Thông Báo Nhận xét của BGK về tác phẩm dự thi tuần 6 cuộc thi NHÀ

Thông Báo Nhận xét của BGK về tác phẩm dự thi tuần 6 cuộc thi NHÀ

Thy Việt
Thy Việt
Nhận xét của BGK về các tác phẩm tuần 6 trong cuộc thi viết chủ đề “nhà”
Tuần 6 cuộc thi viết chủ đề "nhà" với 24 tác phẩm dự thi chính thức, 1 tác phẩm cổ động của Lương Phạm, trong đó thơ chiếm tới 12 bài (thực tế là 16 bài do tài khoản Hoa phù sa gửi chùm thơ thu 5 bài), tản văn, kí 10 bài và truyện ngắn 3 bài. Phải chăng thu về đánh động lên tâm hồn thi sĩ những niềm rung động mãnh liệt?

6506

1/ Trưởng thành từ nỗi nhớ - Nguyễn Khánh Ly

Theo mình, có lẽ trong bài thơ của bạn, ý thơ đắt nhất nằm ở hai câu đề của bài thơ:

“Giờ thôi đã hết nhỏ rồi
Đã thôi khờ dại, thôi còn ngây ngô.”


Nó khiến cho người đọc có chút gì đó tiếc nuối, xót xa về một tuổi thơ đã đi qua không hẹn ngày trở lại. Ở những khổ tiếp theo, ý thơ của bạn cũng rất là hay. Xin được mượn lời bình của bạn Phạm Lương cho đoạn thơ này ạ:

“Không hớn hở những ngày nước ngập, thả thuyền chơi
Với với làm vui túi bóng hồng buộc chỉ
phấp phới đầu hồi, hai làm tỉ mỉ:
“Cần chi mua, đây, diều hai cho”

"Không lò cò, chơi đuổi bắt, ú tim
Không vẽ vời chim muông, hoa cỏ
Cùng mấy đứa nhỏ cách nhà chừng đâu cái ngõ
Đứng bên vườn mà vẫn trông rõ mặt nhau."


Năm từ láy "hớn hở, với với, phấp phới, tỉ mỉ, lò cò" gợi hình, gợi cảm tạo nét trẻ thơ không lẫn vào đâu được - nhưng là nét trẻ thơ từ góc nhìn của người lớn, của tuổi trưởng thành nghĩ về những ngày thơ ấu. Từ "với với" chưa hẳn là một từ phổ thông chuẩn, nó kết hợp liên tiếp hai từ đơn mô tả hành động của đôi tay nhưng khi kết hợp lại tạo thành một từ thú vị, bình dị đời thường. Kiểu như trèo cây hái trộm khế, quả xa quá phải "với với" ^^

Những ngày mà trò vui trẻ con đơn thuần của biết bao đứa trẻ trên mảnh đất Việt : lò cò, đuổi bắt, ú tim, xếp giấy thả thuyền, thả diều... " giờ chỉ là hoài niệm bạn nhỉ? Những thứ đơn sơ, nhỏ bé như "cửa sổ rỉ sắt, chậu cây leo xanh um, tường hồng lớp học" dễ dàng mất đi khi người ta lớn, bị cuốn đi bởi âu lo cơm áo gạo tiền, hơn thua được mất.

Bạn thể hiện nỗi hờn giận trẻ con rất hay. Nó vẹn nguyên sự hồn nhiên, trong sáng, dễ buồn chóng vui của con nít. Như khổ thơ :

Cũng không còn mau hờn dỗi, mau quên
Chiều chiều chơi bên cái cột bê tông vuông vực
Không vừa lòng, bực!
Đứa dựa cột, đứa dựa tường
Khóc to tướng xong lại hòa, đến ngộ!


Khổ thơ cuối với điệp từ "về", nhấn mạnh cảm xúc nhớ nhung bất chợt vỡ òa, sau các khổ thơ trên bị dồn nén bới vô vàn kỉ niệm tuổi thơ. Nó là lời hứa hẹn, cũng là tự trách móc bản thân vì sao lại lãng quên quê nhà và tuổi thơ như vậy? Mình cảm giác như đọc khổ cuối trong bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh. Có lẽ, cảm xúc của tác giả và Xuân Quỳnh gặp nhau ở điểm này chăng?

Tuy nhiên có một số lỗi nhỏ tôi mình muốn chia sẻ. Đó là về nhịp thơ, mình thấy đôi chỗ chưa được mềm mại cho lắm. Tuy là thể thơ tự do nhưng cũng cần lưu ý về nhịp thơ bạn ạ. Cách thể hiện của bạn gần với ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày hơn là thơ. Thêm nữa, bạn nên đặt dấu cuối câu nhiều hơn một tí ở các vị trí thích hợp. Mình nghĩ nó sẽ chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp hơn đấy.

Cảm ơn bạn vì bài thơ hay. Mong bạn tiếp tục giao lưu cùng diễn đàn.

Lỗi chính tả: vuông vực => “vuông vức” .

2/ Ai đó bảo – Nguyễn Hải Liên

Nếu những ai theo dõi diễn đàn hoặc cuộc thi đều dễ dàng nhận ra Nguyễn Hải Liên là một cây viết tiềm năng với những đóng góp tích cực cho diễn đàn cũng như cho cuộc thi “Nhà” của chúng ta. BBT đánh giá cao ở bạn sự nhiệt tình và duy trì bài viết rất ổn định qua các tuần dự thi.

Về bài thơ “Ai đó bảo” mình xin có chia sẻ như sau (tham khảo bình luận của bạn Linh Ann).
Phải nói rằng đây là một bài thơ rất đẹp về nội dung và giàu tính nghệ thuật. Với biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ rất đặc sắc. Như: “đóa hoàng lan khép cửa tắm hương sầu”, “mây nghẹn ngào”, “gió sướt mướt”, “gành rên xiết lá buông lời trăn trối”, “giam chữ tình vào ngục tối”... và rất nhiều các động từ mạnh, tính từ chỉ trạng thái, từ láy “thánh thót, thảng thốt, biền biệt, lả lơi” bạn đã viết lên những câu thơ thật đẹp, giàu hình ảnh về một mùa thu buồn, tình cũng buồn như sắc lá thu vậy.
Câu thơ cuối “Thu trải gió, dầm sương... Thu tàn tạ!” khép lại với từ láy “tàn tạ” đủ để người đọc mường tượng một mùa thu đang bị nỗi buồn giăng mắc và phần nào đồng cảm và thương tác giả đã phải trải qua những kỷ niệm nhiều hơn những nỗi buồn của mùa thu.

Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa Hải Liên đã thổi hồn vào mùa thu để thu cũng có những tình cảm như con người: biết hờn quên ngày tháng, thu u sầu... tôi đánh giá cao tác phẩm của bạn. Hi vọng là bạn vẫn giữ được phong độ như sáng tác lần này. Chúc bạn luôn thành công trong nghiệp viết của mình.

3/ Giấc mơ cổ tích – Linh Ann

Cũng như Hải Liên, chúng ta đều nhận thấy Linh Ann là một cây viết rất tích cực đóng góp cho diễn đàn cũng như suốt quá trình diễn ra cuộc thi “Nhà”, gần như tuần nào Linh Ann cũng có bài dự thi, đa dạng ở các thể loại như truyện ngắn, truyện đồng thoại, tản văn, thơ... và những tác phẩm đó đều được BBT đánh giá cao tài năng của bạn. Trong bài thơ này BGK xin được mượn bình luận của tác giả Hải Liên để gửi đến bạn đôi lời nhận xét, vì nhận thấy bình luận cũng khá là đầy đủ.

Trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng, bài thơ của tác giả Linh Ann khiến cho bất cứ độc giả nào, dù đang bồn bề với cuộc sống ngoài kia cũng đều nhận ra trung thu đang gần kề trước ngõ. Để rồi nương theo bài thơ mà hòa nhịp với những kỷ niệm thuở thiếu thời.

Trung thu năm nay, vì dịch Covid 19 mà mọi thứ đảo lộn, những niềm vui nho nhỏ như rước đèn phá cỗ cũng phải cất giấu đi bởi biến động cuộc sống. Nhưng với tâm hồn thi nhân Linh Ann đã khéo léo kéo bạn đọc ra khỏi những âu lo mà cùng cô ấy vui tết trung thu qua những vần thơ ngọt ngào, trong trẻo. Bài thơ chứa đựng thông điệp giáo dục cao, giàu tính nghệ thuật, rất hợp với chủ đề tuần sau “thu về muôn nẻo”.

Tác giả sử dụng đại từ nhân xưng “em” cho câu thơ đầu tiên của khổ một “em mang giấc mơ về miền cổ tích”, hẳn là cô ấy muốn thay lời cho các bạn nhỏ viết lên ước mơ của tuổi thơ. Nếu theo dõi kỹ các tác phẩm của Linh Ann bạn sẽ thấy tác giả là một cây bút viết cho thiếu nhi rất thành công. Chỉ điều này thôi đã đủ cho chúng ta thấy Linh Ann là người rất yêu trẻ con. Có thể do Linh Ann là một người mẹ, dễ dàng thấu hiểu được tâm lý của trẻ thơ nên những lời văn lời thơ của tác giả mới dễ thương đến vậy.
Quay trở lại với khổ 1 bài thơ tác giả đã sử dụng rất thành công nghệ thuật nhân hóa “trời dệt mùa thu với những lá vàng”. Hình ảnh thơ đẹp và trong trẻo biết bao. Chỉ với vài nét chấm phá nhẹ nhàng tác giả đã phác thảo lên một bức tranh thu đẹp tuyệt vời với lá thu vàng, chị Hằng và chú Cuội. Tôi như thấy một nét giao thoa giữa Linh Ann và Tản Đà. Nếu như ở “muốn làm thằng Cuội” Tản Đà xin lên chơi cung Quế với chị Hằng còn ở bài này Linh Ann “gọi chị Hằng chú Cuội xuống chơi”. Làm sao mà tôi có thể làm ngơ trước những câu thơ đẹp thế này. Và tôi tin các độc giả khác cũng thế.

Ở 2 khổ thơ tiếp theo của bài thơ, tác giả đã đưa chúng ta đến những giấc mơ bình dị yên bình có tiếng trống ếch, có câu chuyện bà kể, có ước mơ tết trung thu đoàn viên. Đọc những dòng thơ của Linh Ann tôi chợt nghe lòng se sắt buồn vì đại dịch Covid khiến cho giấc mơ đoàn viên trở nên xa xôi vô cùng. Chỉ bằng 8 câu thơ trong khổ 2 và khổ 3 mà tác giả khéo léo đưa độc giả về với thế giới cổ tích đầy sinh động và không kém phần thơ mộng: có ông Bụt, bà Tiên, có cô Tấm cùng với bạn cá bống của mình. Tuổi thơ trong thơ Linh Ann thật đẹp đẽ và dễ thương. Để rồi nó khiến độc giả man mác buồn khi đối diện với hiện thực ở khổ thơ thứ 4:

“Em mang giấc mơ cổ tích để ru lòng
Giữa bộn bề lo toan cuộc sống,
Cổ tích ru em ngược về trong cõi mộng.
Một mùa Trăng thơ bé thật êm.


Những câu thơ trong khổ 4 kéo người đọc về với thực tế đời thường với bộn bề lo toan trong cuộc sống nhưng nhờ giấc mơ cổ tích mà tác giả đã được đưa trở về cõi mộng để thấy “một mùa trăng thơ bé thật êm đềm”. Chỉ với câu kết này thôi tác giả đã đưa ra một triết lý cuộc sống luôn đúng với hầu hết mọi người: tuổi ấu thơ là tuổi hồn nhiên nhất, êm đềm nhất.

Bài thơ của bạn có lúc rộn rã vui tươi nhưng có khi là trầm buồn lắng đọng. Tôi thích cách bạn đưa các câu chuyện cổ vào thơ, rất tự nhiên và đầy tính nghệ thuật. Điểm trừ của bạn là sửa bài dự thi khi đã đăng công khai. Điều này gây khó khăn cho công tác chấm bài của chúng tôi, cũng như việc bình luận của bạn đọc nếu họ đã ” trót” bình bài trước đó rồi.

Hiện nay dịch covid đang hoành hành, xin cho phép tôi khép lại bài bình với lời chúc cho tất cả nhân loại bình an. Chúc cho các em nhỏ luôn khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Xin cảm ơn Linh Ann với một bài thơ đánh thức tuổi thơ tôi.

4/ Liêu xiêu ngói cũ – Tiểu Mai

Cảm ơn Tiểu Mai vì một bài thơ rất xúc động. Nếu ai đó đã từng sống trong căn nhà "Liêu xiêu ngói cũ" chắc hẳn sẽ không bao giờ quên những ngày mưa bão không ngủ, run rẩy sợ hãi nghe gió rít qua mái ngói, rồi nhìn nồi niêu la liệt hứng nước mưa dưới cái bóng đèn leo lét. Bài thơ này bạn mở đầu bằng hình ảnh của “ông”, dẫn lời bằng hình ảnh “bố” để tả nỗi thương con, thương cháu, nặng lòng lo lắng vì cái nghèo cái khổ. Ngôn từ giản dị, thể thơ lục bát cổ điển càng làm cho sự bình dị và chan chứa xúc cảm hiện lên thật rõ. Mùa thu đối với nhiều người thật đẹp, là lá vàng, gió bay, là hương cốm, hương hoa sữa, nhưng với bạn nó lại là những tin bão lũ liên miên. Chân thật đến đau lòng. Đó là nỗi hoảng hốt của ông mỗi khi trời nổi gió, vội vàng đón cháu khỏi cơn mưa:

“Áo tơi, đầu đội nón mê
Bước chân lập cập, dắt xe xiêu lòng
Nghiêng mình đổ bớt nước trong
Gấu vai còn đọng mấy dòng mặn thương”


Hay cái thở dài, trăn trở hằn sâu của bố những đêm mưa bão:

“Gầm gào tiếng gió bên song
Gió ngơi mới tạm yên lòng chợp nhanh”


Đọc những dòng thơ của bạn tôi cứ thấy nghèn nghẹn nơi cuống họng. Có lẽ bài thơ bạn đẹp quá, tình quá, và chân thật quá, khiến ký ức của tôi bên ngôi nhà ngói liêu xiêu cũ như lại ùa về. Để rồi:

“Chợt nghe sấm gọi trời mưa
Nhà cao ba gác nhớ xưa giật mình.”


Nếu được tôi xin góp ý cho bạn một điểm như sau:

Bạn nên chia các câu thơ thành các khổ thơ thì nhìn vào bài sẽ tránh được tình trạng dày đặc chữ và nhìn bài sẽ đẹp hơn.
Bạn nên có những dòng chú thích nếu sử dụng phương ngữ trong bài ví dụ câu “rui mè đỡ mái xương xương” thú thật là tôi chỉ hiểu mơ hồ nhờ đọc câu trước và câu sau của câu thơ đó chứ chưa hiểu được trọn vẹn ý bạn muốn nói.
Cảm ơn bạn về bài thơ rất hay và xúc động. Mong nhận được sự đồng hành từ bạn ở những chặng đường sắp tới của diễn đàn. Trân quý!

5/ Tình thu – Lương Phạm

Với bài thơ “Tình thu” của tác giả Lương Phạm, tôi xin được mượn lời bình của bạn Hải Liên để chia sẻ về tác phẩm này. Cảm ơn Hải Liên với những đóng góp rất tích cực của bạn dành cho diễn đàn nói chung và tác phẩm “Tình thu” của bạn Lương Phạm nói riêng.
Mở đầu mỗi khổ thơ tác giả Lương Phạm luôn lặp lại câu “Anh chở em về độ cuối thu” một cách đầy chủ đích và có tính nghệ thuật, tạo điểm nhấn đặc biệt khiến cho độc giả chú ý hơn nhiều và cuốn vào mạch thơ.

Nếu như ở khổ thơ đầu tiên, Lương Phạm đã cho người đọc thấy một nỗi nhớ ngọt ngào dành cho người yêu bé nhỏ của mình, thì ở khổ thơ thứ 2, vẫn những dòng thơ tha thiết, đắm say và đầy tính nghệ thuật, bằng tâm hồn thi sĩ tác giả đã thổi hồn vào thiên nhiên, để thiên nhiên cũng có những cảm xúc, hành động như con người. Nghệ thuật nhân hóa mà tác giả sử dụng trong khổ thơ khiến cho nắng hệt như một cô nàng thiếu nữ đáng yêu biết “khúc khích cười” còn gió thì như một anh chàng lãng tử ôm đàn “hát chuyện tình ta”. Chỉ với những câu thơ như thế này thi nhân đã khiến tôi yêu mùa thu quá đỗi.

Ở khổ thơ thứ 3, dường như tác giả đã viết hộ biết bao người đã từng có những kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu đầu đời thật đẹp “góc phố vắng người đâu ai thấy” rồi lại “ngoảnh mặt giả vờ tay nắm lấy” để “trái tim ngừng đập phút giây này”. Thật đúng là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, khiến cho không chỉ tôi mà biết bao độc giả khi đọc những vần thơ này đều thấy chuyện tình yêu của chính mình trong đó.

Đọc những vần thơ ở 2 khổ tiếp theo, tôi có cảm giác như nghe một khúc nhạc đượm buồn. Cũng vẫn là trời cuối thu nhưng tác giả lại làm tôi buồn đến nao lòng. Hình ảnh “rêu phong”, “lệ nhỏ ngập ngừng nơi đáy mắt” làm tôi liên tưởng đến một chuyện tình đã cũ, chuyện tình của những người đã xa nhau. Ở câu thơ cuối khổ bốn tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa mạnh mẽ “mi sầu hoen đỏ bóng chiều tan”. Không hiểu sao tôi như thấy tác giả giấu cô đơn vào trong câu chữ và điều đó làm mắt tôi nhòa lệ.
Và đến khổ thơ cuối thì sự cô đơn được tác giả khắc họa một cách rõ nét hơn. “Linh hồn nằm ngủ bên tường đá”, có phải chăng tác giả ru hồn mình vào giấc ngủ để lãng quên đi một mối tình buồn. Lương Phạm năn nỉ “ đừng kéo đông về. Một cơn mê". Lời năn nỉ vô lý nhưng thể hiện ước vọng bình an trong lòng tác giả dành cho chuyện tình của mình cũng như người mà tác giả đã từng yêu.

Bài thơ kết thúc nhưng những cảm xúc ngọt ngào, lắng sâu và trầm buồn mà nó mang lại vẫn đọng lại trong tâm hồn tôi.
Nếu được góp ý chỉnh sửa cho bạn thì tôi muốn góp ý một chút về vần và âm điệu trong bài thơ của bạn. Có thể nói như thế này bài thơ của bạn giống như một viên ngọc những cần được mài dũa thêm. Nếu bạn chú ý tới âm vần để bài êm hơn dễ chiếm trọn cảm xúc của độc giả hơn. Thơ của Lương Phạm hay về cảm xúc nhưng giá như tác giả chú ý đến âm luật sẽ khiến bài của bạn có tính nhạc và ngọt ngào hơn. Dù có 1 chút xíu lỗi nho nhỏ như thế nhưng phải công nhận rằng Lương Phạm đã khẳng định và xây dựng vững chắc vị trí của mình trong lòng bạn đọc. Cảm ơn tác giả vì một bài thơ hay.

6/ Sắc thu – Hoài Sa
Bài thơ “Sắc thu” của tác giả Hoài Sa là một bài thơ đẹp viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, với những hình ảnh đặc trưng của mùa thu đã đươc tác giả thể hiện một cách rất rõ nét qua những vần thơ nhẹ nhàng, êm ả như: thu nhè nhẹ, ngọn gió chao nghiêng, màu tím của hoa dạ yến thảo, mùi hương sữa nồng nàn, nắng vàng dìu dịu hay những làn sương giăng bạc trắng cả hồn ta. Tất cả những hình ảnh đó đã tạo nên một bức tranh thu vô cùng sinh động và đẹp đẽ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng về niêm luật của thể thơ thất ngôn bát cú bạn chưa vận dụng được nhuần nhuyễn cho lắm, nên đôi khi khiến câu thơ dù hình ảnh tượng hình rất đẹp vẫn khiến tôi lạc nhịp mà dừng lại trước khi đọc tiếp những câu sau. Câu kết bài thơ cũng chưa thật sự đặc sắc, cảm giác như còn thiếu chút gì đó ở đằng sau. Dù sao cũng cảm ơn bạn rất nhiều, bằng những lời thơ bay bổng, bạn đã vẻ lên một bức tranh thu đẹp diệu kì, mong nhận được bài của bạn ở những tuần tiếp theo của cuộc thi. Trân quý!

7/ Tháng mười và em – Vũ Thúy
Vũ Thúy là tác giả vô cũng cần mẫn và tâm huyết với những tác phẩm của chính mình. Với bài thơ “tháng mười và em” thì đó là một bài lục bát ngọt ngào với những hình ảnh thơ rất đẹp và giàu tính nghệ thuật. Ví dụ như câu “cài lên vai áo xuân thì trăng non”, “cứ đau đáu nhớ... chạm viền mắt nhau” và đặc biệt là hai câu kết rất đẹp và rất thơ:

“Có phải anh hóa tình thơ
Hay là em đã mộng mơ tháng mười...”


Tuy nhiên bên cạnh đó Vũ Thúy cũng sử dụng một số hình ảnh thơ không được đẹp lắm, ví dụ như “ai gieo bùa ngải chênh chao tháng mười”. Vũ Thúy ơi! Bùa ngải thường được biết đến với những hình ảnh và ý nghĩa không tốt lắm, bạn đưa vào câu thơ thế này vô tình làm ý thơ kém sang. Cũng vẫn giữ ý thơ của bạn, tôi thay từ “bùa ngải” bằng từ “nỗi nhớ” Vũ Thúy thấy thế nào? Đây chỉ là góp ý nho nhỏ thôi nha “Ai gieo nỗi nhớ chênh chao tháng mười”. Có chỗ Vũ Thúy vì phải tuân thủ vần luật nên dùng từ không đúng ví dụ như từ “bồng phiêu” là từ không có trong từ điển chỉ có từ “phiêu bồng” thôi bạn ạ. Cảm ơn bạn đã luôn đồng hành cùng văn học trẻ. Chúc bạn có nhiều sáng tác hay hơn nữa.
Bài thơ này không đăng trên forum.

8/ Nốt trầm tháng năm – Thụy Dung

Bài thơ “Nốt trầm tháng năm” là một bài thơ đong đầy tình cảm giữa cô trò với những lời thơ rất ngọt ngào, đưa người đọc trở lại thời áo trắng rưng rưng xúc động. Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh thơ đẹp như: “tháng năm về gác nỗi nhớ lên cây”, “gốc phượng già, ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, trong trẻo của học trò. Ai cũng có một thời học sinh bên sân trường với đầy kỉ niệm như nhặt cánh phượng hồng ép vào trang nhật ký hay một cái ôm thân tình khi mình lỡ làm điều gì có lỗi với thầy cô. Bài thơ cũng cho ta thầy hình ảnh đẹp của những người lái đò vĩ đại, họ hi sinh thầm lặng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Hết chuyến đò này lại đưa chuyến đò khác sang sông. Xin được gửi lời tri ân tới tất cả những thầy cô giáo đang hết mình với sự nghiệp trồng người.

Cảm ơn chị đã gửi bài tham gia ủng hộ cuộc thi.

9/ Tình yêu màu cổ tích – Trần Nguyệt Ánh

Bài thơ “tình yêu màu cổ tích” tác giả Trần Nguyệt Ánh là một bài thơ viết về tình yêu sét đánh của cô gái với chàng trai khá đẹp. Lời thơ của bạn cũng rất giàu hình ảnh ẩn dụ và mượt mà. Chủ đề tình yêu cũng là chủ đề được quan tâm nhiều nhất nên dễ đi vào lòng độc giả một cách tự nhiên mà không hề gượng ép chút nào. Hai câu cuối của bài thơ khiến tôi khá thích:

“Nỗi nhớ em đời thực
Chảy trong từng tế bào, phía ngực trái em đau”

Tuy chưa đúng với chủ đề cho lắm, nhưng bạn đã mang lại một luồng gió mới cho cuộc thi sáng tác văn học Nhà. Xin cảm ơn Nguyệt Ánh rất nhiều.

Bài thơ này không đăng trên forum, không hợp lệ

10/ Chùm thơ “Nỗi niềm mùa thu” - Hoa Phù Sa

Hoa Phù Sa là một cây viết rất năng nổ, tích cực gửi bài dự thi cũng như các sáng tác riêng đăng trên diễn đàn. Bằng chứng là trong tháng 8 vừa qua Hoa
Phù Sa đã được diễn đàn ghi nhận những đóng góp đó và trao giải thành viên tích cực. Tôi tin rằng với sự cần mẫn và chăm học hỏi, Hoa Phù Sa sẽ tiến xa hơn trong nghiệp viết của chính mình. Với chùm thơ Hoa Phù Sa dự thi, tôi xin có đôi lời nhận xét như sau:
  • Bài thơ thứ nhất: Gửi con yêu
Tôi đánh giá bài thơ của bạn rất chân thành về cảm xúc. Tình cảm của người mẹ dành cho đứa con thơ bé bỏng của mình thật đẹp và chan chứa yêu thương. Tuy nhiên hình ảnh thơ và nghệ thuật sử dụng ngôn từ chưa được đặc sắc cho lắm khiến cảm xúc đọng lại trong lòng độc giả còn hạn chế. Có những đoạn tôi có cảm giác bạn viết bằng ngôn ngữ nói nhiều hơn chứ ko phải là ngôn ngữ viết của một bài thơ. Chẳng hạn như đoạn này:

“Ôi giọt máu hồng chín tháng mẹ mang
Hôm nay ngày đầu tiên bước vào lớp một
Mẹ không ở nhà không đưa con đi được
Cha đưa con tới trường con có buồn không?”


Trong khổ thơ có lỗi lặp từ, chính xác hơn là nó không được êm ái như bạn mong muốn. Hi vọng thời gian tới Hoa Phù Sa sẽ cải thiện vốn từ và viết được những bài thơ hay hơn, êm ái hơn.
  • Bài thơ thứ hai: Đến bao giờ mới khỏe miền trung ơi
Đây là một bài thơ rất xúc động và ổn về vần luật, và quan trọng là bạn đã truyền được cảm xúc rất tốt tới độc giả của mình. Có lẽ bởi chúng ta cùng mang dòng máu Lạc Hồng nên những âu lo cho miền Trung luôn thường trực trong tâm hồn, để rồi mỗi khi bão lũ ùa về, chúng ta lại đau chung nỗi đau với miền Trung ruột thịt.

Tuy nhiên, cách kết thúc bài thơ khiến tôi có cảm giác hơi hụt hẫng, nếu được, bạn nên viết thêm khổ nữa để bài viết trở nên trọn vẹn hơn. Cảm ơn bạn vì một bài thơ hay.
  • Bài thơ thứ 3 : Em về làng
Đây là một sáng tác về người vừa mới trải qua 14 ngày cách ly tập chung vì covid, nay đã được trở về nhà. Nhìn chung đây là một bài thơ xúc động nhưng âm vần và nhịp điệu vẫn là điểm yếu của Hoa Phù Sa. Đôi chỗ bạn dùng từ gây khó hiểu và không được mượt mà cho lắm. Ví dụ “Cơm ba bữa vừa nhìn là đã ngán”, trong khi ngoài kia nhiều người mong có một bữa ăn no cũng đã khó lắm rồi.

Khổ thơ này bạn viết không được đẹp cho lắm:

“Nay hết cách ly em được về với mẹ
Lại nũng nịu dựa vai cha ăn bám qua ngày
Chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo cũ
Không tiền, không quà, hàng xóm nhìn em bằng ánh mắt cách xa”


Với từ “ăn bám” tôi nghĩ bạn có thể sử dụng một từ nào đó đẹp hơn. Hình ảnh “hàng xóm nhìn em bằng ánh mắt cách xa” là không đúng và không nên xuất hiện trong thơ. Người dân quê có thể sợ hãi dịch bệnh nhưng không bao giờ dùng “ánh mắt cách xa” để đối xử với hàng xóm của mình. Giá bạn thay từ “cách xa” bằng từ “cảm thông” thì sẽ khiến ý thơ rộng mở hơn cao đẹp hơn và truyền được năng lượng tích cực đến mọi người trong mùa dịch bệnh này.
  • Bài thơ thứ 4: Điều ước của em
Đây là bài có ý thơ hay, lạ rất đáng khen của Hoa Phù Sa. Cá nhân tôi thích nhất hai câu thơ cuối bài:

“Chỉ cần Đất Nước bình an, giàu đẹp
Em nguyện biến mình thành cát bụi xoá hết những trăn trở của loài người.”


Nó khiến tôi thấy bạn là người rất giàu tình cảm với quê hương đất nước, mong muốn góp sức nhỏ bé của mình để xoa dịu những nỗi đau thương mà đất nước đang phải oằn mình gánh chịu trong dịch bệnh đau thương. Bạn đã ước mơ đúng với tinh thần “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Tuy nhiên tôi có góp ý nho nhỏ dành cho bạn. Đó là để tiêm vacxin trọn vẹn phải là ba mũi tiêm thay vì hai mũi như bạn đã đề cập trong bài thơ của mình.
  • Bài thơ thứ năm: Phòng em trọ
Đây lại là một bài thơ xúc động về hiện thực cuộc sống của những người trẻ xa nhà vất vả mưu sinh. Tuy âm điệu bài thơ chưa thực sự êm ái nhưng điểm cộng của bạn là bút pháp tả thực lấy được xúc cảm của bạn đọc. Có những câu thơ bạn viết tràn đầy tính nghệ thuật và trở thành điểm sáng cho bài thơ, ví dụ như:

“Cơn gió mùa thu ùa về trên lá biếc
Thổi mát căn phòng nối tiếp giấc mơ xanh.”


Tựu chung lại, chùm thơ của Hoa Phù Sa, tuy đôi chỗ chưa đặc sắc về nghệ thuật dùng từ, như nó lại khá chân thật trong lời thơ của bạn. Mong rằng bạn sẽ luôn cố gắng để có những tác phẩm hay hơn để lại trong lòng độc giả. Mến chúc bạn an yên trong mùa dịch, và cảm ơn bạn đã dành những tình cảm chân thành đối với diễn đàn. Trân quý!

11/ Cảnh nhà – Hoài Sa

Hoài Sa hẳn là rất thích viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Gần như bài nào tác giả dự thi đều được viết với thể thơ này. Đây là thể thơ truyền thống rất kén người đọc và cũng khá khó làm đối với người mới tập làm thơ. Về điểm này tôi khá là thích ở bạn.

Với bài thơ “Cảnh nhà” là cảm xúc của bạn viết sau khi nhỡ lại những câu chuyện mà ông mình kể khi con trẻ, về những khổ cực mà ông từng gồng gánh. Để rồi hôm nay bạn mang những ký ức đó sống dậy trong những vần thơ để thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của ông năm nào.

Hình ảnh:
“Ba gian nhà nát trời tuôn nước
Bốn mảnh ruộng chua đất của làng”


Khiến tôi nhớ lại những ngày thơ bé, sống trong ngôi nhà tranh vách đất, mỗi mùa mưa đều phải chịu cảnh rột nát. Tuy khổ cực nhưng niềm vui chưa bao giờ tắt, vì ở đó ta được sự đùm bọc yêu thương của gia đình. Sau này dẫu có lớn lên, đi muôn nơi, được ở “nhà cao cửa rộng” những những ký ức đó chẳng bao giờ phai nhạt.

Về luật thơ thất ngôn bát cú, tôi thấy bạn viết vẫn chưa được chuẩn cho lắm. Mong rằng bạn sẽ cải thiện hơn ở những bài thơ tới. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng diễn đàn trong cuộc thi này. Trân quý!

12/
Mẹ chở mùa thu qua phố - Linh Ann

Với tác phẩm “mẹ chở mùa thu qua phố” của tác giả Linh An, khiến tôi xúc động vô cùng khi cùng tác giả ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu còn có mẹ kề bên cho đến khi mẹ ra đi về một phương trời xa xôi khác. Tôi xin được mượn hai lời bình của tài khoản Lương Phạm và Nguyễn Thắng, vì tôi nhận thấy đây là lời nhận xét khá đầy đủ và chi tiết.

Lương Phạm: Bài viết của bạn nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng đọc xong lại buồn, cảm giác như mình cũng chênh vênh theo nỗi lòng của nhân vật trong bài.

Nỗi nhớ mẹ chợt hiện về qua tấm màn bảng lảng khói sương của mùa thu. Mình thích chi tiết “nắng chiếu lên di ảnh mẹ”, như một kiểu lãng quên của thời gian được nắng thu làm hồi sinh. Cảm xúc trỗi dậy kéo theo nỗi buồn cứ thăm thẳm, lửng lơ và không chấm dứt được.
Nếu có thể, mình nghĩ bạn nên tách đoạn ra. Điều đó sẽ làm câu văn của bạn gói trọn ý nghĩa trong một phạm vi cụ thể, là nền tảng cho việc thể hiện chủ đề của bài viết.
Một vài ý kiến cá nhân của mình khi đọc xong bài của bạn. Hi vọng sẽ được đọc thêm nhiều bài hơn nữa :)) Mình cảm ơn.

Nguyễn Thắng: Chẳng biết tự bao giờ, người ta đã mặc định cho mùa thu là mùa của nỗi buồn. Nỗi buồn ấy cứ man mác, cứ dàn trải, len lỏi vào trong bầu không khí chớm lạnh của Hà Nội. Đọc “Mẹ chở mùa thu qua phố” có cảm giác như đang ngược dòng thời gian, trở về con đường cũ, tìm lại chút kỷ niệm ngày xưa. Nơi đó, có bóng dáng của người mẹ thân yêu với chiếc xe chở đầy hoa.
Dưới tán cây dọc hai bên đường, mẹ cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, thắp lên cho thành phố những màu sắc rực rỡ, tươi vui. Có mẹ, thành phố có tiếng cười. Vắng mẹ, thành phố trong mắt con chẳng khác nào “một căn phòng lạnh lẽo". Đã bao mùa thu đi qua, hình ảnh mẹ trên chiếc xe đạp ngày nào đã khắc sâu trong tâm khảm. Chỉ là, mùa thu này con không còn được thấy mẹ nữa, con đường ấy cũng trở nên xa lạ trong tầm mắt. Mẹ đi rồi, để lại con một mình “hoang hoải giữa chênh vênh cuộc đời". Nhưng mẹ ơi, con sẽ trưởng thành, sẽ tự mình vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Và dẫu cho bao mùa thu đi qua nữa, con vẫn luôn nhớ về mẹ.
Những năm tháng ấy, con gói gọn trong lá thư “mẹ chở mùa thu qua phố” gửi tới mẹ: Mẹ hãy yên tâm, mẹ nhé!

13/ Về nhà –Đức Noise

Đây là một tản văn khá là hay với câu tiêu đề ấn tượng, thu hút người đọc “Nhà là nơi nương náu”. Ở tác phẩm này, tác giả sử dụng lối viết điệp cấu trúc khá nhịp nhàng trong văn xuôi để nhấn mạnh ý "về nhà" kết hợp cùng với chất văn giản dị chân thành đã kể lại cuộc sống bình dị của bạn khi ở nhà, cũng như nhìn nhận ra rất nhiều thứ trong những ngày dịch bệnh này. Không chỉ riêng bạn, thời gian cả nước gồng mình chống dịch là thời gian mà tất cả chúng ta đều sống chậm lại, tự vấn chính mình, yêu thương nhiều hơn, trân trọng nhiều hơn những giây phút bên gia đình mình. Xin được mượn lời bình của độc giả Lương Phạm để giúp độc giả dễ tiếp cận hơn tới bài viết.

Lương Phạm: Chất tự sự và chiêm nghiệm làm văn của tác giả dễ đi sâu vào tâm trí người đọc. Cảm xúc trong bài không quá nổi bật, mạnh mẽ nhưng lại thâm trầm theo kiểu một gã đàn ông phong trần, trầm tĩnh qua nhiều biến cố, vấp ngã cuộc đời. Không phô trương, giãi bày nhiều, chỉ là tâm sự bên chén rượu đã nhạt hương đi nhiều. Mình xin nhận chén rượu này nhé !

Là bạn đọc, mình đồng cảm với tác giả. Những ngày này, dịch bệnh lan tràn, tang thương đau buồn ngập tràn ngoài kia, nơi những mảnh đời khác nhau thốt lên nỗi đau đớn của số phận, của con người. Nếm trải nỗi đau để trân trọng hơn những khoảnh khắc đời thường, bình dị nhưng khó tìm. Ta thường mải mê lao vào những cung đường xa xôi, phù phiếm rồi tự mình đánh mất những thứ quanh mình, những thứ thực sự hiện hữu và đáng quý. Ý thức về sống và chết, được và mất, hi vọng và tuyệt vọng... sẽ là điều mà nhiều người thậm chí mất cả cuộc đời để thấu hiểu.

Mình cũng xin có vài lưu ý nhỏ trong bài.

Thứ nhất, bạn nên hạn chế dùng số như "5, 3 và 90". Thay vì ghi "90 ngày", nên viết "chín mươi ngày". Hoặc "bà tái phát bệnh 3 lần" thành "ba lần". Nó sẽ lưu loát hơn so với con số cứng nhắc.

Thứ hai, một vài lỗi đánh máy như: những câu hỏi khó: "chừng nào lấy vợ?" - sau dấu hai chấm, trong ngoặc kép nên viết hoa chữ cái từ đầu tiên, nằm đầu câu - những câu hỏi khó: "Chừng nào lấy vợ?".

Thứ ba, lỗi diễn đạt "cảm giác bình an dần dần chiếm hữu tôi", bình an là cảm giác tích cực, nên dùng "ôm lấy tôi" hoặc "vỗ về tôi, xoa dịu tôi". Từ "chiếm hữu" nên sử dụng trong ngữ cảnh khác thì hợp lý hơn. Tiếp nữa là dấu ba chấm, nó thường dùng trong trường hợp liệt kê hoặc cảm xúc lưng chừng. Mình để ý trong bài, bạn dùng ba chấm "..." hơi tùy tiện.

Trên đây là cảm nhận và một vài trao đổi của cá nhân mình về sáng tác của bạn. Hi vọng sẽ hữu ích cho bạn. Nếu khắc phục những điều mình lưu ý, bài viết sẽ trọn vẹn hơn đấy. Cảm ơn bạn

14/ Một ngày đẹp trời – Vân Anh


Sau khi đọc tới đoạn xuất hiện nhân vật ông chú, trước khi đọc lời chú thích của bạn, tôi đã nhận ra đây giống như phần mở rộng, phần uẩn khúc đằng sau tác phẩm trước. Là lời giải thích của bạn cho tác phẩm đầu. Câu chuyện của bạn mang tới, tôi nghĩ đó là chuyện rất thực tế mà nhiều gia đình gặp phải trong đó có chính tôi. Gia đình không hẳn hạnh phúc nhưng cũng không tan vỡ, nó luôn ở trạng thái ngột ngạt khó chịu, người ta vẫn sống được ở đó nhưng chẳng thể vui. Nhưng rồi, nó vẫn là “gia đình”, là “nhà” đấy thôi. Giống như bạn đã thể hiện. Với bài viết thứ hai này của Vân Anh, nó có nhiều tầng cảm xúc, nhiều điều bạn muốn viết ra nhưng lại bị rối.
Nhiều đoạn viết không gãy gọn:

“Không hẳn là tôi thích bầu trời hay gì, chỉ là tình cờ những lúc tôi tuyệt vọng nhất thì bầu trời tôi nhìn thấy vô tình xanh như bị ai đổ mực vào” >> Câu đầu tiên của tác phẩm có diễn đạt không được mượt, lẫn văn nói và từ thừa vào.

Tôi nghĩ những hôm bầu trời xanh và nắng vàng ươm chẳng có phép màu nào khiến nỗi buồn của tôi tan biến hết. Nhưng mỗi lần trời đẹp thì lòng tôi lại nhẹ bẫng, chỉ cần nhìn thấy cảnh vật xung quanh lấp lánh và trông thấy bầu trời cao vời vợi nhưng lại xanh ngắt là tôi thấy lòng mình như được sưởi ấm một tí. Những lúc như thế, tôi chỉ tập trung ngắm nhìn mọi thứ với những suy nghĩ kiểu, à hôm nay trời thật đẹp chứ không bận lòng về những nỗi buồn tích tụ nữa. >> Cả cụm này cũng thế, diễn đạt khá khó hiểu, chỉ tóm gọn 1 câu: trời xanh, nắng đẹp, không làm tôi hết buồn, nhưng khiến tôi bớt nỗi bận lòng về những nỗi buồn ầy. Sau đó miêu tả cảnh trời thì tốt hơn.
Trong bài rất hay xuất hiện cụm từ “như kiểu” – đó là thuộc văn nói.

Bài này ý tưởng tốt nhưng cách bạn thực hiện nó theo tôi chưa được tốt, nó cũng nên để ở tản văn, vì cốt truyện không có, chủ yếu đi theo hướng cảm xúc của “tôi” với những trải lòng về gia đình và giải nghĩa theo nhân vật về “nhà”. Tác phẩm đầu Vân Anh viết khá hay và ít nhất tạo được sự tranh cãi trong BGK, lối viết cực kì thu hút, nên tôi không rõ bài này chỉ là bạn muốn thể hiện quan điểm của mình với BGK nhận xét hay thực sự có ý thi.

15/
Ung thư – Nguyên

Câu chữ gọn ghẽ, cốt truyện tốt. Nguyên thể hiện rõ các tầng nghĩa mình muốn thể hiện ngay trong tiêu đề “ung thư”. Từ một căn bệnh của ông Quốc, tác giả muốn viết về một gia đình – tế bào của xã hội, cũng đã có dấu hiệu của ung nhọt, nếu để tình trạng này “di căn” thì xã hội sẽ bị bệnh toàn phần. Người còn tình người duy nhất ở đây là cô cháu gái, thế nhưng cũng bắt đầu mất đi sợi liên kết với gia đình của chính mình, trở nên thù ghét dượng, mẹ mình. Tác phẩm càng đi sâu phân tích càng sẽ thấy độ rộng của nó về tình người và xã hội. Ý nghĩa của nhà sẽ là gì?

16/ Mưa Bạch Mã – Kì Phong

Bút kí ghi lại cảnh vật, con người và cảm nghĩ tác giả trong chuyến đi núi Bạch Mã vào một ngày thu với rõ ràng các đoạn : Sớm mùa thu – quá trình lên núi. Mưa – cơn mưa dữ dội của núi rừng. Mưa ngớt – Tiếp tục cuộc vui ở chốn rừng núi hòa cùng thiên nhiên và những chiêm nghiệm, cảm xúc cá nhân người viết.
Kì Phong có rất nhiều đoạn miêu tả đẹp, chứng tỏ được một tay viết cứng, biết cách để ghi lại dấu ấn về bất cứ điều gì bạn trải qua.

Từ ngữ bạn dùng cũng sắc nét, đầy nghệ thuật. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi về bài viết này là một quá trình thăm thú Bạch Mã, nhưng chưa có đoạn nào thực sự thấy sự khác biệt kích thích người ta phải tìm hiểu về nơi này. Bạch Mã tại sao lại được là lá phổi xanh của Huế, có những lời đồn nào gắn với nơi này thú vị không?
“lặng người ngắm nhìn vẻ đẹp của những gì tinh túy nhất ở đây”.>> cái tinh túy này mới là vấn đề cần làm rõ.

từ xa trông như thành Cổ Loa trong truyền thuyết >> Tôi không chắc bạn dùng phép so sánh này là hợp lí, vì thành Cổ Loa là có thật, dù hiện tại chỉ còn là di tích không đầy đủ.

17/ Tháng tám mùa thu - Cỏ Phong Sương

Cỏ Phong Sương đã làm cho độc giả nức nở theo từng con chữ trước những đau thương khi lũ lụt tràn về. Cái tài cái khéo của tác giả là liệt kê ra hàng loạt những hình ảnh thật thơ thật đẹp, để rồi khoét sâu vào tim độc giả bằng một điệp ngữ lập đi lập lại “không đón em”. Bài thơ như một thước phim quay chậm, tái hiện lại cơn bão đang càn quét, đau xót đến tận cùng cho người dân nghèo. Cỏ Phong Sương đã nhân hóa cơn bão thành một tên trộm tham lam chuyên đi rình mò đợi “chủ nhà sơ suất” là trộm sạch sành sanh. Mùa thu đẹp thế nhưng chẳng có “hoàng tử, công chúa” đón em như em từng mơ, chỉ còn lại cơn bão tố cướp sạch mọi thứ. Những câu thơ đẹp, đầy lãng mạn, đầy mong chờ, nhưng lại là hiện thực tàn khốc.

Thông qua bài thơ tác giả cũng thể hiện tấm lòng đau đáu yêu thương của mình dành cho người dân khốn khó. Xin cảm ơn Cỏ Phong Sương với một bài thơ đã chạm vào được cảm xúc của người đọc

18/
Có một mùa thuở ấy mãi xa - Phạm Thị Như Ý

“Đây là một tản văn về mùa thu khá lãng mạn. Tuy nhiên do tác giả dùng quá nhiều từ Hán Việt nên nhiều từ người đọc rất khó hiểu. Khi người đọc không hiểu thì rất khó hiểu được cái hay của nội dung bài viết. Tất nhiên khi viết văn có thể dùng từ Hán Việt nhưng ít thì sẽ hay hơn. Chúc tác giả sẽ có nhiều sáng tác hay hơn thời gian tới.” (Nguyễn Thanh Dũng)

Mình để đây lời nhận xét này của độc giả Thanh Dũng vì nó khá tương đồng với những ý mình muốn nói về tác phẩm này. Tổng thể câu chữ đẹp, nhẹ nhàng, da diết, hơi lạm dụng chữ Hán Việt không thông dụng sẽ làm người đọc cảm thấy đẹp về bề mặt nhưng không hiểu được nghĩa, thậm chí nhiều chỗ dùng từ không chính xác.

Giả dụ: hoang hoải, ít dùng nhưng vẫn có, từ này vốn không có trong từ điển được các nhà thơ trong quá trình sáng tác sáng tạo nên. Nhắc tới 'hoang hoải', ta có thể hiểu đây là một cảm giác mơ hồ, không rõ ràng, rất nhẹ nhàng nhưng cũng dai dẳng, âm ỉ, khó dứt. Ví như 'nỗi buồn hoang hoải', 'sầu đau hoang hoải', các từ khác như: uyển vãn, toái nguyệt, mùa quá vãn, đình đồng, tình huân, tra nghĩa khó khăn, sẽ tiếp nhận tác phẩm thế nào khi chúng ta không thực sự hiểu nó. Tản văn là những lời từ đáy lòng, truyền tải cảm xúc tới bạn đọc làm lây nhiễm, nếu không dùng những từ Hán Việt vào đây chắc tác phẩm này sẽ rất tuyệt. Mặc dù có thể hiểu nghĩa của những từ này, nhưng khi đưa vào đoạn văn cũng khiến tôi phải tra lại từ điển nhiều.

Ví dụ: Phút hanh hao chợt thấy lòng chênh chao về mùa quá vãn (câu dùng từ khó hiểu, tối nghĩa dù đọc qua có vẻ văn chương)
Liệu có làm gót giày vỡ toang trên con đường đến lớp (câu dùng ko hay)
Khoảng trời thu dạy tôi từng con chữ (hơi viết quá)
Đình đồng bắt đầu hé dạng phương đông (đình đồng là gì? Nếu theo nghĩa này sẽ được hiểu là mặt trời, nhưng thực tế có phải mặt trời không), hạ bỏ đi mang theo cả cái oai nồng (oi nồng)
Rồi uyển vãn xa xa (uyển vãn – vườn muộn, tầm chiều muộn trước tối, kết hợp với từ tả phía sau thành ra ta có hai lần viết về thời gian) trong màu khói lam chiều loang lổ. Tôi lại thích thú đợi chờ một đêm thu.
Tôi nhớ mùa trăng vàng nằm giữa vạn vì sao. Bởi có đêm toái nguyệt
(toái nguyệt là ánh trăng vụn rơi còn thêm từ đêm đằng trước bị thừa) làm lòng tôi say đắm.

19/ Chiếc lồng đèn trung thu của thầy – Nguyễn Thanh Dũng

"Trung thu mỗi nơi mỗi khác. Nhưng có lẽ, ở đâu cũng thế, rằm tháng Tám luôn là khoảng thời gian bình yên nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Là một người lớn lên từ đồng ruộng, em vẫn luôn nhớ về mảng ký ức tuyệt vời ấy. Khi còn nhỏ, mấy đứa học sinh trải qua những ngày tháng vô tư, không suy nghĩ. Và, chúng nhận biết Trung thu nhờ vào những chiếc lồng đèn treo trước các tiệm tập hóa, âm thanh êm dịu vang lên khi đêm xuống từ nhà bên cạnh. Không mua được lồng đèn điện tử, mấy đứa trẻ dùng lồng đèn giấy kính để thay thế hoặc đơn giản chỉ là một ngón đuốc đỏ rực trên tay. Hòa vào bầu không khí nơi cung trăng có chú Cuội, chị Hằng, tiếng cười ríu ríu nối đuôi nhau trong bản nhạc thiếu nhi nhộn nhịp. Giờ lớn rồi, sống xa nhà, Trung thu mỗi năm chỉ gói gọn lại trong một ước muốn: được ở nhà, cùng mẹ và em gái ăn một bữa cơm, cùng ăn bánh trung thu rồi uống một tách trà nhạt và nhìn tuổi thơ ùa về trước hiên nhà. Những năm tháng ấy, có lẽ… đã mãi xa rồi. Đọc bài viết của thầy, em cảm nhận được niềm vui khi đem Trung thu đến với những đứa trẻ khó khăn. Hy vọng sau khi đất nước trải qua giai đoạn này, chúng ta sẽ được thấy nụ cười trên môi của mấy đứa trẻ như ngày xưa." (Nguyễn Thắng).

Bài viết của thầy là những câu chuyện nhỏ, có thật nhưng để lại ý nghĩa sâu sắc để mỗi chúng ta biết trên đời vẫn còn những tấm lòng đẹp như của thầy. Bài viết giống như trong những chuyên mục “Người tốt việc tốt” trên báo mà mỗi chúng ta cần đọc cần biết, tuy nhiên nếu xét ở một thể loại văn học nào đó khó lòng phân định rõ ràng.

20. Chuyện mùa thu – Kim Dương

Bao nhiêu kỷ niệm về mùa thu được trình bày trong bài viết này. Tất cả chỉ còn là hoài niệm vì năm nay ai cũng nhận ra có một mùa thu buồn do đại dịch. Một bài tản văn nhẹ nhàng, sâu lắng. Nhiều câu văn rất hay, rất lãng mạn như "Mùa thu mang đến những khung cảnh nên thơ cùng khí trời dịu nhẹ, se se lạnh làm lay động, say đắm bao tâm hồn nghệ sĩ. (Nguyễn Thanh Dũng)

Kim Dương có một hồn văn sạch sẽ, thơ mộng, có thể nhận thấy một tuổi đời trẻ và còn nhiều mộng mơ. Hãy phát huy sự trong sáng ấy triệt để để tác phẩm của bạn khác biệt mà không phải ai cũng có được.

Vài lỗi diễn đạt:
vai co rúm ró vì lạnh (giống mùa đông hơn)
Trung Thu là Tết thiếu nhi mà. Vậy mà có những người lớn lại không nghĩ như vậy
. (Thiếu ý sau: người lớn nghĩ thế nào?, nếu để lửng sẽ khiến người đọc cảm thấy bạn đưa câu đùa vào đây)

21/
Về nhà - Dương Anh Thanh

Những áp lực được bạn hình tượng hóa thành một thứ đeo bám, ám ảnh, khiến con người ta ngộp thở, thực hóa một thứ trạng thái tồi tệ mà lâu nay chúng ta khó có thể lí giải. Giống như quái vật. Sau đó, dẫn dắt về nhà, để biểu đạt ý: nhà là nơi thanh tẩy, gột rửa hết mọi áp lực cuộc sống, được trở về làm chính mình. Đoạn này tôi đánh giá là đoạn hay nhất của bài.

Ở đoạn đầu, dùng câu ngắn, từ lặp nhấn mạnh khá tốt để bạn đọc hình dung chân thực về những thứ vô hình đó, nhưng phần sau viết về nhà, câu chữ không được thoát ý:
“Con cũng chả nhớ rõ, những áp lực đó từ đâu mà ra, vì đâu mà có nữa. Cũng chẳng biết là từ khi nào, trông con lúc nào cũng mang nặng những suy tư đến vậy. Khi ở nhà, con chẳng nào có, chỉ có khi xa nhà mới bị như vậy. Thật kỳ lạ...”

Giọng điệu bạn tạo ra lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập khá thú vị, giá như nội dung bạn có thể hiện được khớp với dòng chảy bạn tạo ra sẽ rất tuyệt. Tiếc là đoạn viết về nhà chưa nêu được nhiều điều để thể hiện cách mà nhà “thanh tẩy” tâm hồn, chỉ là những lời lẽ chung chung. Ở đoạn sau, viết về cậu con trai ấy có tính cách không khớp với những nặng nề , con quái vật bạn tạo ra ở đầu, khiến người đọc dễ cho rằng cậu trai này quá trẻ con để đương đầu với những thứ có khi chỉ rất nhỏ ở bên ngoài, một cậu trai chưa lớn.

22/
Câu chuyện về những yêu thương - Lưu Ly

“Chỉ khi chúng ta mất đi thì chúng ta càng hiểu hơn giá trị của những tháng ngày sống vui vẻ bên bao người thân yêu của mình. Gia đình là nơi chúng ta sinh ra, là tổ ấm nuôi dữơng cho chúng ta hoàn thiện cả thể chất lẫn tâm hồn.” (Nguyễn Thanh Dũng)
Cắt nghĩa mỗi khúc thì câu chữ khá ổn, nhẹ nhàng, rõ quan điểm cá nhân, nhưng gom tổng thể lại thì cách diễn đạt ý nghĩ của bạn khá rối: Từ mong chờ gia đình, chờ hạnh phúc, rồi mất đi, không mong chờ nữa chẳng thấy cô đơn là tệ, thậm chí thấy ổn. Rồi chỉ vì một cốc cà phê ấm, lại thay đổi toàn bộ diễn biến cảm xúc ban đầu. Bạn cần tạo sự chuyển biến chậm lại hoặc có một thứ để cậy những cảm xúc ấy ra một cách mãnh liệt, chứ không thể cho lí do từ cốc cà phê. Nó chỉ khiến người đọc cảm thấy bạn thay đổi thái độ với mọi thứ chóng vánh. Không kiên định mà thôi.

23/ Trung thu nào còn ông - Thúy Hậu

Lời văn nhẹ nhàng nhưng da diết, bạn đã thành công khêu gợi nỗi nhớ ông bà của người đọc. Bởi chắc hẳn ai cũng có một người ông người bà như thế. Những câu chữ của bạn giống như kể lại sự việc có thật bằng câu chữ giản đơn nhưng tôi nghĩ chắc cũng đủ khiến bạn “chực trào nước mắt” như đã nói. Dù từ ngữ không cần mĩ miều, nhưng bạn đã thành công làm bạn đọc thổn thức, đó là điều không phải ai cũng làm được.

“không một dấu hiệu báo trước”, khi viết thêm lần 2 ở đối tượng cây đu đủ ông trồng, khiến mình nghĩ chắc bạn có dụng ý để thể hiện điều gì tương đồng có hàm nghĩa sâu xa, nhưng hình ảnh này được đưa vào chỉ có dụng ý nhấn mạnh sự ra đi của ông, cũng như cây đu đủ, đều là do tự nhiên, đã có những sự hủy hoại bên trong nên ra đi, đổ gãy, nhấn mạnh điều này không có ý nghĩa gì cho tác phẩm cả.

24/ Ước mơ của mẹ - An Yên

Tên truyện đầu tiên khiến tôi nghĩ tới bài hát “Ước mơ của mẹ” rất nhiều ý nghĩa: Chưa ai hỏi ước mơ của mẹ là gì? Tôi đã nghĩ bạn sẽ viết về một người mẹ chịu nhiều khổ cực, hi sinh cuộc đời và sự hi sinh đó được đền đáp bằng câu hỏi về “ước mơ của mẹ” khiến mọi đau khổ hi sinh ấy cũng xứng đáng. Phần cuối gán vào “ước mơ của mẹ” cho đúng tiêu đề, tôi cảm thấy không được tự nhiên, cả truyện này có duy nhất nhân vật A Hùng được miêu tả là người tốt. Dù “nhà” là nơi có thể xóa bỏ hiểu lầm và đáng được tha thứ nhưng bất cứ điều gì cũng cần quá trình và lí do. Giả dụ mơ hồ nhận ra qua những lá thư của người em, mà 12 năm nhân vật chính không hề bước chân về, tôi cũng không hiểu làm thế nào để nó có thể tới tay Hà Phương.

Đoạn sau cùng của bạn là đoạn mà tôi thấy hay nhất nếu không có cốt truyện trước đó bạn miêu tả, giống như “tẩy trắng” vậy đó. Nhiều thứ không hợp logic hoặc không được làm rõ khiến nó trở nên vô lí: Ví dụ như nam quyền mà bạn nói tới ở đây là gì? Trong khi lại viết người cha không có tiếng nói, rồi ở cuối lại nói nhân vật này là nguồn cơn của mọi sự đau khổ trong căn nhà này. Một người mẹ ác độc với con cùng cực, ném đá chảy máu đầu, buổi tối đêm bắt làm như con ở, gán nợ con cho một ông già, đã từng chịu nhiều đau khổ nhưng lại muốn lặp lại vòng tuần hoàn với con đẻ của mình,… cuối cùng một từ xin lỗi nhẹ nhàng tha thứ, sự chuyển biến ở cốt truyện và diễn biến tâm lí quá nhanh khiến nó trở nên khiên cưỡng. Nhiều sự việc không chính xác, ví dụ tự cầm giấy tờ bỏ đi để học hành lên cao với một cô gái nhỏ rất khó khăn, lại còn tự đổi tên họ; chính quyền giờ đã ngăn cấm chế độ đa thê nên đưa vào đây là không đúng.

Lỗi chính tả, lỗi dùng từ khá nhiều: loang lỗ, râm rang, buông làng, bạc ngàn, chong đuốt, bị vào nhà này, Tục lệ cho vay nặng lãi (lỗi dùng từ), hơi thở của rừng núi đã bắt đầu len lỏi vào từng tế bào sống (thừa)…

Truyện có nhiều đoạn miêu tả tốt, mềm mại, song rất tiếc.

25/
Thanh xuân của cha – Hảo Hảo

Bài thơ “Thanh xuân của cha” là một bài thơ viết về người cựu chiến binh buông tay súng trở về với đời thường. Đôi tay ấy giờ đây lại cần mẫn cày những thửa ruộng thẳng tắp trên cánh đồng. Những câu thơ của bạn chân thành tình cảm và rất xúc động. Nhiều ý thơ rất hay như:

"Một nắng hai sương , bạc mái đầu
Chân vẫn dẻo, đường cày đưa thẳng tắp
Đôi vai cha gánh những điều cơ nhọc
Để cho con nhẹ bước tới trường"


Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi cảm nhận được tình cha bao la vĩ đại biết nhường nào

Và chính câu cuối của bài thơ là câu đã lột tả một cách đầy đủ nhất mà không cần thêm một từ ngữ nào để diễn giải thêm. Bài thơ này tôi rất thích, từ ý chí của một người lính trở về đời thường, người cha thương con, và là một công dân đáng mến, mọi thứ bạn thể hiện rất tích cực để tôi có ấn tượng tốt về người cha của bạn.

Tuy nhiên có đôi chỗ bạn phá cách về nhịp thơ nên có cảm giác câu từ chưa được mượt mà cho lắm. Ví dụ như câu:

"Con nhìn cha đôi mắt con đỏ hồng"


Câu thơ này về ý tứ thì đẹp, nhưng do lặp từ nên đã giảm bớt phần hay. Cảm ơn bạn đã tích cực tham gia cùng diễn dàn. Trân quý!


:bp:Cám ơn tất cả các tác giả và bạn đọc đã tham dự tích cực vào tuần thi để Văn học trẻ có một tuần thi với nhiều tác phẩm hay và những lời bình đáng quý.

Admin
Thy Việt

Đọc thêm: Nhận xét của BGK về các tác phẩm dự thi tuần 5 cuộc thi viết chủ đề nhà
Chủ đề con tuần 7: RẰM THÁNG TÁM
 
Từ khóa
cỏ phong sương mưa bạch mã nhận xét của bgk sắc thu tháng mười và em tháng tám mùa thu trưởng thành từ nỗi nhớ
  • Love
Reactions: Nguyên
1K
1
1

Vân Anh

Thành Viên
31/8/21
3
0
1,000
21
Xu
0
Cảm ơn lời nhận xét về tác phẩm của mình. Trước hết xin được đính chính, tác phẩm mình đăng lên hoặc hoàn thành đều là tác phẩm mình viết rất nghiêm túc và cũng suy nghĩ rất nhiều về nó thế nên nó không phải tác phẩm mình gửi để giải đáp thắc mắc hay để thể hiện gì với ban giám khảo (vì mình cũng không biết mình phải thể hiện quan điểm gì ấy? Đoạn cuối khiến mình hơi khó hiểu). Sau "Bàn cờ và ông chú" thì mình vẫn còn vương vấn nên mình muốn viết thêm. Chỉ vậy thôi.
Còn lại ý kiến của các bạn mình xin cảm ơn và sẽ cố trau chuốt hơn cho những bài sau ^^
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top