Baivanhay Phân tích tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mới nhất

Baivanhay Phân tích tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mới nhất

Với tư cách là một nhà soạn kịch giàu tính sáng tạo, mỗi tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều để lại những đặc trưng riêng biệt. Và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng nằm trong số những kiệt tác ấy. Đây cũng là tác phẩm thành công nhất mà ông đã để lại trong vườn hoa đua sắc của văn học nước nhà.

htbdht.png


Đề: Em hãy viết bài văn để phân tích tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

BÀI LÀM MẪU

Với tư cách là một nhà soạn kịch giàu tính sáng tạo, mỗi tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều để lại những đặc trưng riêng biệt. Và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng nằm trong số những kiệt tác ấy. Đây cũng là tác phẩm thành công nhất mà ông đã để lại trong vườn hoa đua sắc của văn học nước nhà.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch viết về cuộc xung đột căng thẳng giữa Hồn và Xác mà Lưu Quang Vũ đã mượn cốt truyện dân gian để xây dựng nên. Trương Ba là một người hiền lành, chăm chỉ, có học thức lại giỏi đánh cờ nhưng lại chết một cách vô lí. Cái chết của Trương Ba chính do bởi sự vô tâm, tắc trách nơi Nam Tào. Sau đó, để sửa sai, Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại là nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Nhưng không ngờ sự sửa chữa ấy lại dẫn tới một sai lầm trầm trọng hơn, Trương Ba rơi vào hẳn đời bi kịch khi phải sống trong xác hàng thịt – một con người hoàn toàn đối lập với mình. Sau cùng, Trương Ba đã lựa chọn cái chết, trả lại thân xác vay mượn cho Hàng Thịt bởi vì ông muốn “tôi muốn được là tôi của toàn vẹn” bởi “sống thế này, còn khổ hơn là cái chết”. Và từ đó, vĩnh viễn “không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nữa”. Qua đó, vở kịch đã mang đến một thông điệp to lớn: được sống làm người là quý giá thật, nhưng càng quý giá hơn khi được sống là chính mình, theo đuổi những giá trị mình mong muốn, sống một cách tự nhiên với sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác.

Với cốt truyện như trên, trích kịch xoay cuộc đối thoại nảy lửa giữa hồn và xác. Nguyên nhân xuất phát từ việc Trương Ba phải chịu sự lấn át của thể xác thô lỗ, chiều theo những nhu cầu tầm thường, dung tục mà khiến tâm hồn thanh cao bị nhiễm độc, tha hóa. Hàng thịt bây giờ là cái bình để chứa đựng linh hồn Trương Ba, hàng thịt đòi hỏi những nhu cầu ăn uống rượu thịt, tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi…và cả đời sống vợ chồng mà Trương Ba cho là thô phàm, thấp kém. Trong khi Trương Ba càng cố gắng chối bỏ, đề cao sự nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn thì hàng thịt lại càng khinh khi, phỉ nhổ: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!” Qua đó, Lưu Quang Vũ đã gửi đến cho người đọc những triết lí nhân sinh quý giá hai tấn bi kịch của cuộc đời Trương Ba.

Bi kịch thứ nhất của Trương Ba là bi kịch sống, sống gửi, không được là chính mình. Nghịch cảnh trớ trêu, sự hoán đổi bất ngờ đã xáo trộn hiện thực. Trích kịch mở đầu với những lời kêu gào thống thiết: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!” Trương Ba đang độc thoại trước cảnh bế tắc. u uẩn không lối thoát của hiện tại. Thân xác kềnh càng, bản tính cục cằn thô lỗ của hàng thịt đang dần dần lấn át đi tâm hồn nhân hậu, thanh cao của chính ông. Đau khổ, quẫn bách, dày vò không ngờ lại trở thành cuộc đời của Trương Ba. Sự hoán đổi quá chênh lệch, linh hồn thanh cao gửi vào xác thân phàm tục đã khiến cho ông muốn bứt mình ra khỏi hiện tại dù chỉ là trong khoảnh khắc: “Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách khỏi cái xác này, dù chỉ là một lát!”. Trong chán nản tuyệt vọng, sự khát khao tách bạch trở nên tha thiết hơn bao giờ hết, tiếng kêu gào thống thiết kia chính là lời cầu cứu của một linh hồn khát khao được nguyên vẹn là mình. Và cũng trong giây phút đó, Hồn và Xác đã được tách ra, cuộc hội thoại giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt được bắt đầu.

Ta thấy trong cuộc đối thoại đặc biệt đó, Hồn Trương Ba đã bị nhạo báng, thách thức và đôi lần đuối lí trước lời nói hùng hồn của Xác hàng thịt. Lời nói của Hồn Trương Ba vô cùng ít ỏi và tất cả đều xoay quanh việc bảo vệ sự trong sạch của chính mình, đề cao tâm hồn cao thượng, lối sống nhân hậu, thanh cao và lên án xác thân hàng thịt đã làm ông dơ bẩn, tha hóa. Xác trước những buộc tội đó không hề đuối lí mà ngược lại, còn ung dung, ngạo mạn thách thức linh hồn. Trước lời khinh miệt thân xác vô hồn, đui mù “mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…”, hàng thịt đã nghiễm nhiên đáp lại: “Chính vì âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông đấy!” Ta thấy, mỗi lời hàng thịt nói ra đều buộc Trương Ba phải thừa nhận có sự tồn tại của thể xác, hơn nữa, ông đang bị thể xác mà mình khinh khi, xem thường kia trói buộc. Hồn im lặng và đau đớn thừa nhận sự thắng thế của Xác, nhiều lần phải bất lực đáp lại: “Im đi”, “Ta… ta… đã bảo mày im đi!”, “Ta không muốn nghe mày nữa!”,… Trong suốt cuộc đối thoại, Xác hàng thịt lần lượt kể lại những hành động, những việc làm, những thói quen nhuốm màu phàm tục như “Khi ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…”, “ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi không?” để cuối cùng khẳng định một điều chắc nịnh với Hồn Trương Ba: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!”.

Bên cạnh đó, xác hàng thịt còn lần lượt kể lể về những lí lẽ vô cùng thuyết phục như “những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác”, kể về những “trò chơi tâm hồn” mà mình đã nhân nhượng với Trương Ba. Cuộc đối thoại đến hồi kết, hồn Trương Ba cam cảnh thua cuộc và phải quay về với xác hàng thịt. Qua tấn bi kịch sống nhờ sống gửi này, chúng ta thấy hình tượng Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt chính là ẩn dụ cho hai lối sống đối lập, một bên đại diện cho sự thanh cao, nhân hậu, khát vọng sống cao khiết, một bên là sự tầm thường, dung tục. Đó đồng thời cũng là sự đấu tranh, đối thoại gay gắt trong một con người. Khi con người sống trong thể xác tầm thường dung tục thì ắt sẽ bị nó ngự trị. Ngược lại, nếu chỉ một mực chăm chút linh hồn mà xem thường thể xác thì thể xác cũng nhếch nhác, tầm thường.

Bi kịch thứ hai của Trương Ba là bi kịch bị người thân cự tuyệt. Có thể nói, đây mới là tấn bi kịch đau đớn nhất, sâu sắc nhất của Trương Ba. Ông tuyệt vọng, khổ đau không chỉ bởi sự thay đổi ngỡ ngàng đến không thể nhận ra của chính mình mà còn bởi sự xa lánh, rời bỏ của người thân. Khoảng cách gia đình, những vết rạn nứt đã mơ hồ xuất hiện. Từng nhớ, trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam, từng có một Chí Phèo bị người thân bỏ rơi từ lúc nhỏ, bị Thị Nở ngoe ngoẩy cự tuyệt trên con đường hoàn lương để rồi đi vào một hướng giải thoát mang tính chất đánh đổi: đó là mạng sống, là cái chết. Hoàn cảnh Trương Ba cũng tương tự khi vợ, khi cháu và khi cả con dâu lần lượt rời xa ông. Làm sao Trương Ba có thể thanh minh cho hoàn cảnh hiện tại của chính mình? Làm sao ông có thể giải quyết sự mâu thuẫn giữa hồn và xác đang ngự trị? Tình thân bị đặt vào giữa bi kịch nghiệt ngã, càng đẩy Trương Ba rơi sâu hơn vào bế tắc của chính mình. Người vợ mà ông hết mực yêu thương cũng không hiểu được ông: “Ông bây giờ còn biết đến ai nữa!”, đòi bỏ ông ra đi “để ông được thảnh thơi… với cô vợ người hàng thịt”, “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”… Mỗi lời nói ra của người vợ như một vết cắt, cắt sâu vào nỗi đau của Trương Ba. Ngay cả đứa cháu ông – Gái cũng đã lên tiếng khước từ, phủ nhận “Tôi không phải là cháu của ông!”. Chính lời nói của đứa trẻ ngây thơ, vô tội đã cáo buộc đanh thép “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫn lên nát cả cây sâm quý mới ươm”, “ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng cả cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”… Nó xua đuổi ông như đuổi một tên hung thần, một tên ác quỷ, nó gọi ông bằng những danh xưng xấu xa, bằng lão đồ tể.

Cuối cùng, đến cả chị con dâu – người mà ông tin tưởng nhất cũng đã tỏ ra nghi ngờ: “mỗi ngày con thấy thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Chị vẫn tự nhủ mình phải kính trọng, phải yêu thương, phải cảm thông cho người bố chồng bất hạnh nhưng hiện thực giờ đây là cửa nhà tan hoang, là nỗi đau khổ của từng người từng người một “nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?”. Bây giờ đây, Trương Ba hoàn toàn tuyệt vọng, ông không còn chút niềm tin nào để bấu víu, không còn thiết tha gì một mạng sống đã làm khổ chính mình, hành hạ người thân. Bi kịch nhường ấy là quá đủ. Nỗi đau này phải tiếp tục cho đến bao giờ, Trương Ba “mặt lặng ngắt như tảng đá”, từ chối bỏ, nghi ngờ, chịu ép vế nay đã phải hoàn toàn thừa nhận sự thắng thế của thân xác. Bi kịch bị người thân cự tuyệt đã giúp ông có những suy nghĩ dứt khoát, những hành động quyết liệt nhất để tìm ra con đường tự cứu lấy mình. Cuối cùng, ông đã xin với Đế Thích cái chết bởi “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”. Sở dĩ Trương Ba từ chối cơ hội cuối cùng mà Đế Thích ban cho, đó là nhập hồn vào xác Cu Tị vừa mới chết là vì ông không muốn một lần nào nữa xảy ra bi kịch oái oăm tương tự. Làm có thể sống một cách bình thường, làm sao có thể dung hòa sự khi bên ngoài và bên trong hoàn toàn trái ngược? Tâm hồn của Trương Ba là một tâm hồn hoàn toàn khác so với thân xác đang trú ngụ kia. Sẽ chẳng có một lối thoát, một cứu cánh nào vẹn toàn cả “trẻ con phải ra trẻ con, người lớn phải ra người lớn”. Đế Thích quan niệm cuộc sống khác ông, sống chỉ đơn giản là không chết, chẳng cần phải vẹn toàn, phải ý nghĩa, phải như mong muốn gì cả “tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong”, “dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”. Cái chết của Trương Ba chính là cuộc hồi sinh ngắn ngủi trong lòng những người thân, khi người chồng, người ông, người cha kính yêu, hiền lành khi xưa đã quay trở về. Từ bỏ cuộc sống giả tạo, mệt mỏi, Hồn Trương Ba quay về với nếp nhà hiền hậu ban đầu, với cuộc sống của chính mình, với bậc cửa ở nhà, với ánh lửa, với cầu ao, với cơi trầu, con ao.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có nhiều đặc điểm nghệ thuật nổi trội và đã gặt hái thành công rực rỡ ở những buổi công diễn sân khấu kịch. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã lồng ghép vào triết lí nhân sinh quý giá về cuộc sống, cách sống của mỗi con người. Đặc biệt, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, xúc động và gay cấn qua các màn độc thoại, đối thoại đã tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm.

Thật vậy, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vô cùng xứng đáng để trở thành tác phẩm thành công nhất của nhà văn Lưu Quang Vũ. Ông cũng đã truyền tải được thông điệp nhân văn về bản thể tốt đẹp của con người. Ở đó, chỉ có sự dung hòa giữa thể xác và tâm hồn mới làm nên sự tồn tại giá trị đích thực.

Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề:
TẠI ĐÂY
 
Từ khóa
hồn trương ba da hàng thịt lưu quang vũ nhà văn lưu quang vũ
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top