Chia Sẻ Thương về miền Trung

Chia Sẻ Thương về miền Trung

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG !


“Xót thương khúc ruột miền Trung

Người dân phải chịu tột cùng khổ đau

Con đường quốc lộ ngập sâu

Lữ hành ách tắc cả tàu, cả xe.


Từ miền núi đến thôn quê

Xóm làng trong cảnh tứ bề nát tan

Trời mưa nước lũ ngập tràn

Cuốn phăng tất cả...lòng tan nát lòng.”

Năm nào cũng vậy, khi Sài Gòn chói chang ánh nắng, Hà Nội lãng đãng tiết thu thì Miền Trung lại phấp phỏng trong bão lũ. Cứ hễ nhắc tới miền Trung, mỗi người Việt Nam có thể mường tượng ngay ra trong đầu những vùng đất của thiên tai triền miên. Miền đất, nơi mà từ tấm bé cho tới khi lìa đời dường như đều gắn với con chữ nghèo và sớm sương mưa nắng lận đận mưu sinh.

Đã bao lần miền Trung oằn mình trong những cơn bão dữ cũng là từng ấy lần lặng chìm dưới dòng nước lũ khốc liệt. Đã bao đời cong mình chống chọi trước cái nắng khét lẹt, hanh rát của gió Lào cũng là bấy nhiêu năm nơi đây héo hon, trụi lùi.

“Đôi lưng gầy yếu” ấy là điểm tựa của cả gia đình, là nơi gánh nặng nhiều đợt bão lũ thiên tai, là nơi nắng khô hạn mùa hè, là mưa to gió lớn bão lũ vào mùa đông. Sức nặng của thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất bát, cái nóng lạnh, đói nghèo, cơ cực mà tấm lưng miền Trung hết năm này qua năm khác cong oằn để đỡ cho “người phụ nữ đội nón lá Việt Nam”. Thương lắm đôi lưng trần miền Trung.

Miền Tây, dù cái nghèo vẫn còn, nhưng khí trời thuận lòng người, đói thì cũng có rau, cá, cây trái đầy vườn. Người miền Trung nếu không biết dành dụm, chắt chiu, gom góp thì chỉ cần một lần càn quét của bão, cả nhà hàng chục miệng ăn phải nhịn đói, chịu rét, chia sẻ nhau từng miếng cơm, manh áo nhỏ.

Khổ nỗi, người dân quê nghèo làm lụng, tiền gom góp được thường họ không có thói quen đi gửi ngân hàng, ngân hàng với người miền quê nó sang, xa và lạ lắm. Người dân quê dành dụm được chút ít của ăn của để, lại đem mua heo, mua gà vịt, trâu bò thả đầy trong vườn để nuôi, đó là tài sản quý giá nhất. Họ thường ngày nhìn heo, gà, trâu bò sinh sôi nảy nở, lớn lên, họ lại vui, lại mừng, lại lạc quan về một tương lai tươi sáng.

Bi kịch của họ nằm ở chỗ những tài sản gom góp được quy đổi thành trâu bò, heo, gà chỉ sau một đợt bão lũ kế tiếp lại chết sạch. Mỗi đợt bão lũ đi qua không thiếu hình ảnh nhiều gia đình mất trắng ruộng vườn, trâu bò, gà vịt. Nhà cửa tốc mái, xiêu vẹo, đổ nát đã đành, thứ tài sản vốn dĩ đem gửi “ngân hàng” lại tang thương cuốn trôi theo bão lũ. Đó là chưa kể sau mỗi đợt bão lũ, mất mát tài sản chỉ là một phần, mất mát về con người mới là điều đau thương.

Ai có dịp theo dõi những thước phim chiếu về cảnh bão lũ miền Trung, nước ngập tận nóc nhà, nhiều cụ già ngồi chèo queo nhìn ra biển nước, bất lực và tuyệt vọng. Có nhiều em bé cùng một gia đình mất cả cha lẫn mẹ, ngồi túm tụm trong một góc và khóc nức nở. Trong bụng họ nhiều ngày vẫn chưa có cái ăn, và trên người không lấy một chiếc áo khô ấm để giữ nhiệt cho cơ thể.

Đôi lần tôi tự hỏi sức mạnh và niềm tin mãnh liệt nào đã khiến con người miền Trung có thể chống chọi với sự nghiệt ngã của thiên nhiên đến thế?. Tôi đã từng băn khoăn tại sao miền Trung không ghen tị với những ngày êm đềm ở miền Nam và miền Bắc, sao miền Trung không trách than và bỏ mặc cho số phận của mình, số phận phải oằn mình chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Nhưng bây giờ thì tôi đã có câu trả lời cho riêng mình: đó chính là vì miền Trung không đơn độc, đồng bào vẫn ở đây, vẫn bên cạnh miền Trung và dành cho miền Trung những gì yêu quý nhất.

Nếu như cách gọi miền Trung trước đây là sự chia rẽ của thực dân Pháp để nhằm tách biệt nước ta, thì giờ đây, tiếng gọi miền Trung vang lên tha thiết, day dứt và đầy tình yêu thương.
3765

Ảnh sưu tâm: "Con người lênh đênh trôi nổi với dòng đời"

Để mỗi khi tôi hỏi những đứa bạn ở Huế, ở Phú Yên, ở Khánh Hòa của mình rằng quê ở đâu thì chúng sẽ lại tự hào mà cất lên hai tiếng miền Trung – thân thương mà mộc mạc, đầm ấm và giản dị, kiên cường và bất khuất.

Bão lại về. Miền Trung lại sắp phải chịu những trận gió gào thét, những cơn mưa dày nặng trĩu và dòng nước thì cứ chực cuốn trôi đi tất cả mọi thứ. Nhưng hãy cố gắng và mạnh mẽ lên nhé miền Trung thân yêu.


Một miền Trung mà bấy lâu vẫn lặng lẽ hứng chịu nỗi đau cho đất nước. Một miền Trung không được sự ưu ái của thiên nhiên nhưng vẫn luôn mỉm cười, luôn vươn lên số phận. Một miền Trung vẫn đong đầy những hình ảnh chan chứa tình yêu thương dẫu mưa bão thét gào: Một anh thanh niên lao mình giữa dòng nước để cứu hai đứa trẻ đang chới với trong dòng xoáy cuồn cuộn, những gia đình san sẻ cho nhau mấy gói mì tôm pha với nước lũ đục ngàu, những em bé lặng thinh không quấy khóc… Tất cả đã tạo nên một hình ảnh miền Trung mà khi nhắc đến tôi và chúng ta phải cúi đầu ngưỡng mộ.

Bạn ơi, “người với người, sống để yêu nhau”, dẫu có bận rộn, nhưng tôi tin rằng trong mỗi chúng ta vẫn còn đó tình thương và lòng nhân ái, cho chính bản thân mình và cho cuộc sống, đặc biệt là cho những mảnh đời bất hạnh.

Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ, để sẻ chia những nỗi buồn, lau đi những giọt nước mắt, xoa dịu đi những nỗi đau. Để những cơn mưa không còn nhuốm màu xám xịt, để tình thương chan hòa vào dòng nước, để biết rằng cuộc sống vẫn còn có chút ý nghĩa nhân sinh, để miền Trung ruột thịt vươn lên trong kham khổ và thấy lại ánh mặt trời.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi…để gió cuốn đi…

3763

Ảnh sưu tầm: "Nước lũ về tan tát đau thương"

Tác giả: Lê Tuấn
 

Đính kèm

  • photo-6-1510111000878.jpg
    photo-6-1510111000878.jpg
    308 KB · Lượt xem: 23
Từ khóa
con nguoi dòng đời lũ lụt miền trung so phan thương về
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top