Dự thi Thưởng trà - Thanh Triệt

Dự thi Thưởng trà - Thanh Triệt

Trong căn nhà cấp bốn nằm gần cuối tấm làng bao phủ giữa mướt mát cánh đồi xanh, lúc tiếng gà còn chưa phá hỏng sự thanh bình vốn có của sớm hồng, từ bên gian trái cất lên một ngọn sáng le lói quyện cùng làn khói hương mỏng manh tỏa ra nghi ngút cả một vùng đất. Thằng Tường lại bắt đầu cái thú vui thường nhật của nó đấy. Nay tiết trời đã vào độ nửa đông, ngày bao nhiêu ấy nhỉ? Nó cũng chẳng rõ lắm, chỉ biết rằng ngày nào cũng như ngày nào, từ khi sương sớm còn đậu trên xơ xác những cành khô run lẩy bẩy vì cái rét cắt da cắt thịt thì hai cặp mắt long lanh đã sẵn sàng chào đón một ngày mới với một thói quen đã trở thành nghi thức không thể nào quên được.

Tường đã súc miệng rửa mặt xong xuôi, nhưng còn chưa vội thưởng thức chút ít khoai lang đã được hâm nóng trong chiếc nồi nhọ đen đặt dưới bếp. Nó kiễng chân bước qua mấy bậc tam cấp chừng như cố ý không muốn làm phiền đến “song thân” đang còn say giấc cũng như cắt đứt tiếng ngáy o o đến khó chịu của cụ ông tám mươi xuân; khéo léo lách qua những chum vại đựng đầy nước mưa, nó múc sâu một gáo dừa rồi vội vàng chuyển bước sang gian nhà bên cạnh. Đã quá quen thuộc với những vật dụng hay dùng, trước tiên trải tấm chiếu cói cạp điều ra rồi thì bao nhiêu những trà cụ sắp xếp và phân loại gọn gàng thấy rõ. Trước kia nó thấy cha nó hay dùng trà và cả điếu thuốc lào cuối góc gian nhà kia nữa, nhưng chịu thôi, rít phì phèo, gớm quá, mà có khi bị ai bắt gặp thì còn phải lãnh ngót mấy roi tre vào mông nữa là đằng khác. Từ khi cái sạp bán hàng của bà cụ Tám đầu làng bị mua lại và mọc lên một tòa nhà khá to con thì ông Liên đã chuyển sang nghiện thứ nước đắng ngắt màu đen sì (ông bảo là “cà phê”), thành ra bộ trà và điếu thuốc bị lãng quên hết cả. Cũng may mà dạo gần đây không biết nó học đòi theo đâu mà lôi bộ đồ cũ ra dùng, chứ cứ như điếu thuốc thì lại nằm vất vưởng ở xó xỉnh nào chẳng ai thèm quan tâm, có khi lúc dọn nhà hai ông bà lẩm cẩm lại đem đi bán đồng nát luôn ấy chứ.

Thằng Tường sau khi ra sức mày mò thì bắt đầu cất gọn trà cụ lại vào tủ kính rồi vội vàng phóng như bay qua gian bếp húp vội bát cháo cho kịp giờ đi học. Lẩn tha lẩn thẩn cả buổi trời, mệ nó hỏi làm gì mà nó không nói, cứ thế cắp sách cùng mấy đứa trẻ trong làng cuốc bộ đến ngôi trường trên tận thị trấn. Con đường đất dẫn lên thị trấn từ khi vỡ lòng nó đã đi ngót nghét được gần mười năm, gắn bó với biết bao kỉ niệm tuổi thơ bé tung tăng vui đùa, bây giờ trên tỉnh ủy đang triển khai chiến dịch nông thôn mới cho nên mấy tháng trước đã kéo ồ ạt một đoàn xe về luôn một mạch. Bước trên nền đường xa lạ nó thấy lòng bàn chân mình buôn buốt, bê tông sở dĩ thấm nhiệt thì mau mà thải nhiệt thì chậm, có nhiều khi mùa hè dù đã lót một lớp dép cao su mà vẫn cảm thấy như bước trên chảo lửa. Hàng cây xanh ven đường lúc xưa còn phong phú nào bạch đàn nào bụi chuối mọc đan xen tỏa bóng mát, giờ họ chặt phăng, thay vào đó là những bông hoa tiều tụy trong gió lạnh và vài gốc cây hoa sữa gầy guộc đến đáng thương. Chẳng có gì phải lưu luyến, nó bỏ hắn cái thói quen vừa đi ngông nghênh ngắm cảnh, chỉ cúi đầu hoặc thỉnh thoảng quay sang tám chuyện cùng đám bạn, hai tay đút vào túi chiếc áo dân quân rộng thùng thình mượn được của ông mà nhanh bước đến trường.

Nắng chiều uể oải trườn qua khóm tre đầu ngõ, chẳng mấy chốc đã khuất bóng phía chân đồi xa xa; ánh hồng vẫn còn lưu ở đó, loang lổ cả một góc trời. Bên trong bốn bức tường mọc đầy rêu phong nhuốm cái vẻ bình đạm của thời gian trôi qua lâu lắm, mùn cưa với vỏ trấu bay tứ tung, thằng Tường sặc sụa khói bếp, mắt nó cay xè đến mức phải vục mặt ngoài chậu nước cho dịu đi sắc đỏ hâm hẩm. Nắng tắt dần, trời nhá nhem tối, đàn gà lũ lượt chạy từ ngoài bụi chuối tiêu vào chuồng cao ở sân sau đi ngủ. Một lúc sau khi đã tráng bát đũa cùng ít lát chanh, từ ngoài cổng lớn tiếng chó sủa nhốn nháo cả lên. Tiếng gọi í ới của thằng Sơn hàng xóm làm con Út giật mình tỉnh giấc, bắt đầu òa khóc quấy mệ, bà Liên phải bỏ dở chỗ bột quế còn chưa được rây mịn lại dỗ dành con bé.

- Mi có be bé cái mồm không? Muốn bị ăn đòn thì tự về nhà mà lãnh đủ, đừng có lôi tau vô.

- Thôi, xin lỗi, tau mô biết - mặt thằng Sơn phụng phịu - Khiếp Út hắn ngủ sớm thật đấy. Mà chuyện hồi sáng mi nói với tau ấy, tối ni ở địa điểm cũ đúng không?

- Ừ mi cứ ra trước đi, tau còn mắc chút việc, một tí nữa sẽ theo sau liền.

Sơn gật đầu rồi hướng về phía ngọn đồi bên kia sông mà rảo bước. Tường chạy vào gian nhà bên trái gói ghém vật dụng cần thiết vào bao bị, giữa mỗi cái lại cố ý lót dày thêm hai lớp vải; tay nó vươn sâu trong tủ với vào chiếc hộp nhôm vuông vức, bốc một nhúm trà mạn cũ ướp sẵn trong cánh sen rồi rón rén đặt khuất sau bóng cây xoài cạnh cổng. Nó đi lại vào nhà, nhưng với dáng vẻ khép nép hơn.

- Mệ cho con ra ngoài với bạn nhé mệ.

- Mi đã học bài chưa?

- Con học từ hồi chiều rồi mệ ạ.

- Nói láo. Cả chiều mi dắt trâu đi đồng, về nhà thì tắm rửa thổi cơm mệ có thấy mi động đến tí chữ chi mô?

- Con tranh thủ lúc trâu nó gặm cỏ đó mệ. Mệ cho con đi đi mà.

- Không được.

Bà Liên nhăn nhó và nhất quyết không cho thằng Tường rời khỏi nhà nửa bước. Nhưng sau một lúc nài nỉ thêm với lời hứa mai sẽ giúp mệ trông em, phần cũng vì không muốn lỡ mấy cái ngáp ngắn ngáp dài của con Út nên bà gật đầu đại. Chỉ chờ có thế, thằng Tường vui sướng lao ra ngõ, suốt một mạch đường không thèm nghỉ chân. Đồi xanh đã ngủ, cả một vùng dưới chân sương trắng vờn mây trong sắc đêm ảm đạm. Trên cao trăng tỏa sáng vằng vặc, ánh trăng tràn trề trên cành liễu rồi đổ xuống một khuôn hình loang loáng sắc vàng dưới lòng con sông Trà. Thằng Tường hẫng đi vài bước chân trên dịp cầu bắc ngang nối hai bên tả ngạn. Cảnh đêm sao mà đẹp quá…

Sơn đã đến chờ từ lâu, nó đứng ở bờ bên kia giơ hai tay vẫy vẫy. Trăng đủ sáng để Tường có thể nhận thấy bạn nó đang làm gì; bước chân ngày càng dồn dập nhanh hơn rồi cả hai dẫn nhau lên đến đỉnh đồi, trải chiếu giữa một khoảnh đất khá rộng. Như có vạch kẻ định sẵn, trong khoảnh đất đó tuyệt nhiên không có một gốc cây nào dám bén mảng, chỉ có dát lên những tầng thông rụng từ hôm qua; nhưng như thế càng tốt.

- Mi đi xuống kia múc cho tao một gáo nước.

Sơn hớt hải xách chiếc gáo dừa xuống bờ sông, chọn lấy chỗ nước trong nhất mà hớt trên bề mặt. Đến khi trở lại, Tường đã châm sẵn chiếc hỏa lò đất, đổ nước vào rồi đặt chiếc ấm đồng lên, tuy ngọn lửa hay liêu xiêu bởi những lần gió bấc nhưng chỉ cần phe phẩy chiếc quạt mo cau thì lại bùng sáng lên đôi chút. Than nổ lách tách khơi ra bao nhiêu tàn lửa vung vãi trong chiều không gian, như ai đang vẽ những nét cam vàng nguệch ngoạc trên nền trời sao lấp lánh. Sơn trố mắt nhìn từng động tác thuần thục của Tường, nhiều khi nó cũng quên mất rằng bạn nó cũng chỉ mới là một thiếu niên mười bốn tuổi thôi. Nước thì đã sôi già lắm rồi, nó tru tréo lên như đang cầu xin người chủ mau chóng chuyển kiếp cho nó thành một thứ thanh nhã hơn. Tường ngừng tay quạt, ngọn lửa nhanh chóng lịm đi vì hơi lạnh. Dòng nước nóng phả hơi nghi ngút được dốc sang chiếc ấm đối ẩm Bạch Định con con, nhúm trà mềm oải ra. Nó nhẹ nhàng tráng trà điêu luyện như một nghệ nhân đã chơi nghề lâu lắm; chiếc tống sứ kia nhanh chóng nhuộm một màu vàng thanh tao, rồi hết thảy hai chén quân xếp san sát nhau trên khay được đổ đầy bởi cái lối chuyên “Hàn Tín điểm quân” mà nó thấy cha nó biểu diễn trước đông đủ quan khách hồi nhỏ. Bầu không khí ấm ran, người nó cũng ấm ran.

https://pin.it/CrZQbm8


- Đây, uống nhanh kẻo nguội - thằng Tường chỉ tay.

Sơn ồ lên mấy tiếng kinh ngạc.

- Răng? Để tau làm mẫu trước cho nhá. Nhìn kĩ vô. È hèm…

Tường làm ra điệu bộ vuốt râu, cái biểu cảm bắt chước già cỗi trên gương mặt non nớt kia thật buồn cười. Nó ngồi theo kiểu xếp gối, hai tay kính cẩn nhấc chén lên, mắt nhắm tít, đây không phải lần đầu nó thử dùng nhưng cũng cố làm sao để “đứa học trò kia” tiếp thu trọn vẹn nhất có thể. Giọt trà đi qua lưỡi, đắng; chảy xuống họng, đã ngọt dần; nhấp một ngụm trà, miệng mũi tức khắc tràn ngập hương thơm. Nó lại làm vẻ vuốt râu, vừa bập bẹ ngâm hai câu thơ cổ đã được phiên âm ra Quốc ngữ vừa ngoay ngoáy cái đầu:

- “Hàn dạ khách lai trà đương tửửu

Trực lô thang phí hỏa sơ hồồồngg.”

- Nghĩa là chi?

- Nghĩa là: “Đêm lạnh khách thăm trà thay rượu

Bếp lò đun nước lửa đang hồng.”

- Ừ hay đó, nhưng mà làm chi có khách mô ở đây?

- Thì tau pha trà tau là chủ nhà, mi uống trà nỏ phải là khách thì là chi?

- Ừ hệ. - Thằng Sơn cười ngây ngô.

- Hay mình uống thêm một tuần trà nữa nha?

- Được đó!

Hỏa lò trống trải lại được đặt lên một chiếc ấm đồng với lần nước khác. Trong canh khuya thanh vắng, leo lét ánh đèn dầu chập chờn trong gió lạnh cùng than hồng nổ lép bép. Tường duỗi thẳng chân cho đỡ mỏi, trong khi mũi thỏa sức hít hà hương sen nồng đượm tỏa ra từ gói trà - gói trà lưu giữ cả mùa hè, thì vẫn để mặc cho đôi tai thu lấy những tiếng nỉ non déo dắt của ấm nước sắp sôi. Cảnh tình làm cho đầu óc nó trở nên khoan khoái dễ chịu, hai con mắt đen lay láy đưa đẩy theo những mộng mơ mà tàn lửa tiếp tục tô vẽ. Trên bầu trời đêm thăm thẳm, loe lóe ánh sao Thiên Lang lan cái tia sáng chói lòa khắp cả một vùng mây bay phủ kín. Có một cái gì đó đã được thắp lên, đã được nảy sinh trong chính tâm hồn của hai thiếu niên còn xanh tóc, tuy cổ xưa nhưng không cổ hủ, nhỏ bé mà không bao giờ lụi tàn…

Thưởng trà… đó sao?
_____________________________
Cuộc thi "Chuyện của mùa đông".
Truyện dự thi: Thưởng trà.
Tác giả: Thanh Triệt.
 
417
5
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top