt đẹp trên đời này.

8/ Miền kí ức – T.Thảo

Thảo viết truyện rất hay và giàu chất thơ do được phối hợp với những đoạn tả cảnh nên thơ và êm nhẹ, những phần tả tâm trạng theo dòng xuôi như tản văn khiến chất trữ tình cao.

Thảo viết đẹp lắm, có những đoạn nên thơ vô cùng, là thế mạnh của Thảo, ví như đoạn:

“Lan lại nhìn về hướng xa xa. Không biết Lan nhìn cái gì nhỉ? Những ngôi mộ bỏ hoang chi chít cỏ mọc, những ngôi mà mái ngói khang trang, nhìn mây, nhìn trời hay giản đơn chỉ là một loài hoa dại? Điều tôi có thể chắc chắn được là đôi mắt Lan rất đẹp. Đẹp mà lúc nào cũng như ấn chứa một nỗi buồn thẳm sâu, mà nếu sợ nói ra, bao xúc cảm sẽ vỡ òa trong đáy mắt. “

Thế nhưng, tiếc rằng có những câu chưa trau chuốt về mặt nghĩa khiến câu viết “giả dạng thơ”, tối nghĩa:

“mùa xuân đã chẳng còn trong ánh mắt mùa thu” – Tôi không nghĩ mùa thu là mùa tàn để ví rằng sự vui tươi đã biến mất, mặc dù đọc lên có vẻ thơ văn.

“Nước mắt chợt tuôn ra nơi đáy lòng khô khốc” – câu này đọc cũng rất hay nhưng không ổn. Đáy lòng dù buồn, dù thương thì cũng là những tình cảm mang màu sắc khác nhau để hóa thành lệ tuôn chứ không thể là khô khốc được.

Trong màn trắng đục nhạt nhòa ->> dòng sông được tả thế này không đúng, không gợi hình nơi người đọc được

Đoạn cuối của truyện giá như người mẹ đó sững sờ, dường như nhận ra đứa con của mình nhưng lại bối rối quay đi: Cháu nhận nhầm người rồi/ Hoặc là nhận con trong xúc động bộc phát rồi lại muốn che giấu quá khứ liền dấm dúi đứa con ít tiền rồi bảo bữa khác mẹ tìm con sau. Như thế logic hơn.

=>Truyện giàu hình ảnh, giàu chất thơ, nhẹ nhàng nhưng da diết. Chắc chắn sẽ nhận được cảm tình của nhiều bạn đọc.

9/ Chú Hoàn – Hải Liên

Giọng văn của Hải Liên tạo ra cũng rất hay và lôi cuốn, giọng văn khá trần trụi, giống như hiện thực mà những nhân vật gặp phải rồi lại mềm mại vô cùng mỗi khi những nhân vật ấy gặp nhau, cũng có lẽ là dịu dàng duy nhất giữa cuộc đời này họ cố gắng dành cho nhau. Bài viết như hơi thở xót xa trăn trở cho kiếp người chịu nhiều thương đau, và có lẽ cũng chính vì vậy, “nhà” bị mờ nhạt trước số phận con người. Chắc chắn đây là một bài viết về kiếp người hay.

10/ Là nhà, nhưng không là tổ ấm – Linh Ann

Vẫn viết về bạo lực gia đình, nhưng bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tự vấn đầy xót xa của nhân vật chính, loại bạo lực mang tên bạo lực lạnh. Có lẽ cổ hủ trong xã hội này vẫn còn đó, những lời chê bai dành cho người không đẻ được con trai vẫn nhiều, nhưng sợ nhất không phải người ta đối xử tệ bạc với mình để mình dứt khoát mà ra đi, đáng sợ nhất là họ coi phụ nữ là máy đẻ, đẻ nữa đẻ nữa tới khi ra được con trai nối dõi thì thôi. Vì thế, một là nó miên man không dứt, tạo ra sự nặng nề cho kiếp đàn bà, hai là cần cao trào đẩy cho cốt truyện cho tác phẩm hấp dẫn hơn, vì đã quá quen với cảnh tượng đó, nhân vật nữ lòng đầy sợ hãi, khó đưa ra quyết định, hẳn là nên tìm một yếu tố tác động cần thiết cho quyết định ra đi của nhân vật. Dù chúng ta có thể nói về tác phẩm thế này thế kia theo ý kiến cá nhân nhưng tính lôi cuốn bạn đọc cũng không thể thiếu.

Cảm nhận sau khi đọc bài viết này giống như vừa nghe xong về một lời ru con buồn vậy.

11/ Hết dịch ta sẽ được gặp, và yêu nhau – Suoi

Bài viết rất tiếc chưa đủ số lượng chữ tối thiểu theo yêu cầu của cuộc thi

12/ Mây và gió – Kim Dương

Bài viết rất tiếc chưa đủ số lượng chữ tối thiểu theo yêu cầu của cuộc thi

13/ Đất nước là “Nhà”, là “Thành phố” vĩ đại tôi yêu - Phạm Thị Như Ý

Tôi đã đọc bài viết của Như Ý trước đó, dùng câu chữ khá tốt. Bài viết đó hẳn đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong tôi về bạn. Ở bài viết này cũng không hề kém, nhưng lối ví von “đất nước như thành phố vĩ đại” không được đẹp. Không cần gò ép theo chủ đề thành phố như thế, sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tác phẩm. Bài viết có nhiều thông điệp khá hay, “Tôi không sợ cách những người đối xử không tốt với mình, chỉ sợ cách người đối xử quá tốt với tôi, làm sao đáp đền cho xứng đáng. Tôi sẽ trả ơn ai đó bằng một ly nước mát lành nếu họ tặng tôi một chiếc kẹo, một cơn mưa nếu họ tặng tôi một ngày nắng ấm chói chang, một ngôi nhà hạnh phúc nếu họ tặng tôi một trái tim chân thành,… Vì tất thảy sự đáp đền ấy làm mọi thứ trở nên dung hoà và không hề cô độc.”, nhưng do cách ví làm các đối tượng lẫn lộn không minh bạch thành ra lại lộn xộn mất khúc đầu.

14/ Mưa Hà Nội ướt mềm những chênh chao - T.Thảo

Thảo viết càng ngày càng lên tay, những lời văn có tính thơ, chất trữ tình vô cùng cao, rất đẹp. Ở đoạn đầu, có một chút gì đó buồn man mác trong giọng văn của bạn. Qua đến đoạn 2 thì tác phẩm có phần vui nhộn hơn với những trò chơi tuổi thơ nơi miền quê yên bình. Trò “ma lon” mà bạn miêu tả khiến tôi khá là thích thú và từng chơi trong trong những năm tháng ấu thơ.

Sau những yên bình của tuổi thơ là thực tại đau thương đang bao chùm đất nước bởi đại dịch Covid hoành hành. Đâu đó có những người con xa quê như tác giả, bị kẹt nơi thị thành với nỗi nhớ nhà chênh chao, chỉ biết gửi gắm qua những cuộc điện thoại hay dòng tin nhắn.

Tên tiêu đề bạn đặt cũng khá là hay, tuy nhiên để làm cho cơn mưa Hà Nội được trở nên đặc sắc thì phần đầu của tản văn bạn cần miêu tả cơn mưa một cách rõ ràng hơn. Đôi lời chia sẻ cùng bạn và cảm ơn bạn với một tản văn hay.

Lỗi chính tả: “típ tắp”, “cần kề”, “cuộc sông”, “xa xót”

15/ Cây duối cổ thụ làng tôi - Phùng Văn Định

Sau mỗi tuần thi, tác giả luôn xóa bài, đây là điều chúng tôi vô cùng cố kị với cuộc thi. Nếu mỗi tác giả tham gia thi viết xong đều xóa hết bài, cuộc thi tổ chức ra giống như một trò trẻ con, nặng về giải thưởng, thực tế mỗi bài các bạn đã đăng lên forum chúng tôi hoàn toàn có thể khôi phục dữ liệu, song, VHT cảm thấy không cần thiết. VHT xin phép không đánh giá bài thi này.

16/ Nhà là nơi… - Thảo Nguyên

Bài viết không đăng lên forum, không đúng thể lệ cuộc thi. Hãy đăng kí một tài khoản trên forum để có thể đăng bài vào lần sau nhé bạn.

17/ Mẹ ơi, con nhớ - Hảo Hảo

Chất thơ cao, câu từ có vần nhịp tạo nên tính trữ tình cho tác phẩm. Ví như câu: “Cuộn len to lăn tròn theo tay mẹ, nó nhỏ dần theo những mũi xuống lên”, đọc lên vô cùng thi vị. Đó cũng là những kỉ niệm về mẹ, những kí ức thơ ấu về mẹ, mà đọc lên hình ảnh người mẹ ấy vừa rõ ràng, vừa xúc động. Chỉ là những câu kể không hề dẫn dắt bạn đọc theo hướng suy nghĩ kể khổ, nhưng mũi ta cứ cay cay lạ thường : “Những đoạn đường có thể không giống nhau, điểm chung duy nhất là mẹ luôn đi bộ, xe mẹ nhường cho tôi, dù tôi biết trường làng gần hơn chợ huyện nhiều lắm”

Lỗi chính tả: thoăn thoát tay trèo, Mẹ dậy tôi đạp

18/ Xóm ngõ Dốc – Nguyễn Minh

Bài kí ghi lại cuộc sống, sinh hoạt đặc trưng của xóm ngõ Dốc, khá giàu thông tin về một nơi làng quê tiêu biểu cho nhiều nơi trên đất nước Việt Nam này, tuy nhiên tác giả thuần kể lại nên hơi khô.Câu đề cho bài là câu hay nhất, có những ví von khiến câu văn đẹp, giá như tác giả pha trộn những câu chữ tượng hình vào nhiều hơn thì sẽ rất tuyệt.

19/ “Thành phố mình sẽ khỏe sớm mai thôi” của tác giả Gió là một bài thơ rất hay, khiến cho không chỉ tôi mà độc giả nào cũng phải nghẹn ngào xúc động rưng rưng. Cho tới thời điểm hiện tại, số lượng các tác phẩm thơ dự thi chủ đề “Nhà” khá là nhiều, nhưng nổi bật hơn trong số đó là tác phẩm này. Có lẽ do tác phẩm có tính phản ánh thời sự nên dễ chiếm được cảm tình bạn đọc.

Trong bài thơ này, tác giả đã khắc họa lại một thành phố vốn được mệnh danh là hoa lệ, nay đang phải oằn mình gánh chịu những thương đau của một cơn đại dịch thế kỷ đang bao chùm trên toàn thế giới. Sau những ngày dài chiến đấu cùng dịch bệnh thì thành phố cũng đến lúc ngủ, chỉ có những anh hùng nơi tuyến đầu chống dịch như những chiến sĩ áo xanh, những tình nguyện viên hay những mạnh thường quân lặng lẽ âm thầm lao vào tâm dịch để hỗ trợ mà không ngại hiểm nguy là còn đang thức để phục vụ đồng bào, những mong giành lại sự bình ạn cho hàng triệu kiếp người.

Tác phẩm tựa như một thước phim quay chậm về một Sài Gòn mất mát đau thương, nhưng vẫn gắng gượng để chữa lành nhờ sự sẻ chia từ những tấm lòng trên mọi miền tổ quốc như “những cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng” hay những mớ rau được chi viện từ miền Trung, Nam, Bắc.

Hình ảnh chú Minh Râu, anh Cường béo hay những vị sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cũng đã trở thành những nhân vật tạo nên vẻ đẹp của bài thơ. Khiến bất cứ ai đọc xong cũng thấy nghẹn ngào xúc động.

Với cách viết tự sự và giàu hình ảnh, tác giả đã tạo ra một tác phẩm có sức gợi hình cao. Đồng thời khổ cuối của bài thơ như một thông điệp, một lời chúc, lời nguyện cầu mà không chỉ riêng tác giả muốn gửi tới Sài Gòn:

“Bất tận yêu thương – thành phố đã khỏe rồi”

Cảm ơn Gió vì một bài thơ rất hay và thẫm đẫm yêu thương. Tôi xin được mượn tiêu để của bài viết để gửi gắm tình cảm của mình tới Sài Gòn yêu dấu: “Thành phố mình sẽ khỏe sớm mai thôi”.

20/ Những nấm mộ bên cành nhãn chín - Vũ Thị Trà My

Với tác phẩm này, Trà My đã gợi lại cho người đọc một mùa nhãn đặc trưng gắn liền với phiên chợ của vùng quê. Đan xen đó là những kỷ niệm của tuổi thơ ùa về sau khi hay tin “ông San” mất từ lời thông báo của người mẹ.

Trong tác phẩm này, ông San được khắc họa là một nhân vật “cả đời chở chiếc xe đi tuốt lúa cho mọi nhà”. Khi ông mất, thật bất hạnh thay khi hai người con gái của ông lấy chông xa quê, vì đại dịch mà ko về đưa tiễn ông lần cuối được. Do ông San là người đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả, nên khi miêu tả nhân vật, tác giả đã rất khéo léo gửi gắm tình cảm của mình vào nhân vật đó. Không rõ ràng nhưng đủ để người đọc cảm nhận được.

Tuy nhiên sau cái chết của nhân vật thứ hai là “ông Sinh”. Thì cảm xúc của tác giả dường như chưa chạm đến ngưỡng để có thể gọi là lắng đọng.

Có một cái gì đó tiếc nuối, chơi vơi trong tác phẩm của bạn. Cốt truyện cũng chưa làm rõ lắm ý nghĩa của tiêu đề, hoặc giả chăng tiêu đề hơi lạc so với những gì mà tôi đọc được trong truyện. Mong rằng bạn sẽ cố gắng hơn trong những tác phẩm sau.

Lỗi: “tập nấp” => “tấp nập”

21/ Bữa cơm chiều trong năm tháng ấu thơ – Phạm Như Ý

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã đặt câu hỏi gợi mở cho người đọc suy nghĩ về một nơi khiến cho mình hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Và như để tự trả lời cho tất cả, tác giả đã viết: “nhà là nơi để trở về, là nơi có những bữa cơm chiều ấm nóng và đủ đầy tình thương, nơi có sự sẻ chia tình thương ruột thịt”

Tuy nhiên việc lặp từ “tình thương” ngay đầu câu khiến cho thông điệp bớt đi phần giá trị.

Từ “muôn màu” và “đa sắc” được dùng với nghĩa như nhau nên khi để cạnh nhau nó khiến câu văn trở nên thiếu mượt mà, trau truốt.

Điều tôi khá thích trong tác phẩm của bạn đó là đoạn miêu tả thời khắc chuyển giao mùa, giàu hình ảnh và ngôn từ cũng mượt mà hơn so với đoạn đầu bạn viết.

Phần sau, cách mà bạn miêu tả tâm lý, cũng như khéo léo đưa người đọc trở về miền ký ức xa xăm nơi làng quê yên bình cũng rất là hay. Nó làm tôi nhớ nhiều hơn những bữa cơm chiều xa xăm bên gia đình thuở ấu thơ phần nhiều êm ả. Khác hẳn với những bữa cơm vội ở một quán ven đường hay bữa cơm văn phòng thiếu tiếng cười của một người con xa xứ.

Cả một tản văn là những lời êm dịu ngọt ngào, ngoại trừ phần đầu khiến tôi hơi hụt hẫng thì nhìn chung tác phẩm khá là hay.

Có một điểm bạn cần lưu ý. Ít ai dùng từ “mảnh đất Đà thành” để thay thế tên gọi “thành phố Đà Nẵng”.

Lỗi: “Vững chải” => “vững chãi”.

22/ Hai thập kỷ luyến lưu – Tri Ức

Trong tác phẩm này tác giả đã dùng những ngôn từ khá mượt mà và giàu chất gợi hình để đưa người đọc về miền kí ức, nơi đó có khu vườn mà gia đình đã chăm chút tạo nên với muôn màu muôn sắc thu hút bao nhiêu âm thanh sống động của những sinh vật tạo nên một bản giao hưởng vô cùng sinh động và gần gũi với thiên nhiên. Qua cách viết của bạn, tôi nhận rõ được bạn hẳn là một người rất giàu có khi có một miền quê dịu dàng dung chứa cả tuổi thơ yên bình, êm ả.

Ở đoạn thứ 2 của tác phẩm, tác giả đã khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi ngôi nhà, nơi gắn bó nhiều kỷ niệm tuổi thơ đã được bán cho người ta qua lời của thầy phong thủy. Có một chút gì đó phản ánh “mê tín dị đoan” vẫn còn tồn tại và ăn sâu trong phong tục tập quán của người dân nên việc nghe theo lời thấy phong thủy nửa vời là điều không tránh khỏi.

Đoạn cuối, những suy nghĩ len lỏi trong tâm thức của bạn được thể hiện bằng những câu thoại ngắn bạn nói với anh hai của mình. Tuy nhiên nó lại làm cho tản văn của bạn bớt đi cái hay của tác phẩm. Nếu bạn viết ít lại và để một vài câu đẩy mạnh cảm xúc tiếc nuối lên cao trào thì có lẽ nó sẽ ổn hơn.

23/ Chút tình thơ cho Đà Nẵng” của Nguyễn Hải Liên là một bài thơ hay. Trong bài thơ này, tác giả đã rất khéo léo đưa vào lời thơ ngọt ngào, êm dịu bằng tên những địa danh gắn liền với thành phố được coi là đáng sống nhất Việt Nam. Hình ảnh đặc trưng nơi thành phố này là những cây cầu bắc qua đôi bờ sông Hàn như cầu Rồng, cầu Quay “đưa Đà Nẵng vươn hình hài lớn dậy”, “món chè đêm vì thơm bùi ngầy ngậy” nơi góc phố, vẻ đẹp của Bà Nà Hill, cầu Tam Thai, hay biển Mỹ Khê mênh mông bát ngát.

Tuy nhiên trong bài thơ này, tác giả có đôi chút nhầm lẫn với địa danh Cù Lao Chàm và rừng Dừa 7 mẫu.

Theo tôi được biết thì về mặt hành chính, Cù Lao Chàm trực xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tương tự như vậy, của khu rừng Dừa 7 mẫu, lẩn khuất bên trong là những “phận đời chở nặng chuyến đò ngang” cũng thuộc tổ 2, thôn Cần Nhân, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Nên để đưa hai địa danh này vào trong bài thơ để viết về vẻ đẹp của Đà Nẵng thì tôi e rằng nó không được hợp lý lắm.

Trong câu cuối của khổ thơ thứ 2, tác giả viết “Lời mộ mến vẫn dành riêng Đà Nẵng”. Tuy nhiên từ “mộ mến” gần như không có trong từ điển thông dụng trước khi tôi thấy bạn dùng, thay vào đó là từ “mến mộ” thì lời thơ sẽ đẹp hơn.

Từ “tình tội” trong một câu thơ khác: “Có những người tình tội bước mưu sinh” cũng tương tự

24/ Thái Bình một miền quê” của tác giả Vũ Thúy là tình cảm của nhân vật với quê nội của mình. Trong bài này, tác giả sử dụng khá nhiều từ láy khiến tôi vô cùng thích thú như: “ngút ngát, ràng rạc, nồng nàn, mặn mòi, hiền hòa…”. Lời thơ nhẹ nhàng mà da diết, tận sâu trong đó là chứa chan tình cảm với quê hương với cầu Triều Dương, làng Nguyễn với bánh cáy gia truyền, bãi biển Cồn Đen, Cồn Vành, sông Ba Lạt hay bánh mắm ở chợ gú Diêm Điền. Tất cả những điều đó đã tạo nên một Thái Bình rất riêng khiến ai một lần ghé qua thôi đều nhớ.

Hơi tiếc một chút vì trong một vài thơ khá là hay như vậy lại vô tình có lỗi chính tả. Đó là từ “chải tóc” thay vì “trải tóc” như bạn viết trong bài. Mong bạn lần sau sẽ khắc phục được những lỗi nhỏ bé thế này ạ.

Cũng xin được gửi lời cảm ơn đến bạn vì trong suốt khoảng thời gian diễn ra cuộc thi “Nhà”, bạn đã luôn có những tác phẩm dự thi và cổ động một cách bền bỉ và đều đặn. Mong rằng bạn sẽ luôn đồng hành cùng Văn Học Trẻ trong nửa thời gian còn lại của cuộc thi cũng như chặng đường dài phía trước.

25/ Đêm nằm mơ phố - Tấn Huy

Huy, vẫn với đặc sản là những câu văn dịu nhẹ nhưng giàu cảm xúc, chất chứa nhiều nỗi lòng sau những câu chữ của mình. Đọc "Đêm nằm mơ phố" của Huy tôi có cảm giác như được đọc một bức thư tình với những lời văn chau chuốt và nên thơ quá đỗi. Qua ngòi bút của bạn, thành phố Quy Nhơn trở nên đẹp và thơ mộng như người con gái đang độ tuổi xuân thì. Cái vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm đó đã làm cho bao người phải say mê muốn dừng chân như bến đậu.

Vẫn là một thành phố im lìm sau những ngày giãn cách, nhưng lại hứa hẹn tầm nhìn, thay đổi bộ mặt ở tương lai. Bởi “ Phố sẽ hết buồn thôi, phố sẽ trở lại với dáng vẻ đang điểm tô của nó. Và nó đang lớn lên với sự dậy thì mãnh liệt của nhan sắc, tâm hồn.”

Tuy nhiên, do cái tài sử dụng ngôn ngữ của tác giả đôi lúc đã khiến tôi quên đi phần nội dung mà mình cần nhận xét, phải đọc đi đọc lại tôi mới cơ hồ nhận ra có đôi chỗ tác giả sử dụng không được logic cho lắm.

Ví dụ, trong biện pháp so sánh mà tác giả sử dụng ở đoạn đầu “rạch ròi giữa hai bờ giản đơn- phát triển” và “sức mạnh đấu tranh với tâm hồn trinh trắng”.

Dù sao thì tôi cũng phải công nhận rằng đây là một tác phẩm rất hay và đặc sắc về mặt ngôn từ. Dù day dứt, xót xa nhưng bạn đã dùng ngòi bút của mình để vẽ nên một thành phố Quy Nhơn đẹp như một bức tranh, cả con người và những gì thuộc về nơi đó. Cảm ơn bạn đã dự thi cùng Văn Học Trẻ.

Lỗi chính tả: “hổ trợ” “cố giắng”

26/ Tác phẩm “Nhớ công ty mùa covid” phỏng theo bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ được tác giả Tik TikTak gửi tới để cổ động cuộc thi “Nhà”. Trước hết, xin được cảm ơn tác giả đã dành tình cảm yêu thương tới cuộc thi cũng như Văn Học Trẻ. Chúng mình rất vui và hi vọng rằng bạn sẽ trở lại với cuộc thi bằng những lời thơ hồn nhiên vui vẻ như bài thơ trong tuần thứ tư mà bạn đã từng tham gia nhé.

Trở lại với bài thơ “Nhớ công ty mùa Covid”, tác giả đã mang lại một màu sắc mới mẻ trong giọng thơ vốn được coi là điển hình của phong trào thơ mới. Với những gì diễn ra trong công ty của bạn, trước khi đại dịch Covid đi qua, thì nó vẫn thường thấy hằng ngày ở mọi công ty khác. Cái khéo léo của bạn ở đây là viết một cách dí dỏm, nhưng cũng mang đầy tiếc nuối về những ngày tháng vui vẻ bên các thành viên của công ty. Nay chỉ vì Covid mà phải chia xa chưa biết ngày nào gặp lại. Dẫu có chút xót xa trong đó nhưng tôi vẫn cảm nhận được bạn là một người lạc quan, yêu đời.
Mong bạn những ngày tháng tiếp theo luôn bình an, dù đại dịch vẫn hoành hành. Một lần nữa, cảm ơn bạn vì bài thơ hay.


Cám ơn tất cả các tác giả và bạn đọc đã quan tâm, đồng hành cùng Văn học trẻ cuộc thi sáng tác văn học chủ đề "Nhà"

Thay mặt BTC cuộc thi
Admin Thy Việt
 
Từ khóa
chiếc bẫy tình yêu cuộc thi viết chủ đề nhà ngay dưới hiên nhà nhận xét các tác phẩm dự thi thành phố mình sẽ khỏe sớm mai thôi
1K
5
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top