Tổng hợp kiến thức bài thơ "Bếp lửa"

Tổng hợp kiến thức bài thơ "Bếp lửa"

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Kiến thức cơ bản bài thơ, suy nghĩ về tình cảm gia đình, vai trò của tuổi thơ với mỗi con người, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước thể hiện qua bài thơ

VĂN BẢN: BẾP LỬA (Bằng Việt)
I, Kiến thức cơ bản:

1. Tác giả:
- Bằng Việt, tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng – sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
- Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
- Hiện nay ông là chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.
- Phong cách sáng tác : Thơ Bằng Việt mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình ; ngôn ngữ điềm đạm ; cấu tứ mạch lạc và hệ thống thi ảnh đặc sắc.
2. Văn bảna) Hoàn cảnh sáng tác:
- Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành luật ở nước ngoài.
- Bài thơ được đưa vào tập Hương cây – Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.
b) Mạch cảm xúc và bố cục:
* Mạch cảm xúc: Bài thơ là lời tâm sự của người cháu hiếu thảo ở phương xa gửi về người bà.
Bài thơ được mở ra với hình ảnh bếp lửa, từ đó gợi về những kỷ niệm tuổi thơ sống bên bà tám năm ròng, làm hiện lên hình ảnh bà với sự chăm sóc, lo toan, vât vả và tình yêu thương trìu mến dành cho đứa cháu. Từ những kỷ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm và thấu hiểu về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị mà cao quý của bà. Cuối cùng, người cháu muốn gửi niềm mong nhớ về với bà. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỷ niệm đến suy ngẫm.
* Bố cục: 4 phần.
- Khổ đầu: hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng cảm xúc hồi tưởng về bà.
- 4 khổ tiếp: những kỷ niệm ấu thơ, hình ảnh bà và bếp lửa.
- Khổ 6: những suy nghĩ của tác giả về bà và hình ảnh cuộc đời bà.
- Khổ cuối: nỗi nhớ của cháu về bà và bếp lửa.
c) Giá trị nội dung và nghệ thuật:
* Nội dung: qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỷ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà cũng là đối với gia đình quê hương đất nước.
* Nghệ thuật: bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi một kỷ niệm, cảm xúc, suy nghĩ về bà và tình bà cháu.
d) Ý nghĩa nhan đề :
« Bếp lửa » là một hình ảnh độc đáo, sáng tạo, xuất hiện nhiều lần trong bài thơ, nó vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng :
- Trước hết, đây là một bếp lửa thực, quen thuộc, gần gũi trong mỗi gia đình của người Việt. Đồng thời, nó là hình ảnh gắn với kỉ niệm ấu thơ về một người bà cụ thể, có thật của tác giả.
- Bếp lửa là biểu tượng giàu ý nghĩa :
+ Bếp lửa gợi lên sự tần tảo, chăm sóc, yêu thương cảu người bà dành cho người cháu trong những năm tháng đói nghèo, chiến tranh để trưởng thành và khôn lớn.
+ Bếp lửa gợi lên bao vất vả, cực nhọc của đời bà. Song bà nhóm bếp lửa cũng chính là nhóm lên sự sống, niềm vui, niềm tin và hi vọng cho cháu vào một tương lai phía trước.
+ Bếp lửa còn là biểu tượng của gia đình, quê hương, đất nước, cội nguồn… đã nâng bước người cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.


II, Đọc- hiểu văn bản


1, Hình ảnh bếp lửa – nơi bắt đầu nỗi nhớ( Khổ thơ đầu)
Dòng hồi tưởng bắt đầu từ hình ảnh thân thương, ấm áp về bếp lửa. Để rồi, từ hình ảnh bếp lửa ấy, dòng kỉ niệm về bà thức dậy và được tái hiện:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”
- Trước hết, đó là hính ảnh bếp lửa tả thực, nhỏ bé, gần gũi, quen thuộc trong mỗi gia đình tự bao giờ.
- Hình ảnh ẩn dụ “ấp iu nồng đượm” :
+ Gợi đến bàn tay cần mẫn, khéo léo, chính xác của người nhóm lửa.
+ Gợi tấm lòng chi chút của người nhóm lửa.
-Từ “bếp lửa” được điệp lại hai lần:
+ Gợi bóng dáng của người bà, người mẹ tần tảo, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho chồng, cho con.
+ Diễn tả dòng cảm xúc dâng tràn ùa về kí ức
- Từ láy “chờn vờn”:
+ Miêu tả bếp lửa với ngọn lửa bốc cao, bập bùng, tỏa sáng, ẩn hiện giữa màn sương sớm
+ Bếp lửa ấy mờ tỏa, chờn vờn trong kí ức về những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà của nhà thơ
Một cách tự nhiên, hình ảnh bếp lửa đã làm trỗi dậy dòng cảm xúc yêu thương mãnh liệt trong người cháu:
“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
- Bộc lộ sự thấu hiểu đến tận cùng của sự vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của đời bà
- Chữ “thương” dùng thật đắt qua vần thơ cảm thán, diễn tả cảm xúc đến rất tự nhiên và lan tỏa tâm hồn người cháu
=> Hình ảnh “bếp lửa” đã khơi dậy trong lòng người cháu bao cảm xúc để những dòng hồi tưởng, kí ức đó ùa về khiến người cháu không khỏi xúc động
2, Những kỉ niệm tuổi thơ bên bà và kỉ niệm với bếp lửa
a, Những kỉ niệm hồi lên 4 tuổi
Đó là kỉ niệm tuổi thơ với những năm tháng gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”
- Thành ngữ “đói mòn đói mỏi”:
+ Miêu tả một hiện thực đau thương trong lịch sử: Năm 1945, do chính sách cai trị hà khắc của phát xít Nhật và thực dân Pháp đã khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói
+ Câu thơ trĩu xuống, khiến lòng người như nao nao, nghẹn ngào khi nghĩ về kí ức tuổi thơ ấy.
- Hình ảnh “Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy” phần nào diễn tả hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của người cha phải bươn chải kiếm sống đủ nghề.
- Hình ảnh “đói mòn đói mỏi” và “khô rạc ngựa gầy” là những hình ảnh đậm chất hiện thực, đặc tả được sự xơ xác, tiều tụy của những con người trong cuộc mưu sinh.
Trong những năm đói khổ ấy, cháu cùng bà nhóm lửa:
“Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
- Khói bếp của bà chẳng làm no lòng cháu nhưng đã lưu giữ một kỉ niệm sống mãi không nguôi: mùi khói đã hun nhèm mắt cháu để đến bây giờ nghĩ lại “sống mũi còn cay”.
- Tác giả nhắc đi nhắc lại từ: “mùi khói”, “khói hun” gợi một sự ám ảnh về một thời gian khó đã đi qua.
- Cảm giác cay cay vì khói bếp và cái cay cay bởi nỗi xúc động của người cháu như hòa quyện, quá khứ và hiện tại như đồng hiện trên từng dòng thơ.
=>Những hình ảnh, những kỉ niệm bên bà, bên bếp lửa đã cho thấy một tuổi thơ gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn và đầy ám ảnh của tác giả. Để rồi khi đã đi xa, ông không khỏi xúc động mỗi khi nghĩ về bà và những kỉ niệm bên bà.
b, Những kỉ niệm hồi lên tám tuổi:
*
Đó là những năm tháng cháu sống trong sự cưu mang, dạy dỗ của bà:
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa”
-
Gợi khoảng thời gian tám năm ròng cháu được sự yêu thương, che chở, bao bọc của bà
- Tám năm ấy, cháu sống cùng bà vất vả, khó khăn nhưng đầy tình yêu thương.
- Bếp lửa hiện diện như tình bà ấm áp, như chỗ dựa tinh thần, như sự cưu mang đùm bọc đầy chi chút của bà
*Đó là những năm tháng hồn nhiên, trong sáng và vô tư qua hình ảnh tâm tình với chim tu hú:
“Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Tu hú kêu bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”
- Tiếng chim tu hú – âm thanh quen thuộc của đồng quê mỗi độ hè về, để báo hiệu mùa lúa chin vàng đồng, vải chín đỏ cành.
- Tiếng chim tu hú như giục giã, như khắc khoải điều gì tha thiết lắm, khiến lòng người trỗi dạy những hoài niệm nhớ mong. Tiếng tu hú gợi nhớ, gợi thương:
+ Về tám năm kháng chiến chống Pháp “mẹ cùng cha công tác bận không về” bà vừa là cha, vừa là mẹ.
+ Về những năm tháng tuổi thơ, về một thời cháu cùng bà nhóm lửa, được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, cưu mang trọn vẹn của bà:
“Cháu ở cùng bà, bà kể cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”
Các động từ: “bảo, dạy, chăm” đã diễn tả sâu sắc tấm lòng bao la, sự chăm chút, nâng niu của bà đối với đứa cháu nhỏ. Các từ “bà” – “cháu” được điệp lại bốn lần, đan xen vào nhau như gợi tả tình bà cháu quấn quýt, yêu thương.
-> Bà vừa là bà, vừa là sự kết hợp cao quý giữa tình cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
* Tình yêu sự kính trọng bà của người cháu được thể hiện thật chân thành, sâu sắc qua câu thơ:
“Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”
- Hình ảnh con chim tu hú xuất hiện ở cuối khổ thơ với câu hỏi tu từ là một sự sáng tạo độc đáo của Bằng Việt nhằm diễn tả nỗi lòng da diết của mình khi nhớ về tuổi thơ, về bà:
“Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”
+ Gợi hình ảnh chú chim đang lạc lõng, bơ vơ, côi cút ngao ngán được ấp ủ, che chở.
+ Đứa cháu được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà đã chạnh lòng thương con tu hú. Và thương con tu hú bao nhiêu, tác giả lại biết ơn những ngày được bà yêu thương, chăm chút bấy nhiêu.
-> Trong khi hồi tưởng về quá khứ, người cháu luôn thể hiện nỗi nhớ thương vô hạn và lòng biết ơn bà sâu nặng
c, Những kỉ niệm thời bom đạn chiến tranh
Từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh tàn khốc, người bà càng sáng lên nhiều phẩm chất đẹp:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”
- Hình ảnh “cháy tàn cháy rụi” gợi sự tàn phá, hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh.
- Trước hiện thực khó khăn, ác liệt ấy, bà vẫn mạnh mẽ, kiên cường không kêu ca, phàn nàn. Điều đó được thể hiện qua lời dặn dò của bà đối với cháu:
“Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên!”
+ Bà đã gồng mình, lặng lẽ gánh vác mọi lo toan để các con yên tâm công tác
+ Bà không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho hậu phương mà còn là điểm tựa vững chắc cho tiền tuyến.
-> Bà đã góp phần làm ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam vốn giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh.
3, Những suy ngẫm về bà và bếp lửa
Từ những kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà, nhận được sự yêu thương, đùm bọc của bà bên bếp lửa quê hương, người cháu suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa.
a) Những suy ngẫm về bà và bếp lưả
Trong bài thơ, trên dưới mười lần tác giả nhắc đến bếp lửa và hiện diện cùng bếp lửa là hình ảnh người bà, với vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại và đầy yêu thương. Và đến đây, tác giả đã dành một khổ thơ để nói lên những suy ngẫm về bếp lửa:
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngon lửa chứa niềm tin dai dẳng...”
- Hình ảnh bếp lửa ở dòng thơ đầu là hình ảnh tả thực về sự vật hữu hình, cụ thể, gần gũi và gắn liền với những gian khổ của đời bà.
- Từ hình ảnh “bếp lửa” hữu hình, tác giả đã liên tưởng đến “ngọn lửa” vô hình “lòng bà luôn ủ sẵn” với ý nghĩa trừu tượng và khái quát:
+ Bếp lửa bà nhóm lên không chỉ bằng những nguyên liệu bên ngoài mà còn bằng chính ngọn lửa trong lòng bà – ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin vô cùng “dai dẳng”, bền bỉ và bất diệt.
+ Ngọn lửa bền bỉ và bất diệt ngày ngày bà nhóm cũng chính là nhóm niềm vui, niềm tin, niềm yêu thương để nâng đỡ cháu trên suốt những chặng đường dài.
+ Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
-> Chính vì cảm nhận, thấu hiểu được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc kia một sự kì diệu và thiêng liêng, nhà thơ đã thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
- Các động từ “nhen”, “ủ sẵn”, “chứa” đã khẳng định ý chí, bản lĩnh sống của bà, cũng là của những người phụ nữ Việt Nam.
- Điệp ngữ - ẩn dụ “một ngọn lửa” cùng kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động, tự hào.
=>Thông qua những suy ngẫm về hình ảnh bếp lửa, tác giả đã khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại, đầy yêu thương của bà hiện lên lấp lánh như một thứ ánh sáng diệu kì.
b, Những suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.
Hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa. Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và tỏa sáng. Để rồi mỗi khi nhớ lại, người cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”
- Cụm từ chỉ thời gian “đời bà”, “mấy chục năm” đi liền với từ láy tượng hình “lận đận” và hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa” đã diễn tả một cách sâu sắc và trọn vẹn về cuộc đời đầy những lận đận, gian nan, vất vả của bà .
- Thời gian có thể trôi, mọi sự có thể biến đổi, song chỉ duy nhất một sự bất biến: Suốt cả một cuộc đời lận đận, vất vả, bà vẫn “giữ thói quen dậy sớm” để làm công việc nhóm lửa, nhóm lên niềm tin, tình yêu thương cho cháu
-> Tình thương yêu tác giả dành cho bà được thể hiện trong từng câu chữ. Tình cảm ấy giản dị, chân thành mà sâu nặng thiết tha
Bà không chỉ nhóm lửa bằng đôi tay khẳng khiu, gầy guộc, mà còn bằng tất cả tấm lòng đôn hậu “ấp iu nồng đượm” đối với cháu:
“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”
- Điệp từ “nhóm” được nhắc lại bốn lần, đan kết với những chi tiết tả thực mang đến nhiều ý nghĩa và liên tưởng khác nhau:
+ “Nhóm bếp lửa”, “nhóm nồi xôi gạo” là hình ảnh tả thực công việc của bà
+ “Nhóm niềm yêu thương”, “nhóm dậy cả những tâm tình” là hình ảnh ẩn dụ về công việc thiêng liêng và cao quý nhất của con người. Bà đã khơi dậy trong tâm hồn cháu và những người xung quanh niềm yêu thương, sự chia sẻ.
  • Có thể nói, cảm xúc của nhà thơ như dâng trào khi suy ngẫm về bà và bếp lửa. Khổ thơ như một sự tổng kết để ngợi ca, khẳng định về bà : Bà là người phụ nữ tần táo, giàu đức hi sinh, luôn chăm lo cho mọi người.
4, Nỗi nhớ bà và bếp lửa
Nỗi nhớ bà và bếp lửa gợi lên một thực tại, người cháu năm xưa đã lớn khôn, trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa, được làm quen với những chân trời rộng lớn:
“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
- Dòng thơ đầu được ngắt thành hai câu để gợi sự chảy trôi của thời gian (từ 4 tuổi, 8 tuổi đến trưởng thành); gợi sự biến đổi của không gian (từ căn bếp của bà đến những khoảng chân trời rộng lớn)
Điệp từ “trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ.
Điệp từ “có” kết hợp với thủ pháp liệt kê:
+ Cho thấy người cháu đã có những thay đổi lớn trong cuộc đời, đã tìm được bao niềm vui mới.
+ Khẳng định đứa cháu không thể quên được ngọn lửa của bà, tấm lòng đùm bọc, ấp iu của bà. Ngọn lửa ấy đã thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng, kì diệu nâng bước người cháu trên suốt chặng đường dài.
Khổ thơ chứa đựng đạo lí thủy chung, cao đẹp bao đời của người Việt: “uống nước nhớ nguồn”. Đạo lí ấy được nuôi dưỡng ở mỗi tâm hồn con người từ thuở ấu thơ, để rồi như chắp cánh để mỗi người bay cao, bay xa trên hành trình cuộc đời.


III, LUYỆN TẬP

A) ĐẠNG ĐỀ ĐỌC HIỂU


ĐỀ ĐỌC HIỂU SỐ 1

Cho những câu thơ sau:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

1. Những câu thơ trên trích trong bài thơ nào? Của tác giả nào? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ? Nêu mạch cảm xúc của bài thơ?
2. 2. Hình ảnh ngọn lửa trong câu thơ trên được một bạn học sinh hiểu là: Một hiện tượng tạo nên ánh sáng và hơi ấm do sự đốt cháy nhiên liệu, cách hiểu ấy có đúng không? Vì sao?
3. Chỉ ra từ láy trong dòng thơ đầu. Từ láy ấy giúp em hình dung gì về hình ảnh bếp lửa mà tác giả nhắc tới? Em hãy phân tích cái hay của những từ láy tượng hình trong ba câu thơ ấy?
4. Tình cảm gia đình hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước là một đề tài quen thuộc được thể hiện trong bài thơ. Hãy kể tên 2 bài thơ VN hiện đại trong chương trình Ngữ Văn 9 cũng viết về đề tài ấy và ghi rõ tên tác giả.
5. Viết đoạn văn quy nạp khoảng 13 đến 15 câu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa” sử dụng câu cảm thán?
Gợi ý:

1. Bài thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt. Bài thơ được sáng tác 1963, khi ấy tác giả đang là sinh viên ngành luật tại Liên Xô và mới bắt dầu đến với thơ. Mạch cảm xúc: Đi từ liên tưởng đến hiện tại, từ những kỉ niệm đến suy ngẫm

2.

- Cách hiểu của bạn học sinh không đúng.

- Vì đây là ngọn lửa trong lòng bà, ngọn lửa được thắp lên từ lòng yêu thương, từ niềm tin sự sống

3.

- “Chờn vờn” : Ánh sáng ngọn lửa bếp bập bùng, lúc to lúc nhỏ gợi ta nhớ đến hình ảnh bếp lửa bình dị quen thuộc của làng quê Việt Nam trước kia.

- Ba câu thơ đầu nổi bật lên với những từ tượng hình như “ chờn vờn, ấp iu”. Từ “ chờn vờn” gợi hình ảnh một bếp lửa vừa cụ thể, hữu hình, vừa vô hình khó nắm bắt. Không phải là “ bập bùng” hay” chập chờn”. Nếu là “ bập bùng” thì thực quá, lửa mạnh quá, ngọn lửa lúc cao, lúc thấp. Nếu “ chập chờn” thì ảo quá, ngọn lửa lúc to, lúc nhỏ khó nắm bắt. Chỉ với tư “chờn vờn” là từ láy tượng hình vừa gợi được cái dáng lửa thanh mảnh uốn lượn quyện làn sương sớm vừa gợi được sắc lửa hồng. Ngọn lửa nửa thực, nửa hư. Đó chính là ngọn lửa của hồi ức. Từ “ ấp iu” gợi sự chăm chút, nâng niu, giữ gìn bếp lửa của người bà với một bàn tay khéo léo, kiên nhẫn. Tóm lại, đó là một bếp lửa trong hoài niệm vừa gợi hình vừa biểu cảm. Một bếp lửa rực lên trong tình thương mến của bà và cháu.

4. Hai bài thơ Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn lớp 9 viết về tình cảm gia đình hoà quyện với tình yêu quê hương đất nước là:

- Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

- Nói với con của Y Phương.

5.

Câu chủ đề: Người bà trong bài thơ “Bếp lửa” của BV luôn dành cho cháu những tình cảm lớn lao, sâu sắc.

Các câu khai triển:

  • Bà là người che chở, bao bọc, dạy dỗ, chăm sóc cho cháu trong những năm tháng tuổi thơ “Bà dạy cháu làm ... khô nhọc” Bà vừa là thầy giáo, vừa là người cha, người mẹ để chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục cháu nên người
  • Hình ảnh người bà tần tảo, chắt chiu, nhen nhóm lên ngọn lửa mỗi sớm mai. Nhen nhóm ý chí, niềm tin cho cháu: “Rồi sớm ... chứa niềm tin dai dẳng”
  • Bà là người đầy nghị lực, vượt qua những biến cố lớn lao trong cuộc đời, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cháu. Mặc dù giặc đốt nhà, cái đói đeo bám quanh năm nhưng bà vẫn dặn cháu: “Mày có viết ... bình yên”
  • Xảy ra nhiều biến cố nhưng bà vẫn đầy nghị lực, là tấm gương cho sự chịu thương, chịu khó, bà là hậu phương vững chắc để ba mẹ đứa cháu yên tâm chiến đấu. Điều đó thể hiện bà còn là người có tình yêu nước sâu sắc.
  • Câu kết:
  • Chao ôi, bà là người phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại, đầy yêu thương, với tấm lòng nhân hậu, giàu đức hi sinh, với một nghị lực sống phi thường!
  • PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2
Cho câu thơ “năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”
1. Chép lại chính xác các câu tiếp theo để hoàn chỉnh khổ thơ?
2. Lời dặn dò của người bà đối với đứa cháu trogn đoạn thơ vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao người bà phải vi phạm phương châm hội thoại đó
3. Viết những câu thơ được sử dụng theo lối trực tiếp? Lời dẫn trực tiếp là gì?
4. Nd chính của đoạn thơ?
5. Đoạn thơ có nói tới sự tàn phá của chiến tranh. Em hãy viết 1 đoạn văn diễn dịch từ theo đề tài vừa nêu. Sử dụng khởi ngữ?
Gợi ý:

b, Lời dạy của bà vi phạm phương châm về chất

Vì: +) Người bà không muốn cho ba mẹ đứa cháu biết về hoàn cảnh thực tế của hai bà cháu ở nhà để họ yên tâm công tác đánh giặc.

+) Qua lời bà dặn không chỉ cho thấy sự đảm đang, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ mà còn thấy tình yêu nông nàn của người bà.

c, Là những câu thơ có dấu ngoặc kép và dấu gạch đầu dòng.

d, Nội dung chính: Đoạn thơ nói về sự tàn phá của chiến tranh qua đó làm nổi bật tinh thần đoàn kết của xóm làng và sự vượt qua khó khăn, gian khổ, cam chịu đồng thời thể hiện lòng yêu nước sâu sắc của người bà.

e,

*Câu chủ đề: Chiến tranh đã để lại cho con người tổn hại về vật chất và tinh thần.

* Các câu khai triển:

+) Thực trạng:


  • Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng con người, chia rẽ và làm tan nát bao nhiêu gia đình. Mẹ xa con, vợ xa chồng, sự đau đớn đến tột cùng khi mỗi người phải mất đi mỗi người phải mất đi những người thân yêu chỉ vì chiến tranh. Nỗi đau đớn tinh thần là vô cùng lớn
  • Nó đã tàn phá rất nhiều nhà cửa, cầu cống.
  • Và nó còn đẩy lùi sự phát triển của loài người, làm ảnh hưởng giống nòi cho biết bao thế hệ sau: Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh nhưng tiêu biểu và mới đây nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Đặc biệt đế quốc Mĩ đã dải hàng ngàn, hàng vạn tấn bom cướp đi hàng triệu sinh mạng, dã man và tàn ác hơn chúng còn dải chất độc màu da cam không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người lúc đó mà còn làm ảnh hưởng đến nòi giống không biết bao nhiêu thế hệ về sau.
+) Biện pháp:

  • Mỗi chúng ta luôn phê phán, lên án ngăn chặn chiến tranh, tuyên truyền rộng rãi cho mọi người biết hậu quả gây chiến tranh
  • Bằng những hành động thiết thực như viết bài, vẽ tranh, biểu tình ... để lên án những kẻ gây chiến tranh
  • Hãy yêu hòa bình vì hòa bình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người và sự phát triển của xã hội. Hòa bình sẽ mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
+) Bài học:

  • Là học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần tích cực học tập, rèn luyện đạo đức trở thành những công dân có ích, xây dựng đất nước hòa bình, nông dân ấm no, hạnh phúc.
  • * Câu kết: Tóm lại, chiến tranh đã để lại những hậu quả khôn lường cho cuộc sống mỗi con người.




B) DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Đề 1: Phân tích bài thơ Bếp lửa của tác giả Bằng Việt.

1, Mở bài:Cần nêu được:

- Giới thiệu tác giả

- Phong cách sáng tác

- Giới thiệu văn bản.

  • - Nêu vấn đề nghị luận.
  • Tham khảo mở bài:
  • - Bằng Việt (1941) là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
  • - Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, thường khai thác những kỉ niệm trong sáng thuở thiếu thời và khơi gợi ước mơ của tuổi trẻ
  • - Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, in trong tập Hương Cây – Bếp lửa (1968), là tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.
  • - Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng biết ơn của người cháu dành cho bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
2, Thân bài:

a, Bếp lửa khơi nguồn cảm xúc nhơ thương

  • Bài thơ mở ra bằng hình ảnh bếp lửa ở làng quê Việt Nam. Dòng hoài niệm của người cháu xa quê được khơi lên từ hình ảnh “Một bếp lửa chờn vờn”, “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”.
  • Ba tiếng “một bếp lửa” trở thành điệp khúc mở đầu bài thơ với nhịp điệu sâu lắng, với một hình ảnh quen thuộc trong mọi gia đình.
  • Hình ảnh bếp lửa thật ấm áp và giữa cái lạnh của “chờn vờn sương sớm”, thật thân thương với bao tình cảm “ấp iu nồng đượm”.
  • Từ “ấp iu” vừa diễn tả chính xác công việc nhóm bếp, vừa gợi ra bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng của người nhóm bếp.
  • Khi bếp lửa hiện diện, rất tự nhiên đã đánh thức dòng cảm xúc hồi tưởng của cháu về bà:
  • Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
b, Kỉ niệm thời ấu thơ bên bà trong những tháng năm chiến tranh gian khổ.

  • Cháu nhớ về thời thơ ấu khi lên bốn, dấu ấn bếp lửa nhà nghèo gắn với nạn đói mòn đói mỏi năm 1945 đã hằn in vào tâm trí.
  • Trong cái đói mòn đói mỏi, bếp lửa nhà nghèo cứ ám ảnh khiến mỗi lần nghĩ lại, cháu lại cay xè nơi sống mũi vì hoàn cảnh cơ cực, vì sự nghèo khổ của bà.
  • “Lên bốn tuổi” cháu đã sớm phải lo toan, sớm “đã quen mùi khói”, sau đó suốt “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”.
  • Cho nên nhớ về tuổi thơ, nhân vật trữ tình “Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu – Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Cảm giác ấy thật chân thực và xúc động
  • Cháu nhớ về cuộc sống của hai bà chúa khi quê hương, đất nước khi có chiến tranh:
+ Trong những tháng năm cơ cực, cuộc sống gia đình chỉ có bà và cháu cặm cụi bên nhau bởi “Mẹ cùng cha công tác bận không về”. Cháu được sống trong sự chăm chút, cưu mang, dạy dỗ của bà, cháu lớn lên bên bếp lửa của bà. Bên bếp lửa hồng, bà kể chuyện những ngày ở Huế, chuyện thực tại, chuyện tương lai ... Bà là cha, là mẹ, chăm lo, dạy dỗ, bảo ban cháu âm thầm, nhẫn nại, bền bỉ, chắt chiu. Trong suốt tám năm, cháu cùng bà nhóm lửa để thắp lên niềm tin và hi vọng. Tình bà ấm áp lại càng thêm ấm áp hơn bên bếp lửa

+ Bên bếp lửa, cháu nhớ: “Giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”, khiến cho: “Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi”. Cuộc sống của hai bà cháu trước cảnh càn quét của giặc Pháp cũng chất chồng những vất vả, khó khăn. Từ trong cảnh hoang tàn đổ nát của làng xóm quê hương, bà một mình chịu đựng, một mình hi sinh để các con yên tâm lo việc kháng chiến. Bà lại gượng dậy, chắt chiu, gom góp, hồi sinh sự sống:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng ...


  • Bếp lửa đánh thức thêm một kỉ niệm của tuổi thơ: Tiếng chim tu hú. Tiếng chim quen thuộc của đồng quê bỗng trở thành một phần thân thương không thể thiếu của kỉ niệm. Cháu thiết tha nhớ tiếng “Tu hú kêu trên những cánh đồng xa”.
  • Trong lời kể của bà, có cả “Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”. Tâm hồn trẻ thơ của cháu chợt dấy lên một mong mỏi da diết:
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

Âm điệu tha thiết của câu thơ gợi ra tình cảnh vắng vẻ, côi cút, vời vợi nhớ thương của hai bà cháu

-> Mỗi kỉ niệm, cháu đều được bà chở che, nâng niu, ôm ấp, vỗ về. Bằng Việt vừa gợi những kỉ niệm tuổi thơ, vừa trực tiếp bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình về những kỉ niệm đó về bà kính yêu. Mỗi kỉ niệm mở ra không chỉ gắn với tuổi thơ Bằng Việt, không chỉ gắn với cuộc đời bà mà còn gắn liền với những dấu ấn của quê hương, đất nước ngày hôm qua.

c, Suy ngẫm về bà và bếp lửa quê hương

Cháu suy ngẫm về cuộc đời, về ân nghĩa sâu nặng của bà, về bếp lửa khi cháu khôn lớn trưởng thành

  • Cháu thấu hiểu cuộc đời bà là cuộc đời lận đận gian nan chưa từng một ngày an nhàn, sung sướng. Cuộc đời bà là hiện thân cuộc đời dân tộc. Cháu thấu hiểu vì vất vả khó khăn nên đức hi sinh, sự tảo tần, “thói quen dậy sớm” của bà đã trở thành nếp sống không thể đổi thay trong suốt mấy chục năm qua
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”

  • Cháu hiểu: “Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm” là để nhóm lên bếp lửa hồng, nhóm lên tình yêu thương trong lòng cháu. Giữa bà và bếp lửa như có nét tương đồng. Bà là người ấp iu giữ lửa, Nhóm lửa để ngọn lửa của tình yêu thương trong mỗi gia đình cháy sáng, nối kết quá khứ, hiện tại, tương lai:
+ Bếp lửa bà nhóm lúc nào cũng lung linh cháy sáng trong lòng cháu. Điệp từ “nhóm” bốn lần lặp lại đầu mỗi câu thơ đã bồi đắp, tỏa sáng dần dần nét kì lạ của bếp lửa và soi sáng chân dung, tình nghĩa của bà

+ Bà nhóm “Bếp lửa ấp iu nồng đượm” để cháu có “khoai sắn ngọt bùi”, “nồi xôi gạo mới”. Cao hơn nữa, bếp lửa bà nhóm lên để sẻ chia niềm vui với làng xóm, cộng đồng. Bà nhóm bếp đâu chỉ bằng nguyên liệu rơm, củi, ... mà bằng “ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn” để truyền cho cháu tình yêu thương, đoàn kết:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngon lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng ...

- Từ bếp lửa, bài thơ đã gợi đến hình ảnh ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bếp lửa của bà đâu chỉ có ngọn lửa cụ thể được nhen bằng rơm, bằng củi! Ở đó còn có ngọn lửa thiêng liêng trong lòng bà, ngọn lửa của lòng yêu thương, của niềm tin, của cuộc sống thầm lặng mà mãnh liệt. Hình ảnh bếp lửa mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc: tình thương – sự sống – niềm tin bất diệt

- Kì diệu hơn, bà còn “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” để vun đắp ước mơ cho cháu. Từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một “niềm tin dai dẳng” về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa:

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

  • Trưởng thành, sống xa bà, cháu hiểu bếp lửa là hiện thân của tình bà, của tình yêu thương bà dành cho cháu, là kỉ vật thiêng liêng của tình bà cháu, là hồn quê Việt Nam. Nó là hành trang, là chỗ dựa tinh thần nâng bước chân cháu suốt hành trình dài rộng của cuộc đời cháu để có được sự trưởng thành như ngày hôm nay. Khi cảm xúc trào dâng, khi lòng biết ơn bà sâu sắc, cháu thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc sự kì diệu của cháu với bà:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

- Điệp từ “trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với những điều mới mẻ. Cháu đã được sống với những niềm vui rộng mở. Nhưng giữa “ngọn khói trăm tàu”, “ngọn lửa trăm nhà”, cháu vẫn luôn nhớ về bếp lửa nồng đượm của quê hương vì nơi đó có bà. Nỗi nhớ bà nồng nàn chất đầy trong câu nghi vấn: “Sớm mai này bà nhóm bếp lửa lên chưa?” Câu hỏi là lời khẳng định, lời hứa đinh ninh, chẳng bao giờ cháu quên quá khứ, chẳng bao giờ cháu quên bà và bếp lửa tuổi thơ

-> Một người con xa quê hương, đất nước, nhớ về bà, nhớ về bếp lửa là nhớ về tổ ấm gia đình, nhớ quê hương, đất nước, là tri ân sâu sắc với cội nguồn. Bài thơ đã khéo léo mở rộng từ tình bà cháu thành tình quê hương đất nước, từ kỉ niệm gần gũi, thiêng liêng thành lẽ sống đời thường.

3, Kết bài:

  • Bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận; sáng tạo hình ảnh sóng đôi: bà và bếp lửa, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu
  • Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về bà và tình bà cháu; đồng thười thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà, tình cảm là biểu hiện cụ thể và đẹp đẽ của tình cảm gắn bó với gia đình, với quê hương, với đất nước.
C) DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Đề bài:
Từ bài thơ “ Bếp lửa” và bằng những hiểu biết của em, suy nghĩ về tình yêu quê hương, đất nước của thế hệ trẻ trong thời đại hiện nay?

Bài viết tham khảo 1:

Nhà thơ Tố Hữu nói: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt.” Quả đúng như vậy, quê hương đất nước chính là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó với ta biết bao nhiêu kỉ niệm. Từ xưa đến nay, tình yêu nước cũng như mạch nguồn chính, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong văn học . Và đến ngày nay, tình yêu quê hương đất nước vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cần được trân trọng và phát triển hơn nữa.

Tình yêu quê hương đất nước là một khái niệm rất rộng, là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng và dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Tình yêu quê hương đất nước trước hết xuất phát từ tình yêu gia đình, làng xóm, yêu những gì giản dị nhất trên quê hương đất nước như cây đa, bến nước, cánh đồng, dòng sông,… Chính xuất phát từ những điều giản dị, bình dị ấy, lòng yêu nước của ta càng được bồi đắp hơn. Tình yêu quê hương từ thuở xa xưa, trong những câu ca dao như tấm gương phản chiếu tâm hồn con người và inh thần dân tộc. Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, cả thế giới biết đến Việt Nam như một biểu tượng của tinh thần đấu tranh bảo vệ, hòa bình, độc lập. Chúng ta vẫn luôn tự hào về nước Việt Nam, từ thời phong kiến, các triều đại Việt Nam đã đánh đuổi được giặc Trung Hoa, quân dân hời Trần đã ba lần đánh đuổi được quân Mông Nguyên ra khỏi bờ cõi- đạo quân hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Trong “ Đại cáo bình Ngô” cũng đã khẳng định:

  • Như nước Đại Việt ta từ trước
  • Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
  • Núi sông bờ cõi đã chia
  • Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Quân thù hung ác nhưng ý chí quyết tâm của dân tộc ta ngày càng phải được nâng cao.

Tình yêu nước, yêu quê hương là cội nguồn, là nơi ta sinh ra và lớn lên, gắn bó biết bao nhiêu kỉ niệm gốc rễ bền chặt cho sự phát triển bền vững của ta.Tình yêu nước phải xuất phát từ trong sâu thẳm mỗi con người, gắn bó lâu dài, bền chặt chứ không phải một lúc rồi thôi hay chỉ xuất hiện khi có những ham muốn của bản thân mà không khắc ghi cội nguồn, đạo lí truyền thống dân tộc thì sớm muộn sự phát triển của ta cũng sẽ như cây cao bị trơ rễ, bật gốc dù chỉ là một cơn gió nhẹ. Tình yêu nước góp phần tạo nên bản sắc dân tộc trở nên phong phú. Nó còn gắn bó với tình yêu tiếng nói dân tộc. Tiếng nói là linh hồn của một quốc gia, một dân tộc. Nó mang bản sắc không thể trộn lẫn dân tộc này với dân tộc khác. Khi ta cất tiếng nói là trái tim đang đập nhịp cộng hưởng với cuộc đời bao la rộng lớn. Với một dân tộc lúc nguy nan, giữ vững tình yêu đối với tiếng nói dân tộc cũng là một biểu hiện cụ thể, sâu sắc của tình yêu nước. Tình yêu quê hương đất nước còn là tình yêu đối với những cảnh sắc tươi đẹp, trù phú trên quê hương như cánh đồng, dòng sông, con đường, cây đa, bến nước,… Nó là tình cảm xuất phát tự nhiên nảy nở trong tâm hồn nên những ai đã có thì hãy biết trân trọng và chưa có thì hãy biết nuôi dưỡng.

Thực tế ngày nay, có nhiều người không hiểu được tình yêu quê hương đất nước, chà đạp nên những giá trị văn hóa dân tộc từ hàng ngàn đời nay.Có những người sống mà không biết nguồn cội, quê hương, luôn chạy heo những xu hướng vật chất tầm hương, sống ích kỉ, không quan tâm tới những người xung quanh, những người đấy sớm muộn cũng sẽ trở nên bị cô đơn lạc long giữa cuộc sống xô bồ, tấp nập này. Thế giới thay đổi từng ngày, muốn không lạc hậu ta phải theo kịp thời gian học lấy những bài học từ quá khứ để đối mặt với thực tại, hướng tới tương lai với nỗ lực hết mình. Hãy mang khát vọng lớn, tình yêu dân dộc cao cả để một Việt Nam lớn mạnh.

Trong cuộc sống hiện đại đang ngày càng phát triển, con người đang có xu hướng hội nhập toàn cầu thế giới, là những người trẻ tuổi hãy trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân để đáp ứng nhu cầu thế giới. Đó cũng là biểu hiện cao cả của tình yêu quê hương đất nước.

Bài viết tham khảo 2:

Trong sâu thẳm trái tim mỗi người, chắc hẳn đều có một nơi dành cho quê hương đất nước như một nhà thơ đã từng thốt lên:

  • “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
  • Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
  • Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
  • Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông"
Thật khó để định nghĩa một cách rõ ràng về tình yêu quê hương đất nước. Nó chính là tình yêu, sự trân trọng, nâng niu, yêu mến và sẵn sàng hi sinh cho quê hương- nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người, cho tổ quốc- lãnh thổ thiêng liêng mang hai tiếng Việt Nam. Đây là một tình cảm nhân văn, cao đẹp, luôn thường trực ở mỗi người dù già hay trẻ, dù gái hay trai.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, cuộc sống hòa bình và đáng sống này ai đem lại cho bạn? Đó là những giọt mồ hôi của ông cha từ buổi khai phá, là biết bao nhiêu giọt máu của nhiều thế hệ đổ xuống để bảo vệ lãnh thổ bờ cõi. Nên ta yêu hơn cả từng con người, từng mảnh đất, từng nhành cây ngọn cỏ trên khắp đất nước. Bởi đâu đâu cũng in dấu “một dáng hình một ao ước cha ông”. Nơi ta đã gắn bó từ ngày ấu thơ đến khi trưởng thành và mãi mãi về sau, nơi yêu thương và hạnh phúc luôn đong đầy thì tại sao ta lại không yêu, không quý, không trân trọng và nâng niu cho được?

Tình yêu quê hương đất nước không phải thứ tình cảm to lớn hay xa xôi gì. Nó bắt nguồn từ tình yêu những điều nhỏ bé, bình dị nhất. Tình yêu nhà, yêu mỗi con sông quê hương, yêu những con người chân chất thật thà, yêu gia đình trở nên tình yêu đất nước. Khi bờ cõi đất nước đứng trước sự lâm nguy, những thế hệ thanh niên nhiệt tình đã sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc, những cô thanh niên xung phong sẵn sàng vào mặt trận. Đó là hình ảnh của chú bé Lượm, mẹ Tơm, mẹ Suốt, bà Bầm bà Ủ.... Trong thời bình thì tình yêu quê hương đất nước lại ở sự phấn đấu nỗ lực để cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Tình yêu ấy không còn là những định nghĩa trừu tượng mà còn thể hiện bằng những hành động thiết thực. Đó là nỗi nhớ quê da diết mỗi khi xa nhà, luôn móng ngóng về quê hương và chờ đợi đến ngày được trở về. Khi đất nước phát triển, họ cùng góp một chút sức lực nhỏ để đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Lòng yêu nước yêu quê hương của họ thật đáng quý biết bao.

Tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu tổ quốc. Đó là thứ tình cảm vừa giản dị, chân thành song lại thiêng liêng cao đẹp biết bao. Mỗi giai cấp, mỗi thế hệ, mỗi con người lại có những biểu hiện khác nhau để yêu nơi ta đã cất tiếng khóc chào đời, nới rộng mở cánh tay đón chào ta. Các nhà thơ yêu quê bằng những vần thơ ngọt ngào, tha thiết ngợi ca cảnh sắc quê hương đất nước. Anh kĩ sư yêu đất nước bằng những đêm thức trắng vẽ nên những bản công trình, đưa đất nước dần hội nhập cùng thế giới. Các bạn học sinh yêu quê hương mình bằng cách nỗ lực, chăm chỉ không ngừng học tập để đưa đất nước "sánh vai với các cường quốc trên thế giới".

Bên cạnh những hành động đẹp, những tấm gương sáng như vậy thì vẫn còn không ít người ngày càng xa lánh và rời bỏ quê hương. Thậm chí họ còn tìm cách chống phá nhà nước, đưa ra các luận điệu sai trái về chính quyền ta. Đôi khi, họ sống quá thực dụng và vụ lợi. Sẵn sàng lừa dối những người xung quanh mình, tàn phá thiên nhiên và hủy hoại môi trường. Nhiều kẻ bất nhân còn chà đạp lên quyền sống, bán rẻ lương tâm để hãm hại người khác một cách dã man. Những hành động như vậy đáng bị lên án và trừng trị.

Trong bối cảnh hiện đại, yêu quê hương đất nước còn gắn với việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa cổ truyền. Yêu tiếng mẹ đẻ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hãy là người yêu nước bằng một trái tim nóng và cái đầu lạnh.



Đề bài

Từ ý nghĩa của bài thơ “Bếp lửa” cùng với những kiến thức xã hội em có, hãy trình bày suy nghĩ của em về vai trò của tình cảm gia đình đối với mỗi con người. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ.

Gợi ý:

* Mở đoạn
: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Gia đình luôn có vai trò quan trong trong cuộc đời mỗi con người.

* Thân đoạn:

- Giải thích: Gia đình là khái niệm chỉ những người cùng chung sống dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống, thường gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt.

- Bàn luận: Vì sao gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi con người?

+ Gia đình là nơi ta sinh ra trong sự đón chờ của ông bà, cha mẹ, ang chị; nơi ta lớn lên mỗi ngày trong tình yêu thương, sự quan tâm, che chở.

+ Gia đình với nếp nghĩ, nếp sống riêng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách, suy nghĩ, ứng xử và sự phát triển của mỗi người. Không có sự chăm lo, giáo dục của gia đình là một điều kiện thiệt thòi lớn về tinh thần, cũng có thể dẫn tới sự thiếu hụt, lệch lạc trong phát triển nhân cách con người.

+ Gia đình là nơi chan chứa tình yêu thương, cho ta sức mạnh tinh thần quí giá để đứng vững giữa cuộc đời; cũng là nơi sẵn sàng đón lấy ta, cho ta trở về sau những thăng trầm, vấp ngã bên ngoài cuộc đời rộng lớn.

+ Ta có thể có nhiều bạn bè nhưng gia đình chỉ có một mà thôi.

( Lấy dẫn chứng để làm rõ)

- Đánh giá, mở rộng vấn đề:

+ Gia đình là tài sản quí giá của mỗi người, có vai trò và ý nghĩa to lớn trong cuộc sống mỗi người.

+ Phê phán những kẻ bất hiếu, coi nhẹ gia đình.

- Bài học:

+ Cần trân trọng , biết ơn, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình.

+ Liên hệ bản thân với tư cách là một người con , người cháu trong gia đình.

* Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề.



Đề bài: Suy nghĩ về hiếu thảo được gợi ra từ bài thơ?

Bài làm


Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta và là phẩm chất cần có trong mỗi con người.

Hiếu là hiếu nghĩa, biết ơn người sinh thành dưỡng dục mình, biết cung kính bề trên. Thảo là mở rộng tấm lòng của mình, là chia ngọt sẻ bùi. Tóm lại lòng hiếu thảo là sự biết ơn, tôn trọng và đáp đền cha mẹ, ông bà, người có công sinh thành hoặc dưỡng dục mình.

Trong thời kì phong kiến, lòng hiếu thảo đóng vai trò trung tâm của đạo đức Nho giáo. Lòng hiếu thảo được biểu hiện phong phú trong cuộc sống hằng ngày. Nó không chỉ được thể hiện trong thái độ tình cảm mà còn qua hành động, việc làm cụ thể. Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính, lễ phép, biết vâng lời và làm cho cha mẹ, ông bà luôn được vui vẻ, thoải mái về tinh thần. Lúc cha mẹ khỏe mạnh, con cái hiếu thuận, vâng lời, lắng nghe dạy bảo. Lúc cha mẹ già yếu hết lòng chăm sóc phụng dưỡng. Khi cha mẹ qua đời phụng thờ chu đáo. Trong thực tế cuộc sống chúng ta đã có nhiều người con hiếu thảo trở thành tấm gương để người đời sau noi theo. “Hiếu tử truyện” có ghi lại những tấm gương hiếu thuận đáng để noi theo. Đó là một người con nhà nghèo, mùa đông, nằm ủ ấm chiếc giường rồi mời cha mẹ lên, mùa hè thức đêm để quạt cho cha mẹ ngủ. Đó là lão Lai Tử, tuổi đã già những vẫn diễn hài mua vui cho cha mẹ. Cũng có những người con như Nguyễn Trãi vì hiếu thảo mà dằn lòng, gạt dòng nước mắt, từ biệt cha già Nguyễn Phi Khanh để trở về nuôi giấc mộng như lời cha dặn “Hãy rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đạo hiếu”. Còn bao nhiêu người con đã vâng lời, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ trở thành người có ích làm rạng danh cha mẹ, tổ tiên.

Chúng ta sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ bởi ai cũng có cội nguồn, thân tộc. Ông bà cha mẹ là người đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn, dành cho ta những gì tốt đẹp nhất một cách vô điều kiện. Hơn nữa con cái sống hiếu thảo thì gia đình sẽ giữ được hòa khí, trên kính dưới nhường gia đình hòa thuận, yên vui, hạnh phúc là động lực để chúng ta học tập và làm việc. Lòng hiếu thảo đã gắn kết các thành viên trong gia đình. Sống hiếu thảo góp phần hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách của mỗi con người. Người sống hiếu thảo luôn được người khác trân trọng, yêu mến và dễ thành công trong cuộc sống bởi giá trị của con người không phải được nhìn nhận bằng sự giàu sang, quyền quý mà nó được thể hiện bằng nhiều yếu tố tinh thần đep đẽ trong đó nền tảng là chữ “hiếu”.

Mặc dù vậy không phải ai cũng thấm thía ý nghĩa của chữ Hiếu trong đạo làm người. Họ sống lỗi đạo, bất hiếu, vô lễ, thậm chí bỏ bê hoặc hành hạ đánh đập cha mẹ, ông bà. Những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy là biểu hiện của lối sống vô ơn, nhân cách kém cỏi và bị xã hội lên án mạnh mẽ.

Là học sinh - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước phải lấy chữ hiếu làm đầu, kính trọng lễ phép, lắng nghe ông bà, cha mẹ dạy bảo, phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trở thành người tốt để ông bà, cha mẹ được vui lòng. Đó là cách để đền đáp phần nào công ơn của người đi trước. Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình nghĩa, là nét đẹp cao quý của văn hóa Việt Nam. Vì thế mỗi chúng ta cần nhớ làm lòng “Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu”.



Đề bài: Suy nghĩ về ý nghĩa của những kí ức tuổi thơ trong cuộc đời mỗi con người.

Hướng dẫn lập dàn ý:


I. Mở bài: Từ bài thơ đầy xúc động – “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt, thêm một lần chúng ta nhận ra ý nghĩa quan trọng của những kí ức tuổi thơ trong cuộc đời mỗi con người.

II. Thân bài:

1. Giải thích: Kí ức tuổi thơ là gì?

Kí ức là những hình ảnh, sự việc đã qua được trí nhớ ghi lại. Vậy kí ức tuổi thơ được hiểu là những kỉ niệm sâu sắc mà ta nhớ mãi về thuở thiếu thời, khi ta còn nhỏ.

2. Bàn về vai trò của kí ức tuổi thơ:

Tuổi thơ là nền tảng quyết định tương lai của mỗi con người do vậy kí ức cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng tương lai của chúng ta bởi nó chính là một phần không thể thiếu của nền tảng đầu tiên trong cuộc đời.

Phần lớn kí ức tuổi thơ của mỗi người thường là tươi đẹp. Bởi tuổi thơ như hạt sương tinh khôi trong nắng mai. Đó là tuổi hồn nhiên chẳng có so đo tính đếm lợi ích cá nhân, chẳng có được mất, sẵn sàng hết mình giúp bè bạn. Phải chăng vì thế mà khi chúng ta lớn lên ai cũng mong ước có cho mình một chiếc vé về tuổi thơ. Hơn nữa, tuổi thơ là giai đoạn đứa trẻ được gia đình, nhà trường và xã hội chăm lo, bao bọc trong tình yêu thương. Chúng không vướng bận gì cả, chúng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là cố gắng trong học tập, rèn luyện. Vì thế nhân cách và phẩm chất của mỗi đứa trẻ khi trưởng thành phản ánh môi trường mà chúng ta sinh ra và lớn lên.

Kí ức tuổi thơ là một phần đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi con người. Dù vui hay buồn thì mỗi lần nhớ về nó, mọi người đều có một cảm xúc thật khó tả. Nó khiến ta thêm gắn bó với gia đình, quê hương, nguồn cội. Nó là một phần điểm tựa tinh thần tạo ra sức mạnh để ta vượt qua những khó khăn, vấp ngã trên đường đời muôn nẻo.

3. Phản đề: Như đã nói kí ức tuổi thơ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi người khi lớn lên. Một tuổi thơ hạnh phúc hay không là nền tảng quyết định con người chúng ta sẽ trở thành. Vậy mà đâu đó trong cuộc sống này vẫn có những đứa trẻ phải lớn lên với những đứa trẻ phải lớn lên với những kí ức không hề đẹp đẽ. Chúng có thể vượt qua được để một sống một cuộc đời có ích hoặc không.

III. Kết bài:

- Là học sinh, sống trong thời thơ ấu, mỗi chúng ta cần cố gắng học tập, rèn luyện để tạo ra những kí ức tốt đẹp.
- Mong sao mọi trẻ em trên thế giới đều có một tuổi thơ hạnh phúc.
 
Từ khóa
bằng việt bếp lửa phân tích bài thơ tình cảm gia đình tình yêu quê hương vai trò của tuổi thơ
2K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top