Dự thi Ông Nội Tôi Là Quái Vật Một Ngón - Thúy Hiền

Dự thi Ông Nội Tôi Là Quái Vật Một Ngón - Thúy Hiền

Thúy Hiền
Thúy Hiền
"Cha tiên sư, cháu với chả chắt chẳng được cái nước non gì. Chỉ phá là giỏi!"

Tôi đang cúi rạp đầu xuống đất, sống mũi sắp cọ cả vào đám sỏi đá nằm lạo xạo dưới chân, một mắt nheo lại mà ngắm chuẩn hướng đi của viên bi. Đang trên đà hăng say như vậy, cuối cùng lại bị tiếng gầm của ông nội làm cho giật nảy mình. Thành ra, viên bi vừa được ngón tay búng ra lao chệch hẳn theo hướng đã định liệu sẵn.

Tôi nhảy cò cẫng, giậm chân uỳnh uỵch, tức giận đến mức mặt đỏ tía tai. Ngược lại, thằng cu Tũn lại đang hả hê sung sướng, nhanh tay vơ sạch đống bi của tôi mà giấu nhẹm vào trong túi áo bông thủng lỗ chỗ, đắc ý cười khềnh khệch.

Tiêu rồi!

Những viên bi châu báu của tôi cứ thế không cánh mà bay. Tôi tiếc rẻ, giận dỗi hét lớn: "Chúng mày chơi xấu. Tao về mách nội tao."

"Haha, thằng Chuồn chỉ biết rúc đít ông nội. Nào, có giỏi chơi lại một ván đi."

Tôi chẳng còn tâm trạng để chơi tiếp, lắc đầu lia lịa, sau đó phủi sạch bụi bẩn bám trên quần áo, phụng phịu bước về căn nhà ngói đang bốc khói nghi ngút.

Vù… vù…

Tiếng gió đông rít gào qua kẽ răng, làm tôi rùng mình một chặp, vòng hai tay ôm chặt lấy bả vai gầy gò đen đúa, co cẳng chạy thật nhanh vào nhà. Vừa trông thấy tôi, ông nội liền đứng sẵn ở giữa nhà, trên tay cầm một chiếc chổi rơm đã rụng gần hết đám lõi vàng, đanh mặt mà hỏi: "Chuồn, mày lại tụ tập với đám nhóc con hư hỏng đấy hửm?"

Tôi lấm lét nhìn ông, âm thầm nuốt nước bọt. Không phải chứ, ông lại muốn đánh tôi sao?

Tôi không trả lời ông, lập tức quay phắt người, ba chân bốn cẳng tung người chạy vù ra ngoài sân. Cùng với đó, chiếc chổi rạ tàn tạ kia cũng được ném vút tới, đập vào lưng tôi đau điếng.

Trước khi chạy khuất sau lũy mây gai góc đầu ngõ, tôi còn liếc thấy bóng dáng gầy nhẳng quen thuộc đang cà nhắc đi từng bước một. Bàn chân phải của ông nội bị cụt mất bốn ngón, chỉ còn duy nhất ngón út dài thuồn thuột trơ xương.

Đám thằng Tũn thường lấy bàn chân một ngón của ông mà trêu chọc tôi. Chúng nó nói rằng, ngày bé ông là một đứa trẻ hư, không nghe lời cha mẹ, phá làng chọc xóm nên mới bị "trừng phạt" như thế.

Kể từ lúc đó, cái tên "dị nhân" hay "quỷ làng" của ông cũng bị ra đời. Mỗi lần nghe thấy đám trẻ gọi í ới như vậy, ông nội chỉ cười khà khà, không bận tâm cho lắm.

Dần dà, mỗi lần nhìn thấy bàn chân này của ông, tôi lại rùng mình sợ hãi vài chập.

***

"Chuồn, nồi sắn ông để dưới bếp, học bài xong thì xuống ngoắc lên mà ăn."

Tôi vùi đầu vào chiếc chăn bông sờn vải, khó chịu nói to: "Lại sắn! Con ngán đến chết."

Mỗi lần cử động, lớp rơm khô được trải phía dưới chiếc chiếu cói lại kêu lạo xạo, làm tôi khó chịu bịt thật chặt hai lỗ tai. Sáng nào cũng vậy, ông nội thường cầm theo một chiếc giỏ mây cũ kỹ, cà nhắc đi từng bước một ra đầu làng.

Thời tiết trở lạnh thêm, tôi lười không muốn đặt chân xuống đất, cứ thế rúc vào chăn mà ngủ, kéo gỗ khò khò. Mưa gió, bão bùng ngoài kia mặc kệ. Cần quái gì phải để tâm cho bận lòng. Thức dậy có cơm ăn nóng hổi, ấm cái bụng mới đã cái nư.

Lần này khác với mọi khi, tôi giật mình thức dậy vì tiếng gọi inh ỏi của thằng Tũn. Nó đứng thập thò trước cổng, vì sợ con chó Mực xổng chuồng ra cắn mà không dám vào. Trông thấy tôi ngái ngủ bước ra, thằng Tũn vội vàng vẫy tay rối rít: "Chuồn, Chuồn! Nhanh lên đi mày. Có thằng chơi xỏ mày đấy, con ạ!"

***

Tôi nhìn chằm chằm lên bức tường trắng đầu làng, vì theo vết tích thời gian và khói bụi sương gió nên đã hoen ố, hai bàn tay gầy gò bất giác nắm lại thật chặt. Những hình vẽ nguệch ngoạc loang lổ bằng than tre nhưng vẫn có thể nhìn rõ hình dạng như hàng ngàn mũi dùi đang chậm chạp khoét đi từng thớ thịt đỏ hỏn của tôi.

"Thằng không cha không mẹ."

"Quái vật một ngón. Lêu… lêu!"

"..."

Tôi mím chặt môi, run run theo từng tràng cười của lũ bạn.

"Chúng mày chửi tao cũng được. Nhưng ai cho chúng mày dám nói xấu ông nội!"

"Ông nội không phải quái vật. Ông nội không phải quái vật."

Tôi hét ầm lên. Trời đất xung quanh quay cuồng xám xịt một màu tro tàn héo úa.

Ông nội bị bom Mỹ dội suýt chết, may mắn chỉ bị cụt mất bốn ngón chân. Có lần, tôi sợ sệt chạm thử vào bàn chân bị đứt ngón của ông, dè dặt hỏi: "Ông không sợ à?"

"Sợ đếch gì! Tự hào lắm, hãnh diện lắm. Ông mày còn thở là còn cầm súng đuổi giặc."

***

Ông nội châm thêm một ngọn nến nhỏ, tàn nến nóng rát nhỏ cả vào ngón tay mà khuôn mặt già nua của ông vẫn tỉnh queo. Một bên má ông lõm vào, da khô đét bọc lấy xương. Hộp sọ dài đua ra phía trước, nhìn ông khá đáng sợ. Tôi tự cho là vậy. Nhưng vốn dĩ đã nhìn quen từ lâu nên cũng không kinh hãi cho lắm.

Mùi tanh tanh tỏa ra từ chiếc khăn mùi soa ẩm ướt len lỏi vào hai bên sống mũi nhẫy nhụa của tôi. Ông nội nheo mắt, lớp da nhăn nhúm lại càng xuất hiện thêm thật nhiều nếp gấp lớn, nhỏ.

"Mới tí tuổi ranh đã học đòi đánh đấm. Nhóc con, làm người không muốn lại muốn làm đầu trộm đuôi cướp à?"

"Ông không hiểu gì cả."

Tôi đẩy cánh tay gầy gò của ông đang giúp mình chà vết bầm trên mặt, sau đó nóng nảy nhảy phốc xuống đất. Quả trứng luộc được bọc trong chiếc khăn mùi soa đã nát bét, rơi vung vãi cả lên trên chiếc quần đùi rách của ông.

Ông nội sững sờ trong giây lát. Nhìn qua ánh sáng leo lét phản chiếu bóng lưng gầy gò của ông, tôi âm thầm thở dài, chán nản đi thẳng ra cầu ao ngoài ngõ.

"Tõm… tõm…"

Từng hòn sỏi theo đủ mọi hình dạng kì quặc lần lượt bị tôi ném mạnh xuống mặt ao đục ngầu. Mặt nước bị khuấy động lan thành những vòng tròn loang lổ, vài cọng bèo thối dập dờn ngụp lặn chạy trốn.

Tôi nhớ lại thời điểm sáu năm về trước. Cũng chính tại cầu ao lạnh lẽo này, tôi đã liều mạng nhảy phốc xuống nước chỉ vì muốn lấy cái chết làm bình phong, hòng níu kéo chút thương hại cuối cùng của mẹ. Mẹ sẽ ở lại vì tôi chứ? Mẹ sẽ không bỏ tôi cho ông nội, cũng sẽ không đi lấy chồng ngoại quốc?

Nước ao không quá sâu, nhưng cũng đủ để khiến tôi chới với mất một lúc. Tôi vùng vẫy, ngụp lặn điên loạn, uống vào bụng không biết bao nhiêu là nước. Ngộp thở, sắp chết, hai mắt co rút vì nước tràn vào. Khoảnh khắc kinh hoàng ấy đã khiến tôi nhận ra một điều: sự thật vẫn là sự thật. Mẹ tôi ly hôn, bỏ chồng, bỏ con để lấy chồng ngoại quốc, âu cũng là thật.

Khi tôi tỉnh lại, ông nội đang lom khom nhóm lửa, nấu cháo cho tôi.

Gió đông lạnh lắm.

Lạnh đến tê tái, hóa đá tâm can.

Bờ môi nứt nẻ của ông khẽ run theo từng chặp. Đôi lúc, tôi sẽ thấy ông huơ tay trên ngọn lửa đỏ rực để sưởi ấm, rồi lại làu bàu mắng một vài con nhặng đang bay loạn xạ.

Tôi không khóc. Khuôn mặt tỉnh queo. Góc treo quần áo của mẹ đã trống trơn, một hơi ấm mỏng manh muốn níu giữ lại cũng tàn nhẫn cuốn bay theo chiều gió đông buốt giá.

"Ông mày đã sống hơn bảy mươi năm cuộc đời, già sắp xuống lỗ mà vẫn còn sợ chết."

Ông đặt bát cháo trắng lỏng chẳng khác gì nước lã xuống bên cạnh tôi, lắc đầu chép miệng, giọng nói khàn khàn bỗng hạ thấp xuống nhất có thể: "Thằng nhóc giời đánh, nó coi ông nó không còn tồn tại hay sao?"

Sáu năm qua, tôi không gặp bố, cũng chẳng nhìn thấy mẹ. Ngày ngày tôi bám theo đuôi xe ông nội, chạy lon ton từ cổng làng tới cuối cánh đồng bạt ngàn lúa chín ươm. Nắng mật căng mọng phủ tràn trên bờ vai gầy guộc bọc xương của ông, bóng dáng ông nội càng thêm dài dằng dặc.

Năm đó, bóng của tôi chỉ đứng tới ngang hông ông nội. Bây giờ có lẽ đã chạm đến đỉnh đầu trên bóng mờ của ông rồi.

20211220_210529.jpg
(Nguồn ảnh: Internet)

Tôi trở về nhà sau hơn tiếng đồng hồ ngồi thất thần trên cầu ao. Căn nhà nhỏ lụp xụp trống trơn, còn ông nội đã đi đâu mất. Tôi ngó nghiêng tìm kiếm, muốn mở miệng gọi to tên ông nhưng cổ họng bỗng như bị ai đó chặn cứng.

Trong lòng tôi bỗng trở nên nóng bừng. Cảm giác lo lắng, sợ hãi dần dần đâm râm ran khắp chân tay và não bộ. Ông nội giận tôi? Không! Ông nội chưa bao giờ bỏ đi đâu đó khi trời tối đen như vậy.

Tôi chạy vào gian nhà mặc thêm áo len, luống cuống tìm kiếm đèn dầu, đánh liều đi ra ngoài ngõ. Đêm đen thăm thẳm không một bóng người. Nhà nào nhà nấy đóng cửa từ sớm để tránh rét. Tiếng cười đùa, nô hởi vang vọng khắp xung quanh.

Tôi… đã quá lâu chưa được nghe thấy.

Thèm quá!

Thèm một chiếc bánh rán thôi, chỉ cần vậy thôi.

Tôi đi chân trần, lòng bàn chân tê cứng đã không còn cảm giác từ lâu. Hai mắt tôi cay xè, bờ vai run rẩy đến mức lồng ngực đập thình thịch. Không phải vì trời rét, tôi thừa hiểu điều này.

Xoẹt… xoẹt…

Ánh trăng yếu ớt chưa đủ sức soi rõ bóng già lọm khọm trước mắt. Tôi đứng khựng lại, cảnh vật bỗng chốc nhòe mờ hẳn đi. Ông nội đang co lưng, run run dùng giẻ khô, lặng lẽ chà đi những nét vẽ châm chọc nguệch ngoạc trên bức tường ẩm mốc đầu làng.

Chính chúng đã làm tôi liều mạng đánh nhau với đám bạn chiều nay. Cũng chính chúng đã khiến tôi mất bình tĩnh mà nổi giận với ông nội.

Ông tôi đã già quá.

Gió đông, làm ơn nhẹ nhàng đuổi bụi cho ông thôi, làm ơn!

Đêm rồi, ông còn làm gì vậy?

Gió lạnh rồi, vậy mà ông vẫn chẳng cảm thấy buốt sao?

Đâu phải vì ông không hiểu, mà là ông đủ bao dung và nhẫn nại để có thể nhìn thấu mọi tâm tư ngông nghênh của đứa cháu nội bất cần này.

Bỗng nhiên, tôi chợt thấy thèm đến mặn đắng bát cháo trắng lỏng không vị của ông quá!
 
Sửa lần cuối:
1K
6
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top