Dự thi Tiếng Ve Mùa Hè - Thúy Hiền

Dự thi Tiếng Ve Mùa Hè - Thúy Hiền

Thúy Hiền
Thúy Hiền
Sáng sớm, ánh nắng mặt trời gắt gỏng trên những tán cây phượng, cũng là lúc con bé Tí choàng tỉnh giấc. Nó há to miệng, ngáp dài mấy tiếng. Khóe mắt còn đọng lại chút ghèn, trộn lẫn vài giọt nước mắt ướt nhẹp. Nó dùng tay bới bới mái tóc bù xù, uể oải bước xuống giường.

"Dậy rồi hả? Mau xuống bếp khuấy cám cho đàn lợn đi mày."

Dì Năm lèm bèm lên tiếng, còn không quên xì một cái rõ to.

Tí lật đật chạy đi, trong lòng có chút sợ. Nó sợ bị dì Năm đánh, nhưng sợ nhất vẫn là bị dì Năm mách bố. Những lúc bị cáo tội, Tí chỉ biết im lặng, ngay cả khóc cũng đâu dám. Bố Thành sẽ không nghe nó thanh minh, bố Thành sẽ chửi nó vô tích sự.

Nó buồn lắm.

Khuấy cám xong xuôi, mồ hôi trên mặt Tí đã có thể vắt thành suối. Nó ngồi phịch xuống bên cạnh đàn lợn, uể oải nhai nắm cơm nguội mà dì Năm vứt cho.

Tuy nắm cơm khô cứng, lạnh ngắt, chỉ to bằng lòng bàn tay nhưng Tí thấy ngon lắm. Nó ăn sạch không để sót một hạt. Chốc chốc, hạt nào rơi ra, Tí lại vội vàng nhặt lên, bỏ vào miệng nhai tiếp.

Bên trên hiên nhà, tiếng cười nói giòn giã của một nhà ba người vang lên, dội vào tai Tí như đang gãi ngứa. Nó suy nghĩ một lúc, sau đó chống hai tay đứng dậy, rón rén trốn sau chuồng lợn mà trông ra.

Bố Thành, dì Năm và em bé Quang đang cùng nhau ăn cơm sáng. Nồi cơm nóng thơm phức đặt ngay ngắn, giữa mâm là đĩa cá kho tộ chắc thịt. Bố Thành còn cẩn thận lấy xương cá cho em Quang, một lát lại dùng tay xoa đầu thằng bé đầy trìu mến.

Ọc... Ọc...

Chiếc bụng hư của con bé Tí réo vang. Nó nuốt nước bọt, lủi thủi lùi lại vào trong chuồng lợn. Nồi cám sôi sùng sục, Tí dùng đũa khuấy đều. Cám dính vào tay nó, nó đưa lên miệng liếm sạch.

"Món cá kho này ngộ quá ha."

Tí cười khì khì, nhìn sang đàn lợn nói vọng vào. Đàn lợn cũng hiểu lời nó ra phết, mở to mắt nhìn Tí chằm chằm. Thỉnh thoảng, chúng chu mõm, kêu lên mấy tiếng "éc... éc...".

"Chị Tí!"

Đang miên man suy nghĩ, giọng nói bi bô của thằng bé Quang vang lên. Tí giật nảy mình, ném vội chiếc đũa dính cám xuống đất, bối rối đáp:

"Ơi, bé Quang gọi chị gì đó?"

"Tẹo nữa bố mẹ chở em đi bơi đấy. Chị Tí có đi không?"

Hai mắt Quang tròn xoe, ngây ngô khoe chị.

Tí há miệng nhìn nó, trong lòng bất chợt hẫng một nhịp dài.

"À, chị không đi đâu. Chị sợ bơi lắm."

Tí cúi đầu, dùng que xỉa xỉa mấy đống than nóng.

Một con bướm cô tiên chao cánh, bay chập chờn trên chốc chuồng lợn. Chẳng may, con bướm va phải màng nhện, thành ra không thể chạy được, mắc kẹt trên đó chờ chết.

Tí trông thấy, vội vàng đứng dậy, cẩn thận gỡ màng nhện cứu thoát cho con bướm. Nhìn nó mừng rỡ bay đi, bụi phấn đen vẫn còn dính trên ngón tay Tí, khóe môi con bé lúc này mới nhoẻn miệng cười.

Con bướm được tự do bay về phía đất trời, thật tuyệt.

Dì Năm ngồi bên cửa sổ, vui vẻ chải chuốt mớ tóc mai. Nhìn thấy con bé Tí khắp người ướt như chuột đi ra từ chuồng lợn, dì Năm càng thêm ngứa mắt. Tại sao mẹ nó không đem nó theo luôn đi, của nợ!

"Này, lát tao với bố mày phải chở em Quang đi tập bơi. Trâu tao cọc ngoài ngõ, nhớ dắt nó đi ra đồng đấy. Về tao thấy bụng đói, liệu phần hồn với tao."

Tí vâng dạ nghe lời.

Nó luôn cố gắng làm một đứa con ngoan để bố và dì vui lòng. Bởi vậy, nó không dám cãi, lập tức nhón chân chạy ngay đi. Con trâu gầy gò được Tí dẫn ra đồi cỏ xanh mướt, thoải mái gặm cỏ mà không lo bị đói.

Con bé Tí chống cằm trên tay, say mê nhìn trâu gặm cỏ. Khoảng thời gian yên tĩnh này làm Tí thích nhất. Nó được thỏa sức vẫy vùng với thiên nhiên, được hát lên những khúc ca yêu thích mà không lo bị mắng.

Từ phía xa xa, một đoàn học sinh chạc tuổi Tí hân hoan đi tới. Tí ngồi bật dậy, vội vàng chạy tới núp sau con trâu. Thì ra, thầy giáo Biên đang dẫn học trò ra đồi để tìm hiểu thực tế cho bài tập làm văn. Đám học trò nhỏ được ra ngoài dạo mát như thế này, vui sướng đến mức hò reo ầm ĩ.

"Cả lớp trật tự. Nào, các em mau xếp hàng ngay ngắn, cùng đi theo thầy nhé."

Thầy giáo Biên đi trước, học trò lẽo đẽo bám theo sau.

Trên tay mỗi bạn nhỏ đều cầm theo bút và vở để ghi ghi, chép chép. Tí rụt rè nhìn họ, âm thầm nuốt nước bọt. Nó thèm được đi học quá.

"Cả lớp quan sát đồi cỏ và hãy nói cho thầy nghe về cảm nhận của các em trước vẻ đẹp của nó."

Thầy giáo Biên nêu câu hỏi, trông chờ nhìn về phía đám học trò.

Cả lớp nhao nhao giơ tay, nhưng đều chỉ là những câu trả lời hài hước.

"Dạ thưa thầy, em thấy cỏ mọc nhiều quá ạ."

"Thưa thầy, trên đồi không có hoa ạ?"

"Thầy ơi, chừng nào mới được về nhà thế ạ?"

"..."

Thầy giáo Biên bất lực nhìn học trò, vỗ trán thở dài.

Tí đang đứng nấp cạnh đó, đánh liều lên tiếng:

"Đứng trước ngọn đồi rộng lớn, em thấy mình thật nhỏ bé. Cỏ cây xanh mướt một màu non tơ, đồi lồng lộng gió, giống như một bản đàn rất đỗi thơ mộng vậy."

Mọi người im bặt, đồng loạt quay sang nhìn Tí.

Tí ngượng chín mặt, nó lúng túng vỗ vào mông con trâu, xua trâu đi chỗ khác. Thầy giáo Biên vội vàng chạy tới ngăn lại, quan sát nó một hồi liền hỏi:

"Em tên là gì?"

"Dạ thưa thầy, em tên là Tí."

Tí đỏ bừng mặt, không dám nhìn thẳng vào mặt thầy và các bạn.

Thầy Biên cười trìu mến. Sau khi biết Tí bằng tuổi học trò của mình lại càng ngạc nhiên hơn.

"Bạn Tí có giọng văn rất hay và sâu sắc. Em biết sử dụng trí tưởng tượng và khả năng quan sát của mình để áp dụng vào trong thực tế. Thật đáng khen."

Cả lớp vỗ tay, khen ngợi Tí.

Trước lúc dẫn học trò về, thầy giáo Biên còn tặng riêng cho Tí một cây bút và quyển vở ô ly. Tí sững sờ nhìn thầy và các bạn, sống mũi cay xè. Nó nắm chặt món quà nhỏ mà lần đầu tiên được nhận trong đời, hai mắt hoen ướt.

Chờ sau khi thầy trò đi khỏi, Tí giơ cao quyển vở, chạy xung quanh con trâu, phấn khởi khoe với nó.

"Trâu ơi, chị được thầy giáo tặng vở và bút này. Trâu thấy chị giỏi không? Chút nữa về, chị sẽ khoe bố Thành. Bố Thành ắt vui lắm đó. Phải không trâu?"

Thế là, trong suốt quãng đường dắt trâu về, Tí luôn mồm ca hát, nhảy chân sáo. Con bé vui hơn Tết, ríu rít như chim non. Giữa mùa hè nóng bức, vậy mà nó lại thấy mát rượi. Mồ hôi ướt nhẹp quần áo và tóc nó, nhưng nó lại chẳng buồn để tâm.

Nó hình dung ra nụ cười rạng rỡ của bố, cái xoa đầu trìu mến mà nó hằng thèm khát. Em Quang sẽ bám lấy đầu gối nó, dụi đầu cười khoái chí. Nó vui quá chừng, nó muốn hét lên cho tất cả mọi người đều nghe thấy.

Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với những gì nó hằng suy nghĩ...

"Nói láo, mày lấy trộm tiền ở đâu để mua bút và vở?"

Thành gằn giọng quát, chỉ tay chất vấn.

Cả người Tí run lên, hai bàn tay gầy gò đan xen vào nhau, khổ sở giải thích.

"Con được thầy giáo tặng. Bố à, thầy khen con thông minh. Nếu được đi học, chắc chắn con sẽ là học sinh giỏi."

"Mày lại học đứa nào nói dối bố mẹ à? Tí, học cái tốt không học, chỉ học cái hư, cái hỏng."

Thành ném mạnh quyển vở và cây bút ra vườn.

Tí thất thần nhìn theo, vội vàng chạy vù tới để nhặt lên. Nhưng đêm qua trời mưa, đất bùn ướt nhẹp. Quyển vở và cây bút ngấm đất, cáu bẩn và nhòe nước. Tí không khóc, mắt nó ráo hoảnh. Nó chuệnh choạng bước về phía bố nó, không giải thích hay thanh minh gì nữa.

Dì Năm dí ngón tay vào trán nó, chì chiết:

"Tao biết ngay mà. Anh Thành, anh mà không dạy bảo lại nó, chẳng mấy chốc lại thành đầu trộm đuôi cướp."

Thành tức giận đập bàn, kéo tay Tí đi vào trong chuồng lợn, khóa trái cửa lại.

"Mày ở trong này mà tự kiểm điểm lại bản thân đi. Con gái con lứa chẳng được tích sự gì. Sau này lớn lại vỗ cánh bay đi."

Chuồng lợn tối om, mùi phân bốc lên nồng nặc.

Tí ngồi sụp xuống, ôm lấy hai bên đầu gối, gục xuống khóc. Ngay cả khóc nó cũng không dám khóc to. Tiếng khóc rin rít nơi cổ họng, nghẽn lại tạo thành những tiếng nấc nghẹn.

Ngoài kia, tiếng ve rả rích ngân vang. Tí thèm được biến thành ve quá, hòa mình vào đất trời, ca hát cho thiên nhiên và loài người nghe thấy. Ít ra, nó không vô dụng như bố Thành bảo...

Thầy giáo Biên vừa tan làm, đạp xe lọc cọc trở về nhà. Đi ngang qua chợ phiên, thầy bỗng trông thấy con bé Tí đang ngồi bán tép. Cả cái làng này, hầu như gia đình nào cũng đều cho con đi học cả. Trường hợp như Tí rất hiếm hoi, hầu như không có.

"Bán cho thầy hai lạng tép."

Thầy ngồi xổm xuống đối diện nó, hiền từ nói.

Tí nhanh nhảu cân tép cho thầy, ríu rít nói lời cảm ơn.

Thầy giáo Biên đã muốn hỏi nó từ lâu, nhưng vẫn còn hơi do dự. Nhân đây, thầy cũng không muốn rùi rắng mãi nữa, bèn tò mò hỏi.

"Bố mẹ em có làm ở gần nhà không?"

Tí tròn xoe mắt nhìn thầy, gật đầu đáp.

"Dạ, bố em kéo vó ngoài ruộng. Còn dì hai ở nhà dệt vải ạ."

Thầy giáo Biên gật gù, tiếp tục mở lời.

"Em có muốn đi học không Tí?"

Tí ngạc nhiên nhìn thầy, môi mấp máy.

Nhưng nó lại nhớ đến bố Thành. Có lần, nó trộm nghe thấy bố nói với dì Năm:

"Chỉ cho thằng Quang đi học. Sau này, nó làm ông to mình còn được nhờ. Chứ như con Tí, gù lưng nuôi nó ăn học, cuối cùng nó đi lấy chồng. Lỗ vốn."

"Em... Em không thích đi học đâu thầy."

Tí lí nhí đáp.

Mắt nó sóng sánh u uất. Nỗi buồn man mác vương lại trên khóe mi. Buồn có, tủi có, nhưng quan trọng nhất là con bé lại quá hiểu chuyện. So với lứa tuổi này, nó đã già dặn hơn các bạn rất nhiều. Nó hiểu chuyện một cách đáng thương.

Thầy giáo Biên xách theo túi tép, đạp xe đi về.

Cả đêm hôm đó, đôi mắt trong sáng và vụng dại của Tí không ngừng khiến thầy Biên thôi suy nghĩ. Tâm tư của con bé thầy thừa hiểu.

Thầy biết, nó đang nói dối.

Một lời nói dối hết sức vụng về.

Thầy hiểu, nó cũng giống thầy của ngày xưa. Những trận đòn roi đau buốt thấu trời, những tiếng khóc lóc, van xin khẩn khoản,... Cậu bé Biên năm đó cũng thèm khát con chữ lắm lắm, cũng ao ước được một lần đeo cặp đến trường.

Chao ôi, ước mơ đơn giản ấy đối với nhiều người lại gần gũi đến lạ. Còn với cậu bé Biên, mọi thứ tưởng chừng đi quá xa, vượt ra khỏi tầm với.

Những đêm ròng nằm khóc, tiếng thút thít hòa cùng van xin,... Nỗi ám ảnh mà thầy phải chịu đựng cũng đâu hề kém cạnh bé Tí.

Nếu ngày ấy thầy không cương quyết, không có chính kiến theo đuổi việc học, thế thì bây giờ thầy đâu có thể đứng trên bục giảng mà truyền lại con chữ cho học trò được.

Một buổi sáng sớm, nắng trong vắt hòa cùng mây xanh...

Thầy Biên lọc cọc đạp xe, trên giỏ để chiếc cặp sách sờn cũ. Bóng dáng thầy khuất dần sau hóp tre xơ xác, bình thản quẹo vào con ngõ nhỏ hẹp trước nhà của Tí.

Mùa hè này, thầy muốn đem con chữ trao tặng cho Tí...

Mùa hè này, Tí sẽ có một trải nghiệm mới, một cuộc đời mới mà con bé vẫn thèm ao ước...

F3B5A10F-FF29-4A16-BCDA-48FC427DF644.jpeg

. Ảnh: Internet
 
Sửa lần cuối:
752
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top