Thơ tình Lý Hoài Xuân

Thơ tình Lý Hoài Xuân

THƠ TÌNH LÝ HOÀI XUÂN​


Đặt bút hiệu cho mình ai cũng muốn gửi gắm điều gì trong đó. Lý Hoài Xuân vốn là tên một làn điệu dân ca Huế - Bình Trị Thiên. Hoài Xuân có hai nghĩa: nhớ về mùa xuân và mãi mãi là mùa xuân. Phải chăng Lý Hoài Xuân muốn tâm hồn mình luôn trẻ trung yêu đời, yêu cuộc sống? Lý Hoài Xuân viết nhiều đề tài khác nhau nhưng tình yêu là đề tài được anh quan tâm nhiều nhất. Mới đây anh đã lựa chọn những bài thơ tình mà anh tâm đắc đưa vào tập “Đàn trăng và cho ra mắt bạn đọc. Đó là một ấn phẩm đẹp, xinh xắn, một món quà rất có ý nghĩa mà thi sĩ Lý Hoài Xuân dành tặng cho những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu.

Có một số bút hiệu đã phần nào thể hiện chất thơ của tác giả như trường hợp Xuân Diệu, Xuân Quỳnh. Cả hai nhà thơ đều có tên đệm là “Xuân”và đều viết rất hay về tình yêu. Lý Hoài Xuân tên mềm mại như tên con gái nên mặc dù là một “đấng mày râu” tôi cứ thấy thơ anh nhỏ nhẹ, thủ thỉ như nhà thơ của “phái đẹp” vậy. Giọng thơ Lý Hoài Xuân là giọng thơ tâm tình. Anh viết mà như đang thỏ thẻ với người anh yêu:

“Lặng yên nghe anh ru hời

Những lời cỏ dại, những lời cây xanh


(Ru trái tim đau)

Hoặc:

Anh cứ muốn đi bộ

Với em trên đường này


(Đi bộ với người yêu)

Lý Hoài Xuân nhẹ nhàng ngay cả khi trách móc, hờn giận:

Trách em, anh chẳng nỡ

Chỉ trách thầm hoa thôi

(Trong mơ gặp lại)


Đưa bạn đến gặp người mà anh “yêu trộm, nhớ thầm”, Lý Hoài Xuân chỉ biết “Đứng trơ nhìn bạn thầm thì với em” (Tôi đưa bạn đến gặp em). Ngay cả khi gặp lại người yêu cũ anh cũng đầy e ngại: “Thương em tôi buộc lòng ngồi xa em”. Có thể nói: Giữa hai người là một trong những bài thơ tình đặc sắc của Lý Hoài Xuân. Bằng chất giọng thủ thỉ, tâm tình nhẹ nhàng vốn có, anh thuật lại một cuộc tình cờ hết sức trớ trêu. Thi sĩ ngại bước vào nhà của người yêu cũ. Nàng đã có chồng. Và chồng nàng đang ngồi cạnh nàng để tiếp nhà thơ: “Giữa hai người ấy là tôi”. Thật khó xử!

Bâng khuâng ngồi giữa hai người

Tôi nâng chén rượu em mời giữa trưa


Người đang mời rượu anh chính là người đã có “một thời” với anh:

Một thời được uống mắt thương

Tay cầm tay để vấn vương một thời


Tình cờ gặp lại nàng, Lý Hoài Xuân không “bâng khuâng” sao được! Thi sĩ vốn nhạy cảm và giàu liên tưởng nên từ “chén rượu em mời giữa trưa” khiến Lý Hoài Xuân nhớ ngay đến “chén rượu ngày xưa” mà nàng đã từng mời anh. Cái gì cũng giống, từ “chén rượu” đến “đôi mắt”… Nhưng tình thế thì đã khác rồi:

Giữa hai người: một bông hoa

Giữa hai người chợt hiện ra hai người

Kiểu nói lấp lửng này tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau mà cách nào nghe cũng có lý. Ta có thể hình dung thi sĩ và nàng ngồi đối diện nhau. Giữa bàn là một lọ hoa. “Một bông hoa” ngăn cách “hai người”. “Bông hoa” kia cũng có thể là bông hoa ái tình mà họ đã từng trao tặng cho nhau - là bông hoa của “một thời” để nhớ. Giữa hai người của hiện tại chợt hiện ra hai người của quá khứ.

Hai người ấy đã từng “Một thời được nhận những lời yêu đương”. “Chợt hiện ra” nghĩa là trong khoảnh khắc thôi. Bây giờ mọi sự đã được an bài. Vì vậy:

Thương tôi em biết kiệm lời

Thương em tôi buộc lòng ngồi xa em

Một người lạ hai người quen

Bồi hồi chén rượu tỏa men thơm nồng…


Nhà thơ Xuân Diệu trước đây đã từng than thở: “Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”, Lý Hoài Xuân tuy không nói cụ thể ra như thế, nhưng đọc thơ anh tôi cảm thấy anh cũng chẳng hơn gì Xuân Diệu. Thi sĩ vốn là nòi đa tình: “bạ kẻ nào đâu anh cũng mê” (Xuân Diệu), và chính Lý Hoài Xuân cũng si tình không kém. Ra Hà Nội, qua phố Hàng Than gặp người đẹp là anh tặng thơ ngay. Tặng thơ xong, thi sĩ hồi hộp chờ đợi và phập phồng hy vọng:

“Ngược đường Quán Thánh tôi mong

Xem thơ em sẽ mơ mòng người thơ”


Nhưng thực tế lại hết sức phũ phàng:

Đâu ngờ ở phố Hàng Than

Thơ tôi lẫn với lá bàng cuối đông”


(Gửi Hàng Than)

Cái nơi buôn bán nhộn nhịp ấy, thơ chẳng khác gì những chiếc lá bàng đang rơi rụng kia. Em không thèm đọc, không thèm để ý. Tội nghiệp cho thơ, tội nghiệp cho thi sĩ biết chừng nào! Những bài thơ “gửi đi nhầm địa chỉ” ấy không ít. Ngay cả khi đã được yêu thì tình yêu của anh cũng không mấy vững bền. Đọc thơ Lý Hoài Xuân ta bắt gặp rất nhiều những mối tình dang dở:

Thế là hết những đêm trăng dãi

Những cung đường đọng nắng mật ong

Chút hương thiêng tóc em sót lại

Bỗng cồn cào lửa cháy niềm mong!



Thế là hết phút mơ êm ái

Tôi trở về tóc trắng, tay không

(Trước cổng mưa)


Dẫu luôn nếm mùi thất bại trong “trường tình”, Lý Hoài Xuân vẫn cứ khao khát được yêu. Tình cờ ngồi với người đẹp trên một chuyến xe, chẳng biết người đẹp có để ý đến anh không, nhưng anh vẫn cảm thấy như “mắt trao tình yêu cho mắt”:

Dường như tim em lúc đó

Cùng tim tôi đập nhịp đôi

Mắt tôi bâng quơ nhìn gió

Là để nhìn em đó thôi…

(Chuyến xe ngày ấy)


Chính nhờ vậy, Lý Hoài Xuân cứ xuân mãi, trẻ mãi như cái bút hiệu anh đã đặt cho mình.

Nếu anh chẳng đa tình như thế

Làm sao anh có được thơ hay

Thơ giúp em đẹp thêm nữa đấy

Người đẹp ơi đừng để thơ bay!

(Nếu anh chẳng đa tình)


Đó cũng chính là lời nhắn gửi của anh đối với bạn đọc. Hãy hiểu và thông cảm cho những thi sĩ đa tình như anh:

Người đẹp ơi! Chớ buồn chớ giận

Giận hoặc buồn sắc sẽ mau phai

Hãy ngoái lại nhìn anh một thoáng

Cho tâm hồn ấm nắng ban mai

(Nếu anh chẳng đa tình)


Tôi cầu mong cho anh giữ được mãi mãi cái chất đa tình ấy để anh còn dâng hiến cho đời nhiều câu thơ, nhiều bài thơ trữ tình hơn nữa, say đắm và đam mê hơn nữa.

MAI VĂN HOAN

(Nhà thơ - Nhà Nghiên cứu Lý luận Văn học)
 
Từ khóa
lý hoài xuân lyhoaixuan nhatholyhoaixuan tholyhoaixuan
  • Like
Reactions: Phong Cầm
737
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top