Nỗi đau còn đó

Nỗi đau còn đó

Hoa Phù Sa
Hoa Phù Sa
NỖI ĐAU CÒN ĐÓ
************

Là người lính đã từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, mùa hè 1972 đỏ lửa, chúng tôi hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Thành cổ Quảng Trị, cối xay thịt, chỉ với một cây số vuông, 81 ngày đêm, mỗi ngày chúng ta đã mất 60 người (gần một đại đội); 81 đại đội (hơn 5.000 quân) mà đa phần là sinh viên vào trực tiếp giữ thành. Đó là chưa kể tới nhiều đồng đội vẫn còn nằm nơi đáy sông Thạch Hãn khi vượt bom đạn vào chi viện cho các đơn vị giữ thành cổ. Chiến trường Quảng Trị, chỉ là một tỉnh nhỏ thế mà chưa đầy một năm Mỹ, Ngụy đã trút xuống đây tổng số bom đạn, tính ra nhiều hơn cả 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hyrosima Nhật Bản năm 1945.
Thế nhưng, sự khốc liệt đó vẫn chưa thể nào so được với nỗi đau da cam, nỗi đau không nói thành lời, nỗi đau tận cùng trong tâm can những người lính chiến, nỗi đau tưởng như vượt quá sức chịu đựng của con người mà những đồng đội chúng tôi đang phải gánh chịu ngay cả trong hòa bình - Trận chiến không tiếng súng!.
Nhớ lại, đầu năm 1972, từ miền Bắc, đơn vị tôi lên xe hành quân gấp vào Nam ngay trong dịp tết Nguyên đán; vào tới miền tây Quảng Bình xuống xe hành quân bộ vào Vĩnh Linh chuẩn bị cho chiến dịch Quảng Trị mùa khô 1972. Nơi cả hai phía dồn những đơn vị tinh nhuệ nhất bằng mọi giá chiếm cho được Thành cổ Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris ký kết, giai đoạn nút thắt của lịch sử. Chiến lược của Đảng và Bác là: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đánh cho chúng thật đau để vang đến lầu Năm góc, buộc Mỹ phải ký kết trong năm 1972, năm 1973 phải rút quân về nước. Và ta đã làm được đúng theo quyết tâm chiến lược đó.
Thời gian đầu ở miền Tây đặc khu Vĩnh Linh (bên ngoài vĩ tuyến 17) và miền Tây Quảng Trị, chúng tôi nhiều lần tận mắt thấy máy bay địch rải chất trắng như sữa, rơi xuống rừng, rồi như sương mù trên tóc, như mưa phùn ướt trên áo, trên đầu mà có biết gì đâu. Khó thở thì đái vào khăn mặt, áo lót hoặc bẻ ống thuốc chống độc đổ vào rồi bịt vào mũi, vào miệng rồi lại tiếp tục thực thi nhiệm vụ. Một thời gian sau lá rừng úa vàng, héo khô và trút xuống, rừng trơ trọi chỉ còn cành. Rừng là nơi trú quân của ta nên không thể đi đâu được vì nhiệm vụ, hồi đấy chỉ biết đó là chất hóa học, chất khai quang làm rụng lá cây. Có thể nói bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...không một ai trong địa bàn đó không phải uống nước, ăn rau rừng, đào bới đất làm công sự, hít thở không khí ô nhiễm chất độc hóa học (sau này mới biết là chất độc da cam). Bởi vậy, chúng tôi bị nhiễm nặng, nhẹ hoặc bị ảnh hưởng của chất dioxin là chuyện không thể tránh khỏi.
Chiến dịch vô cùng khốc liệt, đơn vị tôi là pháo binh, hơn 70 người, có trận bị trúng bom B52 cả trung đội pháo chỉ còn duy nhất một người. Cả năm bổ sung nhiều đợt 30, 50 quân ...Thế mà sau Hiệp định Paris (27/01/1973) vào mùa mưa, đại đội bàn giao pháo để ra Bắc chỉ còn 16 người đi ra từ trận chiến...Nhưng đến nay trong 16 người đó thì hơn một chục anh em bị nhiễm chất dioxin (chưa kể anh em bị thương ra Bắc sớm) trong số đó có mấy đồng chí sinh mấy đứa con đều bị dị tật nặng nề, đau xót quá. Mình đã bị nhiễm chất độc da cam nhưng trước mắt mừng vì con cháu chưa thấy khiếm khuyết gì, cho dù chưa thể biết trước sau này rồi sẽ ra sao? Nhưng chúng tôi vẫn tự hào vì mình đã đóng góp, đã hy sinh một phần cho đất nước, sức khỏe tuy có giảm sút nhiều, bệnh nọ, tật kia ở mỗi đồng đội tôi cũng lắm, nhưng chúng tôi vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh, còn nằm nơi rừng sâu, khe suối...mưa lũ gần 50 năm rồi làm sao còn hài cốt nữa đồng đội ơi!
Nỗi đau vì hy sinh rồi cũng dần khuây khỏa theo thời gian và bộn bề cuộc sống, nhưng đồng đội tôi, con cái bị ảnh hưởng vì chất độc da cam thì vẫn còn đó, họ đã và đang phải gánh chịu hàng giờ, hàng ngày gần nửa thế kỷ qua và gần hết cuộc đời rồi.
Đầu tiên là nỗi đau không tưởng ngay từ những năm 70, 80 sau cuộc chiến, khi đó chất độc da cam chưa được nhận diện rõ. Con cái bị nhiễm sinh ra dị tật thời đó người đời dị nghị, săm soi lệch lạc, họ cho rằng do nhân quả tiền kiếp, do ăn ở, do huyết thống gia đình...đó là nỗi đau đớn trong tâm can, ngay trong cuộc sống thường nhật, đau xót trong dòng tộc, không nói thành lời, không biết tâm sự cùng ai.
Rất may, sau đó với những cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, chất độc dioxin được giải mã, giải nghĩa. Rồi chúng tôi được giải tỏa, được vinh danh, với người lính đó đã là thỏa lòng ước nguyện rồi . Tuy vậy, các cháu tật nguyền nằm đó, thật sự phức tạp, phục vụ con hết ngày này, tháng khác, năm này sang năm khác là cả vấn đề lớn tác động trực tiếp đến cuộc sống của gia đình, là thuốc thang tiền bạc, là thời gian, là công việc bị ràng buộc. Những lần đi gặp mặt đồng đội kỷ niệm ngày nhập ngũ cũng phải tính toán lo âu, sắp xếp mãi. Nỗi buồn làm đồng đội tôi không gắn nổi tấm huân chương lên ngực áo mỗi khi hội họp, bởi khi nhìn các con tật nguyền, kinh tế khó khăn, nhà cửa chưa sửa sang được chút nào ...
Từ khi được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể tập trung quan tâm và đặc biệt có Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ra đời, đồng đội tôi vui lắm đã nói: Biết là còn khó khăn nhiều đấy nhưng nay đã đỡ lắm rồi, có trợ cấp hàng tháng, được hỗ trợ sửa nhà, được tặng quà hàng năm... Nhưng vui nhất là được Nhà nước, được xã hội ghi nhận, được vinh danh là người có công với đất nước; vui vì thấy ánh mắt mọi người tỏ sự cảm thông, với những nụ cười chia sẻ ...Thế là mãn nguyện lắm rồi !" .
Tuy vậy, tôi vẫn cảm nhận và nhìn thấy nỗi buồn trong khóe mắt của bạn tôi. Vui đấy, nhưng chúng tôi vẫn phải giấu đi mỗi khi gặp mặt kỷ niệm ngày nhập ngũ hay ngày 30/4 toàn thắng, bảo nhau những thằng con cái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt đừng lỡ miệng khoe ra để chúng nó buồn. Lần nào chúng tôi cũng nhắc nhau kẻ ít, người nhiều góp bỏ vào phong bì gửi động viên những đồng đội khó khăn nhất. Trao nhau trong ân tình và nước mắt, động viên nhau chút ít thôi nhưng là tấm chân tình làm ấm lòng đồng đội.
Cảm ơn Đảng, Chính phủ, cảm ơn Hội NNCĐDC/dioxin cùng các tổ chức đoàn thể ... đã làm tất cả những gì có thể để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam của đồng đội chúng tôi.
Nhiều khi tôi trầm tư một mình, bởi tôi biết nỗi buồn luôn day dứt trong lòng đồng đội. Có lần đồng đội nghẹn lòng nói với tôi: " Có mấy mặt con mà không có đứa nào nối dõi tông đường, mình lo sợ nhất là khi vợ chồng về với tổ tiên rồi, ai sẽ lo hàng ngày cho mấy đứa nhỏ, chúng nó đã nằm một chỗ hơn bốn chục năm rồi !? "
Chúng tôi chìm trong im lặng, bởi nỗi đau đó có ai dám nói thành lời !
Cuộc chiến đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng những gì còn lại thì dài hơn rất nhiều cuộc đời của đồn đội tôi. Cho dù đã từng trải qua những khốc liệt của cuộc chiến, hy sinh, mất mát, đau thương nhưng trong chúng tôi vẫn vẹn nguyên, vẫn luôn thấm đẫm tình đất nước, tình đồng đội và tình người. Song, nỗi đau day dứt, khắc khoải vẫn còn đó, vẫn còn sâu thẳm trong mái đầu bạc trắng của những người đông đội của tôi./.

Bùi Quốc Hoằng.

Ảnh minh họa
 

Đính kèm

  • FB_IMG_1651284277941.jpg
    FB_IMG_1651284277941.jpg
    30.2 KB · Lượt xem: 108
  • Like
Reactions: Hoài vũ
520
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top