Tỏa Nhị Kiều

Tỏa Nhị Kiều

Mỗi tác phẩm góp mình vào sự sôi nổi rạo rực của giải đoạn văn học nó ra đời bởi sự phát minh về hình thức độc đáo và khám phá về nội dung mới mẻ của chính nó. Đó cũng là điều cốt lõi nâng tầm một tác phẩm vượt qua định luật băng hoại của thời gian và đạt đến giá trị vĩnh hằng. Để khai thác sâu sắc một cách toàn diện, người nghệ sĩ thường tìm đến vùng hiện thực sở thích của mình, viết về một thể loại ưu thế riêng. Thế nhưng cũng có những tác giả có thể cân bằng nhiều thể loại như một niềm đam mê hay để thể hiện khả năng mình. Xuân Diệu - một trong những tác giả tầm cỡ vĩ đại, người được mệnh danh là nhà thơ của tình yêu, mùa xuân, tuổi trẻ, là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới. Không chỉ vậy, tác giả không theo phép cũ, luôn liên tục đổi mới, với cả những truyện ngắn cũng đạt đến độ “chín” khi nâng tầm tác phẩm mình với những mặt kiến giải mới hơn cả. “Toả Nhị Kiều” - một góc mới nhạt nhoà của cuộc sống hội tụ tất thảy tinh hoa.

“Tỏa nhị Kiều”, nhan đề này trùng với nhan đề của một tác phẩm cùng tên của Trung Hoa thời Tam Quốc, gợi cho người đọc liên tưởng đến một đại kiệt tác của nền văn học Việt Nam, kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng nhà văn Xuân Diệu không phải viết truyện ngắn về các nhân vật Đại Kiều, tiểu Kiều của “Cung tỏa kiều”, cũng không phải viết về nàng Kiều tài sắc nhưng bạc mệnh trong “truyện Kiều”, cũng không phải tác phẩm bình luận, đánh giá gì về các nhân vật quen thuộc này, mà Xuân Diệu viết về hai nàng Kiều của mình, những con người đời thường của cuộc sống xã hội Việt Nam hiện đại, những người con gái không tài sắc, ngược lại nhạt nhòa nhưng lại mang cuộc đời, mang số phận của Kiều.

Truyện ngắn “Cung tỏa Kiều” tạo cho người đọc một sự tò mò, hấp dẫn sự chú ý của người đọc ngay từ nhan đề, bởi người đọc băn khoăn không biết với nhan đề quen thuộc, nhân vật quen thuộc này thì Xuân Diệu sẽ truyền tải điều gì, câu chuyện của nhà văn sẽ có cốt truyện, diễn biến như thế nào?… tất cả những tò mò đó đưa người đọc đến với truyện ngắn này, tuy dung lượng không dài, nhưng nội dung mà truyện ngắn này truyền tải không nhỏ chút nào, cùng với đó là những triết lí của cuộc đời mà nhà văn đã rất khéo léo để truyền tải, biểu hiện. Đây cũng là câu chuyện mà chính nhà thơ Xuân Diệu đã trải qua, nhà văn đã sử dụng ngôi kể thứ nhất để tái hiện lại những gì mà mình từng chứng kiến, bởi vậy mà nó rất chân thực về mặt cảm xúc, sinh động trong từng tình tiết.

Nhân vật của truyện ngắn này là “hai nàng Kiều” tên Quỳnh và Giao mà theo Xuân Diệu thì hai cái tên này rất đẹp, mà chính đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết “Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao”. Xuân Diệu có một người bạn tên Phan, và trong những lần đến chơi nhà Phan thì Xuân Diệu đã biết đến hai nàng Kiều. Trước hết, không miêu tả vội về hai cô gái mà Xuân Diệu đi khắc họa gia cảnh, môi trường sống, cũng là tạo cho người đọc tâm thế, cơ sở để hiểu hơn về cuộc sống và tính cách của hai người con gái lạ lùng này, đó là một ngôi nhà “…không chịu xấu, không chịu tối, mà lại chung một vẻ phong lưu nghèo nghèo một tí, ánh sáng không chịu sáng; giữa hai dãy lầu khéo đứng để chặn mặt trời, cả ngày chỉ là một buổi chiều dài”, vì vậy mà nơi ngôi nhà mọc lên là chợ Hàng Da đầy náo nhiệt thì khi vào con đường này “cuộc đời bỗng quạnh hiu làm cho nhà cửa ngớ ngẩn”.

Như vậy là ngay ngôi nhà đã tồn tại chút gì đó u buồn, nhạt nhẽo bởi nó không chỉ cắt ngắn với thế giới náo nhiệt bên ngoài mà còn bức bối hơn khi ngay cả ánh sáng mặt trời cũng bị dãy lầu che khuất. Hai cô gái Quỳnh và Giao sống trong một điều kiện không phải sung túc, giàu có nhưng cũng không phải nghèo hèn “…ở trong một gian nhà có đủ sập gụ, tủ chè, câu đối, hoành phi, có đủ cả bộ bàn ghế Vân Nam chạm chim trái và nạm cẩm thạch”. Và ấn tượng đầu tiên của Xuân Diệu về hai cô gái này là vẻ u buồn, ngơ ngác “ họ ngây ngây thơ thơ… lặng lẽ ngơ ngác”. Không chỉ diện mạo, thần thái mà ngay cả trang phục cũng thể hiện sự nhạt nhòa, vô vị trong cuộc sống của hai cô gái này “Màu áo họ rất thanh đạm, vì nhạt nhẽo nên buồn buồn”.

Vì không quen biết nên Xuân Diệu cũng cảm thấy ngượng ngùng khi nhìn thấy hai cô gái, càng không dám bắt chuyện làm quen, mỗi lần đến nhà Phan chơi thì đôi chân vô thức đi nhanh, ánh mắt không dám dừng lại quá lâu ở hai cô gái ấy “Mỗi lần đi ngang qua, tôi nhanh chân như lủi trốn…” tuy nhiên, vì sự tò mò mà nhà văn vẫn có đủ thì giờ để quan sát. Hai nàng Kiều này có cái tên thật đẹp Quỳnh và Giao, nhưng nhan sắc, diện mạo thực tế của hai người con gái này lại không thực sự “bắt mắt” như tên gọi của mình, Quỳnh là em, dáng vẻ hiền lành, đôi mắt yên ổn và như không, cô chỉ hơi xinh, mặt tròn, hay nhíu đôi mày cong. Nhưng chính sự hiền lành quá mức ở nhân vật này mà nhà văn cảm thấy xót thương “ Cô hiền lành đến nỗi tôi thấy xót thương”.

Cô chị tên Giao, nhan sắc của Giao có phần kém sắc hơn Quỳnh, lại có tật nhỏ nơi chân, khi bước đi thì bước cao, bước thấp không đều. Và nếu như ở cô em là sự hiền lành thì cô chị lại có vẻ gì đó rất buồn “buồn không ngớt”, Giao giống với lão chủ nhà, cũng là cha của cô, mà “cha của cô thì không khôi ngô tí nào”, đây là cách nói đầy tế nhị về nhan sắc của cô chị của nhà văn Xuân Diệu. Tuy không thể “nhìn mặt mà bắt hình dong”, đánh giá về hai cô gái chỉ qua dáng vẻ bề ngoài, nhưng mỗi lần nhìn thấy họ thì Xuân Diệu đều như cảm thấy nhạt nhòa, vô vị “Lạ quá! Tôi như cảm nghe được sự mờ nhạt của cuộc đời, khi trông hai cô.

Ta nhận thấy ở hai cô gái này có một hoàn cảnh sống đầy lấp lửng, không chắc chắn. Theo những lời miêu tả của Xuân Diệu, gia cảnh hai chị em không phải là giàu, nhưng cũng không phải là nghèo. Tuy trong nhà có đủ cả “sập gụ, tủ chè, câu đối, hoành phi’’, có cả “bộ bàn ghế Vân Nam chạm chim trái và nạm cẩm thạch",...Điều đó đã cũng phần nào làm nên tính cách của hai chị em nhà Quỳnh và Giao. Không giàu cũng không nghèo- điều đó đã làm cho hai con người ấy đứng ở khoảng không gian giữa chừng. Nếu như nghèo, họ có cách sống và suy nghĩ của người nghèo, có những lo toan thì đó có thể là câu chuyện khác. Chính hoàn cảnh cũng đã tạo lên một phần tính cách của hai chị em. Quỳnh và Giao là hai con người tội nghiệp. Tuy cả hai đều có hai cái tên mang ý nghĩa đẹp nhưng nhan sắc của họ không giống như những cái tên ấy. Dưới miêu tả của nhà văn Xuân Diệu, tính cách của họ cũng rất nhạt nhòa, rất nửa vời, không hiền cũng không dữ Một tính cách rất thanh đạm nhưng cũng rất nhạt nhẽo. Thêm một điều nữa cuộc sống của hai cô vô cùng nhàm chán, vô vị. Họ không làm gì cả, chẳng vui chẳng buồn, suốt ngày hết ra lại vào. Không tiền, không duyên, cái duy nhất họ có chỉ là sự hiền lành. Quỳnh và Giao mặc dù có cuộc sống khá tẻ nhạt nhưng chi ít họ còn có những sự chờ đợi cho riêng mình. Đó là “Cô em có một đợi chờ: là chồng", còn với cô chị: “chồng cô đã ly dị với cô. Tưởng chừng như đó có thể là những mục tiêu, ngọn đuốc thắp sáng sự tối tăm mịt mù ở cuộc đời hai người nhưng đó hoàn toàn lại trái ngược lại. Cô em thì vô vọng còn chị thì “Cô Giao còn biết gì để mà trông ngóng?”. Mỗi người trong cuộc sống cần có một mong đợi để lấy đó làm động lực để sống nhưng những đợi chờ, mong ước của cô lại rất nhàn nhòa, không có tương lai. Phải chăng Quỳnh và Giao cũng là tượng trưng cho nhiều kiếp người trong xã hội ấy, có một cuộc sống vừa vô vị vừa hẩm hiu. Đó không phải là cuộc sống đáng sống mà cũng buồn mà cũng thật đáng trách.

Không riêng gì Quỳnh và Giao, tác giả còn ngậm ngùi trước cảnh tẻ nhạt bao trùm lên toàn tác phẩm. Một thế giới như lặp đi lặp lại mỗi ngày, không có gì đặc sắc của những kiếp người leo lắt, để mình cho dòng đời đẩy đưa. Xuân Diệu chẳng những để ta cảm nhận cái chán nản đó qua hai cô “kiều” mà dường như, để ta cảm nhận qua cả các tuyến nhân vật với vòng lặp ảm đảm chẳng kém: chủ nhà, ông bố, và cả anh Phan. Họ có mặt mà cũng như không, nhan sắc cũng “chẳng khôi ngô chút nào”. Mới đầu bắt gặp, điều đơn giản đó đã khiến chính tác giả cho rằng: “ông chủ góa vợ, hai cô mồ côi". Ông bố không có gì để làm, để nghĩ, bất động hoài trong căn phòng nửa sáng nửa tối. Hay chính vì vậy mà với ông mà những việc giản đơn thường ngày bỗng chốc hoá hệ trọng. Tôi tự hỏi cuộc sống họ đã phải buồn chán đến thế nào cơ chứ? Có lẽ vì đã vốn nửa vời nên một lặng sóng cũng đủ khiến họ giật mình thức giấc. Chẳng thế khá khẩm hơn, ngay cả anh Phan, một người bạn của tác giả cũng “có một cuộc sống tuy không khổ, nhưng cũng chẳng có gì vui vẻ.” Tại sao không để nó sung sướng hay khổ hạnh luôn chẳng hạn? Tác phẩm cứ hoài lặp lại không khí u hoài, bình lặng đến phát ngán, hay đó mới thực sự là vấn đề? - Tôi lại tự vấn. Thiết nghĩ, anh Phan là người bình thường đến bất thường, đến nỗi tác giả thấy vui vui và tốt lành khi "gặp được nơi khóe môi anh một chút nhíu da giống như một phần sáu của nụ cười". Mọi nhân vật được khắc hoạ trong cùng một khuôn mẫu vô vị, thiếu sinh khí và chẳng có lấy một nét riêng. Họ tồn tại như không tồn tại, giống hơn là đang ngồi chờ đợi sự kết thúc trong vô vọng. Tôi thấy có chút gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng và có lẽ tác giả cũng muốn như vậy. Một người vốn lấy lẽ sống hết mình, sống cuồng nhiệt để không hoài phí tuổi trẻ như Xuân Diệu làm sao chịu được cảm giác lưng chừng, không tươi sáng, không tối tăm, không quá hạnh phúc hay bất hạnh. Đến thi nhân cũng đã nghĩ, có lẽ trong bất hạnh cũng có chút gì đó được xem là thi vị, còn có bản sắc riêng. Vậy cái cách Quỳnh, Giao, anh Phan hay cả thế giới trong đó cứ mãi nhạt nhoà, hệt ánh đèn chực tắt nhưng rồi không tắt hẳn, làm sao có thể chịu nổi chứ?

Người ta nhìn thấy sự chua xót, sự đau đớn của Xuân Diệu trên từng câu văn khi chứng kiến cuộc đời của hai người con gái Quỳnh và Giao - họ có một cuộc sống nhạt nhẽo, tầm thường đến vô vị. Sống mà như thể linh hồn họ không tồn tại trên thế giới này. Cái cốt lõi nhất của con người là niềm tin, là một tấm lòng tràn trề khát vọng, ước muốn thì thi sĩ họ Ngô lại không thể nhìn thấy ở hai người con gái ấy. Đau đớn thay, Quỳnh và Giao lại có những khối mâu thuẫn lớn. Mong chờ nhưng lại chấp nhận phó mặc cho cuộc đời mình vào số phận, vào sự an bài sẵn của trời đất mà chẳng chủ động kiếm tìm, nắm bắt và giữ lấy cơ hội. Những hy vọng của họ rất hiện thực, rất đời thường, muốn được yêu, được thỏa mãn những xúc cảm của trái tim. Hy vọng thì chỉ mãi là hy vọng, còn cuộc sống buồn tẻ thì cứ thể đẩy nó vào khoảng không vươn bay đi mất, mỗi lúc lại xa xôi, lại cách trở nghìn trùng. Càng tìm hiểu kĩ về tác phẩm, càng thấm thía được những tư tưởng nhân văn mà Xuân Diệu đề cập tới. Là sống phải có cái gì đó để đợi chờ. Là sống phải vội vàng, phải chạy đua với thời gian cùng cực để giữ lấy chút gì của tình yêu, của tuổi trẻ. Là phê phán, sự chua xót tiếc thay cho những đời người ẩm ương, mãi xoay vòng vỏn vẹn trong thế giới nhỏ bé của chính mình. Thời đại không làm khổ họ, nhà văn không làm khổ họ mà chính họ đã làm khổ mình. Xuân Diệu viết từng câu văn nghe đau đớn đến lạnh người: “Tôi thương hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo dài, hai cô lẫn trong mù sương”. Thương hai chị em cô Quỳnh cô Giao, Xuân Diệu cũng xót thương bao nhiêu kiếp người ngày đó: hẩm hiu, nhạt nhẽo. Thương cho họ, Xuân Diệu cũng không giấu một lời trách móc: cả đến một nỗi sầu tư hay chán nản gớm ghê, họ cũng không được.Nhà văn Lỗ Tấn có lần nói về người nông dân ngày trước: Ai kì bất hạnh, nộ kỳ bất tranh (thương họ phải đau khổ, nhưng giận họ không dám đấu tranh). Tất nhiên Xuân Diệu không thể có được những tư tưởng mạnh mẽ như vậy, nhưng với những lời rất nhẹ, nhẹ như những câu thơ viết về nỗi buồn của nhà văn Tỏa nhị kiều gây cho ta một cảm giác nghèn nghẹn ở nơi ngực. Độc giả trân trọng, biết ơn những cảm xúc bên trong tâm trí ông : bất bình, cảnh báo, lo lắng.. và thậm chí nghẹn đắng nơi cổ họng khi Xuân Diệu gián tiếp kêu gọi sự bản lĩnh cá nhân, làm chủ cuộc đời thức dậy

Tỏa nhị Kiều đúng như Xuân Diệu nói, là một "truyện ý tưởng". Câu chuyện chử yếu gợi cho người đọc suy ngẫm về thứ "ý tưởng" mang tính nhân văn cao cả của tác giả. Bởi thế, phần hết sức quan trọng của tác phẩm không chỉ ở tình tiết, nhân vật mà còn ở những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề thông qua nhân vật "tôi", người kể chuyện. Nếu như ở những bài thơ Vội vàng hay Giục giã, Xuân Diệu trực tiếp thể hiện lòng ham sống, sống mãnh liệt, sống chói lọi thì ở Tỏa nhị Kiều, Xuân Diệu lại muốn trình bày khát vọng trên đây ở dạng phản đề: ông vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh vô cùng tội nghiệp của những con người, những gương mặt "mờ mờ nhân ảnh”..

Ai kỳ bất hạnh, nô kỳ bất tranh” (thương họ phải đau khổ, nhưng giận họ không dám đấu tranh) ( nhà văn Lỗ Tấn) - Đây có phải cũng là tất cả những gì Xuân Diệu muốn nói. Một câu chuyện phẳng lặng với lời kể nhẹ nhàng, ông muốn nói hết nỗi buồn phiền của thời đại. Chính ta khi đến với “Toả nhị kiều” cũng có gì đó thật nghẹn lòng với sự tầm thường đến vô vị. Đó có phải là bi kịch đau khổ nhất? Khi khát khao sống trọn lại bỗng xa xỉ, vô vọng biết bao!
 
Từ khóa
khát khao tỏa nhị kiều xuân diệu
  • Like
Reactions: Hoa Phù Sa
2K
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top