Chia Sẻ Phố ta - Lưu Quang Vũ - dưới góc nhìn thể loại

Chia Sẻ Phố ta - Lưu Quang Vũ - dưới góc nhìn thể loại

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Tình cờ vào đọc trang thơ của tác giả Lưu Quang Vũ, người thích đọc truyện ngôn tình như tôi mới biết mình yêu thơ. Đọc thơ ông, ta choáng ngợp bởi chất trữ tình mãnh liệt. Hơn 177 bài thơ cho một đời sáng tác, thơ Lưu Quang Vũ trước sau vẫn bộc lộ một hồn thơ tinh tế nhạy cảm, thường trăn trở suy tư trước cuộc đời. Dù nhìn đời bằng bất cứ gam màu nào, mỗi bài thơ của Lưu Quang Vũ là một chiêm nghiệm có giá trị về cuộc sống nhưng lại dạt dào sự lãng mạn bay bổng. “Phố ta” là một thi phẩm như thế.

Bài thơ “Phố ta” được Lưu Quang Vũ sáng tác năm 1970. Đây là thời điểm Quang Vũ vừa vác ba lô từ chiến trường trở về. Lúc ấy, ông rơi vào hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, phải làm đủ nghề để mưu sinh nhưng gia đình nhỏ vẫn không hết chật vật. Chất trữ tình trong “Phố ta” có lẽ được bộc lộ từ việc tái hiện về cuộc sống của những con người nơi gốc phố thân quen.
“Phố của ta
Những cây táo nở hoa
Mùa thu đấy
Thân cây đang tróc vỏ
Con đường lát đá
Nghiêng nghiêng trong sương chiều.”


Dẫu biết rằng nội dung chủ yếu, cơ bản nhất của thơ trữ tình là sự bộc lộ một cách trực tiếp tư tưởng tình cảm một cách chủ quan của nhân vật trữ tình. Thế nhưng “Thơ chỉ tràn ra khi xung quanh ta cuộc sống đã thật đầy” (Tố Hữu). Trường hợp này thật đúng để nói về thơ Lưu Quang Vũ, về “Phố ta”. Bốn khổ thơ đầu thi phẩm đã tái hiện cho người đọc một không gian quen thuộc, thân thương. Không gian của khu phố mà ta đang sinh sống - khu phố của ta. Vậy phố quanh ta có gì đáng lưu ý khiến cho hồn thơ nhạy cảm của Lưu Quang Vũ đủ đầy? Đó là khu phố vừa quen vừa lạ. Quen là bởi nhân vật trữ tình đã sống, gắn bó và “quen mặt” từng cây táo nở hoa, từng dấu hiệu báo mùa thu về, từng viên gạch trên con đường lát đá…Những tưởng thế đã là rất quen nhưng lại cũng thật lạ lẫm bởi cũng chính khu phố ấy được “đóng khung” bởi cái nhìn chủ quan thi vị của người quan sát. Vì thế phố cứ “Nghiêng nghiêng trong sương chiều”. Thật lạ! Bức tranh phố ấy, qua lăng kính của cái tôi trữ tình, người đọc thấy rõ những phát họa thật chân thật về cuộc sống và tâm hồn của những con người nơi đây.

“Năm nay cà chua chín sớm
Trên quầy hàng đỏ hồng
Chị thợ may đi lấy chồng
Chị thợ may goá bụa
Năm nay tôi mặc đồ đen.

Bác đưa thư, có thư ai đấy?
Bác đưa thư kéo chuông
Ti-gôn hoa nhỏ
Rụng đầy trước hiên.

Riêng bác thợ mộc già buồn bã
Thở khói thuốc lên trời
Anh thợ điện trên mái nhà mắc dây
Bà giáo về hưu ngồi dịch sách
Dậy cậu con tiếng Pháp
Suốt ngày chào: bông-dua.”


Nhân vật xuất hiện đầu tiên trên bức tranh phố là chị hàng xóm thợ may. Chị vừa vui niềm vui khi lấy chồng đấy nhưng cũng vừa khoát lên tấm áo tang âu sầu. Bác đưa thư là nhân vật thứ hai xuất hiện trong buổi chiều sương nơi góc phố. Thế nhưng điều đáng lưu ý bác “chỉ có thư ai đấy” khiến cho lòng người mong thư một cảm giác thật buồn. Và thế lòng bác cũng nặng trĩu vì thương cảm. Góc phố ấy còn có bác thợ mộc già buồn bã đang “Thở khói thuốc lên trời”. Anh thợ điện vẫn đang cố làm thêm tí việc trước khi trời tối. Bà giáo già đã nghỉ hưu vừa dịch sách vừa tranh thủ dạy con mấy câu tiếng Pháp. Đáng lưu ý, trong bức tranh phố chiều thu, nhà thơ đã cố tình tô thêm thật nhiều gam màu sáng ấm bằng sắc đỏ hồng tươi của cà chua chín sớm, của màu hoa Ti-gôn rụng đầy trước sân. Thế nhưng không thể phũ nhận có điều gì như bức bách, như bế tắc, như giam hãm, như cấu xé tâm hồn, số phận của từng người trong khu phố. Điều này khiến Lưu Quang Vũ trông thấy đã đủ đầy để hồn thơ mãnh liệt bật ra đầu ngọn bút. Chắc hẳn chính quả tim của nhà thơ cũng đang “thở than lúc bàn tay đang viết” (Alfret de Musse). Đọc đến đây, người đọc chẳng những thấy cái nghẹn lòng của những phận người trong khu phố không tên mà quen thuộc của những năm thời còn bao cấp, còn chiến tranh. Mà ta cũng đang cảm nhận được cái nghẹn đắng của một thư kí cuộc đời. Làm thơ đối với Lưu Quang Vũ, đặc biệt là với “Phố ta”, chính là để giải tỏa nỗi “đau đời” (Chế Lan Viên), giải tỏa cái tâm lí nặng trĩu khi hàng ngày phải nhìn từng ấy con người đang oằn nặng nỗi đau riêng bên cạnh nỗi đau chung của đất nước. Chính vì thế mà bức tranh phố chiều thu thật buồn, đủ sức lay động lòng người ở mọi thời điểm, mọi không gian. Vì lẽ đó mà mạch trữ tình vẫn còn đang tiếp tục với dòng cảm xúc về “Phố nghèo của ta”.

“Phố của ta
Phố nghèo của ta
Những giọt nước sa
Trên cành thánh thót
Lũ trẻ lên gác thượng
Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng”


Hình ảnh những giọt nước rơi trên cành nghe thánh thót đã phá tan đi điệu u buồn trước đó. Ý thơ có sự đối lập ngay trong cùng một không gian sống, một bức tranh thơ. Đó là sự đối lập phận của những con người từng kinh qua những khó khăn, đau khổ thăng trầm và phận của những đứa trẻ chưa vấp ngã trước đời. Lúc này đây, chúng không ở một góc khuất tối om nào đó trong phố khi trời nhá nhem tối mà lũ trẻ đang ở trên gác thượng “Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng”. Phải chăng bằng trí tưởng tượng bay bổng của mình, nhân vật trữ tình – nhà thơ Lưu Quang Vũ, người vẽ cuộc đời bằng những gam thơ – cũng đang bay cao một khát vọng một ước mơ nào đó cho phố ta? Hãy đọc kĩ khổ thơ cuối:

“Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.”


Bức tranh thơ lại có thêm nét phát họa mới. Hình ảnh tình tứ sóng đôi của “anh” và “em” giúp cho không gian u buồn nơi phố nhỏ có điều gì thật lãng mạn ngọt ngào. Hình ảnh “con chim nhỏ tóc xù” (em) dẫu đang buồn cũng đủ làm cho không gian sống tưởng chỉ có ngột ngạt, già cõi, khổ đau bế tắc một hương vị mới mẽ. Đó là hương vị của tuổi trẻ, của tình yêu.

“Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá


“Giấc mộng đêm hè”
của Shakespeare có câu: “Tình yêu không nhìn bằng đôi mắt, mà bằng tâm tưởng”. Thật đúng vậy, đối với “anh” dù “con chim sẻ” có “xù lông” trước cuộc đời; có cảm thấy ảo não buồn tênh trước những gì mà bác thợ mộc – người đã đi qua những thăng trầm, từng trải nên nhìn đời thấy nhiều nỗi đắng cay, chua chát – thì “em” vẫn thấy đáng yêu. Bằng giọng tâm tình ngọt ngào, “anh” đã giúp “chim sẻ tóc xù” nhận ra:

Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơiBác thợ mộc nói sai rồi.”

“Tại sao cây táo lại nở hoa/Sao rãnh nước trong veo đến thế?”
. Đấy! Cuộc đời cho dù có lắm thăng trầm, lắm khổ đau, “toàn chuyện xấu xa” như nhiều người đã nghĩ. Hãy xem xung quanh ta còn biết bao điều đẹp đẽ, lạ thường. Táo vẫn và lại nở hoa dù “Thân cây đang tróc vỏ”, nước vẫn trong veo dù đang nằm dưới rãnh cống bùn lầy. “Bác thợ mộc nói sai rồi” bởi vẫn còn bên ta, trong ta những vẻ đẹp dù nhỏ nhoi và bình dị nhất.

Đến đây người đọc chắc hẳn đã nhận ra thật đầy đủ những cảm xúc mãnh liệt trong thơ Lưu Quang Vũ. Chính cái tôi chủ quan trữ tình của Quang Vũ đã tái hiện lại thật đầy đủ, sinh động những sự kiện, chi tiết của đời sống khách quan nhưng có ý nghĩa như một chất xúc tác mạnh đủ sức bật ra lượng cảm xúc chủ quan dào dạt giúp người đọc nhận ra bao điều trong cuộc sống. Những hình ảnh bình thường đôi khi ta không bận tâm nhưng lại được khắc họa rõ nét thông qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Vậy nên một góc phố lặng thầm như nó vẫn tồn tại, bằng trí tưởng tượng bay bổng của mình, Lưu Quang Vũ đã giúp nhận ra điều đáng trân trọng ngay trên những gì bình thường ấy.

Thế nhưng đọc thơ Lưu Quang Vũ chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu nội dung trữ tình thì thật phí thơ. Bởi thơ anh còn hấp dẫn người đọc bằng yếu tố ngôn ngữ thơ trữ tình rất riêng biệt. Dù là bài thơ về con phố nghèo những năm thời bao cấp nhưng “Phố ta” lại chứa rất nhiều nguyên liệu của cảm xúc yêu thương. Đó là cách gọi với những mỹ từ trân trọng, gần gũi, gắn bó về “Chị thợ may”, “Bác đưa thư”, “bác thợ mộc già”, “Anh thợ điện”, “Bà giáo”, “Lũ trẻ” và “Em”. Đáng chú ý hơn cả là cách lặp đi lặp lại các câu, các cụm từ “phố của ta”(2 lần), “Phố nghèo của ta”, “Con chim sẻ của anh”, “Con chim sẻ của phố ta”, “Con chim sẻ tóc xù ơi” càng giúp cho người đọc nhận thấy cảm xúc yêu thương đong đầy đến căng tràn của Lưu Quang Vũ về khu phố và những con người nơi anh sống. Cảm xúc dào dạt ấy càng rung lên, lan tỏa hơn bởi những nhạc điệu đang rộn ràng nhảy múa xuất phát từ cái tôi trữ tình chủ quan của Quang Vũ. Đó chính là nhạc điệu trong thơ trữ tình và cũng là “tiếng hát của trái tim” nhà thơ. Cùng lắng nghe một đôi câu thơ:

“Phố của ta
Phố nghèo của ta
Những giọt nước sa”


Âm vang của giai điệu trong bài thơ thật lạ! Bằng những câu thơ được gieo vần “a” không theo luật lệ. Lúc gieo vần chân, lúc lại vần lưng; lúc liên vận lúc cách vận. Kết hợp với cách ngắt nhịp sinh động, không theo bất kì khuôn khổ nào, cứ tự nhiên như dòng cảm xúc tuông trào. Lại thêm yếu tố trùng điệp về ngôn ngữ, trùng điệp về hình ảnh thơ -“Phố của ta/Phố nghèo của ta”, “Con chim sẻ của anh/Con chim sẻ tóc xù/Con chim sẻ của phố ta”- đóng vai trò như một sợi chỉ xanh mỏng manh nhưng chắc chắn, nối kết cả mạch cảm xúc của bài thơ. Điều này giúp cho những cảm xúc yêu thương, trân trọng tưởng như mơ hồ về phố, về cây táo nở hoa, con đường lát đá nằm nghiêng nghiêng trong sương chiều; hoa ti - gôn rụng đầy trước sân, về mọi người trong khu phố, về em, về cuộc sống…được cụ thể hóa đến hữu hình. Vậy nên “Phố ta” dù tù túng chật hẹp như vây hãm nhưng lại mang đến cho nhà thơ và người đọc một cảm giác của sự thân thương quen thuộc. Mang đến cho người đọc và cả Lưu Quang Vũ một bài học sống như những người trong khu phố đã sống: vẫn trông thư dù thư không đến, vẫn lao động dù đã ở tuổi xế chiều, vẫn cần mẫn để làm xong công việc trước khi trời tối, vẫn lên cao thêm trên gác thượng để những bong bóng xà phòng được bay xa trong buổi chiều thu ít gió, vẫn trăn trở suy tư trước cuộc đời mà buồn bã…Đặc biệt là hình ảnh “cây táo lại nở hoa”“rãnh nước trong veo” ở cuối bài đã giúp ta nhận thấy điều mà “Phố ta” của Lưu Quang Vũ đã thấy. Đó là cuộc đời dù rất gian truân, lắm khi chứa nhiều “chuyện xấu xa” nhưng cũng còn biết bao niềm vui đang tồn tại. Hãy vững tin vào những điều tốt đẹp, kì diệu ngay trong cuộc sống còn bế tắc, nghèo nàn. Vậy ra chính việc xếp đặt kết cấu hình tượng đan xen với kết cấu văn bản thơ trữ tình từ hình ảnh, ý thơ, nhan đề, bố cục…Quang Vũ muốn hướng người đọc nhận ra vẻ đẹp giúp cuộc đời đáng sống. Và tất nhiên nhà thơ cũng tự an ủi, động viên lấy chính mình với niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống bằng một lời khuyên “Đừng buồn nữa nhá” cho “con chim sẻ tóc xù”. Hóa ra “Phố ta” đặc biệt ở chỗ cứ tưởng nói về tình yêu đôi lứa (Em chờ anh trước cổng/Con chim sẻ của anh) mà thực chất nói về một tình yêu rộng mở lớn lao hơn nhiều. Đó là tình yêu sống, yêu cuộc đời đến mãnh liệt thiết tha.

Đọc “Phố ta”, chỉ thi phẩm “Phố ta”, độc giả cũng đã thấy rõ một Lưu Quang Vũ với tài năng xuất sắc, một tâm hồn thi sĩ đa sầu, đa cảm, đa tài. Thơ anh không chỉ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, nhịp điệu mà còn đầy ấp sự kiện, chi tiết của đời sống được “trưng bày”. Trong “Phố ta”, nhân vật trữ tình và nhân vật trong thơ có sự gặp gỡ nhất định về hoàn cảnh sống, về hành động suy nghĩ…nên đã rung lên sợi dây cảm xúc riêng tư sâu kín nhất, chân thật nhất của điệu hồn thi sĩ. Đó cũng là cái rung cảm đồng vọng của biết bao con người đã từng sống hoặc vừa trải nghiệm cuộc sống khi đọc “Phố ta”. Những điều vừa nói kết hợp với lối tư duy đầy sáng tạo của Quang Vũ trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, cách kết cấu hình tượng và kết cấu văn bản đã giúp cho “Phố ta” đủ sức để khẳng định rằng thơ hay phải đáp ứng được những đặc điểm về thơ trữ tình như thi phẩm “Phố ta” đã có.
....................................................
Triều Anh - 19/6/2019​
 

Đính kèm

  • f14d6a340bf8d3a68ae9.jpg
    f14d6a340bf8d3a68ae9.jpg
    195.1 KB · Lượt xem: 213
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bài thơ phố ta góc nhìn thể loại lưu quang vũ phò tá triều anh
7K
4
2

QuangNhat

Thành Viên
15/7/22
175
217
43,000
Xu
1,103,427
Bài phân tích thi phẩm của bạn rất xuất sắc. Vừa sâu sắc vừa bay bổng hệt như một bài thơ. Với việc sử dụng từ ngữ rất tài tình, bạn đã khiến người đọc kỹ tính như tôi cũng chỉ biết khen ngợi không tiếc lời. Tuy nhiên, bạn có mấy lần lặp lại câu thơ của LQV và cả lập luận của mình với dụng ý nhấn mạnh, thì theo tôi là không cần thiết. Vì thực ra cách diễn tả "có nghề" của bạn đã đủ làm người đọc cảm nhận được đầy đủ rồi.
 
  • Love
Reactions: Triều Anh

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Bài phân tích thi phẩm của bạn rất xuất sắc. Vừa sâu sắc vừa bay bổng hệt như một bài thơ. Với việc sử dụng từ ngữ rất tài tình, bạn đã khiến người đọc kỹ tính như tôi cũng chỉ biết khen ngợi không tiếc lời. Tuy nhiên, bạn có mấy lần lặp lại câu thơ của LQV và cả lập luận của mình với dụng ý nhấn mạnh, thì theo tôi là không cần thiết. Vì thực ra cách diễn tả "có nghề" của bạn đã đủ làm người đọc cảm nhận được đầy đủ rồi.
QuangNhatCảm ơn bạn Quang Nhật đã đọc và nhận xét bài viết. Mình xin ghi nhận gợi ý của bạn. Lần sau nếu có viết bài mình sẽ lưu ý. Chúc bạn luôn vui khỏe.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top