Baivanhay (Phần 2) Tượng đài bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ trong buổi đầu đánh Tây trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu

Baivanhay (Phần 2) Tượng đài bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ trong buổi đầu đánh Tây trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu

(Tiếp theo)

4171

Họ mang trong mình bao suy ngẫm cả sự chờ đợi trong vô vàn tuyệt vọng. Tiếng kêu như thống thiết gọi "quan vua" - bậc phụ mẫu của dân. Liệu có biết không họ đang bị xâm hại quyền lợi, có biết không những đứa con đang phải chịu giày xéo, chà đạp của bọn ác bá phương Tây? Mỗi tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đều vang lên một câu gọi vua, gọi quan nhưng luôn bị chặn đứng một cách não nùng, tuyệt vọng. Nếu trong "Chạy giặc" ông đã ra câu hỏi: "Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng?" thì "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" lại thốt lên: "trông tin quan như trời hạn trông mưa". Nguyễn Đình Chiểu đã bộc trực trên trang văn của mình nỗi thất vọng khôn nguôi đối với triều đình nhà Nguyễn bạc nhược yếu hèn không giúp được gì cho dân cho nước. Nơi đây, chính lòng căm thù sục sôi trong ý nghĩ, nỗi căm giận khôn cùng của nông dân cũng đậm chất Nam Bộ: "ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ", "muốn tới ăn gan", "muốn ra cắn cổ", "há để ai chém rắn đuổi hươu", "đâu dung lũ treo dê bán chó". Và chính nỗi căm hờn, uất hận tột cùng đã thôi thúc họ tự nguyện ra trận:

"Nào đợi ai đòi ai bắt phen này xin ra sức đoạn kình
Chẳng thèm trốn ngược trốn xui chuyến này dốc ra tay bộ hổ".​

Những người nông dân "chân lấm tay bùn" dựa vào ý thức mất nước mà đứng lên chống giặc, không một ai đằng sau chỉ huy, không cần vũ khí tối tân hiện đại, hành trang của họ chỉ có:

"Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi, trên tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ"
và:

"Mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn, chín chục trận binh thư không chờ bày bố"
Họ đã sẵn sàng - sẵn sàng trong cái hành trang thô sơ của họ nhưng trái tim ấy đã dấy lên ngọn lửa tình yêu tự do, yêu quê hương xứ sở nên không sợ hiểm nguy mà rọi lên tinh thần đánh giặc ngoan cường, "xô cửa xông vào", "đâm ngang", "chém ngược". Hàng loạt các động từ mạnh cho thấy sức mạnh và ý chí ngoan cường chống giặc. Tinh thần đấu tranh bất khuất của những người nông dân nghĩa sĩ đủ làm cho quân giặc phải "thất điên bát đảo": "bọn hè trước, lũ ó sau trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ".

Nguyễn Đình Chiểu sống với dân, yêu dân và vì dân. Ông biết được rất rõ tầm quan trọng của nhân dân: "dân là dân nước, nước là nước dân". Chỉ có nhân dân mới làm nên đất nước, đó là những con người mà Nguyễn Khoa Điềm đã nói trong "Đất nước":

"Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước".
Dẫu biết rằng, một khi ra trận thì "sự sống và cái chết gần trong gang tấc" có thể họ sẽ mất mạng trong một giây, một khoảnh khắc ngắn ngủi kia và có thể chết đi rồi vẫn không vang danh tên tuổi nhưng những người anh hùng - nông dân nghĩa sĩ vẫn dứt khoát tiến lên chống lại quân thù mà không buồn than, trách cứ như Nam Hà đã viết:

"Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt".
Dẫu biết rằng "xác phàm vội bỏ" nhưng lòng yêu nước đã chảy trong huyết quản, và trong tiềm thức họ đã nuôi hi vọng về ngày mai đất nước sẽ hòa bình, gia đình đoàn tụ. Chỉ có ý nghĩ như thế mới xuất hiện anh hùng của nông dân - con người áo vải một lòng chống lại quân thù.

Có thể nói, bức tượng đài về người nông dân trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là bức tượng đài "vô tiền hậu khoáng" trong thơ ca văn học trung đại Việt Nam. Nó có sức sống bền bỉ và trường tồn trong văn đàn văn học nước nhà. Nguyễn Đình Chiểu đã rất xuất sắc trong việc dựng lên hình tượng người nông dân chống giặc. Tác phẩm như "một khúc trường ca về những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang". Chính lẽ đó, không hề quá khi nói Nguyễn Đình Chiểu chính là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học dân tộc Việt Nam.

Khép lại "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" nhưng dư âm của bài tế vẫn còn vang vọng và bức tượng đài kia vẫn sừng sững hiên ngang trên mọi nẻo đường Tổ quốc như khẳng định sức sống mãnh liệt, như ngọn hải đăng không bao giờ tắt trước gió bão nơi biển khơi.
 
Từ khóa
bức tượng đài bi tráng nông dân nghĩa sĩ van te
  • Like
Reactions: Phuong Nhung
754
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top