Baivanhay Phân tích 8 câu thơ đầu bài thơ "Tây Tiến"

Baivanhay Phân tích 8 câu thơ đầu bài thơ "Tây Tiến"

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng như một tượng đài bất tử của người lính trong những năm kháng chiến thu - đông đầy gian nan, vất vả. Thi phẩm tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của ông và để lại dư âm trong lòng người đọc về một nỗi nhớ day dứt, thiết tha.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."
8 câu thơ đầu của bài thơ là nỗi nhớ của người lính về quãng thời gian khó khăn, vất vả trên cuộc hành trình đi đến thủ đô nước bạn xa xôi. Song hành với đó là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hoang dã, dữ dội mà cũng rất đỗi nên thơ, trữ tình. Nội dung chính của đoạn thơ có thể chia ra làm 3 phần như sau:

Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng - Sổ tay văn mẫu.jpg

Hình tượng người lính Tây Tiến - Ảnh Pinterest


1. Hai câu đầu: Nỗi nhớ về Tây Tiến một thời

- Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ mang cảm hứng chủ đạo của toàn đoạn thơ, đó chính là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của Quang Dũng về Tây Tiến và miền Tây Bắc bao la:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi"

- Hai chữ “xa rồi” là điểm nhấn cảm xúc của toàn câu thơ, gợi lên bao rung cảm trong lòng thi nhân và cả người đọc về những nỗi niềm hụt hẫng, nuối tiếc xen lẫn băn khoăn, day dứt. Con người quả thật là kì lạ, chỉ khi xa cách thì nỗi nhớ mới càng trở nên mãnh liệt, cái nỗi lòng day dứt ấy như muốn nuốt trọn cả tâm can người nghệ sĩ đang hoài ôm những nhớ thương.

- Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” trong câu thơ cảm thán gợi ra một nỗi nhớ bay cao, vang xa bao trùm khắp không gian núi sông miền Tây hùng vĩ rồi vọng lại da diết, dội thẳng vào lòng người. Đọc câu thơ ta dường như nhìn thấy hình bóng một chàng lính đứng trước non sông hùng vĩ mà cất lên nỗi lòng thiết tha với những năm tháng gian lao mà oai hùng.

- Câu thơ thứ hai mang giọng thơ hoài niệm, sâu lắng kết hợp với phép hiệp vần “ơi- chơi vơi” tạo âm hưởng mênh mang, đồng vọng. Viết về nỗi nhớ trong thi ca từ xưa đến nay đã khó mà kể hết, có những nỗi nhớ yêu thương, nhớ khắc khoải, nồng cháy, nhưng chưa từng có nỗi nhớ nào lại được biểu đạt bằng câu từ mang nhiều sức gợi như nỗi “nhớ chơi vơi” của Quang Dũng. Bởi lẽ đó là nỗi nhớ của một người đang một mình lạc trong thế giới mênh mông, hoài niệm. Là nỗi nhớ lửng lơ, cháy bỏng, miên man, bồi hồi khiến cho con người đứng ngồi không yên.

- Điệp từ "nhớ" được lặp lại lặp lại làm nhịp điệu trở nên gấp gáp, dồn dập, tựa như cơn thác lũ ùa về từ miền kí ức xa xăm của nhà thơ mang theo những hoài niệm chân thực về miền Tây Bắc. Nỗi nhớ ấy được hướng về hai địa danh quen thuộc: sông MãTây Tiến. Dường như kể từ phút giây nỗi nhớ ấy dâng lên trong tâm can nhà thơ, sông Mã đã không còn là một dòng nước vô tri, Tây Tiến không chỉ là một vùng đất lạnh lẽo trên bản đồ.

2. Sáu câu tiếp theo: Con đường hành quân dữ dội và vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc
a. Nỗi nhớ ùa về trước hết là con đường hành quân thật gian nan, vất vả:


"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi."

-Trong đoạn thơ hàng loạt tên bản, tên làng được nhắc tới như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông,... Tất cả đều là những địa danh in đậm dấu chân người anh hùng Tây Tiến, càng nhiều địa danh thì nỗi nhớ thương lại càng da diết, khắc khoải.

- Đầu tiên Quang Dũng đưa ta về với Sài Khao - một địa danh ở miền Tây Thanh Hóa, một nơi quanh năm sương mù bao phủ, được bao bọc bởi những ngọn núi cao chót vót. Khí hậu nơi đây luôn thấp hơn những bản làng khác, về mùa đông còn xuất hiện băng giá. Câu thơ có cách ngắt nhịp 4/3, rơi vào động từ “lấp” gợi tả một màn sương dày đặc, lạnh lẽo, phủ kín, nuốt chửng, che lấp cả đoàn quân đang ngày đêm vượt núi băng sông. Đoàn quân khuất đi trong màn sương và hiện lên qua tính từ “mỏi”-một cách rệu rã, nhọc nhằn, gian khổ. Câu thơ đã gợi ra bao gian khổ, vất vả mà người lính phải gánh chịu. Nhưng thật kì lạ vì hiện lên trên cái khổ sở ấy, hình tượng người lính lại hiện lên cao cả hơn với ý chí sắt đá và lòng dũng cảm đáng khâm phục.

- Ta lại tìm đến Mường Lát trong câu thơ: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Hệ quả của cái lạnh cắt da, cắt thịt từ trời sương ở câu thơ trên giờ đây được thi vị hóa thành “đêm hơi”- một đêm sương bồng bềnh, huyền ảo. Hình ảnh nhân hóa “hoa về trong đêm hơi” mang nhiều tầng nghĩa với các cách hiểu khác nhau. Đó là những ngọn đuốc của đoàn quân trong đêm lung linh, huyền ảo khúc xạ qua màn sương đẹp tựa một dòng sông hoa đăng trôi lửng lờ. Hay đó còn là hương hoa vùng Tây Bắc quyện lại qua sương đêm theo chân anh chiến sĩ trẻ về bản làng. Dù hiểu theo cách nào câu thơ cũng mang đến cho người đọc những hình dung thú vị về thiên nhiên Tây Bắc.

Thiên nhiên Việt Bắc.jpg

Người lính chống chọi khỏi thiên nhiên khắc nghiệt - Ảnh Pinterest

b. Thiên nhiên Tây Bắc hiện lên sau màn “sương lấp” là cảnh đèo dốc, đường đi và vực thẳm:

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống"
- Khổ thơ là một bằng chứng cho câu nói thi trung hữu họa bởi lẽ chỉ bằng bốn câu thơ Quang Dũng đã vẽ nên một bức tranh hoành tráng, diễn tả rất đạt cái hiểm trở và dữ dội, hoang vu và heo hút của núi rừng Tây Bắc. Câu thơ đầu tiên ngắt nhịp 4/3 tạo thành hai vế và đầu mỗi vế đều có điệp từ “dốc”. Điệp từ “dốc” không chỉ tạo ra nhịp điệu dồn dập mà còn gợi ra sự trùng điệp của những con dốc, khiến cho đèo tiếp đèo, dốc tiếp dốc cứ thế lên cao rồi lại xuống thấp.

-Từ láy “khúc khuỷu” gợi hình khe thế núi hiểm trở, chông chênh, vách đá dựng đứng, vực sâu hun hút. Hình ảnh thiên nhiên miền Tây còn hiện lên qua từ láy “thăm thẳm” gợi hình gợi cảm, khiến người đọc lạc vào một chốn không gian núi rừng ban sơ vừa có chiều cao lại thêm chiều sâu.

- Cả câu thơ 7 chữ mà có đến tận 5 thanh trắc: “dốc- khúc- khuỷu- dốc- thẳm” tạo cảm giác chông chênh, trúc trắc, vô cùng hiểm trở của con đường hành quân. Đây cũng chính là chất nhạc rất riêng chỉ có trong thơ của Quang Dũng.

- Lại tiếp tục sử dụng từ láy “heo hút” thông qua phép đảo ngữ lên đầu câu thơ, thi sĩ khéo léo gợi lên hình ảnh một con dốc cao đến hoang vu, hẻo lánh, xa cách hoàn toàn với con người. Hai chữ “cồn mây” giàu tính tạo hình đã cho thấy nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài tình của chàng nghệ sĩ trẻ. Trên bước đường hành quân gian giao leo lên đồi dốc người lính có cảm giác như đang dạo chơi trên những cồn mây. Qua đó tâm hồn người lính trở nên thăng hoa và mang một vẻ đẹp hào hoa bất diệt.

- Nhà thơ không dùng “chạm trời” mà thay vào đó là “ngửi trời” bởi đó không đơn giản là cách đo chiều cao vật lí giữa núi và bầu trời. Chữ “ngửi” được sử dụng táo bạo là cách đo chiều cao của người lính vừa chính xác vừa hóm hỉnh.

- Những nét vẽ sắc cạnh, gân guốc về dốc núi miền Tây liên tục xuất hiện, khắc họa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Điệp ngữ “ngàn thước” là một ước lệ nghệ thuật kết hợp với hai từ có tính chất tương phản “lên- xuống”, diễn tả thật sinh động một miền đất cheo leo, hiểm trở, gập ghềnh, gợi một đọ cao đến rùng rợn, chóng mặt.

- Câu thơ còn có sự phối thanh độc đáo: “lên cao" là thanh bằng gợi ra một độ cao chơi vơi, rồi từ trong mây mù con dốc bỗng chui ra, bất ngờ lao vun vút “xuống” đáy vực. Nửa câu thơ đưa ta lên cao đến tận chân mây, nửa cuối đột ngột gập xuống một nét dứt khoát, khiến câu thơ bị bẻ đôi như chính địa hình nơi đây khúc khuỷu, điệp trùng.

c. Tiếp nối những khắc nghiệt từ màn sương rừng, dốc núi cao xa lại là cơn mưa xa khơi yên ả, nên thơ:

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

- Câu thơ toàn bộ là thanh bằng cùng cơn mưa rừng đã cân bằng những trạng thái ngột ngạt, nóng bức của con đường hành quân gian nan và mang đến cho người lính một cảm giác êm dịu khó tả. Cảnh vật thiên nhiên hiện lên qua màn mưa thật thơ mộng, trữ tình. Ba chữ “mưa xa khơi” với “khơi” mang ý nghĩa chỉ biển đã gợi ra hình ảnh núi rừng bồng bềnh trong mưa.

- Hai tiếng “nhà ai” mang hơi thở của một câu hỏi tu từ gợi nhũng cảm xúc bâng khuâng, thương nhớ, vừa gợi những ấm áp trong lòng người lính trẻ. Quang Dũng đã đặt điểm nhìn từ xa hướng về làng bản trong màn mưa nhẹ, những mái nhà dân hiền lành yêu thương là nơi các anh sẽ đến, sẽ đem xương máu và tình yêu to lớn để bảo vệ.


Trên đây là những nội dung chính cần phân tích trong 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến. Các luận điểm là yếu tố tiên quyết cho con điểm trong một bài văn nghị luận văn học, vậy nên các bạn hãy ghi chép thật kĩ để phục vụ cho bài làm của mình nhé!
 
Từ khóa
bài thơ tây tiến nghị luận quang dũng
1K
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top