Baivanhay Sự đố kị

Baivanhay Sự đố kị

Trong “Sapiens- Lược sử loài người” tác giả Yuval Noah Harari đã chia sẻ về “Khoa học và Cách mạng công nghiệp đã đem lại cho nhân loại những quyền lực siêu việt cũng như nguồn năng lượng gần như vô biên”. Nhưng một câu hỏi mà bản thân tôi muốn đặt ra là, việc khám phá ra những nguồn năng lượng vô tận có mở ra trước mắt ta một hạnh phúc vô tận hay lại là những nỗi đau âm ỉ không bao giờ nguôi ngoai? Và đối diện với hiện thực trước mắt, tôi đã nhìn thấy một trong những “nỗi đau” mà thời đại phát triển để lại cho con người đó là tâm bệnh “đố kị”.
Đố kị là sự ghen ghét, không công nhận thậm chí muốn bài trừ, phủ nhận mọi thành công và nỗ lực của người khác. Nó là một loại biến dạng của lòng hiếu thắng theo một cách tiêu cực hơn. Theo Tạ Duy Anh “thói đố kỵ là một thuộc tính của con người luôn ẩn náu trong chúng ta và chờ đợi thời cơ chi phối những suy nghĩ ứng xử, hành động của chúng ta”. Vì vậy, sự ghen ghét đố kỵ được xếp vào một trong những kẻ giết người thầm lặng, dù không trực tiếp ra tay nhưng lại hủy hoại mảnh đất tâm hồn trong mỗi con người. Hai bức ảnh trên tuy đơn giản nhưng đã gián tiếp gửi tới chúng ta một thông điệp “Hãy tránh xa sự ghen tức và đố kị”.
Điều gì đã khiến sự đố kỵ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó mỗi ngày len lỏi trong cuộc sống của chúng ta? Aristotle cho rằng sự ganh đua thường được cảm nhận bởi người có khuynh hướng xem trọng đạo đức và danh dự, có sự tôn trọng với bản thân và niềm tin rằng họ xứng đáng với những điều tốt đẹp mà họ chưa đạt được. Song trong thời đại công nghiệp 4.0 phương tiện thông tin phát triển đã vô tình trở thành chất xúc tác khiến sự ganh đua ngày càng mạnh mẽ hơn và gieo rắc vào trong suy nghĩ con người mầm mống của sự đố kị. Đôi khi cánh nhà báo đã “chẳng may” tạo ra hiệu ứng tâm lý “ảo giác tần số” khiến rất nhiều người luôn cảm thấy có quá nhiều mối đe dọa xung quanh và bản thân đang bị người ta đem ra so sánh. Chưa kể đến những trang mạng xã hội đang dần tô vẽ ra những hiện thực màu hồng được dàn dựng tỉ mỉ như dầu đổ vào lửa vào tâm lý ghen tị kéo chúng ta chạy theo giá trị ảo vô nghĩa. Đặc biệt, lối suy nghĩ “đứng núi này trông núi nọ”khiến con người biến chất. Điều duy nhất tồn tại trong lí trí của họ là làm sao để trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng kể cả điều đó có dẫm lên “xương máu” của người khác. Một điều tồi tệ hơn bao giờ hết với thế hệ trẻ hiện nay là xu hướng “con nhà người ta”. Bố mẹ của họ cố gắng tạo nên một hình ảnh “hoàn mĩ” dựa trên thành công của một đứa trẻ khác áp đặt lên đứa con của mình. Vô tình, nó khiến đứa trẻ sinh ra những mặc cảm, tự tin từ đó dẫn lối cho sự ghen ghét lên ngôi. Có lẽ họ không còn nỗ lực vì khao khát mang lại thành tựu cho chính bản thân mình mà là để tìm cơ hội đạp đổ thành công của người khác ngay khi có thể. Sự đố kị ngày càng phổ biến không chỉ do các nguyên nhân bên ngoài xã hội mà còn từ chính thâm tâm của con người thiếu đi định hướng và mục đích sống đúng đắn. Rất nhiều người tin vào câu nói “Cuộc đời là trường đua dài bất tận, chúng ta phải vượt qua mọi đối thủ để trở thành người chiến thắng”. Nhưng họ lại không nhận ra cuộc đời vốn không phải cuộc đua và cũng không ai ganh đua với ta. Tất cả chỉ là do chủ quan chúng ta luôn muốn vượt lên làm cá thể đứng “nhất” trong một cộng đồng gây ra mà thôi.
Tất nhiên, khi chúng ta nuôi dưỡng mầm mống đố kỵ sẽ chẳng có cánh cửa thành công nào được mở ra cho ta hết. Brian Tracy từng viết như một sẻ chia “Nếu bạn ghen tị với những người thành công, bạn đang tạo ra một trường lực tiêu cực đẩy bạn ra xa khỏi những điều bạn cần làm để thành công”. Hiện thực đã chứng minh tính chân xác của câu nói ấy. Khi con người ươm mầm hạt giống xấu không bao giờ có thể ra trái ngọt. Mục đích của người đố kị chính là khao khát muốn hạ bệ người khác, muốn nhìn người khác thất bại lấy đó là chiến lợi phẩm của thành công. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả điều kiện thuận lợi trước mắt để đổi lấy cơ hội khiến người khác đau khổ vì thất bại. Thật đáng tiếc, khi họ không nhận ra rằng trước khi chúng ta ném bùn vào người khác thì chính bản thân ta lại là người dính bùn đầu tiên. Sự đố kị chính là một loại độc dược khiến chúng ta cảm thấy ban đầu rất ngọt ngào nhưng sau cùng lại là đau đớn dằn vặt thấu tâm can. Đơn cử như câu chuyện về Bàng Quyên - vị tướng tài hoa trong thời chiến quốc mang lòng đố kị đến mức tính kế với bạn đồng môn của mình là Tôn Tẫn. Cũng vì chút tâm cơ ất mà lọt bẫy và chết dưới hàng trăm mũi tên của Tôn Tẫn. Phải chăng vì thế mà Herodotus mới khẳng định “Bí mật của thành công không nằm ở chỗ không bao giờ thất bại mà là không có đố kị”?
Theo Sách khôn ngoan “qua sự đố kỵ của ma quỷ mà cái chết đã bước vào thế giới của con người”. Tôi nghĩ đó là cái chết của tâm hồn hoặc cái giá của nó còn đắt hơn thế. Chúng ta không còn quá xa lạ với câu chuyện Hera và Aphrodite vì đố kị nhau xem ai là người xinh đẹp nhất mà gây ra cuộc chiến thành Troy mười năm ròng rã. Hay Thân Công Báo - nhân vật trong cuốn sách Phong Thần Diễn Nghĩa. Hắn đố kị với Khương Tử Nha vì tự cho mình là tài giỏi hơn người xứng đáng đi làm phong Thần hơn ai hết. Thế là dưới sự sai khiến của tâm tật đố, Thần Công Báo không màng tới sự bạo ngược vô đạo của Trụ Vương làm cách cản trở Khương Tử Nha trinh phạt khiến vô số sinh linh đồ thán, hàng nghìn vạn người Tu đạo bị giết chết trong trận chiến. Từ đó ta có thể thấy, đứng trước sự đố kị và ích kỉ mọi giá trị đạo đức đều suy tàn. Tựa như họ mặc kệ tất cả để phần “con” lấn át phần “người”, hành động mà không màng đến tất cả để tư thù cá nhân hủy hoại toàn bộ cơ đồ bao công sức gây dựng trong tích tắc.
Thậm chí, lòng đố kị có thể khiến ta mù quáng đến mức ganh ghét muốn hủy hoại cả những người thân luôn bên cạnh mình. Chúng ta tồn tại là những “hòn đảo cô độc” để tìm đến bến bờ yêu thương tiến đến xây dựng một cộng đồng bền vững chứ không phải để triệt tiêu những cá nhân khác cũng đang đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Lòng ganh ghét chính là một vách ngăn vô hình khiến chúng ta tự tách biệt với phần còn lại của thế giới. Khi không được gột rửa bằng suối nguồn yêu thương, trái tim ta chỉ còn là mảnh đất khô cằn, trong mỗi khe nứt chỉ toàn là những con sâu ích kỉ gặm nhấm từng chất dinh dưỡng còn sót lại cho đến khi tinh thần ta chết hẳn. Đó là kết quả mà không ai mong muốn trên hành trình sống ngắn ngủi này. Quỹ thời gian của ta quá ít ỏi để lòng đố kỵ cản bước chúng ta bay cao hơn, xa hơn trên bầu trời tri thức. Vì vậy, loại bỏ tận gốc rễ của lòng đố kỵ là điều chúng ta cần làm.
Tôi cho rằng bước đầu tiên để xóa bỏ sự ganh ghét đó là chấp nhận khuyết điểm của bản thân mình. Nhà văn Pháp Francois từng viết “Nếu bản thân chúng ta không có những khuyết điểm thì chúng ta đã không khoái chí như thế khi phát hiện ra những khuyết điểm của người khác”. Chắc hẳn ai cũng mang trong mình sự tự ti về khuyết điểm của bản thân song đừng lấy nó làm lí do bao biện để sự đố kị chiếm đóng tâm trí. Mọi khuyết điểm đều có thể khắc phục. Thay vì chăm chú xoi xét khuyết điểm của người khác, hãy dành thời gian đó để tự hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày để không khiến khuyết điểm trở thành vật cản ta nghe thấy tiếng gọi của mẹ Thành Công hay trở thành máy trợ thính khiến chúng ta bị xui khiến bởi lời dụ dỗ của lòng đố kỵ
Và trên hết, tôi nghĩ chúng ta nên tập cho mình suy nghĩ “hài lòng với những gì mình đang có”. Phật gia tăng từng có câu “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”,”mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô mạc cưỡng cầu”, tức là trong mệnh đã có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Con người nên vui với bổn phận của mình, sống cuộc đời an hòa, biết đủ với những gì mình đang có, dửng dưng với những thứ không thuộc về mình. Ấy mới là thuận theo thiên lý. Tâm lý “hài lòng với những gì mình đang có” cũng là chiếc bàn ủi tinh thần là phẳng con đường tới mơ ước đồng thời cho chúng ta cơ hội được gặp Thượng đế bên trong mình.
Hoàng đế Khang Hy khi xưa hiểu rõ mối nguy hại của tâm đố kỵ, cho nên đã răn dạy các hoàng tử trong “Đình Huấn Cách Ngôn” rằng: “Phàm là người giữ thân xử thế, chỉ nên để khoan thứ trong tâm. Khi thấy người có việc đắc ý thì nên sinh lòng hoan hỷ. Khi thấy người có việc thất ý thì nên sinh lòng thương xót. Đó đều khiến bản thân thu được lợi ích. Nếu như đố kỵ với thành công của người khác, vui thấy người khác thất bại, thì sao có thể mưu sự cùng với người khác được? Chỉ làm bại hoại cái tâm mình mà thôi. Cổ ngữ nói: ‘Thấy người thành công thì như chính mình thành công. Thấy người thất bại thì như chính mình thất bại’. Hay tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng viết trong bức thư gửi đến thầy hiệu trưởng nơi con trai mình đang học rằng “Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kị”. Thật hiếm khi nào mà nhiều vĩ nhân lại chung nhau một quan điểm xác đáng đến thế. Cuộc đời không phải định nghĩa bằng Iphone, Ipad mà chính là I am ( Tôi là..). Những gì được viết sau I am là những gì ta định nghĩa về bản thân cho người khác thấy. Vì vậy cuộc đua đến thành công thực chất chỉ là cuộc đua của chính mình để vượt lên những góc tối, sự nhỏ nhen ích kỷ vốn có của phần “con” để hướng đến ánh sáng của phần “người” cao quý ( chân-thiện-mỹ). Hai bức tranh là lời cảnh tỉnh sâu sắc tới chúng ta cần có dọn sạch thế giới quan của mình, thanh lọc những suy nghĩ tiêu cực khiến sự đố kị không còn đất dung thân.
Sự đố kị.png
 
Từ khóa
nlxh đừng ghen tị
880
4
1

Seoul

Thành Viên
29/12/22
11
8
1,000
Xu
43,015
Tính viết cái gì đó về từ khóa này mà nhìn vào cái bài toàn chữ, không có giãn cách các đoạn, ảnh thì để cuối.

Mất cả cảm hứng.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top