Dự thi Noel của một thằng anh hai - Xuân Vũ

Dự thi Noel của một thằng anh hai - Xuân Vũ

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
“Boong... boong...boong...”

Tiếng chuông từ nhà thờ Đức Bà vang lên. Âm thanh trầm đục ấy như đang cố xé tan màn trời tĩnh mịch. Giữa mùa đông se buốt, thằng Phúc đang lê từng bước chân vô định trên con đường Quận Nhất tấp nập khói bụi xe qua. Làn gió tinh nghịch vụt qua cũng đủ khiến nó thấy lạnh mà bất giác đưa tay ôm lấy thân mình. Vừa nãy chạy ra khỏi nhà nhanh quá làm nó quên béng việc mặc áo khoác. Đi hoài đi mãi cũng chán, nó ngồi nghỉ dưới chân cầu rồi lấy cái que gỗ nhặt được gần đó vẽ nguệch ngoạc lên đất hình thù một con hổ vằn vện. Nó bỗng bâng quơ nghĩ về hai đứa em: “Thằng An... con Nhi... Lỡ bỏ chúng nó một mình ở nhà chẳng biết có sao không?”

-Ê đẹp quá mày, con mèo đấy à?

Tiếng ai nói từ đằng sau làm thằng Phúc hết hồn mà giật bắn cả lên. Nó quay lại theo phản xạ rồi lại giật mình lần nữa khi nhìn thấy người trước mắt. Đó là một thằng nhóc tầm tuổi nó – chừng mười hai, mười ba nhưng cao hơn Phúc cả một cái đầu. Gương mặt thằng này cũng già dặn hơn, nó cũng không có ánh mắt trong trẻo như đám nhóc cùng tuổi, đôi mắt nó như cái biển hồ mà người ta đổ đầy vào đó những lo toan, những áp lực cuộc sống. Nhưng điều làm thằng Phúc thấy ngầu và cũng phần nào sợ sợ là cái đầu nhuộm vàng khè của thằng nhóc và chiếc khoen dạng vòng treo lủng lẳng bên tai nó. Nhìn kiểu nào cũng ra một đứa đầu đường xó chợ.

-Mày đứng đó từ bao giờ vậy?

-Từ nãy giờ rồi, tao đi ngang qua thấy mày vẽ đẹp nên ngồi lại coi. Con mèo nhìn cưng quá trời!

- Nhưng tao vẽ con hổ mà.

- Ừ kệ mày, tao thấy giống con mèo. Thích ý kiến không?

Ngang ngược. Ngông nghênh. Thằng nhóc tóc vàng thích chí nhìn gương mặt nghệch ra của thằng Phúc mà cười như người lớn trêu ghẹo đứa trẻ lên ba. Thằng Phúc thấy hơi sợ nên quay lưng định bỏ đi, vậy mà bất chợt bụng nó réo lên một tiếng rõ to.

-Ăn bánh bao không?

Nói rồi thằng nhóc móc ra một cái bánh nóng hổi đựng trong bịch nilong đưa cho Phúc. Ban đầu thằng Phúc định từ chối nhưng từ nãy đến giờ nó chưa có gì bỏ bụng mà mùa đông thì mau đói. Từng cơn gió lướt qua mang theo cái lạnh xén da thịt như thôi thúc nó mau cầm lấy cái bánh mà ăn ngấu nghiến cho đã cơn thèm. Không nhịn được, cuối cùng nó nhận lấy cái bánh mà ăn thật.

-Tao tên Tiền, còn mày? – Nhóc tóc vàng gặng hỏi.

- Trần An Phúc. - Thằng Phúc trả lời nhưng không quên nhai nhồm nhoàm cái bánh bao thịt.

- Thằng ranh con nhãi nhép nhà mày sao không ở nhà mà nửa đêm nửa hôm lang thang ngoài đường. Bố mẹ mày đâu?

- Mày không là ranh con chắc. Lại còn ra vẻ. – Phúc làu bàu.

- Ê, ê thằng kia, mày ăn hết luôn rồi à. Tao có mỗi một cái thôi đấy.

Mới nói được đôi ba câu mà cái bánh đã nằm trọn trong bụng, thằng Phúc ăn xong mới giật mình nhận ra. Quên đi cơn đói, giờ thì nó lại bắt đầu sợ thằng Tiền sẽ cho mình “tráng miệng” bằng vài nắm đấm can tội chén sạch bữa tối của nó. “Dễ gì thằng du côn như này tha cho mình”, thằng Phúc thầm nghĩ rồi run rẩy.

-Cái thằng tham ăn quá thể! Thôi, đi chơi Noel lẹ đi mày!

Nói rồi thằng Tiền đứng dậy chạy băng băng về hướng nhà thờ Đức Bà trước sự ngạc nhiên của Phúc. Ngay sau đó thằng Phúc cũng chạy theo mà chẳng suy nghĩ gì, đằng nào nó cũng chưa muốn quay về bây giờ và thằng Tiền cũng không phải là người xấu như nó tưởng.

Mùa đông Sài Gòn không lạnh như miền Bắc. Miền Nam phân ra hai mùa mưa nắng rõ rệt, nắng thì nắng gay gắt, chói chang như muốn đốt cháy da thịt con người, còn mùa mưa thì xối xả, liên miên suốt mấy tuần dài. Ấy vậy nên đối với cái rét mùa đông người Sài Gòn có mấy ai là được thử qua. Cơ may là vào những ngày cận Noel đến cuối tháng như thì nhiệt độ mới hạ xuống đủ để người ta lấy cớ diện mấy bộ áo mùa đông đi dạo phố. Và hôm nay chính là Lễ Giáng Sinh mà biết bao con người mong đợi.

-Sao mày không đi sớm sớm, giờ này mười giờ đêm rồi còn cái quái gì đâu mà chơi. Ông già Noel cũng về mất rồi! – Phúc vừa nói vừa thở hổn hển sau khi chạy đuổi theo thằng bạn.

- Phụt,... hahaha mày bị hâm à, thời buổi giờ còn có đứa tin ông già Noel hả trời? – Thằng Tiền nghe những lời nói ngây ngô của Phúc mà không nhịn nổi phải phá lên cười.

- Ai nói với mày tao tin, nhìn là biết người giả đóng rồi. Tại người ta phát quà nên tao hay tới xin quen miệng thì gọi vậy thôi. Năm trước tao còn được cho nguyên con rô- bô điện nữa.

- Hahaha.... Trời ơi tao cười chết mất Phúc ơi!

- Gì...Tao nói đúng mà.

- Đúng cái đầu mày! Đó là do má mày thuê người tặng quà cho mày đó con ơi. Mày nghĩ ai dư tiền mà mua quà tặng đứa người dưng như mày.

Thằng Tiền là vậy, một đứa trẻ lang thang bươn chải trong đời từ tấm bé, nó không tin những câu chuyện cổ tích, những ông bụt bà tiên hay thánh thần là có thật bởi nó đã nguyện cầu hàng trăm lần nhưng chẳng bao giờ được thực hiện. Năm lên bảy, cô giáo yêu cầu mỗi học sinh vẽ một bức tranh về mẹ của mình, nó bắt chước nàng Tấm trong truyện cổ tích đổ đậu ra khắp sàn rồi ước với bụt mình sẽ có mẹ. Nhưng điều kỳ diệu chẳng thể xảy ra, hôm sau cô mắng nó vì không làm bài tập rồi bắt nó về làm lại. Nó vẽ rất đẹp, một người phụ nữ với mái tóc đen và đôi mắt to tròn hiện lên trên trang giấy qua vài lần phác họa, một người phụ nữ xa lạ mà cô bắt nó gọi là mẹ. Từ đó nó chẳng còn là một đứa trẻ.

-Rồi giờ chơi cái gì ở đây hả thằng giời? – Thằng Phúc nhăn mày hỏi.

- Đi, tao dắt mày tới căn cứ bí mật.

Thằng Tiền hồ hởi dẫn đường, nó lách qua một con hẻm chật hẹp rồi men theo còn đường mòn bám rêu trơn tuột ra giữa chợ. Dù đã hơn mười giờ đêm nhưng vì là Giáng Sinh nên phố phường vẫn nhộn nhịp như thường. Hai hàng cây bên đường được trang trí rực rỡ với những dây đèn đủ màu sắc, đoạn này màu xanh, chỗ kia màu vàng trông thật thích mắt. Trong truyền thuyết, Chúa được sinh ra trong một hang đá nhỏ, nơi máng cỏ của các mục đồng chăn chiên tại thành Bê-lem. Chính vì thế mà ngày nay, khắp mọi nơi đều có hang đá làm bằng giấy bạc và máng cỏ, bên trong có tượng Chúa Hài đồng, Thánh Giuse, Đức mẹ Maria, xung quanh có lừa, chiên, tượng Ba Vua, các thiên thần... Phía trên cao có gắn một ngôi sao vàng rồi mắc dây đèn xung quanh cho sáng lên để tượng trưng cho ánh sáng thiên đường dẫn lối Ba vua tìm đến Thiên Chúa. Ở những xóm sùng đạo, họ trang hoàng nhà mình bằng những dây kim tuyến lấp lánh, đặt một cây thông Noel xanh rờn trước nhà, treo những quả châu đỏ, vàng, trắng, xanh đủ màu. Dưới tiết trời giá lạnh mà ngắm nhìn nét đẹp tôn giáo này thì khéo con người ta lại mơ màng mà lạc vào vùng đất thiêng nơi xứ bạn châu Âu mất.

Hình như thằng Phúc chính là hành khách đầu tiên bước lên chuyến tàu đi về miền đất hứa ấy. Nó cứ đứng ngẩn ngơ nhìn ngắm mấy cái hang đá, rồi lại lia mắt xuống mấy hộp quà dưới chân cây thông. Nhìn vào chắc người ta sẽ nghĩ nó cũng như bao đứa con nít khác: thích được tặng quà nhưng thật ra thằng Phúc không thiếu những thứ đó. Nhà nó không hẳn giàu nhưng cũng thuộc hạng khá giả, Noel năm nào má nó cũng mang từ cơ quan về bao nhiêu là quà, có thú bông, có búp bê, xe điện, mô hình,... toàn là những thứ mà nó chơi đến chán. À, hóa ra nó chẳng thèm thuồng gì đống quà Noel đó, cái nó đang nhìn là cảnh những đứa nhóc trong nhà đang vui vẻ, chơi đùa trong nhà. Rồi bất chợt nó nghĩ về gia đình của nó: “Đã bao giờ nhà mình đi chơi Noel chưa nhỉ?”. Trong kí ức mờ nhạt của nó, hình như cũng từng có cái ngày êm ấm như vậy. Đó là vào những ngày Noel khi nó còn nhỏ xíu, cha cõng nó trên lưng, còn mẹ đi cạnh bên cứ chốc chốc lại chỉnh cái khăn quàng cổ trên vai nó. Lúc đó thật hạnh phúc biết bao.

Nhưng rồi lần lượt thằng An, con Nhi em của nó ra đời, nhà có thêm hai miệng ăn, cha mẹ nó phải tất bật ngược xuôi cày cuốc kiếm tiền. Cha nó đi xuất khẩu lao động qua Nhật còn mẹ thì làm tổng quản trong cái xí nghiệp dưới tỉnh lẻ, căn nhà nó ở cũng ngày càng trở nên khang trang và đủ đầy nhưng sao trong tim nó lại bắt đầu có những khoảng trống. Mẹ cha nó đi suốt, để nó một mình thui thủi với hai đứa em nheo nhóc, đứa mới lên năm, đứa còn bập bẹ chưa nói sõi chữ. Mỗi ngày sau khi đi học về nó phải tạt qua nhà trẻ đón hai đứa em, đi về phải đút cơm cho thằng An, còn phải nấu cháo riêng cho con Nhi. Nó thấy phiền. Mỗi lần có bè bạn rủ đi chơi, nó lại phải đèo bòng thêm hai đứa em, chơi trốn tìm thì thằng An cứ khóc làm nó bị bắt, chơi cờ cá ngựa thì con Nhi cứ táy máy nghịch quân cờ, từ đó ít người mời nó chơi cùng. Nó đâm ra ghét hai đứa em. Đỉnh điểm là chủ nhật vừa qua, cả lớp hẹn nhau đi đá banh, nó cũng dắt theo hai đứa em rồi dặn tụi nó ngồi ngoan ngoài sân. Vậy mà lát sau quay lại chúng nó lại đi đâu mất hút, thằng Phúc được một phen điếng hồn, nó chạy loạn lên khắp nơi, gào thét đến khản cổ. Chẳng biết may hay rủi, hôm đó mẹ nó về sớm vô tình bắt gặp hai đứa em đang đi lang thang ngoài đường nên dẫn về. Tối hôm đó nó được một trận đòn thừa sống thiếu chết. Nó ức lắm, trăn trở hết mấy đêm liền rồi quyết định hôm nay sẽ bỏ nhà ra đi sau khi hai đứa nhóc ngủ say.

Được thảnh thơi lang thang ngoài đường làm nó thấy thoải mái hẳn ra, sau khi chơi với đám nhóc trong xóm chán nó lại lang thang ngoài chợ Bến Thành rồi cuốc bộ ra nhà thờ Đức Bà. Chà, nó thấy mình trông như người lớn vậy, tự do tự tại muốn làm gì thì làm! Đi chung với thằng Tiền càng làm nó thấy oách hơn, cứ như mấy gã giang hồ nó hay thấy trong phim Hồng Công. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao xen lẫn trong niềm vui đó nó cứ cảm thấy khó chịu, bồn chồn. Nhìn mấy đứa nhỏ ngoài đường, nó bất giác nghĩ về hai đứa em: “Không biết tụi nó thức dậy không thấy mình có khóc toáng lên không, rồi thằng An có nhớ mà cho con Nhi uống sữa đúng giờ không...”

-Ê, tới rồi nè! – Một lần nữa, thằng Tiền lại kéo nó ra khỏi những suy nghĩ miên man.

Thằng Phúc ngẩng mặt lên, nhíu mắt lại nhìn cho thật kĩ rồi cau mày nói:

-Mày đùa tao hả thằng kia?

Cái “căn cứ bí mật” mà thằng Tiền úp úp mở mở nãy giờ hóa ra lại là nhà thờ Đức Bà.

-Đi vòng vòng nãy giờ để quay lại vị trí ban đầu hả thằng dở người này? Hay mày bị mù đường nên tới lộn chỗ vậy? – Thằng Phúc nổi đóa.

- Haha... Không hề nha. Tao đã nói sẽ dắt mày đi chơi Noel mà nhớ không? Mày phải thấy bản mặt hào hứng của mình lúc đứng trước mấy cái hang đá vừa nãy kìa, thiếu điều nhảy cẫng lên hát Jingle Bell thôi. Chơi đã vậy chưa cảm ơn tao thì thôi!

-Gì... Tao không có nha! – Phúc đỏ mặt cãi lại – Ê mà mày đi đâu vậy, leo lên tháp làm chi, người ta làm lễ dưới này mà?

- Thì kệ họ, căn cứ của tao trên này mà!

Nói rồi thằng Tiền nhanh chân chạy lên tháp chuông, Phúc cũng không còn cách nào khác phải chạy theo thằng bạn trời đánh này. Vừa lên tới bậc cầu thang, nó ngỡ ngàng trước khung cảnh trước mặt: Sài Gòn thu nhỏ. Mấy cái nóc nhà xếp lớp lớp ánh lên màu vàng, màu trắng từ đèn đường như vảy của con cá chép quẫy đuôi phóng lên mặt sông. Đâu đây vẫn nghe văng vẳng thanh âm tiếng còi xe từ chiếc Honda cũ, tiếng xe tải ồ ồ,... những âm thanh hỗn tạp ấy chẳng hiểu bằng cách nào mà cũng có thể hòa vào bản Thánh ca dưới tầng.

Thằng Tiền không thờ Phật cũng chẳng theo Chúa, nó chẳng nghe theo một đức tin nào. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao nó lại rất thích đến nhà thờ. Phải chăng đây là nơi duy nhất nó tìm thấy cảm giác an toàn và bình yên. Cơ mà nó lại rất ghét Giáng Sinh bởi hôm ấy là lễ lớn, mọi người tới nhà thờ đông quá làm đánh mất đi cái tĩnh lặng linh thiêng mà nó tự cho là một lẽ tự nhiên phải có ở nơi này. Vậy nên năm nào đến Noel nó cũng lủi lên tòa tháp này để nhìn ngắm cái không gian yên ả của Sài Gòn trên cao. Thằng Tiền nghĩ ngợi điều gì đó rồi quay sang thằng Phúc hỏi bâng quơ:

-Ê, mày có ước mơ gì không ?

-Tao ấy hả? Chẳng biết nữa, chắc là phi công.

- Hahahaha mày á? Thiệt luôn? Trời ơi như ước mơ mấy đứa mẫu giáo vậy!

Tiếng thằng Tiền cười còn vang hơn cả tiếng chuông lễ đường làm Phúc ngượng đỏ cả mặt:

-Kệ...kệ tao, ai kêu mày hỏi! Còn mày, mày muốn làm gì?

Thằng Tiền tự nhiên im bặt, không cười cũng không nói, ánh mắt nó trở nên xám xịt trông như người đàn ông luống tuổi vừa đi qua một đời thăng trầm. Nó cũng chẳng nhớ mình có mơ ước gì không, nó chưa từng muốn những điều cao siêu như làm bác sĩ, thầy giáo hay bất cứ nghề gì tương tự vậy. Từ lúc có nhận thức, nó đã có một cuộc đời lang thang vô định như vậy.

-Tao muốn làm giang hồ.

- Hả? – Thằng Phúc hết hồn.

-Haha, tao giỡn tí thôi thằng này! Về nhà lẹ.

Thằng Tiền lại cười phá lên rồi thích chí nhảy một lúc qua ba bậc thang đi xuống tháp trước khi thằng bạn của nó kịp phản ứng.

- Đằng nào mày cũng đang rảnh mà, về nhà tao chơi!

Hai đứa lách mình trong một con hẻm nhỏ, xung quanh là những bức tường đen sẫm màu rêu. Nơi đây đúng là một khu ổ chuột tận cùng xã hội, những ngôi nhà xập xệ chen chúc lẫn nhau, mấy tấm tôn lợp mái không bị gỉ sét thì cũng bị gió thổi lệch sang hẳn một bên. Trong cái xó hẻm, đàn chuột lũ lượt kéo nhau chạy lung tung moi móc từng miếng rác, có hai con còn đánh nhau tranh ăn hăng đến mức chẳng màng tiếng bước chân người dẫm thình thịch trên nền đất. Nơi này hỗn loạn cứ như một bãi chiến trường, là nơi bùn lầy nhơ nhuốc không một ai muốn bước chân đến.

-Tới rồi nè, lên đi!

Nhìn tòa nhà trước mắt mà thằng Phúc suýt lăn ra ngất. Đúng hơn thì đó là một khu lầu tập thể ba tầng, tiếng nhạc xập xình vọng ra từ khắp nơi. Mùi khói thuốc lá nồng nặc chen lẫn mùi nước hoa hăng nồng cứ xồng xộc lên mũi suýt làm cho thằng Phúc nôn ra tại chỗ. Thằng Tiền dắt Phúc lên tầng cao nhất, vừa bước chân lên đầu cầu thang đã có sẵn ba bốn cô gái ăn mặc hở hang đứng túm tụm buôn chuyện.

-Quái gì vậy? Đây là quán bia ôm hả?! – Thằng Phúc không nhịn nổi mà hét lên.

- Im đi thằng nhãi con láo toét! Thằng Tiền, mày đừng dắt bạn về đây chơi như vậy chứ! – Một cô nàng bôi son đỏ chót quát thằng Phúc rồi quay sang mắng thằng Tiền.

- Kệ tui bà chị già này! – Thằng Tiền đáp lại tỉnh bơ rồi bước tiếp dọc hành lang.

- Ê Tiền nãy mày thấy ông khách đầu trọc kia không? Người đâu mà...

- Lát đi rồi kể.

- Thằng Tiền lát mua hộ chị mày cây son ở nhà ông Hùng đầu ngõ nhé!

- Mơ đi, đây bận rồi!

- A, nhóc mang bạn về hả, lên sòng không? Nay chị mày vừa trúng mối lớn!

Những cô gái lần lượt bắt chuyện với thằng Tiền, ai ai cũng ăn mặc hớ hênh, có người thậm chí chỉ mặc mỗi bộ đồ lót, trên gương mặt họ là một lớp son phấn dày cộm. Đứa ngu cũng đoán được họ làm nghề gì ở đây. Thằng Phúc đổ mồ hôi ướt hết cả áo, nó chẳng hiểu nổi đây là chỗ quái nào hay thằng Tiền dắt nó tới đây làm chi, tự nhiên nó thấy hồi hộp, sợ sợ.

-Hồi đó tao được ông chủ tòa nhà này nhặt về từ nhà thờ. Đây là nhà của tao.

Dường như hiểu được sự bối rối của người bạn mới, Tiền lên tiếng giải thích.

-Từ lúc tao nhận ra thì bản thân đã lớn lên từ vòng tay của những người nơi này rồi. Bà vừa chửi mày với tao là Mai, chị tóc ngắn kia là Phượng, bà già chuyên sai vặt tao là Ly, còn lại là chị Hồng. Ông già không thấy đâu hết, chắc lại nát rượu ở quán gà hẻm bên rồi.

-Ê, mọi người ở đây... – Thằng Phúc ngập ngừng.

-Ừ đúng rồi, mấy bà chị thì đi khách, ông già thì thu tiền bảo kê quanh chợ. Người sống ở đây toàn là mấy cái ung nhọt mà xã hội mong ước đào thải được thôi. Bọn họ làm những công việc không chân chính thậm chí là dơ bẩn trong mắt người khác.

- ...

Thằng Phúc im ru, chẳng biết đang nghĩ gì, còn thằng Tiền thì hạ giọng nói tiếp:

- Nhưng mày biết không... Chính những đồng tiền không chân chính đó đã nuôi tao lớn đến tận hôm nay. Ba mẹ ruột đã nhẫn tâm mà vứt bỏ con mình khi còn đỏ hỏn trong khi những người xa lạ này lại sẵn sàng cưu mang. Nuôi một đứa trẻ đâu có dễ nên tao biết ơn họ lắm. Bởi vậy, dù mày có khinh rẻ mấy bà chị ngoài kia thì để trong lòng thôi nha, nói ra tao đấm lệch hàm ráng chịu à!

- Hả... Không, tao có nghĩ vậy đâu.

- Ha, vậy là tốt. Nhìn mấy bả to mồm vậy thôi chứ toàn người tốt cả, tuy nhiều lúc hay bắt nạt rồi sai vặt tao này nọ thì khó chịu thật. Thôi, ra kia chơi mấy ván bài chào hỏi nhau đi mày!

Càng về đêm nhiệt độ càng giảm, vài cơn gió rét lém lỉnh lách qua vách cửa mang theo cái lạnh tê buốt bên ngoài vào phòng. Ngoài đường chỉ mưa lất phất nhưng lâu dần cũng tích tụ thành một vũng nước lớn trên mái tôn rồi nhỏ từng giọt nặng nề xuống nền nhà. Mai đứng lên tìm một cái xô để dưới chỗ bị dột, rồi lấy khăn lau những vệt nước vương vãi. Chị Ly bưng lên một tô súp gà nóng hổi dưới bếp cho hai thằng nhóc ăn trong khi Hồng kiếm mấy tấm vải cũ chèn vào kẽ hở trên cánh cửa cũ rích để ngăn gió vào.

- Hết bài! Về nhất nha!

-Ê nhóc có ăn gian không mà ván nào cũng có sảnh hết vậy!

- Đổi luật đi bây ơi, thằng Phúc ăn hết tiền tao rồi.

- Giỏi lắm Phúc, lời hơn năm chục rồi.

Tiếng nói cười vui vẻ của mọi người đánh tan cả đêm Noel lạnh giá. Rất nhanh thằng Phúc hòa vào không khí nơi này, cười nói vui vẻ như quen biết từ lâu năm. Sống như này cũng đâu đến mức, chẳng cần phải đi học cực khổ, muốn làm gì thì làm, còn được vui chơi thỏa thích tới gần nửa đêm. Nhắc tới thời gian thằng Phúc giật mình nhìn về cái đồng hồ già kêu cọt kẹt treo trên đầu tủ đầy lo âu.

-Gì đấy? - Thằng Tiền hỏi bạn

- À ừ thì... Tao chỉ nghĩ là hay thật, ở đây thoải mái phết. Má tao lúc nào cũng đi làm tới một, hai giờ sáng mới về. Vừa tan học lại phải kè kè thêm hai đứa em phiền phức

- À, thằng này bỏ nhà ra đi ấy mà. – Tiền nói.

- Chà, căng nhỉ? – Phượng chậc lưỡi ra vẻ hóng hớt.

- Sẽ ổn thôi nhóc. – Chị Hồng vừa xào bài vừa an ủi.

- Ha ha, tao cũng muốn sống ở đây thật đấy...

Thằng Phúc chưa kịp nói hết câu thì chị Mai đứng lên đạp một cái rõ đau vào mặt thằng nhóc. Mặt chị ta tối sầm lại, lầm lì như một pho tượng thần.

-Gì... gì vậy. – Thằng Phúc lúng túng chưa kịp hiểu chuyện gì vừa diễn ra.

- VỀ ĐI.

Chị Mai sấn lại sát mặt thằng nhóc, giọng điệu cũng trở nên nghiêm túc hẳn lên làm Phúc giật mình. Nhìn trực diện vào mặt chị, nó mới thấy rõ trong đôi mắt nâu sẫm đó là những cảm xúc ngổn ngang: có tức giận, có buồn bã, nhưng trên tất cả là sự ganh tị. Nó ôm lấy vết đỏ còn hằn trên má mà thần người ra.

- Đừng có hành xử như mấy đứa trẻ con, nhãi ranh!

Nói rồi chị Mai đứng lên bỏ đi, bóng lưng chị nhỏ mà cõng nặng trên đó cả một trời tâm tư. Mất hứng, mấy chị em khác cũng ngừng chơi để dọn dẹp chuẩn bị nghỉ ngơi. Hai thằng nhóc lại đi ra ngoài lang thang giữa trời đông.

- Gì vậy, tự nhiên... – Thằng Phúc chép miệng than thầm.

-Xin lỗi mày nha, bà Mai cục tính quá! Tại vì bọn họ có muốn cũng chẳng thể như mày mà.

-... ? – Mặt thằng Phúc đực ra, nó chẳng hiểu gì.

Thằng Tiền đi trước, nó cứ ngước lên bầu trời đêm tối thui đấy suy tư, lúc sau lại lia mắt khắp nơi như tìm kiếm một vệt sáng nào đó rồi nhẹ giọng hỏi:

- Má mày nấu cơm ngon không?

Phúc không hiểu thằng bạn có ý gì mà trả lời rất tự nhiên:

- Èo, dở tệ ấy chứ. Có bao giờ nấu đâu mà đòi ngon, cơm thì nhão nhoét, canh mặn như nước biển, nhiều khi tao nấu còn ngon hơn.

Đột nhiên thằng Tiền quay lại, miệng cười toe toét:

- Vậy là tốt rồi!

Thằng Phúc bước hụt một bước, nó ngơ ngác:

-Ê, tao nói má tao nấu ăn dở tệ mà. Mày nghe lộn hả?

Thằng Tiền dừng lại hẳn, nó quay lại rồi nhìn thẳng vào mắt Phúc:

-Vì tao là thằng mồ côi nên lúc nào cũng muốn được thử cái cảm giác “dở tệ” đó của mày.

- ...!

- Mày từng hỏi ước mơ của tao là gì đúng không? Thực ra từ bé đến lớn tao chỉ có một khát khao duy nhất là được biết mẹ cha mình là ai. Ừ, mặc dù tao căm ghét họ vì đã bỏ rơi mình nhưng từ sâu trong thâm tâm tao cũng muốn được một lần gọi thử hai tiếng: “Mẹ ơi”, tao cũng muốn được cha xoa đầu, cũng muốn có hai đứa em mè nheo bắt tao dẫn tụi nó đi chơi.

Thằng Phúc sững người, miệng như bị ai khóa chặt lại, trái tim cũng hẫng mất một nhịp.

-Phúc à, tao luôn luôn ước mình có một gia đình.

Hai đứa đi hoài, đi mãi mà vẫn chưa ra khỏi cái ngõ tối tăm này. Cái con hẻm bẩn thỉu, nhuốc nhơ và sặc mùi nghèo hèn tưởng chừng như chả có ai muốn đến ở. Thế nhưng trong thực tế vẫn có chị Mai, có ông chủ nhà, có thằng Tiền và bao kiếp người lênh đênh đã, đang và sẽ sống ở đây. Đơn giản một điều rằng bọn họ chẳng khác nào con hẻm này, cũng mang cái số phận trớ trêu, cơ cực mà người đời chê bai. Gia đình và niềm hạnh phúc là một thức quà xa xỉ với con người nơi đây.

Sài Gòn những năm tám mươi không thiếu những mảnh đời bất hạnh.

-Về nhà đi Phúc! Mày đã thực sự rất lo lắng cho hai đứa em của mình còn gì? Trên mặt mày hiện rõ từng chữ một kìa. Lúc gặp tao mày cũng thẫn thờ, lúc đi dạo phố với đánh bài cũng như người mất hồn, mặt lúc nào cũng đần đần ra. Hơn nữa có ai bỏ nhà đi bụi mà lại chờ đến khi ru em ngủ xong mới đi như mày không?

- Tao... tao...

- Mày là một thằng anh tốt, không hợp làm giang hồ đâu. Tao từ chối nhận đệ tử. Vậy nha!

Thằng Phúc đứng hình, nó có cảm giác như bị nhìn thấu hết tận cùng tim gan, miệng nó tự dưng cứng đờ ra, cổ họng cũng khô khốc chẳng bật thành tiếng. Lúc nó nhận ra thì thằng Tiền đã mất hút trong dòng người đông đúc giữa đường lớn.

Thằng Phúc về tới nhà vừa đúng mười hai giờ đêm, mẹ nó đứng chực sẵn ở cửa, vừa nhìn thấy liền cho nó một bạt tai đau đến choáng váng. Đêm đó nhà thằng Phúc náo nhiệt lắm, nhưng không phải bởi tiếng nhạc Noel mà là tiếng đánh, tiếng chửi của mẹ nó. Hôm đó nó vừa đi được một tiếng thì con Nhi quấy khóc, thằng An cũng thức giấc, nó không thấy anh hai ở đâu cũng hoảng loạn mà khóc theo. Tới hơn mười một giờ đêm mẹ nó mới về. Bà tìm đủ mọi cách dỗ hai đứa nhỏ nhưng không tài nào làm chúng nó nín khóc mà miệng cứ gào lên đòi anh. Thấy anh hai vừa về đã bị mẹ đánh, thằng An chạy vội lại níu tay mẹ kéo ra, con Nhi thì lấy con búp bê đập đập xuống nệm tỏ vẻ phản đối trong khi miệng không ngừng kêu: “Anh, anh”. Ăn đòn đau nãy giờ vẫn không hề hấn gì, vậy mà chẳng hiểu sao nhìn hai đứa em bù lu bù loa lên nó lại òa khóc thật to. Nước mắt nó chảy ròng ròng qua má rồi rớt xuống ướt đẫm cả áo. Nó vùng tay mẹ ra, chạy lại thật nhanh và ôm hai đứa em vào lòng. Câu nói của thằng Tiền cứ như vang lên đâu đây: “Tao luôn luôn ước mình có một gia đình”.

Thằng An năm tuổi, con Nhi hai tuổi rưỡi, còn nó năm nay đã mười ba. Ít ra nó còn có quãng thời gian được bên mẹ bên cha, được nhận tình yêu thương vẹn toàn, còn hai đứa em nó từ khi sinh ra có mấy lần được đi chơi cùng cha mẹ? Mẹ thì đi làm đến tối mịt có ngày còn chẳng về, giờ đưa tấm hình của cha ra hỏi thằng An là ai khéo nó còn không nhớ nổi. Hai đứa em của nó chịu nhiều thiệt thòi, chúng chỉ có mỗi người anh hai này để được chăm sóc, để được yêu thương. Tự nhiên thằng Phúc thấy hổ thẹn, nó thấy bản thân mình thật tồi tệ vì bỏ bê hai đứa em xem nó là cha, là mẹ, là chỗ dựa đầu đời. Nó ôm chặt lấy hai đứa em trong vòng tay, nước mắt vẫn không ngừng chảy, miệng mếu máo:

-Anh hai đây... Anh hai ở đây rồi. Đừng khóc, có anh đây.

...

Noel năm đó, có người dạy nó về tình anh em

Noel năm đó, có người dạy nó biết trân trọng gia đình

Noel năm đó làm nó chẳng thể nào quên.


Nguồn ảnh: Pinterest
Lấy cảm hứng từ một chương trong bộ truyện tranh Tokyo Revenger (tác giả:Wakui Ken)
 

Đính kèm

  • Hẻm - Văn học trẻ.jpg
    Hẻm - Văn học trẻ.jpg
    134 KB · Lượt xem: 484
Sửa lần cuối:
996
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top