tiếng nói tri âm trong "Đàn ghita của Lorca"

tiếng nói tri âm trong "Đàn ghita của Lorca"

May_0305
May_0305
WJvo3yMg.jpg

Ai đó đã từng nói, văn chương thực chất là nhịp cầu nối những tâm hồn. Văn chương quý ở những tiếng đồng vọng tha thiêt, sâu lắng giữa người viết và độc giả, thậm chí giữa những người cũng chung nghiệp nghiên bút với nhau. Đến với địa hạt văn chương Việt Nam, ta bắt gặp ngay tiếng nói tri âm của Thanh Thảo dành cho Lorca qua tác phẩm 'Đàn ghita của Lorca" - một trong những thi phẩm xuất sắc của văn học thời kì văn học đổi mới.

Nối tiếp tiếng nói tri âm vượt biên giới và thời gian của Tố Hữu với Nguyễn Du, Thanh Thảo - một nhà thơ của thời kì đổi mới cũng bày tỏ niềm đồng cảm sâu sắc với thi hào người Tây Ban Nha Garcia Lorca. Thanh Thảo từng tâm sự rằng ông rất ngưỡng mộ Lorca, rằng cuộc đời và sáng tác của người nghệ sĩ tài năng này đã gây cho ông nhiều xúc cảm và ấn tượng. Bởi vậy, "Đàn ghita của Lorca" chính là tiếng nói tri âm mà Thanh Thảo cất lên để ngưỡng vọng, tưởng nhớ về người nghệ sĩ thiên tài của Tây Ban Nha và nhân loại.
Nhà thơ tri âm sâu sắc với ước nguyện của Lorca khi ông rút một câu thơ trong bài "Ghi nhớ" của đại thi hào làm lời đề từ: "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn". Đó là sự tôn vinh đối với người nghệ sĩ đã tạo dựng một thành trì nghệ thuật cho Tây Ban Nha, cũng là người mong muốn tiêu hủy đi những sáng tác của mình để mở đường cho thế hệ sau - một khát khao cao thượng, đáng khâm phục.

Hiểu về cuộc đời Lorca, Thanh Thảo ngưỡng vọng chân dung và bản lĩnh người - thơ của nghệ sĩ thiên tài. Ông là một chiến sĩ của tự do và cái đẹp, một nghệ sĩ du ca lãng tử hào hoa với tâm hồn phóng khoáng, có khao khát cách tân nghệ thuật và bảo vệ cho chế độ dân chủ. Song, người nghệ - chiến sĩ ấy lại rất cô đơn:

Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Lila lila lila

Đi lang thang về miền đơn độc

Với vầng trăng chếnh choáng

Trên yên ngựa mỏi mòn.

Câu thơ đã mở ra một không gian Tây Ban Nha tuyệt đẹp với những giá trị truyền thống. Đó là màu đỏ gắt của lễ hội bò tót, là âm thanh lila lila quen thuộc của nhạc cụ dân gian - đàn ghita. Nhưng lời thơ cũng đồng thời gợi ra sự vắng vẻ, gay gắt của tình hình chiến sự của các chế độ đối lập nhau nơi mảnh đất quen thuộc này. Và trên cái nền cảnh ấy, Lorca xuất hiện đầy hiên ngang với lý tưởng cao đẹp nhưng cũng cô độc vô cùng. Từ giai điệu lila lila, dường như ta thấy Lorca đang ôm cây đàn để chơi những khúc đàn tự do mà ông hằng mong muốn thực hiện. Đó là đem nghệ thuật để đấu tranh cho lẽ phải, cho sự tự do của dân tộc. Nhưng ba câu thơ sau phần nhiều là các từ láy gợi tả trạng thái lẻ loi, một mình và mỏi mệt rệu rã: lang thang, đơn độc, chếnh choáng,... làm nổi bật hình ảnh người nghệ sĩ. Anh ta đi vô định, lang thang không điểm đến một mình, chậm rãi. Hình ảnh "vầng trăng chếnh choáng" có thể hiểu là trăng phủ xuống con đường một lớp sáng mờ ảo, nhưng cũng có thể là cái đẹp, là nghệ thuật khiến người thi sĩ say đắm, theo đuổi. Nhưng Lorca lại thấy cái "mỏi mòn", cái rệu rã của thể xác và có lẽ của cả tâm hồn một kẻ độc hành trên cả chặng đường nghệ thuật và chặng đường đấu tranh cho tự do. Phải thấu hiểu, đồng cảm đến sâu sắc, Thanh Thảo mới viết thấm thía đến thế về nỗi cô đơn thầm kín bên trong một con người lúc nào cũng cháy bừng ngọn lửa đấu tranh cho công lí và sự cách tân.

Từ đó, Thanh Thảo không khỏi phẫn uất trước cái chết bi thương của Lorca. Lời thơ ông đột ngột chuyển thành những câu thơ ngắn như một sự biểu hiện của trạng thái bất ngờ, bàng hoàng về thảm kịch với người nghệ sĩ xảy ra quá đỗi đột ngột:

" Tây Ban Nha

Hát nghêu ngao

Bỗng kinh hoàng

Áo choàng bê bết đỏ"​

"Tây Ban Nha" là phép hoán dụ cho Lorca - một người con của đất nước đang hát bài ca hòa bình. Ông hát "nghêu ngao", ngẫu hứng và hồn nhiên, tưởng như tình yêu của tự do trong trái tim Lorca cứ tự nhiên mà vang lên thành lời ca vậy. Nhưng Thanh Thảo xót xa thay khi cái chết đến không dự báo trước với Lorca. Câu thơ tiếp theo làm gãy mạch, chuyển hướng từ cái đẹp sang cái bi, từ sự sống đã thành cái chết. Lorca chỉ còn hiện lên qua hình ảnh áo choàng bê bết đỏ. Ở đây có hai màu đó đan xen vào nhau. Đỏ của sắc áo truyền thống và đỏ của máu và cái chết ghê sợ. Màu máu phủ lên màu đỏ của áo choàng khiến ta không chỉ hình dung ra cái chết đau đớn của Lorca mà còn cảm nhận được cái chết đang đến gần hơn với sự tự do của dân tộc Tây Ban Nha, khi người nghệ sĩ lớn đấu tranh cho nó đã không còn.

Đau đớn vô cùng trước hiện thực ấy, Thanh Thảo như nhìn thấy cả tiếng ghita đang vỡ thành hình, thành mảnh, thành thanh âm ngắt quãng giống như chính người nghệ sĩ Lorca cũng đang đau đơn với cái chết của thân xác:

" Tiếng ghita nâu

Bầu trời cô gái ấy

Tiếng ghita lá xanh biết mấy

Tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan

Tiếng ghita ròng ròng

Máu chảy

Khổ thơ đã phục dựng lại cái chết của Lorca bằng hình âm nhạc. Tiếng ghita trở thành hồn nhà thơ, trở thành sinh mệnh của người nghệ sĩ. Bằng việc đặt "tiếng ghita" với danh từ và tính từ: bầu trời, cô gái, lá xanh, tròn bọt nước, Thanh Thảo gợi ra nhiều trường liên tưởng về hình ảnh tiếng ghita. Tiếng đàn mang màu nâu mặt đất của mảnh đất Tây Ban Nha, là nước da ngăm tuyệt đẹp của những cô gái Digan quyến rũ. Và vì thế nó là thanh âm của tình yêu. Đó còn là màu xanh của sự sống, là khúc nhạc ca ngợi cho sức trẻ và tình yêu cuộc sống như cành lá non xanh. Nhưng tiếng đàn, đau đớn thay cũng là "bọt nước vỡ tan", một cái đẹp thanh khiết, trong trẻo nhưng bởi vậy rất mong manh và dễ dàng tan đi, biến mất. Để rồi "tiếng ghita ròng róng/máu chảy". Nhà thơ để câu thơ cuối cùng chỉ có hai chữ "máu chảy" như một cách hiện hữu đầy ấn tượng những giọt máu không ngừng rơi, không ngừng đau đớn. Điệp từ "tiếng ghita" lặp lại với những câu thơ ngắn, dồn dập, day dứt tựa như tâm trang thổn thức đau đớn của Thanh Thảo trước cái chết của Lorca - cái chết của nghệ sĩ thiên tài.

Nhưng càng xót thương, Thanh Thảo càng tin tưởng vào sự bất tử của Lorca và nghệ thuật của ông với cuộc đời:

" không ai chôn cất tiếng đàn

Tiếng đàn như cỏ mọc hoang"

Tin vào nghệ thuật chân chính của Lorca, Thanh Thảo đã dành cho nghệ sĩ Tây Ban Nha những vần thơ đẹp nhất. Tiếng đàn của Lorca hóa bất tử khi được ví von như loài cỏ dại kiên cường sống ở mọi địa hình. Không ai chôn cất tiếng đàn, không thể chôn cất tiếng đàn vì nó là nghệ thuật đích thực được sáng tác bởi người nghệ sĩ đích thực. Do đó nó sống mãi dù cho thời gian có băng hoại hay sự giết chóc bởi súng đạn của kẻ thù. Cái đẹp và nhân cách con người, cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật chân chính sẽ sống bất diệt, trường tồn qua năm tháng và ngày càng khẳng định được sức giá trị của nó. Là một nhà thơ, Thanh Thảo thấu hiểu điều đó, những qua số phận cùng sức sống mãnh liệt của nghệ thuật Lorca, ông càng thấm thía hơn điều tất yếu ấy. Và đó cũng là con đường mà Thanh Thảo hằng theo đuổi.

Có những con người không biết mặt nhưng tường tỏ nỗi lòng nhau, có những kẻ đi đau với nỗi đau của người khác. Thanh Thảo và Lorca là những con người như thế - người nghệ sĩ có mối dây liên kết là tiếng vọng tri âm qua văn chương. Lorca dẫu phải từ giã cõi đời với những dở dang của hoài bão cùng những đớn đau của cái chết thương tâm, nhưng vẫn là một tượng đài đẹp trong lòng Thanh Thảo và người đọc muôn đời. Bởi cái đẹp thì luôn luôn bất tử.

Tiếng nói tri âm của Thanh Thảo được truyền tải qua thể thơ tự do mang phong cách tượng trưng siêu thực. Nhà thơ sáng tạo những hình ảnh thơ theo lối lạ hóa, xóa bỏ những liên từ và dấu câu, không viết hoa những chữ cái đầu. Điều đó tạo nên cấu trúc ngữ pháp độc đáo, nhịp điệu bất thường, cùng những hình ảnh giàu liên tưởng về tiếng đàn. Tất cả những nét đẹp ấy hội tụ lại làm nên một bài thơ kiệt tác, vừa lấp lánh cái đẹp của hình thức, vừa chan chữa tình cảm của tiếng nói tri âm vang vọng. Và đó chính là lí do khiến cho tác phẩm của Thanh Thảo sống mãi trong lòng người đọc mỗi khi nhắc đến hai chữ tri âm trong văn học.
 
2K
2
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top