Chia Sẻ Phân tích câu thơ "Tây Tiến..."

Chia Sẻ Phân tích câu thơ "Tây Tiến..."

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 19
Bài thơ "Tây Tiến" là một trong những bài thơ hay, nổi tiếng của Quang Dũng. Mỗi câu thơ là sự chọn lọc tinh tế để thấy được hình ảnh của người chiến sĩ dũng cảm, dám hi sinh thân mình vì dân tộc. Hiểu được ý nghĩa đó, mỗi câu thơ đều được phân tích cụ thể.
Dưới đây là một trong những cách hiểu của câu thơ "Tây Tiến..."



4800

Phân tích câu thơ "Tây Tiến"
Cách đây gần hai chục năm, tôi nhận lời cộng tác với Vtv2, giảng một số tác phẩm Ngữ văn trong cấp THPT, tập trung chủ yếu vào lớp 12. Một lần, khi đang ghi hình dạy bài Tây Tiến, hai bác kĩ thuật viên ra hiệu dừng lại để thay băng! Và một bác dường như chỉ chờ lúc đó, hỏi luôn: Cô thấy hai câu thơ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” thế nào? – Em thấy rất hay anh ạ! – Tôi thì thấy hai câu ấy rời rạc, lủng củng sao đó, giá như ông Quang Dũng, ổng viết như những câu trên cô vừa giảng ấy, có phải hay bao nhiêu không. Đây hai câu chẳng từ nào dính vào từ nào, lại còn “mùa em” là mùa gì!... Chuyện tới đó thì bên kĩ thuật báo đã thay băng xong, trước khi tiếp tục ghi hình, tôi nói với bác: “Em sắp giảng tới đúng hai câu thơ anh vừa nhận xét, anh nghe quan điểm của em rồi anh em mình trao đổi sau anh nhé”!
Buổi ghi hình hôm ấy, tôi chỉ dạy 2 tiết, giảng xong đoạn 14 câu thơ đầu bài Tây Tiến thì nghỉ. Chưa kịp đóng máy quay, bác kĩ thuật viên lúc nãy đã tới gần, bắt tay tôi và nói: Cám ơn cô, tôi cũng là cựu chiến binh, lính tráng chúng tôi thích bài Tây Tiến lắm, nhưng bao lâu nay cứ phàn nàn về hai câu này, nghĩ sai cho ông Dũng, giờ nghe cô giảng mới biết hóa ra ổng đa tài và đa tình vậy!

Tới hôm nay, khi đọc một chia sẻ trong group Nhà văn đặt lại vấn đề về hai chữ “mùa em” trong câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, và cho rằng cụm từ “mùa em” không ổn, và người viết khẳng định đã đọc bản gốc, thực chất câu thơ là “Mai Châu mùi em thơm nếp xôi”! Khỏi nói tiếp về những lời bình sau đó từ hai chữ “mùi em” – nhiều nhất vẫn là sự nhấn mạnh tâm lí chân thực (?) của những chàng trai Hà Nội xa cuộc sống đời thường, xa những “dáng kiều thơm” Hà Nội, khao khát rất nhân bản của các anh, rồi bình về mùi các cô gái Thái quyện lẫn mùi xôi nếp ra sao…!

Vốn cẩn trọng với vấn đề văn bản, tôi nhắn cho Bùi Phương Thảo là con gái nhà thơ Quang Dũng, mong có một lời xác nhận về “bản gốc”. Là người quản lí, giữ gìn toàn bộ di sản văn chương của nhà thơ Quang Dũng, Bùi Thảo khẳng định bản hiện nay trong sách giáo khao Ngữ văn 12 THPT là bản gốc duy nhất của Quang Dũng, cũng là bản in trong Mây đầu ô – tập thơ xuất bản năm 1986, là cuốn sách do chính Quang Dũng tự vẽ bìa từ năm 1967.

Sau khi yên tâm về vấn đề văn bản, tôi suy nghĩ tiếp về cách cảm thụ trong stt “phát hiện” ra hai chữ “mùi em” kia, so sánh nó (dù so sánh như thế sẽ tạo ra độ chênh khá phản cảm với phong cách người thi sĩ của xứ Đoài mây trắng, lãng mạn mộng mơ và đặc biệt tinh tế trong từng câu chữ. Việc sau 10 năm, ông vẫn trăn trở và cuối cùng tới năm 1957, quyết định xóa bớt chữ “Nhớ” trong nhan đề “Nhớ Tây Tiến” của năm 1948 là một minh chứng!).

Quả thật, với tính chất đồng sáng tạo của văn chương, mỗi người đọc đều có quyền cảm nhận tác phẩm theo cách riêng của mình, thậm chí có thể nói, với mỗi người đọc, tác phẩm sẽ được sinh ra thêm một lần nữa. Trong thế giới của những khác biệt, sự khen chê trong thẩm văn là bình thường, giả thiết nếu tác giả dùng từ ngữ này thay vì từ ngữ kia cũng là bình thường, chỉ có điều, người đọc luôn cần nhớ: khen chê ấy là quan điểm của cá nhân mình, giả thiết ấy cũng là xuất phát từ ý muốn chủ quan – cái chủ quan tuyệt đối tự do trong tâm trí mình, nhưng không thể tự do khi áp đặt ý muốn chủ quan của riêng mình cho một sự khác biệt khác, đã được văn bản hóa, cá thể hóa mang tính nghiêm ngặt của bản quyền. Dù có thể chưa hoàn hảo ( theo ý chủ quan của người đọc), nhưng tác phẩm ấy đã thuộc về một quá khứ hoàn kết, có thể tiếp nhận nó với tất cả những đánh giá, khen chê, phản biện, giả thiết…, chỉ là không thể thay đổi nó.

Trở lại với hai câu thơ của Quang Dũng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Trong nhiều năm giảng bài Tây Tiến, theo thói quen của quá trình giúp học sinh tiếp xúc – tiếp nhận văn bản, trước tiên tôi thường để các em tự do bày tỏ cách hiểu, cách cảm hai câu thơ, và tôi nhận thấy đúng là học sinh có khó khăn khi cảm thụ cái hay, cái tinh tế, cả cái đa tài đa tình của Quang Dũng trong hai câu thơ này, trong khi dễ dàng hiểu nội dung ý nghĩa của nó – đơn vị Tây Tiến dừng chân ở Mai Châu, giữa mùa lúa chín, đón nhận những bát xôi nếp thơm ngát, nghi ngút khói từ người dân Mai Châu. Nhiều em khá tinh khi nhận xét gần giống bác kĩ thuật viên ghi hình của Vtv2, cho rằng hai câu thơ như một tập hợp những từ ngữ rời rạc, vụn, không có liên kết.

Tôi hỏi các em thấy sự vụn vặt, rời rạc như thế nào – câu hỏi để gợi mở dần phương pháp tiếp cận câu thơ – các em chỉ rõ: hai câu này khác hẳn với 32 câu còn lại trong bài, khác “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, khác “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” hay “ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”..., những câu thơ có hình ảnh hoặc xúc cảm để gọi tên, nhận diện, bình chú..., còn hai câu “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” chỉ là những mảng ghép với nỗi nhớ/ tên trung đoàn/ bát cơm lên khói/ địa danh Mai Châu/ mùa ( chắc là lúa chín)/ em ( chắc chắn là các cô gái Mai Châu)/ hương thơm xôi nếp... không có những yếu tố ngôn từ kết nối giữa chúng!

Cứ hỏi, đáp, gợi mở, kết hợp với cấp thông tin sơ lược giản đơn nhất về thể loại, thầy trò tôi đã dần đi tới cảm nhận nét đặc sắc của hai câu thơ phảng phất bóng dáng của thơ tượng trưng khi mở đầu bằng cụm từ cảm thán Nhớ ôi..., sau đó là một tập hợp những ấn tượng của khứu giác, thị giác, xúc giác, trực giác về hình ảnh, về màu sắc, về hương thơm, về cả cái hữu hình hữu thanh và cái vô hình vô thanh đầy vương vấn – hai câu thơ đã trở thành tập hợp những kí ức mơ hồ và rạo rực, xúc động và đắm say khi hai chữ Mai Châu khơi thức nỗi nhớ nhung dâng trào mãnh liệt về bản làng, cánh đồng lúa vàng ruộm, bát xôi thơm lừng nghi ngút khói, những ánh mắt trìu mến của mẹ, náo nức của cha, tình tứ của em... trong cuộc gặp gỡ ân tình giữa mùa lúa chín. Khi cái biểu đạt trong hai câu thơ chỉ là tập hợp các ấn tượng đọng lại trong kí ức, người đọc như được đồng sáng tạo trong tưởng tượng, hình dung ra cái được biểu đạt với tất cả sự bay bổng lãng mạn nhất.

Ví dụ, với hình ảnh/ hương vị gợi ra từ bát xôi nếp đầu mùa, nhà thơ đã giúp người đọc tái hiện được cảm giác xúc động của những chiến binh Tây Tiến, sau những chặng đường hành quân giữa mưa rừng buốt lạnh, giữa núi cao, vực sâu, giữa những tiếng chân thú dữ rình rập đầy đe dọa..., phút dừng chân bên một bản làng miền Tây với bát cơm nếp mới thơm ngào ngạt, ấm nồng nghi ngút khói đã đem đến cho các anh nỗi xúc động sâu xa vì tình quân dân gắn bó, vì cảm giác thanh bình thật hiếm hoi, quí giá trong chiến tranh. Giống như âm thanh Tiếng gà trưa trên đường hành quân của anh chiến sĩ trong bài thơ Xuân Quỳnh, hương thơm bát xôi nếp đầu mùa ở Mai Châu sẽ mãi là một kỉ niệm khó quên trong cuộc đời gian nan người lính chiến.

Và sự tài hoa và tình tứ của nhà thơ xứ Đoài còn đặc biệt hiện ra trong những cách hiểu về câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Có thể hiểu “mùa" theo nghĩa đen của “mùa lúa chín”, câu thơ sẽ gợi lại một kỉ niệm trên đường hành quân khi các chiến sĩ Tây Tiến dừng chân ở Mai Châu giữa mùa lúa chín, đón nhận bát xôi ngào ngạt hương nếp đầu mùa từ bàn tay dịu dàng của các em - những cô gái Mai Châu. Nhưng cũng có thể hiểu câu thơ theo một nét nghĩa thật lãng mạn của tập hợp từ “mùa em”. Người ta thường nói về mùa hoa, mùa quả... - đó là thời điểm căng tràn sung mãn, đầy ắp sắc hương của hoa trái... Người ta cũng hay sử dụng từ “mùa” để nói về thời điểm đẹp nhất, phù hợp nhất cho một hoạt động nào đó trong cộng đồng, như “mùa lễ hội, mùa thi, mùa cưới...”. Còn Quang Dũng, ông đã tạo ra một nét nghĩa táo bạo và tình tứ trong tập hợp từ “mùa em” mới mẻ khiến cho trong ấn tượng của lính Tây Tiến, Mai Châu không chỉ là một địa danh gắn với kỉ niệm thơm thảo của xôi nếp đầu mùa, của tình quân dân sâu nặng, Mai Châu còn gợi nhớ tới hình ảnh những sơn nữ miền Tây duyên dáng - có người lính nào quên được giây phút dừng chân ở Mai Châu, khi nồng ấm xung quanh các anh là dân làng, là các sơn nữ sóng sánh ánh mắt, rạng rỡ nụ cười, tràn trề hương sắc...- tất cả đều đến độ căng tràn, sung mãn...! Hương sắc tuổi thanh xuân tươi trẻ của các cô gái hoà quyện với hương thơm ngào ngạt của lúa chín, hương thơm mỡ màng của xôi nếp nương khiến kí ức đọng lại trong lòng chiến binh Tây Tiến về Mai Châu có lẽ luôn là kí ức về những làn hương... Rất nhiều thanh bằng trong câu thơ đã thể hiện tinh tế cảm giác bồng bềnh, xao xuyến tới ngây ngất, đê mê trong tâm hồn những chàng trai Hà Thành hào hoa, lãng mạn, giữa không khí thanh bình, tình tứ hiếm hoi trong chiến tranh.

Tất nhiên đây chỉ là một cách hiểu, cách cảm chủ quan của thầy trò tôi khi tới với câu thơ đặc biệt này của Quang Dũng, nhưng quan trọng nhất, theo tôi, đó là giúp học trò nhận ra được nét đặc sắc trong hồn thơ lãng mạn và tiếng thơ tài hoa của thi nhân, là cắt nghĩa văn bản như nó vốn có mà không thay thế nó, phá vỡ nó bởi bất kì một giả định nào chưa được kiểm chứng.
 
Từ khóa
phan tich tây tiến
4K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top