Baivanhay "Nước mắt" và những tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng

Baivanhay "Nước mắt" và những tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng

nauyeee
nauyeee
  • Thành Viên 20
Vào một dịp, tôi đã tìm đọc những tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Những dòng văn ấy đã để lại trong tôi nỗi ám ảnh không dứt về con người. Văn của ông có một lối đi riêng, một lối đi làm nên phong cách độc đáo, không trộn lẫn với ai. Ông đi sâu vào mảng hiện thực của đời sống, của những năm đói kém. Dưới lòng máng của hiện thực, ông dùng ngòi bút của mình đặt lên trang. Các tác phẩm của ông mang đậm nét đời sống thường nhật với hoạt động sinh hoạt của con người. Dòng văn ấy cứ chảy trôi trong lòng độc giả cuốn theo những day dứt ám ảnh về con người bị tha hóa trong năm đói kém.

Xuyên suốt những tác phẩm của Nam Cao là sự xuất hiện của dòng "nước mắt". "Nước mắt" là hiện thân của tình yêu thương và lòng nhân đạo. Người ta khóc khi cảm xúc đã đủ đầy, khóc khi vui hay đau khổ. Trái tim ấy nhói lên và bị điều gì đó tác động vào. Nam Cao tin tưởng vào thiên lương và bản chất đích thực của con người. Nam Cao tìm những dòng nước mắt ấy ở những con người bị tha hóa, bị xã hội lôi kéo đến con đường tội lỗi. Ở trong hoàn cảnh cùng cực ấy, họ đã tìm lại được bản chất và bên trong của chính mình. Đến cùng, thì nó không bao giờ mất đi và luôn tồn tại tận cùng sâu thẳm ở mỗi người.

Trong tác phẩm "Chí Phèo", nhân vật Chí Phèo được xây dựng là một hình tượng người nông dân bị tha hóa bởi xã hội. Thằng Chí ngật ngưỡng bước đi trên con đường làng Vũ Đại với tiếng chửi vang xa, một con "quỷ dữ" bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính. Thằng Chí vốn là một người nông dân hiền lành lương thiện, hắn đã từng mơ về một căn nhà nhỏ với ước mơ nhỏ nhặt bình dị như bao người mong muốn. Thế nhưng, cái thằng Chí ấy đã bị xã hội thối nát đẩy xô vào con đường tha hóa lầm lỗi, hắn ra tù với một bộ dạng của con quỷ và bên trong bị phần "con" đang lấn át phần "người". Cái xã hội ấy bị lên án gắt gao vì nó đã tước đi quyền được sống của con người. Thằng Chí chửi bới cả dân làng, uống rượu say xỉn suốt ngày. Hắn đang bị trượt dài trên con dốc của sự tha hoá, hắn bị biến chất trầm trọng. Thế nhưng, nhà văn Nam Cao đã cứu vớt con quỷ dữ ấy, ông tin tưởng vào cái bản chất sâu thẳm ẩn chứa bên trong mỗi con người. Đấy là tình cảm, tình yêu và khao khát hạnh phúc. Bản chất ấy là nỗi đau, là niềm vui trước cuộc sống muôn hình vạn trạng này. Sự xuất hiện của Thị Nở đã cứu lấy mảnh đời nhuốm màu đen tối của Chí. Đó là một tình yêu đẹp và chân thành của một người con gái dành cho chàng trai. Thằng Chí ăn bát cháo hành Thị Nở nấu mà nước mắt rưng rức chảy. Lần đầu tiên, trong cuộc đời hắn từ khi ra tù đến giờ, hắn biết khóc. Dòng nước mắt của một con người trước tình thương đang trực trào chảy ra. Tình yêu thương đã cứu rỗi lấy tâm hồn đầy tội lỗi ấy. Những dòng nước mắt là hiện thân của tình người. Phần "người" đang chiếm hữu phần "con".Bản chất sâu thẳm của con người và sức mạnh tiềm tàng đang chiếm hữu hình hài và nhân tính của một con quỷ dữ. Hắn đã được cảm hoá, cảm hoá bởi Thị Nở và bởi chính bàn tay của Nam Cao. Nhà văn Nam Cao đã không để cho nhân vật mình cứ mãi trượt dài trên con dốc tha hoá như vậy, ông tin tưởng bản chất bất diệt của con người, nó sẽ không bao giờ mất đi. Nó luôn tồn tại trong thằng Chí, để đến khi có điều gì đó tác động nó bộc phát mãnh liệt. Thằng Chí ấy đã được bàn tay của tình thương cứu lấy, lần đầu tiên hắn biết được yêu là gì. Tưởng rằng, đến cuối đời hắn sẽ không bao giờ thức tỉnh mà cứ mãi như một con quỷ biến chất. Nhưng không, hắn đã thức tỉnh bởi chính tình yêu thương. Suốt quãng đời sau khi ra tù của hắn, ngày nào hắn cũng chìm trong những bóng tối, hắn chưa bao giờ cảm nhận được sự hạnh phúc của thế giới này. Hắn chỉ biết uống rượu và sa lầy thêm vào con đường ấy. Để rồi Chí đã gặp Thị Nở và hắn đã thức tỉnh. Cái bên trong con người là tình yêu thương, là dòng nước mắt nhân đạo. Là trái tim thổn thức và nhói đau, là những cảm xúc "nguyên thủy" nhất của con người. Nó luôn bất diệt và vĩnh hằng. Dòng nước mắt là dòng nhân đạo, là tình yêu của nhà văn Nam Cao dành cho nhân vật của mình.

Trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã viết: " Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậc nước". Sau khi bán cậu Vàng, lão Hạc thấy ân hận, cậu Vàng như là một người bạn của mình mà ông lỡ lòng nào bán nó đi. Đôi mắt ông tràn đầy nhưng giọt nước mắt giàn giụa, nước mắt của minh chứng tình yêu giữa ông và "người bạn" mình. "Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc." Những đau khổ tột cùng của lão khi bán đi cậu Vàng. Trong lòng ông, ông thấy rất đau đớn và thương xót. Ông đang tự trách mình, ông thấy tội nghiệp của cậu Vàng. "Người bạn" của ông giờ đã đi, ông thấy lòng mình đau xót. Lão đã đi lừa một con chó, lão thấy ân hận tột cùng. Mắt lão ầng ậc nước, tràn đầy sự day dứt và đau đớn.

Nhân vật Hộ trong tác phẩm "Đời thừa" của nhà văn Nam Cao đã từng khóc ân hận khi đối xử tệ bạc với người vợ của mình: " Nước mắt hắn bật ra như một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc...Ôi chao ! Hắn khóc ! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc". Đó là dòng nước mắt của một người chồng cảm thấy ray rứt và ân hận khi đánh vợ mình. Vì miếng cơm manh áo, vì sống trong cảnh khổ nghèo đói mà Hộ bị tha hóa. Hộ đã viết ra những tác phẩm "viết vội" chủ yếu để lấy tiền kiếm sống. Những tác phẩm ấy là sự cẩu thả trong văn chương. Có thể, dòng nước mắt ấy là sự tích tụ những đau khổ. Hộ khóc khi viết ra những tác phẩm mà độc giả không muốn đọc, hộ khóc khi đánh vợ. Hộ đã chà đạp lên những nguyên tắc của mình, nguyên tắc của người cầm bút và tình yêu thương trong gia đình. Cảnh nghèo khó đẩy Hộ vào bước đường cùng và gây ra những chuyện như thế. Dòng nước mắt của Hộ tràn đầy nỗi ân hận, khóc vì sự tha hóa của mình, vì những lỗi lầm gây ra. Những giọt nước mắt ấy là sự tin tưởng và thức tỉnh Hộ nhận ra lỗi lầm của mình và bước tiếp sống trên đời với tâm hồn và nhân cách thanh cao.

Nam Cao đã từng lấy lời của nhà văn, nhà thơ Pháp Francois Coppée (1812 - 1908) làm đề từ cho truyện ngắn "Nước mắt" của mình: "Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt dảo hoánh của phường ích kỷ. Và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ. " Trước con mắt của "phường ích kỷ" người ta chỉ thấy một mặt của con người, chỉ thấy những xấu xa, gàn dở và hư hỏng. Và nước mắt là sự "biến hình" là sự giải tỏa nỗi đau xót đến cùng cực. Nước mắt đã cảm hóa những tội lỗi, cứu rỗi lấy bên trong của một con người đang bị tha hóa. Nước mắt còn là sự đồng cảm, sự khóc thương cùng người. Khóc cho những cảnh khổ và cảm thương những tâm hồn đau đớn. Khóc là sự nhận thức, là sự thức tỉnh. Nhà văn Nam Cao phải chăng đã nhìn nhận những nhân vật của mình qua dòng nước mắt ấy? Nhìn nhận qua tình thương và tìm ra bản chất sâu thẳm của con người.

Nhà văn Nam Cao đã tạo nên các tác phẩm của mình theo nguyên tắc: " Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.” (Đời thừa). Những tác phẩm ấy mang giá trị cao quý đối với con người. Văn chương hướng tới con người, nói và viết về con người. Thiên chức cao quý của người cầm bút không chỉ viết về hiện thực, mà qua ấy nó phải mang một giá trị vượt qua giới hạn. Đó là sự thức tỉnh, sự khơi dậy trong con người một niềm tin, tình yêu thương. Nó là một sợi dây gắn kết giữa con người với nhau, những tình cảm không bao giờ phai nhạt. Văn chương sinh ra trên đời là vì lẽ thế. Tác phẩm văn chương phải nói về con người, về cuộc sống xung quanh họ. Những tác phẩm ấy mang và chứa đựng một điều lớn lao và sự thay đổi hướng con người đến những lí tưởng cao đẹp. Nó đem đến sức mạnh, tình yêu và khơi gợi cho tâm hồn con người sự phong phú về tình cảm.

Có lẽ, vì thế mà những tác phẩm của Nam Cao không bao giờ bị "thời gian làm cho băng hoại". Độc giả tiếp xúc với những tác phẩm của ông cảm thấy ám ảnh không nguôi về hình tượng nhân vật và chiêm nghiệm những triết lí nhân sinh sâu sắc mà ông gửi gắm. Nam Cao mãi là một ngôi sao lớn toả sáng trên nền văn học Việt Nam, một nhà văn đầy tài năng. Là một nhà văn hiện thực sâu sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Tác giả: Nguyễn Kim Ngân
Bản quyền bài viết thuộc về Văn học trẻ

Có thể bạn quan tâm:
 
Từ khóa
nam cao nuoc mat phong cách tác phẩm văn chương
  • Like
Reactions: Thích Văn Học
6K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top