Baivanhay Phân tích đoạn cuối "Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu

Baivanhay Phân tích đoạn cuối "Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu

Cả cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu đã đưa ra rất nhiều ý kiến về sứ mệnh người nghệ sĩ cũng như những trăn trở về kiếp sống của con người. Ông còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của những người cầm bút: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ... để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Đích đến cuối cùng của tác giả và tác phẩm luôn là con người, đặc biệt là những mảnh đời cơ cực đau khổ: “Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.”

4833



PHÂN TÍCH ĐOẠN CUỐI “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA”

Ngay từ những năm kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Minh Châu đã ghi vào nhật kí: “Hôm nay chúng ta chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc, nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người… Chính cuộc đấu tranh ấy mới là lâu dài”. Dự cảm sáng suốt của ông đã được minh chứng khi văn học có một sự chuyển mình mạnh mẽ từ quỹ đạo chiến tranh sang quỹ đạo hòa bình sau năm 1975. Các nhà văn dành tất cả tâm lực của mình cho một cuộc đổi mới toàn diện văn chương; đổi mới quan niệm về nhà văn; đổi mới cách viết; đổi mới đề tài… và đặc biệt nhất là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người với nội dung dân chủ và nhân bản sâu sắc. Nguyễn Minh Châu chính là người mở đường tinh anh, tài năng trong cuộc đổi mới toàn diện văn chương ấy. Những trăn trở của ông về con người, cuộc đời, nghệ thuật được gửi gắm sâu sắc qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” với nhận thức sâu sắc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Ghim lại trong lòng bạn đọc chính là đoạn kết câu chuyện khi Phùng bày tỏ suy ngẫm trước bức ảnh do chính tay mình chụp.

Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Trước 1975, là nhà văn mặc áo lính, Nguyễn Minh Châu ý thức sâu sắc được sứ mệnh cao cả của mình là người cầm bút trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tâm niệm sáng tác duy nhất của ông lúc này là hướng đến cuộc chiến đấu vì sự sống còn của cả dân tộc và đất nước. Do vậy, nhà văn đã dành gần hai chục năm của cuộc đời để tìm tòi, khám phá và say sưa ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống và tâm hồn con người thời chiến tranh. “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả những cái đó.” Sau 1975, ông là một trong những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đi sâu khám phá sự thật về đời sống trên bình diện đạo đức, thế sự. Cả cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu đã đưa ra rất nhiều ý kiến về sứ mệnh người nghệ sĩ cũng như những trăn trở về kiếp sống của con người. Ông còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của những người cầm bút: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ... để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Đích đến cuối cùng của tác giả và tác phẩm luôn là con người, đặc biệt là những mảnh đời cơ cực đau khổ: “Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.”

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết vào tháng 8 năm 1983. Đây là thời điểm có nhiều biến chuyển về chính trị, văn hóa, xã hội. Cuộc sống trên đất nước ta trở về muôn mặt đời thường thời hậu chiến. Thời kì này đánh dấu bước chuyển biến lớn trong hành trình nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Từ ngòi bút sử thi mang âm hưởng trữ tình, lãng mạn, nhà văn chuyển sang viết về cảm hứng thế sự nhân sinh, hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc. Truyện in lần đầu trong tập “Bến quê” (1985), sau được tuyển in trong tập truyện ngắn cùng tên xuất bản năm 1987.

Người kể chuyện trong tác phẩm là Phùng – một nhiếp ảnh gia cũng là người lính đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đến một vùng ven biển miền Trung – nơi anh đã từng chiến đấu để chụp một tấm ảnh thuyền biển, bổ sung cho cuốn lịch năm mới. Sau nhiều ngày “phục kích”, Phùng đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào gần bờ, anh kinh ngạc chứng kiến cảnh gã đàn ông vũ phu đánh vợ một cách dã man mà người vợ không chống lại cũng không tìm cách chạy trốn. Đứa con vì muốn bảo vệ mẹ đã đánh lại cha mình. Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn. Lần này, Phùng đã ra tay can thiệp. Phùng đã nán lại mấy ngày theo lời mời của chánh án Đẩu - đồng đội cũ của anh, tình cờ Phùng được nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện. Anh càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà ấy đã từ chối sự giúp đỡ của anh và Đẩu, một mực xin không phải li dị lão chồng vũ phu.

Đoạn trích ở đề bài là đoạn kết của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Tấm ảnh Phùng chụp, mãi sau này vẫn là một tác phẩm được yêu thích. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, Phùng đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy người đàn bà nghèo khổ, lam lũ ấy bước ta từ tấm ảnh rồi hòa lẫn trong đám đông.

Trong đoạn trích xuất hiện một loạt các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Hình ảnh bãi xe tăng hỏng: nhắc nhớ chúng ta về cuộc chiến sinh tử đã qua. Trớ trêu thay những bi kịch của cuộc sống nghèo khổ lại diễn ra bên cạnh những chiến tích vinh quang của cuộc chiến ấy. Chiến tranh đã đi qua không có nghĩa là đau thương đã hết. Chúng ta có thể chiến thắng những kẻ thù lớn một cách vẻ vang nhưng chúng ta sẽ làm gì trước cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, trước những số phận bi thương của con người sau chiến tranh? Đó chính là điều khiến Phùng cay đắng. Phùng những tưởng anh và đồng đội của mình đã chấp nhận hy sinh xương máu để giải phóng một vùng đất nhưng điều này không đồng nghĩa với việc có thể giải phóng được những phận người trên vùng đất ấy. Lịch sử đã sang trang nhưng vẫn có những cuộc đời không sang trang cùng lịch sử. Đó là những cuộc đời mãi “ngoài xa”.

Màu hồng hồng của ánh sương mai là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của nghệ thuật. Người đàn bà bước ra từ trong bức ảnh với dáng người cao lớn, thô kệch, khuôn mặt rỗ nhợt nhạt, những bước đi chậm rãi, chắc chắn rồi lẫn dần vào đám đông là biểu tượng cho hiện thực cuộc đời. Bức ảnh của Phùng đẹp vì có lớp sương mù che đi sự thật. Cái đẹp trong tác phẩm không hề do thiên nhiên tạo ra mà nó là hệ quả của việc được nhìn từ xa. Khi nhìn ở gần, mọi thứ bị ném về thực tại, gai góc, xù xì. Nhiếp ảnh – bộ môn nghệ thuật tưởng chừng như nắm được lát cắt của thực tại nhưng lại không đem đến cho ta cái nhìn trọn vẹn. Khi ta say sưa với cái đẹp, ta lại vô tình quên đi cái thật. Bằng việc thỏa mãn thị hiếu của công chúng, nghệ thuật của Phùng đã “tiếp tay” cho việc vô hình hóa những thân phận của người đàn bà hàng chài. Đó là lí do tác phẩm càng thành công bao nhiêu, Phùng lại càng áy náy bấy nhiêu. Anh không chỉ che giấu đi sự thật mà bức ảnh của Phùng còn khiến cho người phụ nữ ấy lầm lũi bước đi và hòa vào đám đông vô danh, dễ bị lãng quên.

Sự suy ngẫm của Phùng khi nhìn bức ảnh thể hiện một quan niệm nghệ thuật tiến bộ: cái đẹp của nghệ thuật được sinh ra từ cay đắng của cuộc đời. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực không chỉ hướng đến vẻ đẹp lãng mạn mà còn phải hướng đến hiện thực thô nhám của cuộc sống. Nghệ thuật sẽ đánh mất giá trị của nó nếu như chỉ theo đuổi cái đẹp, độc tôn cái đẹp để che đi cái thật. Nguyễn Minh Châu đã kêu gọi và đặt một niềm tin cao quý vào sứ mệnh của người nghệ sĩ: hãy rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống và nghệ thuật, người nghệ sĩ mang trái tim sâu nặng với con người cần phải trung thực, dũng cảm nhìn vào sự thật, đào xới vào những tầng sâu của đời sống và viết văn vì con người. Tư tưởng của Nguyễn Minh Châu có sự gặp gỡ với Nam Cao: “Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”; hay Tô Hoài cũng từng khẳng định: “Viết văn là để nói ra sự thật…”

Đoạn trích được tái hiện qua cái nhìn và suy ngẫm của Phùng. Phùng vừa là một nhân vật trong truyện vừa là người kể chuyện tạo nên tính đa dạng về điểm nhìn. Nhân vật Phùng được khắc họa với đời sống nội tâm sâu sắc. Nhân vật được đặt trong hoàn cảnh đặc biệt, liên tiếp đối mặt với hai cảnh đời trái ngược, qua đó làm nổi bật các bình diện nhân cách của kiểu nhân vật nghệ sĩ.

Qua tình huống truyện nhận thức độc đáo, cách kể chuyện giản dị mà sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thành công nhân vật Phùng, từ đó bày tỏ quan niệm nhân sinh và quan niệm nghệ thuật mới mẻ, giúp người đọc có một cách nhìn nhận cuộc sống và con người nhân văn hơn, giúp người nghệ sĩ hướng tới những tác phẩm nghệ thuật chân chính. Truyện còn thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Qua đó ta thấy Nguyễn Minh Châu là một nhà văn mẫn cảm, đôn hậu, có trách nhiệm với văn chương và cuộc đời.

Trung thành theo đuổi một đời văn sống và viết vì con người, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu nói chung và “Chiếc thuyền ngoài xa” nói riêng luôn có sức sống bền bỉ với năm tháng thăng trầm và nhiều biến động của lịch sử. Với một trái tim chỉ biết trăn trở cho những kiếp người cùng khổ và đau đáu về sứ mệnh của nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã để lại nhiều quan niệm xác đáng qua nghiên cứu và là bài học dành cho những thế hệ mai sau. Đúng như Nguyễn Khải đã từng nhận xét: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này.”
 
Từ khóa
bài văn hay chiec thuyen ngoai xa nguyen minh chau phân tích đoạn cuối
2K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top