Dự thi Nhớ mãi một người thầy

Dự thi Nhớ mãi một người thầy

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Tháng 11, vội tạm biệt những ánh nắng vàng hanh khô. Chẳng biết từ bao giờ, gió đông se lạnh khẽ về đây gõ cửa.

Tháng 11, tháng của những buổi sớm mai sương mù phủ kín lá, dọc hai bên đường ngập tràn hương sắc hoa. À phải rồi, hương hoa hôm nay để dành cho “người”, dành cho “nghề”, cũng dành cho ngày tri ân.

Tôi trông những đứa trẻ đang nao nức, xốn xang, trên tay cầm những bông hoa muôn vàn sắc màu, rực rỡ, miệng chúng cười tủm tỉm chào tạm biệt bố mẹ và chạy thật nhanh khi nghe tiếng trống trường. Hình ảnh đó làm tôi nhớ về quãng thời gian mẹ thường đạp chiếc xe phượng hoàng đưa đón tôi đi học. Tuổi học trò chứa đựng nhiều kỷ niệm thật nhẹ nhàng nhưng đậm đà sâu sắc, đến nỗi mỗi lần nhớ về là một lần tôi khát khao được quay trở lại những tháng ngày thơ ngây.

Tôi nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, nhớ mái trường - nơi lưu giữ tuổi trẻ của tôi một thời vô lo, vô nghĩ.

Dưới hàng cây giáng hương, tôi lái xe đi thẳng và rẽ qua cây cầu phía trước, hình ảnh con đường quen thuộc mà suốt ba năm cấp ba đã in dấu những bước chân tôi ngày một trưởng thành.

Trường Trung Học Phổ Thông Hồng Quang của tôi – ngôi trường mơ ước của bao em học sinh cấp hai như chúng tôi ngày trước. Ngôi trường có bề dày về lịch sử, từ những năm 1956 – 1965, tỉnh ủy Hải Dương quyết định lấy tên người chiến sĩ cách mạng kiên cường – Hồng Quang, để đặt tên cho ngôi trường. Cho đến những năm 1965 – 1975, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội, chiến tranh lan ra cả nước. Điều kiện giảng dạy lúc ấy vô cùng khó khăn, mái nhà tranh tre nửa lá, những chiếc bàn gỗ mọt, những con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu,… nhưng trên hết là tấm lòng yêu thương của người dân đã che chở và động viên cho thầy cô được tiếp tục đứng vững trên bục giảng. Cho đến tận bây giờ, từ thời bà ngoại đến đời tôi, ngôi trường vẫn luôn giữ vững một vị trí đáng tự hào, nơi tụ hội nhiều học sinh tài giỏi, chăm chỉ và cống hiến cho đất nước.

Trường giờ khác xưa nhiều quá, không còn lợp mái ngói đỏ trên dãy nhà C, cũng không còn cũ kỹ những vết nứt và đám rêu bám chặt trên bức tường màu vàng đã đi qua 65 năm lịch sử. Tôi có chút tiếc nuối vì không còn thấy được nét đẹp cổ truyền quen thuộc của ngày xưa nữa. Nhưng tôi mừng cho trường, mừng vì sự cải tiến để phù hợp với môi trường hiện đại và chất lượng học sinh.

Khi giai diệu quốc ca hào hùng cất lên, cuốn theo bài hát đó là nỗi niềm yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đã lâu rồi tôi không được nghe giai điệu ấy, một giai điệu ca ngợi và tôn vinh truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam mình.

Tôi ngân nga theo giai điệu bài hát, và bất chợt tôi thấy bóng dáng người thầy quen thuộc ngồi gần ban đại biểu. Thầy vẫn giống như trong ký ức của tôi, thường mặc quần âu và phối với chiếc áo sơ mi kẻ sọc, rất chỉn chu, rất gọn gàng và tính cách có đến mười phần lịch lãm.
Đối với học sinh chúng tôi ngày ấy, thầy cô giáo giống như bố mẹ ở trường. Nhiệt tình giảng dạy và xây dựng nền móng kiến thức vững chắc để hướng chúng tôi đến cánh cửa đại học trong tương lai. Tôi yêu những lời văn của cô Oanh, những con số trên bài giảng của thầy Bình, những tiết học tiếng anh cô Hương nói thật hay và truyền cảm hứng… và tôi yêu cả những câu chuyện lịch sử của cô Hà với biệt danh “người tối cổ”.

Nhưng đối với một thứ tình cảm đặc biệt, dành cho một người đặc biệt, tôi nghĩ đôi khi điều đó đến thật tự nhiên và có duyên.
Tôi – một cô bé khá nghịch ngợm và có chút cố chấp, chỉ chú tâm các môn mà mình coi là quan trọng như ban A, A1, B, D nên ngoài những tiết học đó ra, tôi hay nói chuyện và làm việc riêng trong giờ. Nhưng nhờ có thầy, tôi mới cảm nhận được rằng tất cả môn học đều có tầm quan trọng và gắn kết lại với nhau, tạo thành một tổ hợp kiến thức phong phú trong cuộc sống.

Tôi nhớ đó là một buổi chiều năm lớp 10, tiết học đó là tiết giáo dục công dân đầu tiên và đó cũng là lần gặp thầy đầu tiên.

Thầy từ ngoài cửa bước vào, dáng thầy thật gầy nhưng làn da bánh mật trông rất khỏe và tóc vuốt cao. Vì là tiết học không thuộc ban chuyên nên ngay từ lúc thầy bắt đầu bài giảng tôi với cô bạn cùng bàn đã không tập trung ghi chép và ngồi chơi cờ caro trong lớp. Kết quả là bị thầy phát hiện, thầy phạt chúng tôi đứng bê sách và giơ tay lên trời, kèm theo đó là hai cái tên đầu tiên của lớp được “ghi danh” vào sổ đầu bài. Lúc đó thầy đã nói một câu mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi:

“Giáo dục công dân không phải môn chính của các em nhưng nó sẽ dạy cho các em những bài học về lối sống, đạo đức, kinh tế, pháp luật... Trước khi học thành tài, các em cần học lễ nghi trước đã.”

Câu nói ấy đã khiến tôi hiểu ra, mình đã sai thật rồi.

Tôi lúc ấy không biết rằng thầy chính là thầy Trung mà các anh chị khóa trên thường hay kể, học sinh trong trường thường gọi thầy với biệt danh yêu thích là thầy Trung Triết. Thầy nổi tiếng với những câu chuyện đời thường mang tính hài hước và nhân văn. Mỗi câu chuyện thầy kể giống như bài học thực tế giúp cho chúng tôi có thêm kỹ năng giải quyết vấn đề và lập luận. Xen lẫn đó là những câu chuyện hài hước khiến tiết học trở nên thú vị, thầy và trò cũng từ đó càng thân thiết hơn

Đặc biệt hơn cả, tôi yêu quý thầy không chỉ vì cách nói chuyện có đôi phần hài hước, càng yêu quý hơn vì thầy mang trong mình một tâm hồn chính trực. Chính trực đến mức công tâm.

Tôi nhớ đến lời dặn dò của các anh chị khóa trên: “Thầy nói không với tài liệu nên tốt nhất các em học bài đi, nếu không thì chỉ có ăn trứng”.
Chưa một ai gian lận trong phòng thi mà qua được ánh mắt của thầy.

Hồi ấy tôi còn không tin, cho đến khi đi thi môn Địa lý liền gặp thầy, thầy đeo kính râm, làm tôi không biết thầy đang nhìn hướng nào, đành ngồi im thin thít.

Một lần khác nữa, một lần đặc biệt hơn cả những lần trước đó. Tôi gặp thầy trong quán photo gần trường, thầy trả tiền giúp tôi và cũng tịch thu luôn tài liệu của tôi.

Học sinh chúng tôi khi ấy tất cả đều “sợ” gặp thầy trong phòng thi, nhưng ai cũng yêu mến thầy trong cuộc sống. Nhờ mỗi lần đi thi đều gặp thầy, tôi đã quyết tâm học tập nghiêm túc tất cả các bộ môn, bỏ qua lối suy nghĩ sai lệch về việc phân biệt môn chính, môn phụ. Và khi ấy tôi mới hiểu tại sao cần sự công bằng trong thi cử, vì như vậy mới xứng đáng với những nỗ lực của người học sinh chăm chỉ học bài.
Ngày hôm nay tôi gặp lại thầy dù thầy chẳng thấy tôi. Trước ngôi trường thân quen chứa đựng nhiều kỷ niệm xưa kia ấy, thầy nay đã có tuổi, tóc lớt phớt vài sợi trắng như lời bài hát nào đó viết rằng “Thầy em tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn...”.

Cuộc đời thầy đã định hướng tốt cho bao thế hệ học sinh, trong đó có tôi. Và trong cuộc đời mỗi người học sinh năm đó, đều nhớ mãi một bóng lưng thầy viết bảng. Cảm ơn thầy vì những câu chuyện nhân văn trong cuộc sống, cảm ơn thầy vì những tiết học hay đã định hướng giúp tôi phát triển lối tư duy lành mạnh. Và đặc biệt cảm ơn thầy vì đã là một tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo trên con đường đời.

Một cơn gió nhẹ thoảng qua, tôi như bừng tỉnh sau dòng suy nghĩ về quá khứ. Trước sân trường không thấy bóng dáng thầy đâu nữa, chỉ còn lại những bạn học sinh đang nói chuyện vui đùa.

Khoảng khắc ấy, tôi muốn được trẻ lại, muốn được quay về những năm tháng được thầy cô bao bọc trên ghế nhà trường, muốn được cùng bạn bè một lần nữa nắm tay nhau vượt qua những mùa thi, chia sẻ với nhau những rung động đầu đời ngây ngô nhất.

Tôi nhớ mái trường, nhớ lớp học, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ bác bảo vệ, nhớ cả những hàng cây phượng vĩ và chiếc ghế đá giữa sân trường,... Tôi yêu tất cả mọi thứ đã cùng tôi trải qua một thanh xuân tươi đẹp.

Thời gian ấy mà, cứ thế trôi qua thật nhanh, để rồi một ngày tôi chợt nhận ra mọi thứ xung quanh đang dần thay đổi. Giờ đây, ngôi trường được tô màu áo mới, bài giảng thầy cô còn hay hơn trăm ngàn sách vở, tôi cũng đã trưởng thành, bạn bè người du học người lấy chồng xa… thời gian khiến tất cả đều thay đổi. Chỉ duy nhất một thứ tình cảm của chúng ta sau bao năm vẫn luôn ở đó, vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu.

Dự thi Mùa Tết - chủ đề 1: Nhớ mái trường xưa/ Diễn đàn Văn học trẻ
Tác giả: Tấm​
 

Đính kèm

  • v.png
    v.png
    154.2 KB · Lượt xem: 1,064
Từ khóa
bài dự thi mùa tết nhớ mái trường xưa tác giả tấm truyện ngắn nhớ mãi một người thầy
605
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top