Đề cương Tác giả Bằng Việt và tác phẩm '"Bếp lửa"

Đề cương Tác giả Bằng Việt và tác phẩm '"Bếp lửa"

Hẳn ai cũng có một quá khứ bên người thân, gia đình, một tuổi thơ trong sáng, hạnh phúc, hoặc một tuổi thơ dữ dội, đau thương... nhưng sâu trong trái tim mỗi người, những kỉ niệm, những hồi ức về tuổi thơ luôn là thứ có sức ám ảnh sâu sắc và lớn lao nhất cuộc đời mà ta mãi không thể quên. Nó sẽ đi theo ta suốt những chặng đường đầy thăng trầm của đời ta, ăn sâu vào tâm khảm và ngự trị vĩnh hằng trong tim ta... Dù tuổi thơ ta có ngọt ngào hay cay đắng, thì vẫn còn có một hoặc nhiều con người đã nâng đỡ ta, chăm sóc ta... và để lại dấu ấn làm kỉ niệm sống mãi theo thời gian, năm tháng.... Nhà thơ Bằng Việt cũng có một tuổi thơ như thế được thể hiện qua tác phẩm "Bếp lửa": Một tuổi thơ đói khổ, cô đơn nhưng lại đầy đủ, ấm áp và hạnh phúc vô cùng!

Cùng nhau tìm hiểu đôi nét về Bằng Việt và tác phẩm “Bếp lửa”.

5165


ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ BẰNG VIỆT VÀ TÁC PHẨM "BẾP LỬA"
1. Tác giả Bằng Việt

- Bằng Việt là bút danh của Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại Huế, nhưng quê gốc ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 1960 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

- Tác phẩm chính: Hương cây - Bếp lửa (thơ in chung với Lưu Quang Vũ – 1968), Những gương mặt, những khoảng trời (1973), đất sau mưa (thơ – 1977), Khoảng cách giữa lời (thơ – 1983). Cát sáng (thơ 1986), Bếp lửa - Khoảng trời (thơ tuyển 1988)...

- Thơ Bằng Việt, cảm xúc tinh tế, có giọng điệu tâm tĩnh trầm lắng, giàu suy tư, triết luận.

2. Tác phẩm "Bếp lửa"

a. Hoàn cảnh sáng tác : “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi Bằng Việt đang là sinh viên khoa pháp lí trường Đại học tổng hợp Ki – ép (Liên xô cũ).

b. Nội dung: Qua hồi tưởng, suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương đất nước.

c. Nghệ thuật: Bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

d. Bố cục: 3 phần:

+ Phần 1: 3 dòng đầu: hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng cảm xúc hồi tưởng về bà

+ Phần 2: Từ “lên bốn tuổi” đến “niềm tin dai dẳng”: những kỉ niệm tuổi thơ và hình ảnh người bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa trong hồi tưởng của cháu.

+ Phần 3: Từ “lận đận đời bà... đến “thiêng liêng bếp lửa”: suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.

+ Phần 4: (4 dòng cuối): Hình ảnh bà và bếp lửa sống mãi trong tâm hồn cháu.

3. Chú ý: Cần cảm nhận và thuộc một số câu thơ nói về:

- Hình tượng bếp lửa, ngọn lửa

- Hình tượng con chim tu hú

- Hình ảnh người bà nhóm lửa và đứa cháu bé thơ.

- Những câu thơ cảm thán và câu hỏi tu từ làm cho giọng thơ tha thiết bồi hồi.:

VD: “….Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

….. Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

Hoặc: “Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa!”

“Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Kết luận: Mạch cảm xúc của bài thơ rất tự nhiên, đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm: hình ảnh bếp lửa gợi về những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà tám năm ròng, làm hiện lên hình ảnh bà với bao vất vả và tình yêu thương trìu mến dành cho đứa cháu; từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm và thấu hiểu về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị mà cao quý của bà; cuối cùng, người cháu muốn gửi niềm nhớ mong về bà.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bằng việt bếp lửa hình ảnh bếp lửa
919
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top