Soạn văn Tản Viên từ phán sự lục

Soạn văn Tản Viên từ phán sự lục

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 20
"Tản viên từ phán sự lục" là tác phẩm nổi tiếng đánh dấu tên tuổi của Nguyễn Dữ. Để hiểu hơn về tác phẩm này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Tản Viên từ phán sự lục.png

Tản Viên từ phán sự lục

I. Tác giả (Nguyễn Dữ)
1. Tiểu sử
- Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.
- Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu.
- Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào.
- Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà.
- Sau khi đậu Hương tiến (tức cử nhân), ông làm quan dưới nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó trải ”mấy năm dư, chân không bước đến thị thành” rồi mất tại Thanh Hóa.

2. Tác phẩm chính
- Sáng tác duy nhất của ông là Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền), là một sáng tác văn học với sự gia công hư cấu, sáng tạo, trau chuốt, gọt giũa của Nguyễn Dữ chứ không phải một công trình ghi chép đơn thuần.
- Sách gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả.
- Qua tác phẩm, người đọc thấy được số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, những bi kịch tình yêu mà thiệt thòi thường rơi vào người phụ nữ. Tác phẩm cũng thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt, đề cao đạo đức nhân hậu, thủy chung, đồng thời khẳng định quan điểm sống “lánh đục về trong” của tầng lớp trí thức ẩn dật đương thời.
- Truyền kỳ mạn lục vừa có giá trị hiện thực và nhân đạo cao, vừa là một tuyệt tác của thể loại truyền kì. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đánh giá cao trong số các tác phẩm truyền kì ở các nước đồng văn
- Tác phẩm được Hà Thiện Hán, người cùng thời, viết lời Tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm; và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?), đánh giá là một "thiên cổ kỳ bút".

II. Tác phẩm
Tản Viên từ phán sự lục
1. Tóm tắt

Ngô Tử Văn, một kẻ sĩ nổi tiếng khẳng khái, chính trực vốn không chịu được sự tác yêu quái của hồn một tên tướng bại trận nên đã đốt đền của hắn, trừ hại cho dân. Tên hung thần đe dọa Tử Văn và kiện chàng ở âm phủ. Tử Văn được thổ thần mách bảo về tung tích và tội ác của tên tướng giặc, đồng thời bày cho chàng cách đối phó với hắn. Tử Văn bị bắt giải xuống âm phủ. Đứng trước Diêm Vương, chàng đã không hề run sợ mà dũng cảm vạch trần mọi tội ác của tên hung thần. Có bằng chứng của thổ thần, mọi lời nói của Tử Văn được minh xác là sự thật. Cuối cùng công lý được thực thi: tên tướng giặc và bọn phán sự vô trách nhiệm bị trừng trị, thổ thần được phục chức, Tử Văn được sống lại. Tiếp sau đó, nhờ thổ thần tiến cử Tử Văn được nhận chức phán sự đền Tản Viên chuyên trông coi việc xử án.

2. Tìm hiểu chung
a. Thể loại
- Truyền kì là một thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại phản ánh hiện thực qua những yếu tố ly kì, hoang đường.
- Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần ma quỷ có sự tương giao. Đó chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của thể loại.
b. Xuất xứ
- Truyền kì mạn lục:
+ Truyền kì: loại truyện có yếu tố li kì, hoang đường;
+ Mạn: tản mạn;
+ Lục: sao lục, ghi chép.
→ Ghi chép các truyện li kì, tản mạn của dân chúng.
- Truyền kì mạn lục là tác phẩm viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI.
c. Bố cục
Gồm 4 phần:
- Phần 1: Giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn.
- Phần 2: Ngô Tử Văn đốt đền và gặp hồn ma tên Bách hộ Thôi cùng Thổ thần.
- Phần 3: Ngô Tử Văn và cuộc đối chất ở Minh ti trước Diêm Vương.
- Phần 4 (Phần còn lại): Tử Văn thắng lợi trở về, nhận chức Tản Viên.

III. Nội dung chính
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên kể về hành động dũng cảm, đối đầu với gian tà của Ngô Tử Văn.

IV. Trước khi đọc
Câu 1 (trang 15 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Bạn có thích đọc những truyện kể chứa đựng các yếu tố kì ảo không? Vì sao?

Phương pháp giải:
Dựa vào trải nghiệm của bản thân
Lời giải chi tiết:
Học sinh nêu cảm nhận của bản thân.
Gợi ý:
- Có
- Chi tiết tưởng tượng, kì ảo là những chi tiết không có thật. Đó là những chi tiết được tác giả dân gian sáng tạo nhằm phục vụ cho mục đích nhất định nào đó. Những yếu tố tưởng tượng, kì ảo góp phần giúp câu chuyện kể hấp dẫn, sinh động hơn.

Câu 2 (trang 15 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta phải chứng kiến hoặc trải qua những sự việc ngang trái, bất công. Lúc đó, bạn cảm thấy như thế nào và mong muốn điều gì?

Phương pháp giải:
Dựa vào trải nghiệm của bản thân và đưa ra câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Học sinh nêu cảm nhận của bản thân.
Gợi ý: Những điều bất công trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại, đôi khi xảy đến với chính bản thân chúng ta hay với người xung quanh. Điều quan trọng là chúng ta sẽ đối diện với điều bất công đó như thế nào? Bạn lựa chọn bực tức, than phiền, im lặng hay đứng lên đấu tranh để đòi lại công bằng?

V. Trong khi đọc
Câu 1 (trang 15 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Chú ý lời giới thiệu về nhân vật Tử Văn

Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung đoạn 1
Lời giải chi tiết:
Lời giới thiệu về nhân vật Tử Văn:
- Tên: Soạn
- Quê quán: người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang
- Tính cách: khảng khái, nóng nảy.

Câu 2 (trang 16 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Từ Văn có những suy nghĩ, cảm xúc gì khi nghe câu chuyện của Thổ Công?

Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung đoạn 2
Lời giải chi tiết:
Suy nghĩ, cảm xúc của Tử Văn khi nghe câu chuyện của Thổ Công.
- Ban đầu, Tử Văn kinh ngạc vì người ban đầu mình nói chuyện không phải là thổ công.
- Sau khi nghe câu chuyện của Thổ Công, Tử Văn vô cùng tức giận trước việc “hung yêu tác quái” của tên hung thần và hành động đốt đền trừ hại cho dân.
- Thể hiện qua các chi tiết: “Tử Văn kinh ngạc; Sao mà nhiều thần quá vậy?"

Câu 3 (trang 17 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Dự đoán kết quả cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới cõi âm.

Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung đoạn ba và cảm nhận của bản thân.
Lời giải chi tiết:
- Học sinh tự đưa ra gợi ý của bản thân.
- Gợi ý: Cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới cõi âm là cuộc đấu tranh cho chính nghĩa, đấu tranh giữa chính và tà – một cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới âm ti sẽ là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, tuy nhiên chiến thắng sẽ thuộc về chính nghĩa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

Câu 4 (trang 18 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Sự việc nào có tác dụng xoay chuyển tình thế của cuộc xử án?

Phương pháp giải:
Dựa vào văn bản và nội dung đoạn 3, tìm sự việc có tác dụng xoay chuyển tình thế của cuộc xử án.
Lời giải chi tiết:
Trước khi xuống Minh ty, Tử Văn đã được Thổ Công dặn dò “Hễ ở Minh ty có tra hỏi, thầy cứ khai ra những lời nói của tôi. Nếu hắn chối, thầy kêu xin tư giấy đến đên Tản Viên, tôi sẽ khai rõ thì nó phải đớ miệng”. Xuống Minh ty, Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ Công nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào.
→ Chính sự việc này đã góp phần làm xoay chuyển tình thế của Tử Văn trong cuộc xử án.

Câu 5 (trang 18 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Diễn biến và kết quả cuộc đấu tranh của Tử Văn có giống như suy đoán của bạn không?

Phương pháp giải:
Xem lại suy đoán của bạn ở HĐ3 và so sánh.
Lời giải chi tiết:
- Học sinh xem lại suy đoán của mình và trả lời
- Gợi ý: Kết quả của cuộc đấu tranh ở Minh ty của Ngô Tử Văn:
Bằng chính nghĩa và sự dũng cảm, cương trực đấu tranh cho chính nghĩa, cuối cùng Ngô Tử Văn đã chiến thắng.
+ Giải trừ được tai họa, đem lại an lành cho dân.
+ Diệt trừ tận gốc thế lực xâm lược tàn ác, làm sáng tỏ nỗi oan khuất và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt.
+ Tử Văn được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, đảm đương nhiệm vụ giữ gìn công lí.

Câu 6 (trang 19 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Vì sao Tử Văn đồng ý nhận chức phán sự đền Tản Viên?

Phương pháp giải:
Xem lại đoạn văn từ “Sau đó một tháng… Tử Văn vui vẻ nhận lời, rồi không bệnh mà mất”
Lời giải chi tiết:
Kết thúc câu chuyện, Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự đền Tản Viên. Đó là chức quan chuyên trông coi việc kiện tụng, xử án ở chốn công đường, giúp cho quá trình thực thi công lí được đảm bảo. Trước sự biết ơn, tin tưởng và tiến cử của Thổ Công, Ngô Tử Văn đã vui vẻ đồng ý nhận chức phán sự đền Tản Viên.
Chức phán sự đền Tản Viên là phần thưởng xứng đáng, có ý nghĩa noi gương cho người sau, khích lệ mọi người dũng cảm đấu tranh chống cái ác, bảo vệ công lí.

Câu 7 (trang 19 SGK, Ngữ văn 10, tập 1)
Đề bài:
Ai là người đưa ra lời bình? Nội dung chính của lời bình là gì?

Phương pháp giải:
Xem lại lời bình ở đoạn cuối và rút ra nội dung chính.
Lời giải chi tiết:
Lời bình cuối truyện là lời bình của chính tác giả. Lời bình ở cuối truyện hàm chứa ý nghĩa sâu xa về khí tiết của kẻ sĩ chân chính: “Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của Trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà đổi cứng ra mềm?
→ Ý nghĩa lời bình: Hãy đấu tranh đến cùng chống lại cái xấu, cái ác. Chỉ có đấu tranh dũng cảm mới đem lại phần thắng cho chính nghĩa.

Trên đây là bài soạn "Tản Viên từ phán sự lục". Hi vọng bài viết sẽ trở thành nguồn tài liệu tham khảo giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập.
_Chúc các bạn học tốt!_
 
Từ khóa
tác giả tác phẩm tản viên từ phán sự lục
564
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top