Những kinh nghiệm hữu ích khi Đọc văn bản.

Những kinh nghiệm hữu ích khi Đọc văn bản.

Xin chào mọi người, hôm trước lướt diễn đàn thấy có một bạn hỏi làm thế nào để học tốt Ngữ Văn. Đây chắc hẳn là vấn đề được rất nhiều bạn, đặc biệt là những bạn HS quan tâm. Vì thế, hôm nay mình quyết định viết hẳn bài về những kinh nghiệm hữu ích trong quá trình học Ngữ Văn của mình. Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích được cho bạn.
Từ phần này trở đi, mình xin phép được xưng tôi trong bài viết để dễ trao đổi và phù hợp với thói quen khi viết của mình.
Học Ngữ Văn là học những gì? Nên bắt đầu từ đâu?
→ Nói một cách dễ hiểu, môn Ngữ Văn là môn học về ngôn ngữ Tiếng Việt và cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, học tập,...
4 kĩ năng chính cần phải học là: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Hiện nay, việc đánh giá, kiểm tra năng lực môn Ngữ Văn ở các trường học và trong các kỳ thi quan trọng chủ yếu hướng tới 2 kỹ năng ĐỌC và VIẾT.
→ Bạn có thể bắt đầu học Ngữ Văn bằng việc rèn luyện hai kỹ năng ĐỌC và VIẾT.
Việc này giúp bạn có dễ dàng vượt qua việc đánh giá, thi cử đồng thời Đọc và Viết tốt sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp bạn phát triển hai kỹ năng còn lại: Nói và Nghe.
MỘT SỐ LỜI KHUYÊN CHO VIỆC ĐỌC
  1. Tôi bắt đầu bằng cách đọc các văn bản trong Sách giáo khoa Ngữ Văn.
Lợi ích:
  1. Đỡ mất thời gian lựa chọn văn bản hoặc sách.
  2. Những văn bản trong sách tương đối phù hợp với lứa tuổi học sinh, dễ tiếp thu.
  3. Giúp ích cho việc học Ngữ Văn trong trường.
Quy trình như sau:
Bước 1. Đọc toàn bộ văn bản với tốc độ vừa phải ( Tiếp xúc với Văn bản)
Mục đích:
  • Nắm toàn bộ nội dung văn bản, có khả năng tóm tắt nội dung.
  • Tránh để tâm lý tò mò chi phối quá trình đọc và suy ngẫm trong giai đoạn sau.
  • Tạm phân loại được văn bản để định hướng phương pháp đọc phù hợp với từng loại văn bản.
Bước 2. Đọc thật chậm văn bản và đi sâu vào việc phân tích, lý giải những chi tiết mấu chốt (Suy ngẫm về Văn bản).
Mục đích:
  • Tìm được ý nghĩa, thông điệp tác giả đặt trong văn bản.
  • Hiểu sâu văn bản.
Cách thực hiện:
- Nếu là Văn bản thông tin, bạn chỉ cần xâu chuỗi, hệ thống lại những nội dung chính của văn bản, chú ý tới những từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần, những câu văn thể hiện quan điểm của người viết... từ đó tìm ra thông điệp được đề cập.
- Nếu là Văn bản văn học, hãy thực hiện một số thao tác sau:
1. Đọc chậm và dừng lại khi gặp:
  • Những từ ngữ xa lạ hoặc những từ ngữ bạn chưa rõ nghĩa: có thể tra cứu từ điển để xem từ ngữ trên có những nét nghĩa nào, đặt từng nét nghĩa vào ngữ cảnh trong văn bản xem phải hiểu theo nghĩa nào là phù hợp nhất. Trong vài trường hợp có thể thử liên hệ với những từ ngữ đồng nghĩa và thử lý giải vì sao tác giả chọn từ này mà không phải từ khác. Việc này vừa giúp bạn tăng vốn hiểu biết về từ vựng, vừa có hiệu quả rất lớn khi đọc văn bản văn học sử dụng nhiều từ cổ, từ Hán Việt.
  • Những biện pháp tu từ: Hầu hết những tác phẩm Văn học, nhất là Thơ đều được tác giả thể hiện tư tưởng, ý đồ nghệ thuật qua biện pháp tu từ. Để nhạy bén và hiểu được nội dung và ý nghĩa của các biện pháp tu từ, bạn nên bắt đầu bằng việc nghiên cứu thật kỹ về lý thuyết, xem các ví dụ phân tích biện pháp tu từ. Cuối cùng, hãy tìm vài bài tập để tự làm trước khi đọc văn bản.
  • Những chi tiết thú vị, những tình huống bạn cho rằng có vấn đề hoặc đi ngược với logic thông thường: Để nhận biết được điều này không còn cách nào khác hơn ngoài việc thật tập trung đọc văn bản, kết hợp liên hệ với thực tế để phát hiện sự “bất thường” có ý đồ mà tác giả đặt trong văn bản.
  • Những hình tượng nghệ thuật: Vấn đề nhận biết hình tượng nghệ thuật rất quan trọng trong việc hiểu văn bản nhưng khó thực hiện. Nếu chưa có nhiều vốn kiến thức văn học, bạn khó có thể nhận ra, hiểu và lý giải các hình tượng nghệ thuật. Có thể bắt đầu từ việc tham khảo các tài liệu phân tích văn bản, kết hợp với việc ghi nhớ và suy ngẫm về nó. Lâu dần bạn sẽ có thói quen chú ý tới hình tượng nghệ thật.
  • 2. Hãy liên tục đặt câu hỏi “Vì sao?” trong quá trình đọc. Vì sao tác giả nói như vậy? Vì sao sử dụng từ ngữ này? Vì sao tác giả dùng những biện pháp tu từ này? Vì sao tác giả không nói thẳng ra mà phải dùng hình ảnh,...? Vì sao có hai chi tiết trái ngược nhau được đưa ra cùng lúc?,... Sau đó nghiền ngẫm và kết nối với vốn sống, tri thức của bạn để tìm cách trả lời. Quá trình này giúp bạn phát triển tư duy đáng kể và hiểu sâu về văn bản.
  • 3. Cuối cùng, hãy kết hợp những điều vừa tìm ra để trả lời câu hỏi: Tác giả đang muốn nói gì qua văn bản?
2. Tôi dành thời gian rảnh để tìm đọc một số văn bản khác ngoài sách giáo khoa (Rèn kỹ năng Đọc)
  • Chọn những văn bản bạn thích để đọc hoặc chọn bất kỳ một văn bản tìm được để bắt đầu làm quen với nó.
  • Dùng những kinh nghiệm đã có để đọc văn bản mới.
  • Có thể không đọc thường xuyên, không đọc nhiều dung lượng trong một ngày nhưng phải đọc sâu và tập trung nghiền ngẫm những gì mình đọc.
Nếu có thể đọc tốt văn bản, tôi tin rằng nội dung Đọc hiểu trong các đề kiểm tra sẽ không thể làm khó bạn!
***********
Trên đây là những gì tôi đúc kết được trong quá trình học cách đọc Văn bản của mình. Hy vọng giúp ích được cho bạn. Hoan nghênh những câu hỏi hoặc ý kiến trao đổi để chúng ta cùng thảo luận. Vì nội dung chia sẻ quá dài, để tránh cho bạn bị ngợp trước thông tin, tôi xin dành phần kinh nghiệm học Viết sang một bài viết khác, sẽ cập nhật khi có thời gian.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc!
 

Đính kèm

  • th.jpg
    th.jpg
    7.3 KB · Lượt xem: 440
1K
2
3

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
439
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Bài viết rất hữu ích. Các bạn học sinh nên vào đây để đọc bài viết này. Chắc chắn sẽ nâng cao kĩ năng đọc.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top