Baivanhay Sống là kết nối, nhưng cũng cần có những khoảng lặng để ngắt kết nối

Baivanhay Sống là kết nối, nhưng cũng cần có những khoảng lặng để ngắt kết nối

Sống là kết nối. Nhưng sống cũng cần có những khoảng lặng để ngắt kết nối”

Anh / chị hãy nghị luận về câu nói trên

Bài làm

Chúng ta – chúng ta chỉ là một vật thể nhỏ bé giữa vũ trụ rộng lớn cần một sợi dây kết nối và níu giữ với những vật thể khác. Nhưng đồng thời chúng ta cũng là cây xương rồng lẻ loi, cô đơn mạnh mẽ vươn mình giữa sa mạc nóng rát. Sống – một hành trình khó mà đạt được đến cái trọn vẹn. bởi là không trọn vẹn nên suốt một chặng đường ấy người ta cứ day dứt mãi một nỗi niềm “ sống có lẽ là kết nối. Nhưng sống cũng cần có những khoảng lặng để ngắt kết nối”

Một đứa trẻ cần hòa nhập với môi trường năng nổ, giao tiếp cùng biết bao người bạn chúng có thể gặp trên đường đời. Và một đứa trẻ đồng thời phải tự lập, phải biết lắng đọng trong chính mình. Nói chính xác hơn điều ấy có lẽ là đúng với tất cả chúng ta, không đơn thuần thành phần nào trong xã hội. Ta giao tiếp, đồng cảm, sẻ chia, tạo những luồng sóng và thu nhập luồng sóng từ trái tim của thế nhân. Ấy chính là kết nối, kết nối giữa thế giới muôn vàn điều đẹp đẽ. Tìm kiếm niềm vui trong điều đẹp đẽ ấy là chưa đủ, ta còn có khoảng lặng, còn những phút giây cần lắng đọng thật sâu, một mình, cắt đứt luồng sống và tự bản thân đối diện. Hai trạng thái tưởng chừng đối cực nhau như âm với dương nhưng chúng sẽ bổ trợ cho nhau hình thành nên đời sống đáng sống, đáng hạnh phúc dành cho con người. Một cuộc đời là quá ngắn để ta sống mãi trong nỗi phụ thuộc, đánh mất dần lý tưởng, cái khoảng trống đáng ra giành để tĩnh tâm, để nhận thức lại bản thân. Sẽ đẹp biết bao nhiêu khi con người biết thu nhập luồng sóng thời đại đúng chỗ và dừng lại đúng lúc khi không cần thiết

Người ta sẽ thường đặt vô vàn những câu hỏi cho thượng đế, cho cuộc sống này. Dù biết rằng thượng đế sẽ không trả lời chúng ta, cuộc sống sẽ không hồi đáp chúng ta nhưng vẫn cứ mải miết trăn trở. Sự sống rốt cuộc là gì ? Tại sao sống mà cần nhắc tới hai chữ “kết nối” . Vì bởi lẽ con người sinh ra đã ở trong trạng thái không thể nào là một kẻ đơn độc. Đơn độc đồng nghĩa với chết, với sự không tồn tại trong thế giới này. Ta cần sự trợ giúp của đồng loại, trái tim ta cần hiểu và được hiểu nhân thế, lý tưởng ta cần kết nối với bộ não khác, linh hồn ta cần nghe tiếng đồng vọng từ một thực thể sống nào đó. Tất cả mọi thứ thuộc về con người sẽ ít nhiều phụ thuộc vào người. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Và kết nối là trách nhiệm, là điều thiết yếu buộc phải tồn tại. Kết nối để ta bớt cô độc, kết nối để ta có bến đỗ để dựa vào mỗi lúc lòng mình đã thấm mệt, thấm đau , kết nối để ta biết học cách sẻ chia, đồng cảm, giao tiếp, yêu thương. Kết nối để không bị bỏ lại phía sau. Khi đứng giữa cuộc sống này, khi con người ở nơi cùng cực tuyệt vọng nhất của đáy vực sâu, bàn tay mang tên kết nối ấy sẽ kéo chúng ta lên thoát ra khỏi vòng vây bóng tối. Sống là việc không thể định nghĩa, nhưng chúng ta có quyền quyết định cho sự sống của mình sẽ diễn ra ra sao, sẽ vận hành theo cách nào. Bởi thế kết nối là cách tốt nhất để ta hiện thực hóa điều ấy. Bạn biết không ? Cái cảm giác bản thân được kéo thứ sợi dây kết nối giữa hai tâm hồn, hai thân thể, hai ý nghĩ là điều vô cùng tuyệt vời. Hạnh phúc có. Vui vẻ có. Biết ơn có. Trân trọng có. Có sự thật rằng con người rất dễ bị cô đơn và sợ hãi trong chính nỗi cô đơn ấy, đặc biệt là khi ở một mình. Tại sao thượng đế lại sinh ra hàng tỷ tỷ người khác nhau mà không phải chỉ riêng ai ? Tại sao trên đời luôn có hàng trăm câu hỏi về cách đối nhân xử thế sao cho hợp tình hợp lý ? Tại sao tạo hóa luôn khát khao con người lắng nghe kẻ khác. Vì họ cần nhau để tồn tại. Vì sóng gió của đại dương không chỉ cần người lái thuyền mà còn kẻ căng buồm. Sau khi tự mình thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm, hòa nhập với cộng đồng, cô gái năm đó tôi gặp đã hạnh phúc ra sao, phát triển bản thân mình hơn và gặp được những người em gọi là tri kỉ. Một cụ già vô gia cư cầm trên tay hộp sữa và suất cơm mà người tình nguyện viên đi phát, trò chuyện cùng họ khiến sợi dây kết nối trong cụ như hiện rõ, cụ càng khát khao kết nối và kết nối nhiều hơn thế

Từ bỏ cơ hội hòa nhập vào cộng đồng, nói cách khác là giao tiếp và kết nối chắc chắn sẽ bào mòn dần sự sống, trái tim nhỏ bé mà đầy nhạy cảm của chúng ta. Nó làm ta mất dần cảm giác muốn được giải thoát cảm xúc, không để cho nó dần dần ứ đọng rồi trở thành hố sâu nuốt chửng linh hồn. ta sẽ chẳng nhận được bất kì sự giúp đỡ, sự đồng cảm nào ở đấy cả. Ta mãi chỉ là một viên sò cô đơn giữa sa mạc. Mà giữa sa mạc làm gì loài sò nào ở đấy chờ lắng nghe tâm sự từ bạn. Bạn tự biến mình thành kẻ thiếu giao tiếp, kẻ thiếu kỹ năng, cô đơn , thậm chí là dễ xuất hiện các bệnh về tâm lí, trầm cảm. Ngay giây phút ấy, con người thấy mình lạc lõng vô cùng, thấy mình chỉ như sự thừa thãi của xã hội này. Thật đáng tiếc biết bao nhiêu

Nhưng khoan đã ! Từng ấy lời văn không phải để ca tụng quá mức sự kết nối, tôn vinh nó lên đỉnh điểm. Chúng ta hãy còn nhớ tất cả đều cần đạt đến mức vừa đủ, thiếu sẽ tiếc mà quá thì sẽ hại. Khi đã kết nối đủ sâu, hãy quay về với khoảng lặng trong một vài khoảnh khắc. Đâu đó, linh hồn ta vẫn vẫy gọi được lắng vào cái căn nguyên sâu thẳm nhất tựa ban đầu. Lặng để nhìn nhận lại chính mình suốt hành trình đã qua. Lặng để soi tỏ hơn về mọi mối quan hệ xã hội đang có, liệu nó có thực sự hoàn toàn là tích cực, và đâu là mối quan hệ tiêu cực cần lưu tâm. Lặng để lí trí học cách tư duy độc lập, không phụ thuộc, tự chủ, bản lĩnh, mạnh mẽ. Lặng để chứng minh cho thế giới hiểu chúng ta sống không phải bao giờ cũng cần ồn ào nhộn nhịp với tất cả vạn sự kết nối, chúng ta còn chúng ta, cần một nơi yên tĩnh để trở lại chốn tĩnh tại thanh bình.kết nối quá nhiều đôi khi làm ta mất đi giá trị của riêng mình, thiếu mất sự quan tâm rằng bản thân đang nghĩ gì, đang muốn gì. Khoảng lặng ấy sinh ra chẳng phải để tách biệt bạn với thế giới hay đưa bạn vào một không gian thu hẹp chẳng bao giờ kéo khóa mở ra. Nó tồn tại cùng con người, và con người sẽ cần đến nó để mà biết vả chăng sinh mệnh này sinh ra là điều kỳ diệu nhất, vả chăng chính mình có đang làm tốt nhiệm vụ mà bản thân luôn đề ra trong khuôn khổ. Một đất nước có đủ sống, rừng núi sẽ khác với nơi thiếu mất đại dương. Không thể nào xông xáo trong việc kết nối mà bỏ lỡ vài khoảnh khắc đáng lẽ ra bản thân đã dành để chữa lành vết xước của thời gian. Thế đấy, sự kết nối đạt đến độ hoàn hảo khi và chỉ khi duy trì cường độ ổn định, nên giảm và nên tăng lúc nào cho hợp lí để hội chứng sợ hãi xã hội sẽ chẳng bao giờ hiện hữu trong chúng ta

Hãy thử tưởng tượng một ngày, bạn đánh mất sự kết nối hay là quên đi những khoảng lặng, bạn sẽ còn gì ? chẳng còn gì cả ngoài tâm hồn xơ xác, ngoài trái tim khô cằn. Đáng tiếc cho sinh mệnh như thế ấy. Chúng ta được sinh ra, tồn tại không phải lụi tàn theo cách dễ dàng đến vậy. Kết nối để cuộc đời này rực rỡ hoa, để bất kì phút giây nào bạn cũng có thể tìm thấy cho mình bến đỗ phù hợp mà sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông. Đời sẽ đẹp khi hoa nở có nắng. Người sẽ vui khi luôn có ai đó chờ mình. Phải không nào. Nhưng chớ đừng quên mất sức mạnh của khoảng lặng, khoảng trống đấy nhé. Nó cần thiết để kéo dài sự sống của bạn và níu giữ tâm hồn bạn ở lại với cõi đời, không mệt mỏi. Chặng đường ta đi sẽ hãy còn dài, còn lắm chông gai. Bàn tay con người lạnh buốt sẽ cần lắm ai đó nắm lấy sưởi ấm vào ngày đông giá rét. Dẫu không biết phía trước là điều gì còn chờ đợi, hãy đừng thôi tạo ra nguồn sóng để người khác thu nhập và chính bản thân sẽ đi thu nhập lại nguồn sóng từ họ nhé

Con người chỉ là những kẻ lữ khách rong ruổi từ miền đất này đến miền đất khác. Chuyến tàu nào rồi cũng sẽ có hồi kết, sẽ phải dừng lại. Và những gì ta nhận lại, ta gặp gỡ trên chuyến tàu ấy, dù ở lại, dù bước qua đời ta đều sẽ tô điểm thêm cho bức tranh sơn dầu này. Và rồi khi đã đi đến chặng cuối, còn mình để ngẫm nghĩ, để lặng lẽ về một thời đã qua
 

Đính kèm

  • playlist.jpg
    playlist.jpg
    95.5 KB · Lượt xem: 426
Từ khóa
con nguoi lữ khách níu giữ tâm hồn
9K
8
4

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top