Baivanhay Phân tích nhân vật Thị trong "Vợ nhặt" - Kim Lân

Baivanhay Phân tích nhân vật Thị trong "Vợ nhặt" - Kim Lân

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 20
Khi nhắc đến cây bút chuyên viết về truyện ngắn, chúng ta không thể không nhắc đến nhà văn Kim Lân với hai tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng là "Làng" và "Vợ nhặt". Trong đó, truyện ngắn "Vợ nhặt" đã đển lại ấn tượng trong lòng người đọc qua nhân vật Thị - một con người không tên, không tuổi, không quê quán, không chốn nương thân, xộc xệch về nhân hình.
Cùng www.vanhoctre.com đi phân tích về nhân vật Thị trong truyện ngắn "Vợ nhặt" - Kim Lân

5111


Phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm 'Vợ nhặt" - Kim Lân

Người vợ nhặt bước ra từ trang sách của Kim Lân tựa như một loài cỏ dại trước sa mạc cuộc đời, như ngọn nến lay lắt trong cơn bão giông. Khi đề cập đến thân phận nhân vật này, nhà văn Kim Lân không đặt cho nhân vật một cái tên cụ thể nào cả mà gọi một cách phiếm định: thị, có lúc là người đàn bà, … Việc nhà văn không đặt tên cho nhân vật của mình không phải ngẫu nhiên, vô tình mà là ẩn ý của tác giả: ông muốn nhấn mạnh rằng thị chỉ là một trong vô số những người phụ nữ năm đói mà thôi. Như vậy cách gọi đó khiến nhân vật vừa hiện ra cụ thể, vừa khái quát. Thị không tên, không tuổi, không quê quán, không chốn nương thân, xộc xệch về nhân hình. Chỉ bằng vài ba nét phác họa, Kim Lân đã tái hiện chân dung người vợ nhặt khá rõ: “thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai hố mắt” và “cái ngực gầy lép”. Có lẽ Kim Lân đã phát huy một cách hiệu quả sức mạnh của bút pháp “tả chân” – một trong những yếu tố nghệ thuật mang dấu ấn thi pháp của khuynh hướng hiện thực, để khắc sâu, tô đậm chân dung thê thảm của người phụ nữ – nạn nhân năm đói.

Người vợ nhặt xộc xệch cả về mặt nhân tính. Chị ta xuất hiện trong những trang văn đầu tiên như một kẻ trơ tráo, táo bợ, liều lĩnh: chỉ cần mấy câu hò tầm phơ tầm phào và bốn bát bánh đúc, cô đã theo không Tràng về làm vợ. Vịn vào câu hò như một lời hứa hẹn thật. Thế nên gặp lại hai lần sau vài ngày, người đàn bà ấy mới tự cho mình cái quyền sưng sỉa, trách móc, cong tớn: “điêu, người thế mà điêu. Hôm ấy leo lẻo cái mồn hẹn xuống thế mà mất mặt”. Ta không thể quên được hình ảnh đôi mắt trũng hoáy của thị sáng lên khi xà xuống ăn bốn bát bánh đúc…Dường như với người đàn bà ấy danh dự và lòng tự trọng là cái gì đó quá xa xỉ cho nên dễ dàng gạt sang một bên để được ăn, để được sinh tồn. Có thể nói, chỉ bằng những cử chỉ, hành động của nhân vật, nhà văn Kim Lân đã làm hiện rõ hình ảnh một người đàn bà trơ tráo, táo tợn, liều lĩnh. Tính cách ấy chỉ là sản phẩm của một cuộc sống nghèo đói, vất vương, lang thang lề đường xó chợ chứ không phải bản chất của người phụ nữ này.

Viết về đề tài cái đói, cái nghèo, không chỉ riêng mình Kim Lân, mà những trang văn của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan giai đoạn sáng tác trước cách mạng cũng đề cập đến nhiều như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), đặc biệt là những tác phẩm của Nam cao như “Một bữa no” hay “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Nhưng dường như các nhà văn này mới chỉ xoáy vào hiểm họa: cái đói cướp đi sinh mệnh con người, đẩy con người vào bước đường cùng, hoặc cái đói có nguy cơ ghì xát con người xuống mặt đất. Ngòi bút Kim Lân tiếp nối góc nhìn ấy song còn đem đến cho người đọc một góc nhìn khác đầy chất nhân văn cao cả. Đó là cái đói có thể hủy hoại, tước đoạt những vẻ đẹp giàu chất nữ tính nhất ở người phụ nữ, nhưng, họ vẫn không mất đi niềm tin vào cuộc sống, ánh sáng ở tương lai. Hay nói một cách khác, Kim Lân mượn cái đói để làm nổi bật vẻ đẹp của tình người. Điều này thể hiện rõ ở tâm trạng của người vợ nhặt.

Cũng giống như Tràng, diễn biến tâm trạng của người vợ nhặt cũng trải qua bốn chặng. Đầu tiên là ngượng ngùng, xấu hổ. Từ khi rơi vào tình cảnh theo không Tràng làm vợ, cô vợ nhặt trên đường theo Tràng về bộc lộ rõ nét tâm lý ngượng ngùng, xấu hổ. Bên cạnh dáng vẻ phởn phơ, tự đắc của Tràng, thì cái vẻ thèn thẹn của người vợ càng lộ rõ. Thậm chí trước lời bàn tán của dân xóm ngụ cư, thị “ngượng ngùng chân nọ díu evào chân kia, thị chỉ dám càu nhàu ở trong miệng”, càu nhàu khẽ đến mức Tràng đi bên cạnh mà không nghe rõ. Ra thế, những nét đanh đá, chỏng lỏn, sống sượng không phải là bản chất mà là sản phẩm của hoàn cảnh năm đói, vẫn còn đó nguyên vẹn trong chị vẻ thuần hậu của người phụ nữ lao động thôn quê.

Trên đường gần về nhà Tràng, người vợ nhặt rơi vào tâm trạng lo âu, phấp phỏm, điều này được thể hiện rõ qua những câu hỏi dồn dập của thị với Tràng: “Nhà có ai không?”, “Sắp đến chưa?”,”Sao lâu thế?”….Bởi chị theo không Tràng là bất đắc dĩ, là để tránh cái đói quay quắt, không biết những gì đang đợi chị ở phía trước cho nên trong lòng lo lắng, bất an. Rồi khi trông thấy gia cảnh nhà Tràng chỉ là một “cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổm nhổm những bụi cỏ dại”, người vợ nhặt không nén nổi tiếng thở dài ngao ngán. Khi bước vào nhà, chị đứng khép nép tay vân vê tà áo rách, mặt bần thần. Nhà văn Kim Lân dã miêu tả thật tinh tế tâm lý của người vợ nhặt khi rơi vào tình huống theo không Tràng về làm vợ.

Kim Lân rất tinh tế, chỉ điểm thoáng qua vài biểu hiện thất vọng ở người phụ nữ rồi ông chuyển sang một nét nhân bản hơn; không tránh được cái đói, cái rách, không tránh được cái nghèo đói, cái khổ, người vợ nhặt đã tìm được một điểm tựa tinh thần. Đó là mái ấm gia đình. Vì vậy có những lúc người vợ nhặt bộc lộ niềm vui, phấn chấn, hạnh phúc qua ngôn ngữ và cử chỉ thân mật như mắng Tràng “hoang nó vừa vừa chứ”…” chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!”. “Đồ khỉ gió”. Có lúc khặm mặt lại, lườm Tràng một cách tình tứ. Cái lườm của cô vợ nhặt gợi cho ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nam Cao trong kiệt tác Chí Phèo: “Người đàn bà dù xấu đến đâu, khi yêu cũng lườm”. Cái lườm của người vợ nhặt ở đây quả là đã vượt len trên cái đói, cái khát để đi đến một niềm hạnh phúc rất đời thường.

Được sống trong tình thương ấm áp của gia đình bà cụ Tứ, người vợ nhặt đã có được những thay đổi rõ nét: dịu dàng, đôn hậu trở lại, cùng bà mẹ chồng “xăm xắn” quét dọn vườn tược, nhà cửa. Việc quét dọn nhà cửa trong những ngày tháng ấy xét về mặt kinh tế thì vô nghĩa nhưng nó lại có ý nghĩa to lớn về mặt giá trị tinh thần nhân văn. Tràng, cô vợ nhặt, bà cụ Tứ không chấp nhận lối sống tạm bợ qua ngày, họ vẫn hướng tới một cuộc sống bền vững, tốt đẹp hơn. Sự thay đổi của cô vợ nhặt cũng khiến Tràng không khỏi ngạc nhiên: ” nom Thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh.” Không chỉ vậy, cô vợ nhặt còn có những dự cảm tốt đẹp về tương lai. Cuối tác phẩm, cô vợ nhặt nhắc đến truyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Câu chuyện tưởng vu vơ này nhưng lại bộc lộ một dự cảm đổi đời, một cuộc thay đổi số phận trong đó có người vợ nhặt.

Cô vợ nhặt xuất hiện trong tác phẩm của Kim Lân như một ngọn nến leo lắt trước cơn bão giông tố của cuộc đời, nhưng có một vai trò rất lớn đối với các nhân vật trong tác phẩm. Đầu tiên đối với dân xóm ngụ cư, Tràng và người vợ nhặt đã khiến cho cả xóm ngụ cư ngạc nhiên “những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên”. Họ bàn tán, thở dài, lại khẽ thì thầm, rồi bỗng lại cười lên rung rúc. Tràng và người vợ nhặt đi đến đâu “có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối” của dân xóm ngụ cư, nhen nhóm cho họ niềm tin và hy vọng. Cô con dâu cũng đem đến niềm vui, hạnh phúc cho người mẹ chồng. Lúc đầu, bà cũng như những người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên với những câu hỏi dồn dập. Hàng ngày gương mặt bà cụ Tứ bủng beo, u ám, hôm nay rạng rỡ hẳn lên, bà nhẹ nhõm tươi tỉnh khác ngày thường. Ảnh hưởng lớn nhất của cô vợ nhặt là đối với Tràng. Thiếu thị Tràng vẫn chỉ là Tràng của ngày xưa ấy: ngây dại và đau khổ. Tràng đã có những biến đổi trong tâm lý, trong tư tưởng, biết yêu thương, biết lo cho gia đình nhỏ của mình và biết nghĩ đến tương lai. Tràng muốn làm trụ cột cho gia đình bé nhỏ ấy, để mẹ, để Thị có thể nương tựa vào. Thị đã thổi một luồng gió mới đem đến cho Tràng ý thức và hạnh phúc.

Cô vợ nhặt có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạp của tác phẩm. Qua số phận lay lắt của thị, Kim Lân tỏ lòng xót thương vô hạn những con người bất hạnh, mong manh như người vợ nhặt trong nạn đói khủng khiếp năm ất dậu 1945. Nhà văn gián tiếp tố cáo bọn thực dân, phát xít và tay sai đã tạo ra nạn đói, hạ thấp nhân phẩm của con người khiến thân phận họ rẻ rúng như cọng rơm, cọng cỏ. Quả là nhà văn đã đứng về phía nhân dân, về con người để lên án tội ác. Nhân vật cô vợ nhặt góp phần thể hiện thái độ trân trọng của tác giả trước những phẩm chất tốt đẹp của con người không bị bào mòn bởi cái đói, cái chết. Đó là niềm tin vào cuộc sống, khao khát hạnh phúc, dù nhỏ bé, bình dị, nhưng xúc động lòng người. Trong tác phẩm chưa có một cuộc cách mạng nào nổ ra nhưng hình ảnh những người đi cướp kho thóc Nhật mà người vợ nhặt đề cập đến góp phần khẳng định sức mạnh vùng lên của con người lao động trong thời đại mới.

Đặt hình tượng người vợ nhặt trong sáng tác viết về đề tài người phụ nữ Việt Nam, có thể thấy ngòi bút của Kim Lân càng có chung mối quan tâm đến số phận bất hạnh của ngườ phụ nữ như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… Nhưng bằng sự sáng tạo rộng của một cây bút tài năng, Kim Lân đã cho ta thêm một góc nhìn hiện thực nhân đạo mới về người phụ nữ. Người phụ nữ trong sáng tác của ông bất hạnh không phải vì sưu cao, thuế nặng, cũng không khổ vì xấu ma chê quỷ hờn mà người phụ nữ bất hạnh vì nạn đói, vì một cuộc hôn nhân đầy éo le, ngang trái nhưng người vợ nhặt có khát vọng sống mãnh liệt. Thế mới biết hành trình sáng tạo văn chương có muôn nẻo ngả đường và chỉ có nghệ sĩ đủ bạn lĩnh như Kim Lân mới có những sáng tạo đặc biệt trên một đề tài tưởng chừng đã cũ.
 
Từ khóa
hạnh phúc nghèo đói nhân vật thị vợ nhặt - kim lân
654
0
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top