sáng tác Tỉnh lại đi em.

sáng tác Tỉnh lại đi em.

***
Tôi gặp em vào một ngày mùa đông, ngày ấy trời có những ánh mây ngũ sắc rất đẹp, nó cứ sáng long lanh trong trẻo nhưng cũng chẳng bằng nụ cười rạng rỡ của em. Em gặp tôi, nói:

“Chị Quyên, cuối tháng này em và anh Thắng tổ chức lễ vu quy, chị nhất định phải đến sớm làm phù dâu đấy!”

Tôi gật đầu cũng chúc mừng hai em trăm năm hạnh phúc. Làm chị họ cũng thật giống như chị gái, từ bé tôi và Chi đã thân thiết với nhau, nay em đi lấy chồng người làm chị như tôi cũng có cảm giác vui vẻ và hạnh phúc lắm.

Ngày em cưới, trời hơi se lạnh, cơn gió bấc cứ thổi mãi, thổi mãi đến cắt da cắt thịt. Nhưng cả hai họ đều tràn ngập niềm hạnh phúc, Thắng là một chàng trai tốt, tôi nghĩ thế. Cậu ta săn sóc cho Chi rất cừ, từ miếng ăn, cái mặc. Chi là một đứa quen được yêu thương và chiều chuộng, chú và thím của tôi luôn chăm chút cho nó từng tí một. Ngay cả người chị họ như tôi đây cũng thấy nó đáng yêu, nhìn nụ cười của nó mà chẳng ai cưỡng lại được, tôi tin rằng, nó đã gặp đúng người rồi.

Sau ngày cưới một khoảng thời gian, tôi có bay ra Hà Nội, về quê nhà công tác một tháng rồi lại vào Sài Gòn. Công việc bận liên miên khiến đôi chân khi trở về quê nhà cũng được thong thả, ôi hồ Tây lộng gió, ôi những con phố đi bộ gắn liền với tuổi thơ. Dông dài một đoạn, tôi đến nhà hai em chơi, không biết là chúng nó có ở nhà không nhỉ?

“A, chị Quyên, chị mới ra Hà Nội à?” Giọng con bé rõ ràng vui mừng.

“Ừ, thế cô có cho tôi xin cốc nước không?” Tôi trêu.

“Ôi, em quên mất, chị mau vào nhà chơi.”

Ngồi nghỉ ngơi một chút, trời đã năm giờ chiều, tôi hỏi con bé:

“Thế chồng mày đâu?”

“Anh ấy sắp về rồi ạ.” Chi ngại ngùng nói.

Đúng là một lát sau, có tiếng mở cửa. Là Thắng về, cậu ta mang một túi lệ kệ, tay xách nách mang trông chừng có vẻ bận rộn lắm, vừa vào cửa đã nghe tiếng cậu ta hô:

“Vợ yêu ơi, mau ra đâu xem anh mua gì nào?” Tiếng nói mang theo sự ngọt ngào của tình nồng.

Chi ngại ngùng nhìn tôi, khẽ lẩm bẩm:

“Cái tên này!”

Nhưng tôi biết là cô ta đang sung sướng lắm đây, chuyện vợ chồng nồng thắm đâu có gì mà ngại. Để tránh cậu em nói thêm mấy câu “sến sẩm” khiến tôi chạnh lòng, tôi hô vọng ra.

“Cậu Thắng về rồi đấy à?”

Có lẽ cậu ta hơi bất ngờ, tôi thấy im ắng ở ngoài cửa. Chi chạy ra cửa phụ giúp chồng nó, tôi thì thầm đắc ý vì mưu mẹo của mình rồi từ từ nhâm nhi tách trà hoa nhài mới được tiếp đãi.

“Ôi, em không nghĩ là chị Quyên đến chơi.” Giọng cậu ta ngại ngần, cậu cười lởi xởi nhận lỗi.

“Dào ôi, hai anh chị lại nồng ấm lắm cơ, tối nay có giữ bà chị này xơi một bữa cơm không?”

“Được chứ, được chứ, bọn em chỉ sợ chị từ chối thôi. Lâu lắm mới ra nhà em ăn cơm.”

Bữa cơm hôm đấy đúng là vui vẻ, tôi chào tạm biệt hai vợ chồng rồi bắt xe ra ngoại thành về với bố mẹ. Chiếc xe lăn bánh dần, bóng hai đứa ngày càng xa nhưng dù xa thế nào, tôi vẫn nhìn thấy được đôi mắt chúng có nhau chứa đựng tình yêu sâu sắc. Cũng phải thôi, chúng đã yêu nhau được ba năm, đến được với nhau là cả một quá trình dài dằng dặc nay quả ngọt đã chín, vậy thì phải tận hưởng hạnh phúc mới được.

Bẵng đi một thời gian, sau mấy tháng kể từ ngày tôi đến nhà hai em chơi, tôi đi công tác liên miên, bận rộn tối mặt. Thời gian gọi điện thoại về cho bố mẹ cũng ít đi nên là cũng hiếm khi gọi điện cho Chi. Ngày tháng cứ trôi qua như hàng mây lững lờ vô cảm, đến tôi cũng chẳng nhận ra mình đã gần ba mươi rồi, đã là một “bà cô” theo lời bố mẹ và họ hàng nội ngoại.

Tôi xin chuyển công tác ra Hà Nội, một phần là vì ở gần với bố mẹ, phần nữa là vì tôi muốn nửa đời sau sống ở quê hương rồi lấy chồng, cuộc sống cứ trôi qua như thế cũng không phải không hạnh phúc.

Chuyến bay hạ cánh, trời đã chiều. Tôi đi tới khách sạn để nghỉ một đêm, dẫu sao ngày mai về tới nhà cũng chẳng muộn. Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng điện thoại trong túi reo, là Chi:

“Chị Quyên ơi, chị về rồi đấy ạ. Hai bác đã nói với em cả rồi, vậy mà còn không mau sang nhà em chơi, chị mà còn câu nệ là em giận đó.”

“Thôi được rồi, bà cô của tôi ơi.”

Đã lâu không nhìn thấy cô bé, dạo này Chi có vẻ hơi tròn, khuôn mặt như ngày càng đầy đặn, hồng hào hơn, cử chỉ cũng dịu dàng và nữ tính. Tôi thầm có ý nghĩ trong lòng, hỏi em:

“Này, em có tí gì chưa?”

Bắt gặp câu hỏi bất ngờ của tôi, nó đỏ mắt, giọng nói lí nhí:

“Em cũng không chắc nữa, nếu mấy hôm nữa không tới tháng thì chắc là cũng đi khám.”

“Đã nói với thằng Thắng chưa?”

“Em chưa.”

Thôi được rồi, dẫu sao làm việc gì cũng cần chắc chắn, chuyện này lát nữa chồng nó về, mình cũng không nên nhanh nhảu mà nói ra. Tôi lấy quần áo đi vào phòng tắm, cũng may căn nhà này rộng rãi, có phòng để cho khách, tôi cũng đỡ ngại hơn.

Tắm xong, khi bước ra khỏi phòng không thấy Chi đâu cả. Hay cô bé này xuống dưới nhà mua trái cây? Tiếng điện thoại trên ghế sô pha vang dữ dội, rung động. Nhìn màn hình hiển thị, là Thắng.

“Thắng à, vợ em xuống dưới nhà mua trái cây rồi.”
Sợ chúng nó lại ngọt ngào với nhau, bà chị già như tôi đây cũng thấy tổn thương, tôi buông lời nói để cậu ta rào trước.

“A lô, xin hỏi chị có phải người nhà của số điện thoại này không? Anh này đang gặp tai nạn trên đường X, phiền cô mau tới.”

Giọng nói kia sao mà chói tai thế không biết. Tôi cụp máy xuống nhìn người bước vào trong nhà. Đúng là Chi vừa xuống dưới lầu để mua trái cây, trên tay con bé là những quả táo căng mọng, tôi nhớ ra rồi, chính là loại quả mà lần trước con bé này đút cho chồng nó ăn nhiều nhất. Ắt hẳn là loại chồng nó thích nhất rồi!

Tôi mặc áo, lấy túi xách, tôi kéo Chi đang còn ngơ ngác ra ngoài. Cô bé vẫn chưa biết gì, hỏi:

“Chị ơi, mình đi đâu thế?”

Giọng tôi khô khốc, lời nói trên môi cứng lại, tôi bảo:

“Dẫn em đi tới một nơi.”

Chiếc xe đi nhanh trên đường. Tay lái tôi run run lắm, một bên là cô em của tôi, nó đang có em bé, không thể khinh suất được nhưng một bên là giọng của người ban nãy gọi tới, lời nói của chàng thanh niên kia sao mà khiến tôi chua chát quá:

“Anh này bị tai nạn nặng lắm, xe cứu thương đã đưa đến bệnh viện gần đấy, tôi e rằng…”

Có thể lần này là lần gặp cuối của hai vợ chồng nó, tôi sợ lắm. Lần đầu tiên mà nỗi sợ đay nghiến đến từng ngóc ngách trên cơ thể. Con bé ngồi cạnh cười vẫn tươi lắm, nó còn hát vang một bài ca thơ mộng, nó vui vì sắp có thêm một người thân ruột thịt nữa có thể đến thế giới này nhưng mà…

“Chị ơi, sao lại đến bệnh viện hả chị?”

Cổng bệnh viện xuất hiện ngay trước mắt. Cả ngườ con bé cứng lại, nó vội vã theo bước chân tôi mà cả người phát run. Nắm tay nó đi mà lòng tôi cũng buồn bã theo, nó đang hạnh phúc thế kia mà.

“Chị...chị ơi, anh Thắng còn đang đợi em về...em không muốn đi với chị đâu.”

Khuôn mặt nó trắng bệch, chắc là nó đã đoán ra được rồi. Nó sợ, nó trốn tránh, nó không tin nhưng tôi không còn cách nào khác.

Tôi giằng tay em đi lên, em vừa đi vừa khóc, nước mắt lặng lẽ tuôn chảy. Đến trước cửa phòng bệnh nhân, tôi đưa nó vào. Người nằm trên giường vậy mà đã phủ kín khăn trắng, bác sĩ chạy ra bảo:

“Anh ta không cứu được nữa rồi. Xin chia buồn với gia đình.”

Nó từ từ đến bên giường, lần này nó bình tĩnh lạ lùng, nó mở dần khăn trắng xuống, từng tí, từng tí một.

Tôi đã nhìn rõ, khuôn mặt chồng nó chẳng còn nguyên vẹn, cả người cũng chẳng còn nguyên vẹn, anh ta thẳng còn thở phập phồng nữa rồi, anh ta vậy mà...đi rồi.

“Ơ kìa anh, em mới mua táo về rồi. Lần này táo là loại ngon lắm, thế mà anh không về ăn à?”

“Sao anh cứ yên lặng thế, anh không sợ em giận à, anh ơi, anh dậy đi!”

“Em...em vẫn chưa nói với anh mà, có lẽ em đã có thai rồi. Anh bảo anh thích con gái mà, anh còn học tết tóc cho con rồi, anh còn mua cả cây lược ngà để sẵn trong tủ rồi. Em...em ghen tị với con lắm, em muốn được dùng cái lược ấy mà anh không cho, anh bảo là xin riêng cho con mạnh khỏe.
Vậy mà...sao anh lại nằm đây?”

Nó cứ thủ thỉ bên tai chồng, sao mà giống như một năm trước thế, nó và chồng nó cũng như thế. Nhìn nó mà tôi chẳng kìm nén được nước mắt nhưng ít ra tôi vẫn còn giữ được lí trí. Tôi ra hành lang gọi điện về nhà, gọi cho cô chú, dù chẳng muốn nhưng vẫn phải làm.

Thế đấy, có những chuyện ta chẳng muốn đâu, vậy mà nó cứ bất thình lình đến cuộc sống của ta như vậy. Lạnh lùng và tàn nhẫn tuyên cho ta án tử hình đau khổ!

Tang lễ cuối cùng vẫn được diễn ra dù nó có không đành. Nhưng tôi thấy thật lạ, nó chẳng khóc lóc, chẳng kêu gào, sao mà khác với nó của ngày xưa. Ngày xưa em có giận dữ, tủi buồn cũng đều khóc thật to, sao mà em lạ thế?

Dù đã rất mệt nhưng tâm trí tôi cũng lo lắng không yên. Tôi mở cửa vào phòng em, căn phòng tối om như mực không thấy em đâu. Tim tôi đập từng hồi và…

Trong gian phòng thờ, nến hương nghi ngút, mùi nhang vòng cứ thơm mãi, thơm mãi khiến người ta mê mang, em nằm đấy, cả người rũ rượi. Đôi mắt em nhắm thật chặt, ở cổ tay, một dòng máu cứ thể chảy ra, chẳng chịu dứt.

Tôi hô gọi các bác, các chú. Tay xé mảnh áo trên người bịt kín vết máu. Mọi người đều vội vã chạy đến, nhìn thấy cảnh này mà bật khóc. Tôi vậy mà nhìn thấy chú Quốc đỏ hoe con mắt, chú cứ thế khóc thật to:

“Con ơi, con tôi ơi.”

Em may mắn được cứu nhưng sức khỏe vẫn yếu lắm. Lúc em tỉnh dậy, cả người xanh xao, em chẳng nói câu gì, đôi mắt vô hồn chẳng còn long lanh như trước. Tôi cũng chẳng biết nói gì, tôi vốn là người ngoài, chẳng thể hiểu được sự đau xót bằng em nhưng tôi muốn em vui vẻ sống tiếp, mọi người cũng muốn em sống tiếp và cả chồng em nữa, cũng không muốn em từ giã cuộc đời son trẻ.

“Mày đã có thai rồi, đừng làm chuyện dại dột. Chẳng phải mày mong con sẽ được sinh ra sao, còn bố mẹ mày, còn mọi người đừng có lựa chọn cách như thế nữa.”

Cuối cùng em khóc, nước mắt chảy dọc ra hai thái dương, đôi mắt em vẫn vô hồn, vẫn lạnh nhạt nhưng tôi biết, vậy là từ nay em được cứu sống rồi!

Cuộc sống cứ thế chảy trôi, em đã sinh con, em đã làm mẹ, em đã học cách hát câu hát ru, em đã mạnh mẽ và khéo léo hơn. Nhưng ngần ấy năm, tôi không thấy em khóc nữa, thật lạ phải không? Người ta mong muốn cười vui vẻ nhưng tôi chỉ mong em khóc một lần, đã bao năm rồi, em vẫn mạnh mẽ đến thế.

Em sinh được con gái, tên là Gạo. Bé Gạo xinh xắn và hoạt bát lắm, có lẽ mọi người đều chưa kể cho cháu về câu chuyện bốn năm trước, bé cứ thế mà bình an lớn lên, dù người mẹ kia chẳng khi nào thật sự hạnh phúc.

Qua hè, tôi đến nhà Chi chơi hai ngày. Chơi với bé Gạo cũng khiến lòng tôi vơi bớt phiền muộn của cuộc sống, phần nữa là vì không muốn hai mẹ con cô độc. Bé Gạo đã đi nhà trẻ được một tuần, những ngày đầu tiên con bé phấn chấn lắm, thích kể những chuyện mà con bé nhìn được. Nhưng hôm nay nó hơi lạ, kể từ khi được mẹ nó đón về thì mặt cứ như buồn bã:

“Mẹ ơi, sao con không có bế.”

Từ “bố” nó vẫn chưa học sõi, tôi đã dạy con bé nhiều lần nhưng nó vẫn vậy. Nghe đến đây thì mẹ nó cứng đờ mặt, hàng mi cụp xuống, mẹ nó chẳng nói lời nào.

Đã bao năm rồi, em đã không còn như trước nữa.

Gạo không nhận được câu trả lời của mẹ, nó quay sang hỏi tôi:

“Bá ơi, tại sao lại thế?”

Mẹ nó bế nó, ôm chặt, sức ghì của người phụ nữ có lẽ làm nó đau. Nó giãy dụa, non nớt bảo:

“Mẹ...mẹ ơi, con đau.”

Mẹ nó cuối cùng cũng hơi lới lỏng tay, con bé ôm lấy mẹ, sờ đôi tay của mẹ ôm hôn. Rồi đôi mắt sáng trong của nó như phát hiện ra điều gì đấy, nó chỉ vào vết sẹo trên tay mẹ nó và bảo:

“Mẹ ơi, sao mẹ của các bạn đều không có vết này.”

Mẹ nó cũng như ngơ ngác, người mẹ dường như chưa trọn vẹn này mới nhận ra điều ấy. Thấy vậy, tôi chẳng biết làm thế nào, tôi ôm bé Gạo vào nhà, tắm cho nó.

“Bá ơi, sao mẹ con lại vậy?”

Dưới đôi mắt của trẻ thơ, tôi chẳng thốt nên lời, tôi đành cười bảo:

“Mẹ con có đôi tay đẹp nhất trên đời. Mẹ là cả thế giới của con đấy, đôi tay ấy đã gánh mọi đau khổ và cực nhọc.”

Con bé vẫn chưa hiểu, nó cứ như nghĩ ngợi điều gì đó, rồi chẳng nghĩ ra được, vẩy tung tóe nước trong chậu, cười khanh khách.

Tôi buồn lòng mà chẳng biết nói sao đây?

Tối hôm đấy, trời nóng lạ thường, căn phòng đã bật điều hòa rồi mà tôi chẳng ngủ được. Tôi ra ngoài rót nước, lúc đi ngang qua phòng thờ, tôi ngửi thấy mùi nhang thơm quẩn quanh. Lại nhớ đến ngày trước mà lòng bồn chồn không thôi. Cửa không đóng hẳn, tôi nhìn thấy Chi dựa cả người vào tường, tay ôm một tấm ảnh. Không cần nhìn rõ tôi cũng biết là ảnh của ai. Nhưng lời con bé nói khiến tôi chạnh lòng.

“Anh à, sau này em sẽ không nhớ anh nữa. Em không giận anh nữa đâu. Hôm nay con gái hỏi em, hỏi em sao nó không có bố, em buồn lắm.

Vậy mà nó thật tinh ý, nó hỏi em sao tay em lại có vết sẹo. E...m không trả lời được anh ơi!”

Từng tiếng khóc nghẹn ngào như khiến tôi quay trở về bốn năm trước, ngày mà nó ở trong bệnh viện, nó cũng hỏi chồng nó như thế.

“Anh cũng đừng buồn, em sống tốt lắm. Bé Gạo ngoan ngoãn làm em chẳng lo gì cả. Em nhận ra bao năm rồi em chẳng mấy khi ôm con, hôn con, vậy mà con lúc nào cũng trao cho em những tình cảm nồng ấm nhất. Em thấy tự trách mình, sau này em sẽ không như thế nữa...không như thế nữa.”

Tôi không nghe nữa, tôi đi nhẹ nhàng vào phòng, đóng cánh cửa lại. Có một số chuyện, đứng ở ngoài chẳng thể chỉ trích người bên trong, ta làm sao mà hiểu được lòng họ đau đớn thế nào? Nhưng có một điều tôi biết, người tỉnh lại trong cơn mê là những người dũng cảm nhất. Biết đâu được, chính tôi đang đi trong cơn mê của mình mà mãi chẳng chịu thừa nhận điều đó?

***
 
578
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top