Dự thi Thứ năm, tháng năm, mùa hạ chí

Dự thi Thứ năm, tháng năm, mùa hạ chí

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Khi tháng bốn ghé thăm, những ngọn gió giao mùa rủ nhau về hong khô từng vạt mưa ẩm ướt.

Bầu không khí cũng trở nên xốn xang, mới năm giờ trời đã sáng. Có vẻ như ông trời thích hương vị ấm áp của mùa hạ nên các buổi hẹn thường đến sớm. Cho đến cuối ngày, khi dòng sông phản chiếu một màu cam đỏ rực mới lưu luyến rời đi.

Mà mùa hạ cũng là mùa gặt, đâu đâu cũng thơm phức mùi mạ non. Đợi tháng năm về vàng xuộm một màu lúa chín, trong lòng không khỏi nôn nao nhớ về kỷ niệm ấu thơ, cùng biết bao trò nghịch ngợm ham chơi chẳng muốn về.

Mùa hạ trông đẹp đến vậy mà lòng tôi chẳng thấy bình an.

Tôi là học sinh lớp mười, nhưng dáng người bé tẹo, trông chỉ giống lớp sáu lớp bảy mà thôi. Da tôi rất trắng, cái miệng thì nhỏ, răng khểnh trông rất duyên. Nhưng lâu rồi tôi chẳng nhớ nụ cười của mình trông như nào nữa. Mỗi lần ra khỏi nhà, tôi sẽ buông nhẹ mái tóc, đeo cặp kính cận che gần hết nửa khuôn mặt và lúc nào cũng cúi đầu nhìn xuống đất để tránh ánh mắt của mọi người quanh.

Hôm nay là thứ bảy, một ngày tồi tệ.

Tiết sinh hoạt lớp vẫn tiếp tục diễn ra một cách chán ngắt như mọi tuần. Sau khi cô giáo nói qua về vấn đề học tập và ý thức của cả lớp thì cô bắt đầu chuyển sang việc đổi chỗ ngồi của học sinh.

Lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng, tim đập rất nhanh, đôi tay run rẩy, cả người nóng như lửa đốt. Tự nhủ bản thân mình phải bình tĩnh, bởi vì mỗi lần như vậy, mồ hôi tiết ra từ dưới cánh tay của tôi ngày một nhiều.

Bỗng Thái, cậu bạn cùng bàn của tôi lên tiếng:

“Thưa cô, em muốn chuyển chỗ. Chỗ này gần cửa sổ, khó thở lắm ạ!”

Cả lớp bỗng cười ồ, bầu không khí trở nên ồn ào, nhiều người còn khoái chí hét lớn, vỗ tay kêu “đét” một tiếng. Đến khi cô giáo liên tục gõ thước lên mặt bàn thì sự yên tĩnh mới quay trở lại.

Có lẽ, chuyện tôi bị “rau mùi” dưới cánh tay đã là chủ đề để mọi người bàn luận, cợt nhả. Nhưng chẳng ai trong số họ - những người được coi là bạn cùng lớp của tôi lại không cảm thấy đó là hành động gây tổn thương cho người khác.

Lúc này, những cơn gió nhẹ nhàng luồn lách qua kẽ lá, qua hàng cây, qua từng rèm cửa sổ, bất chấp cái nắng nóng mà phả từng cơn mát lạnh. Mà gió thì đâu thích một mình, gió luôn thích rong đuổi cùng mùi hương…

Tôi cố ghì chặt hai cánh tay, sợ những cơn gió cũng cười đùa vì ngay bản thân tôi cũng không thể chịu nổi mùi hôi cơ thể của chính mình.

Sau đó, Thái được đổi chỗ lên bàn đầu nhưng vẫn phải ngồi cùng với tôi. Cả lớp lại được trận cười nắc nẻ. Còn Thái, cậu ta nhìn tôi với ánh mắt hậm hực kèm thêm câu nói chứa đựng sự ghét bỏ:

“Người gì hôi thế không biết?”

Tôi nghe rất rõ, nhưng vẫn cố gắng tỏ ra như chưa nghe thấy gì.

Về đến nhà, tôi đóng sầm cửa lại, ôm mặt khóc nức nở.

Tôi nhớ năm lớp sáu, khi bắt đầu đến tuổi dậy thì thì cơ thể tôi bắt đầu có mùi hôi khó chịu, một ngày tắm nhiều lần thế nào cũng không hết. Lúc ấy, tôi mới nhận ra mình bị hôi nách di truyền từ ba.

Ở tuổi mới lớn, bạn bè vẫn còn vô tư vui vẻ với biết bao trò nghịch ngợm thì tôi lại mang một nỗi buồn thầm kín. Căn bệnh đó đã khiến tôi chẳng có lấy một người bạn để tâm sự. Có lẽ khi ấy, mọi người vẫn còn quá trẻ con để hiểu được thế nào là châm biếm vào điểm yếu của người khác. Chưa thể hiểu được rằng thay vì những lời lẽ sát muối vào trái tim, tại sao chúng ta không thể để lại cho thanh xuân của đối phương những ngày tháng tốt đẹp.

Lên cấp ba, tôi càng cảm thấy mình bị cô lập. Môi trường mới khiến tôi không thể hòa nhập được với mọi người, mỗi lần đến trường đều vô cùng căng thẳng. Đôi khi, một nhóm bạn nào đó hét lên những trận cười khoái chí là tôi cũng nghĩ rằng họ đang nói về mình.

Tôi đã khóc rất nhiều vì nghĩ rằng bản thân quá khác biệt so với các bạn cùng trang lứa.

Hằng ngày đi học tôi đều phải mang kèm thêm một chiếc áo đồng phục để giữa buổi còn thay, nhưng mùa hè nắng nóng mồ hôi ra nhiều nên cũng không đỡ mùi là mấy.

Tôi nhớ năm ngoái trong ngày sinh nhật của mình, bạn bè trong lớp đã tặng tôi một lọ lăn nách kèm theo lời chúc “Tuổi mới chúc Thảo hết hôi nách nhé”.

Tôi vô cùng xấu hổ, thậm chí lúc đó tôi đã từng nghĩ rằng: “Hay là mình chết quách đi cho xong”.

Cho đến một ngày, mùa hạ đối với tôi không phải lúc nào cũng buồn, không phải lúc nào cũng chỉ có tủi hờn và tồi tệ. Khi cậu ấy xuất hiện, giống như những tia nắng, rải xuống đất trời những hơi thở ấm áp lạ thường. Cậu ấy tên là Dương.

Tôi gặp Dương trong một lần cùng ngồi đợi xe bus. Đó là buổi tối thứ năm, sau khi học thêm môn vẽ tận trên huyện thì tôi ra bến bắt xe về. Lúc ấy chỉ độ gần chín giờ tối, xe rất đông, mà tôi thì ngại mùi hôi cơ thể nên lần nào cũng đợi chuyến cuối vắng vẻ mới về.

Còn cậu, sau này nghe cậu kể tôi mới biết, cậu ở trên huyện, một tuần về thăm bà một lần.

Hôm ấy, chúng tôi cùng bỏ lỡ chuyến xe bus cuối cùng.

Con đường trên huyện lát xi măng bằng phẳng, ít bóng cây, chỉ toàn những ngôi nhà cao tầng cùng đèn điện sáng lấp lánh. Không giống con đường đất đỏ phủ bụi mịt mù như ở làng tôi, lại tăm tối, cây xanh cao chót vót hai bên đường.

Ban ngày, cây đem bóng râm là thế. Chứ vào ban đêm, cây che hết cả đoạn đường, không gian vốn bị bao phủ bởi màn đêm, nay còn chút ánh trăng cũng bị cây xanh che mất.

Tôi rất sợ, dáng cậu thì đi rất nhanh, tôi vội bước rộng hơn, thật may là chúng tôi cùng hướng.

Dưới ánh trăng sáng phản chiếu hai cái bóng một thấp một cao, lâu rồi tôi mới có cảm giác vui vẻ như vậy mà nhìn chúng chăm chú.

Cho đến khi chiếc bóng phía trước chẳng còn di chuyển, tôi cũng đứng sững lại, bắt gặp ánh mắt “khó hiểu” của cậu, cảm giác ngại ngùng khiến mặt tôi nóng ran, đôi tay vội vàng bám chặt vào vạt áo.

Tôi vẫn nhớ như in buổi tối ngày hôm đó, đôi mắt một mí của cậu khẽ nhìn tôi, vầng trán cậu cao, trông vừa thông minh vừa có chút bướng. Thấy dáng vẻ luống cuống của tôi, cậu bước lại gần, khẽ nói:

“Nhà cậu ở đâu?”

Tôi cúi gằm mặt, có lẽ trông tôi lúc này chẳng khác gì con ngốc vì nghĩ rằng cậu có ý đồ gì với mình.

Cậu ấy chỉ tay về phía ngã ba đường, dịu dàng hỏi tôi một lần nữa:

“Nhà cậu rẽ hướng nào, tôi đưa cậu về”

Giọng cậu thật trầm, hơi thở khẽ chạm vào da mặt tôi thật ấm. Nhưng trái tim tôi còn cảm thấy ấm áp hơn, đã lâu rồi kể từ ngày tôi mắc căn bệnh đó thì chưa có ai đối xử với tôi cân cần đến vậy.

Sau hôm đó, tôi và cậu đều gặp nhau vào thứ năm hàng tuần. Chúng tôi đợi nhau ở bến xe bus rồi cùng nhau đi bộ về. Con đường về nhà xa xôi là thế, nhưng câu chuyện chúng tôi kể cho nhau mãi chẳng có điểm dừng. Cho đến khi đưa tôi về đến tận nhà, cậu đứng đó lặng lẽ nghe nốt câu chuyện tôi kể còn dang dở, sau khi kết thúc mới lưu luyến rời đi.

Hôm nay, tôi phụ mẹ phơi thóc nên đi học muộn hơn mọi ngày.

Vừa bước vào lớp học, cô bạn ngồi phía dưới tôi lập tức lấy tay bịt mũi, nôn ọe mẩu bánh mì trong miệng vừa cắn dở. Cả lớp liền nhao nhao cười cợt, riêng Thái, cậu ta càng tỏ ra khoái chí, đập bàn bôm bốp, nói:

“Này Hôi Nách, cậu có người yêu chưa. Tớ có ông anh họ, cũng được lắm”

“Anh cậu cũng hôi nách à?” – Cô bạn ngồi dưới tò mò.

“Không, mũi anh ấy bị điếc”

Một trận cười đùa lại diễn ra.

Tai tôi như ù đi, cảm giác ở má và hai tai đã nóng bừng, đỏ ửng. Đó là lần đầu tiên tôi không kiềm chế được mà rơi từng giọt nước mắt, trên bàn quyển sách trang số một trăm mười chín đã ướt gần hết gần nửa trang.

Thứ năm vốn là ngày tôi mong đợi nhất cả tuần, vậy mà cũng có một ngày nó giống như bao ngày khác, chỉ toàn là sự tồi tệ.

Tối đó, trên con đường trở về nhà, tôi hỏi Dương:

“Cậu thấy tớ thế nào?”

Dương khẽ ho nhẹ, ngại ngùng nói:

“Tớ chưa quen ai nói nhiều như cậu cả”

Tôi nhoẻn miệng cười: “Chỉ với cậu thôi”

Lúc ấy, tôi tự hỏi rằng nếu cậu biết tôi bị bệnh, biết tôi trên lớp bị các bạn bắt nạt, liệu cậu có còn muốn nói chuyện cùng tôi không?

Rất nhanh sau đó tôi đã có câu trả lời.

Tối ấy, ve kêu râm ran như tiếng chúng cùng đám bạn cất tiếng hát đồng ca. Làn gió kéo về thổi những tán lá khẽ rung rinh trên ngọn cây cao vút. Tôi lặng lẽ chìm đắm trong câu chuyện của Dương và chú chó Pub, nhưng một giọng nói khá quen thuộc đã phá vỡ một buổi tối tươi đẹp.

“Anh Dương… anh Dương ơi, sao anh không đi xe bus, bà đợi lâu quá, bảo em ra đón anh”

Tiếng ai đó đi xe đạp vọng lại từ đằng xa, mặc dù bị bóng tối bao phủ nhưng tôi nhìn dáng người còi còi cùng chiếc áo đồng phục của trường khiến tôi nhận ra đó là Thái. Cậu ta cũng rất ngạc nhiên khi thấy tôi.

“Ơ, Hôi Nách, đi đâu đấy, quen anh Dương à?”

Tai tôi như ù đi, cảm giác xấu hổ tột cùng khiến tôi vỡ oà. Tôi vừa khóc vừa chạy một mạch, mặc kệ tiếng ai đó gọi lại từ phía sau.

Vậy là sau tất cả, người bạn duy nhất của tôi cũng biết hết mọi chuyện. Liệu cậu ấy sẽ thế nào, sẽ nghĩ gì về tôi? Liệu cậu còn muốn làm bạn với tôi không? Còn muốn cùng tôi dạo bước trên con đường quen thuộc vào thứ năm mỗi tuần?

Về đến nhà, bố mẹ cùng Út đang xem tivi đợi tôi đi học về như mọi hôm. Thấy mắt tôi đỏ, mẹ giữ tay tôi lại, gặng hỏi:

“Con sao đấy Thảo, ai làm con khóc?”

Tôi cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể, khẽ lắc đầu như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng câu nói của Út đã khiến mọi uất ức của tôi vỡ oà:

“Eo, sao người chị Thảo còn mùi hơn ba nữa”

Ba tôi vội bịt chặt mồm Út lại, nhưng những gì cần nghe tôi đều nghe hết rồi. Đến người nhà còn nói vậy thì người ngoài còn thế nào đây.

Tôi ước mình có thể mạnh mẽ hơn, nhưng thực tế lúc đó tôi chỉ biết khóc nấc lên thành tiếng. Bao nhiêu tủi hờn, bao nhiêu buồn bực tôi đổ hết lên ba:

“Tại ba cả đấy, tại ba mà đời con ra nông nỗi vậy. Tại sao con không giống mẹ mà lại giống ba?”

Nói rồi, tôi quay về phòng. Đóng chặt cửa, khóc một mình.

Tôi mệt mỏi nghỉ luôn hai buổi học cuối tuần, nghĩ ngợi nhiều đến mức gầy cả đi.

Tối thứ bảy, mẹ nhận được cuộc gọi từ cô giáo chủ nhiệm mới biết tôi hai ngày liền không đến lớp. Vì bình thường ba mẹ đều sớm tối vất vả, lúc về đến nhà thì chị em tôi đã dọn sẵn cơm canh.

Mẹ hỏi lý do nhưng tôi bướng bỉnh không trả lời, mẹ liền cầm roi mây vụt liên tiếp vào bắp chân tôi. Vừa đánh mẹ vừa khóc:

“Mẹ nắng mưa vất vả kiếm tiền cho mày ăn học mà mày cư xử như thế này hả Thảo? Mày muốn giết mẹ hay gì? Nhìn đời mẹ không học hành khổ cực thế nào mày không thấy hay sao? Hả? ”

Từng câu từng chữ mẹ nói ra là một lần roi mây hạ xuống, in hằn lên chân tôi những vết xước đỏ, tím bầm.

Trong căn phòng nhỏ, tôi ngồi trên giường, nhìn ba nhẹ nhàng giúp tôi xử lý vết thương. Ba không hỏi tôi lý do, chỉ kể cho tôi nghe một câu chuyện:

“Ngày xưa lúc đi học, vì bị hôi nách nên ba chẳng có ai chơi cùng”

Tôi ngạc nhiên, ba liền kể tiếp:

“Lúc đầu, ba cố giả vờ không nghe thấy những lời trêu chọc, nếu bị nói trước mặt cũng chỉ biết gượng cười cho qua. Nhưng rồi một ngày, ba không nhịn nữa”

Tôi tò mò: “Vậy ba làm gì ạ?”

Ba chỉ vào vết sẹo dài dưới cánh tay, nói:

“Đây này, những vết thương do đánh nhau, đánh không lại ba cũng đánh. Ngày ấy ông nội suốt ngày phải lên trường xin lỗi cô giáo, nhưng ông lúc nào cũng động viên ba đừng để ai bắt nạt mình”

Tiếng ba nhẹ nhàng, dịu êm như lời thì thầm của gió giữa màn đêm yên tĩnh. Tấm lưng ba gầy, đôi bàn tay phụ hồ bị nấm do trộn vữa với xi măng. Tôi khẽ dựa vào vai ba, có lẽ những gì ba muốn nói tôi đều đã hiểu.

Sáng thứ hai, tôi đi học bình thường trở lại.

Đến lớp, tôi cảm giác bầu không khí có chút khác ngày thường. Nhất là Thái, cậu ta đột nhiên đứng dậy, hét lên một tiếng:

“Chúng mày nghe đây, giờ đứa nào mà còn nói xấu hôi … à Thảo, thì đừng trách tao đó”

Nói rồi, cậu ta hậm hực mở sách vở, còn vô duyên vô cớ mắng tôi.

“Nhìn cái gì?”

“…?...”

Tôi không thèm đôi co với cậu ta, mở sách vở ra học bài.

Tuần đó tôi không đi học mỹ thuật. Có lẽ tôi sợ rằng bóng lưng quen thuộc chờ tôi mỗi tối thứ năm không còn đó nữa.

Hôm sau, tôi đến lớp trong trạng thái vô cùng mệt mỏi, vừa học vừa ngủ gật vì đêm qua suy nghĩ về Dương quá nhiều, tôi gần như đã thức trắng cả đêm.

Khi tan học, tôi vội vàng ra về, và… thấy bóng dáng người làm tôi mất ngủ đang chờ tôi trước cổng.

“….”

“…”

“Hôm qua tớ đã chờ cậu đến gần 11h đêm” – Dương mở lời.

“...”

“Tớ thậm chí nghỉ học sáng nay, chỉ để gặp cậu một lát”

“...”

“Cậu có muốn nói gì với tớ không?”

Tôi khẽ lắc đầu. Xong, liền lấy hết dũng cảm, buồn bã nói:

“Cậu làm bạn tớ, là bởi mũi cậu không ngửi thấy gì, đúng không..?”

“Có thể, nhưng hiện tại tớ muốn làm bạn với cậu.”

“…”

“Ba mẹ tớ ở nước ngoài, tớ sống một mình nên cuối tuần thường về thăm bà và gia đình chú ở quê. Nhưng một lần tình cờ gặp cậu vào thứ năm, tớ đã đổi lịch học thêm toán để có thể nhìn thấy cậu hàng tuần. Chỉ để cùng cậu đi một đoạn đường, rồi sáng sớm hôm sau bắt xe về nhà cho kịp giờ tớ lớp…”

Cái nắng hè giữa trưa, có lẽ chẳng còn gì gắt gỏng hơn nữa. Mồ hôi trên chán Dương chảy ròng ròng, gương mặt cậu ửng đỏ, có lẽ cậu đã đợi tôi rất lâu.

Tôi dường như thấy mùa hè này giống như mùa hè trong sách vở, trước sân trường ngập tràn cánh phượng đỏ khẽ vươn mình đón những ngọn gió tung bay. Không chỉ tiếng ve mà chim ca cũng hòa mình cất tiếng hót trong trẻo. Thì ra mùa hè luôn bừng sức sống đến vậy, chỉ là do trước kia tôi cảm nhận không tốt về nó vậy thôi.

Thời gian thấm thoát trôi đi, đến khi tôi ngoảnh lại nhìn về những ngày tháng cũ thì không còn là một cô nhóc học cấp ba nữa.

Nhớ ngày nào tôi còn tự ti và khép mình với những suy nghĩ tiêu cực về căn bệnh “rau mùi” ấy, thật cảm ơn ba và Dương đã luôn bên cạnh cùng tôi vượt qua những mặc cảm của bản thân.

Cũng cảm ơn Thái, dù ban đầu cậu ta vì bộ mô hình Roronoa Zoro bản giới hạn mà đồng ý với Dương ở lớp bảo vệ tôi. Nhưng dần dần tôi cảm nhận được Thái quan tâm mình từ chính cảm xúc của cậu ấy. Gần ba năm học, cho dù cô giáo có đổi chỗ thế nào Thái vẫn một mực đòi ngồi cạnh tôi. Có lúc, tôi đùa cậu ấy rằng:

“Nghiện ngửi mùi hôi nách hả?”

Là y như rằng mặt cậu ta tái mét, sau đó đôi lông mày dần trở nên cau có, sẽ quát vào mặt tôi rằng:

“Điên hả? Muốn ăn đòn phải không?”

Tôi không những không sợ, mà còn đắc chí dơ cánh tay lên. Cậu ta thấy vậy liền chạy mất dép. Tôi được bữa ôm bụng cười nắc nẻ.

Nghĩ lại, tôi mới hiểu tại sao mùa hè được ví như mùa chia xa, xa trường, bạn bè, thầy cô, và rời xa một bầu trời kỷ niệm.

Mùa hè tự nhiên buồn đến vậy, tôi không còn cảm thấy ghét nữa, thấy nuối tiếc nhiều hơn.

Cuối tháng bảy, nắng vẫn gay gắt và bầu trời vẫn trong xanh. Nhưng tháng bảy còn mang theo những cơn mưa ngâu buồn dai dẳng. Tôi ngồi bên cửa sổ, lặng nhìn những hạt mưa rơi tí tách, chúng rớt xuống từ mái nhà, sau đó chạm nhẹ vào tay tôi. Những hạt mưa mát lạnh, long lanh như phản chiếu ánh mắt tôi trong đó. Bỗng tôi giật mình, bởi tiếng chuông điện thoại, lời bài hát True Friends tôi cài riêng dành cho Dương. Mặc dù chỉ là âm báo tin nhắn, nhưng tôi thích vậy.

“Thảo ơi, có điểm chuẩn rồi x_x” - Dương nhắn tin.

Tôi vội vàng mở máy tính, sau khi điền số báo danh, tôi hít sâu một hơi, rồi ấn nút Enter thật mạnh.

Cảm xúc như vỡ òa, và tôi muốn khoe điều tuyệt vời ấy với người bạn thân nhất của tôi.

“Tớ đỗ rồi, còn cậu? >O<”

“Hẹn gặp cậu vào một ngày Hà Nội đầy nắng...”

Tôi vui sướng, liên tục nhảy nhót trên chiếc đệm lò xo, cười khúc khích một mình giữa khung trời còn chút dư vị ẩm ướt.

Lúc này, cơn mưa rả rích ngoài kia cũng tan biến, để lại chút nắng vàng hong khô những giọt nước còn đọng lại. Tôi tự hỏi rằng không biết cái nắng Hà Nội có khác biệt gì không?

Tôi ôm chiếc gối ôm vào lòng, tự nhủ: “Chỉ cần nơi đó có Dương, chắc chắn sẽ là một mùa hè thật tuyệt.”
 

Đính kèm

  • 1.png
    1.png
    164.9 KB · Lượt xem: 941
336
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top