Trao duyên là bi kịch tình chị duyên em

Trao duyên là bi kịch tình chị duyên em

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Không sai khi nói Trao duyên là bi kịch tình chị duyên em. Tại sao tình yêu của chị mặn nồng đến thế lại "ép" cho Thúy Vân - người em gái xinh đẹp thân thiết của mình? Hay phải chăng "Phù sa không lọt ruộng ngoài", với Thúy Kiều thì Kim Trọng là tình yêu, là đấng lang quân như ý, là ánh sáng thanh xuân tỏa sáng cuộc đời nàng, còn Thúy Vân lại là người em gái vừa có nhan sắc vừa ngoan ngoãn của nàng. Nếu sự tốt đẹp ấy đã chẳng dành cho mình vậy thì trao duyên mình lại để nàng yên lòng mà bước về nơi bóng tối. Cùng xem bài phân tích của thầy Tuấn về bi kịch tình chị duyên em này nhé.

trao duyên.jpg

(Trao duyên là bi kịch tình chị duyên em)

Nguyễn Du, Đại thi hào - nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam với tác phẩm Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) đi vào lòng người. Đó là một thi phẩm lớn mang tầm vóc thời đại kể về cuộc đời đầy rẫy khổ đau của một “phận hồng nhan”. Đoạn trích Trao duyên trích trong tác phẩm là sự “mở màn” cho “tấn trò đời thập tải phong trần” của Vương Thúy Kiều với những u uất dằn vặt ơn trả nghĩa đền.

Truyện Kiều được Nguyễn Du vận bút từ cốt Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, từ vốn liếng điển học uyên nguyên, từ những chứa chan của ngàn năm làm người, từ cái đạo học sâu xa, từ sự sáng tạo tuyệt vời. Để tạo thành một thi phẩm đích thực về thân phận con người trong cuộc dâu bể.

Kim Vân Kiều Truyện là “vai phụ mờ nhạt” trên sân khấu văn chương Đại Hoa (chứ chưa nói đến thế giới). Còn bản thân Đoạn trường tân thanh lại là một tuyệt tác “xuyên không”. Đã trải qua bao biến đổi bể dâu về nhân tình thế thái, quan niệm xã hội và ngay cả bản thân văn hóa, văn học cũng có nhiều biến đổi bạo liệt, thế nhưng câu chuyện đời Kiều cho đến bây giờ vẫn tốn không ít giấy mực, gây không biết bao tranh luận trong giới “Kiều học” và mở ra những cuộc đàm luận sôi động nơi “trà đình tửu quán” của những khách đàm đạo văn chương. Chính tài năng của Nguyễn Du đã phẩy nét thần vào các nhân vật, vượt qua sự tầm thường Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để trở thành mực thước, thanh cao trong tính cách của các nhân vật. Và ngay cả lối thơ lục bát đậm chất dân tộc , phối hợp những điển tích, điển cố uyên bác, ý nhị, cách vận dụng ngôn ngữ độc đáo, tài hoa đã nâng tầm vóc Nguyễn Du ngang tầm thế giới.

Trích đoạn Trao Duyên (từ câu 723- 756) nằm trong phần “Gia biến lưu lạc”. Là khúc ngoặt mở ra cuộc “thập tải phong trần” của một “đóa trà my”. Trong chuỗi hiếu- tình- mình vấn vít quanh đời Kiều thì màn trao duyên này chính là báo đáp chữ tình. Với nỗi khổ hình trong tim Kiều đã u uất nghẹn ngào gửi duyên cho em gái để trọn lời nguyện thề đã từng với Kim Trọng.

“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”


Mở đầu đoạn trích, Kiều đặt mình vào vị trí của người thân phận thấp. Đạo hiếu xem như đã trọn, trước lúc ra đi Kiều dằn lòng “ép duyên” Thúy Vân với Kim Trọng. Buộc em gái phải đến bên một người mà mình không thương, lại còn là nhân tình của chị. Việc gửi duyên này tuân theo nếp thói nho giáo và có thể là “cực đoan” xét trong bối cảnh đương đại. Thế nhưng ở phương diện nền nếp cổ truyền, khi chị đã nguyện hiến hi sinh, phận làm em có “bổn ý” phải sẻ bớt gánh nặng. Nguyễn Du đã thể hiện sự vén khéo tài tình trong dụng chữ để tạo nên một không khí trang nghiêm đẫm lệ. Lời lẽ là sự “cậy” “nhờ”, “lạy” “thưa”, thế nhưng hàm chứa trong đó là niềm tin trao gửi, sự hi vọng mong cầu, sự thống thiết van lơn và có cả vai trò của một người chị cả khi sắp xếp chuyện gia đình. Sau những lời khơi mở nỗi lòng một cách nhọc nhằn Kiều khơi mạch giãi bày những tâm sự sâu kín:

“Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”


Truyện Kiều cũng có thể xếp vào truyện tài tử giai nhân (ngôn tình). Tuy chàng Kim trong Kiều “rất” nhạt so với đặc trưng của những truyện kể về tài tử giai nhân khác. Và dấu ấn của Kim Trọng dường như không để lại nhiều ấn tượng nội tâm với người đọc, kể cả việc so sánh với Thúc Sinh và Từ Hải. Tuy sự hiện diện bằng vài nét chấm phá, thế nhưng thông qua những tâm tư ruột gan của Thúy Kiều đã hiển lộ một ngọn lửa tình nồng nàn tha thiết từng rực cháy và dẫu mười lăm năm với bao nghiêng ngã phong trần vẫn chưa phai mòn hư hao. Với những hình ảnh từ điển cố, điển tích: “quạt ước”, “chén thề”, Kiều giăng tỏa trong tâm hồn một nỗi sầu thê thương, gọi về những dấu yêu ước nguyện dưới nguyệt sáng gương trong, mà giờ đành bội lãng bởi “ sóng gió bất kì” thì làm sao “Hiếu tình” được trọn vẹn. Ngàn năm đạo hạnh của Á Đông đúc kết trong câu thơ trên. Thúy Kiều “tài cao tình trọng” lấy hiếu làm đầu. Trải qua những đau thương mất mát, giữa màn đêm đầy “dâm nhơ đắm nhiễm” mới “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Trong ngày du xuân gặp “mả tình”, từ đó đã chiếu ứng vào thân phận bèo trôi sóng vỗ của Kiều. Trước những đau đớn hoang tàn vẫn tỉnh trí mà vén khéo về “tình- hiếu”. Thật đáng xiểu dương đức hạnh của một kì nhân.

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.


Những câu thơ trên “gợi khổ” cô nén một nỗi can tràng tấc đoạn. Sinh ra cùng ngày cùng tháng cùng năm song Kiều lại nói với Vân rằng “Ngày xuân em hãy còn dài”, Kiều đã dự liệu về cái chết… không đơn giản là cái chết mà là dự cảm của kiếp đoạn trường: “Sống làm vợ khắp người ta/ hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Lời văn ý văn trang trọng đầy tang tóc, ngôn từ “mỹ ý”. Như lời nhã trối cuối cùng. Thúy Kiều trong tâm trạng ngổn ngang, nhiều ưu tư rên xiết mà tha thiết khẩn nguyện em mình.

Dường như Vân đã “chịu lời”, Kiều đem kỉ vật tình yêu mà trao gửi cho em. Đó là chút tình tri ân, kỉ niệm hiện tồn biểu tượng của những “mộng ban đầu” nay đã trôi dần vào địa mộ thời gian. Phải chăng là “đạo tình” (khái niệm tình yêu đã bị đánh tráo) đồng quy nó vào mẫu số chung của đạo đức luân lý. Tình yêu là cảm xúc đột phát không tuân thủ theo những logic của lý trí. Tình yêu luôn có sự cất lời sinh động và riêng biệt. Thế nhưng ở đây dường như không còn là chữ yêu vì yêu không thể san sẻ một cách tùy tiện nói trao là được, nói gửi là xong. Chị em Thúy Kiều đang trong tâm thế của sự hi sinh, tất cả vì hai chữ “hiếu – trung”, giá trị hàng đầu và cốt lõi nhất trong cương thường đạo lý. Để từ đó chúng ta hiểu được “hiếu hạnh” trong nền giáo dục “mực tàu chữ nho”.

Vẫn còn lưu dấu những chân tình, Kiều còn luyến nhớ, còn tiếc nuối nhưng đành đoạn tuyệt bứt lìa cũng vì số phận đã sắp xếp và định khung cho cuộc đời đầy biến cố trắc trở của mình. Mang theo “phím đàn” (tương tư khúc), mảnh hương thề nguyền (khói dĩ vẵng) lòng chẳng đặng nguôi ngoai, Kiều mang âu sầu vào mê ảo trầm luân. Lặng lẽ, hoang liêu, phiêu tán:

Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.


“Mả tình” Đạm Tiên thoáng qua trong tiết thanh minh và cuộc gặp gỡ trong chiêm bao với “ca nhi” đã trở thành khúc ngoặt trong cuộc đời vốn dĩ “Êm đềm trướng rũ màn che” của Vương Thúy Kiều. Trong cơn “mê thần mộng” Đạm Tiên đã ám thị về tên Kiều trong sổ đoạn trường và kiếp đời “phận mỏng” của mình. Từ đó Kiều bước vào tuyệt lộ, trong miền vô thức nàng luôn chịu phong bế của sự thác oan. Trong cơn sống sượng thương đau sau những lời trao duyên, nàng ý thức về cái chết trong niềm tin tâm linh. “Tình là giây oan”, con người nàng đã chìm đắm trong ái nhiễm tình yêu để giờ chạm đáy tuyệt vọng mà đọa đày tâm trí trong những ảnh tượng khói sương.

Đoạn thơ mở ra một không gian tâm tưởng ngổn ngang, giăng mắc đầy bi cảm, thấu rõ nỗi “quỷ khốc thần sầu” với sự quấn bện, kết chặt của sợi giây tình ái trong cõi hồng trần. “Ái sinh hận- tình sinh vong”; “Hỡi thế gian tình là chi?” mà khiến con người rơi vào khổ sầu vô biên. Kiều đã thắp lên ngọn lửa thề nguyền, ngọn lửa dục vọng, giờ nàng đương trong cơn lửa đói khát tương ái và sẽ trở về với ngọn lửa hỏa thiêu. Thân mệnh tàn tro nhưng khói tinh thần vẫn mang những oan khiên bám riết lấy cuộc đời mà lê gót phiêu linh trong ngọn gió cỏ cây.

“Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.


Trước mặt Thúy Vân, khi đã đổ cạn những giọt lệ đắng cay. Sắp bước vào khổ hải trầm luân, Kiều lại khơi đống tro tàn mà nhen lò kỉ niệm đặng một mình đốt sưởi trong quặn thắt thương đau. Đó chính là “Đoạn trường tân thanh”, tiếng kêu can tràng tấc đoạn, từng nấc lăng trì gióng lên từng hồi thê thiết của một đời hồng nhan. Lời nhã trối giã biệt, gửi chút tri ân cho người ở lại, tỏ bày những hối tiếc muộn màng cho mối nhân duyên đã kề ngày đàm hôn luận gã mà đột ngột “đứt gánh tương tư”. Oán thán về thân phận bần bạc của mình và đành lỡ hẹn với yêu thương, đắm khát như con tàu giữa mịt mùng giông bão. Và rồi bật mở những tiếng thảng thốt sau cùng:

“Ôi Kim Lang! hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”


Trong da diết nghẹn ngào, hai tiếng Kim Lang được thốt lên hai lần trong sự tan nát cõi lòng. Nàng đang “độc thoại kép” để tự nhận mình là kẻ phụ tình cũng là sự tỏ bày, minh chứng cho tấm lòng rất mực thủy chung, tình sâu nghĩa nặng với “tình lang”. Nàng đâu có lỗi, lỗi nằm ở định mệnh, ở xã hội xảo trá vô luân khi đồng tiền làm hao mòn nhân cách. Chuyện tình yêu trong bể khổ bến mê này hầu như đều kết thúc trong nỗi thống thiết. Kiều - Kim cũng vậy, tình lửa rơm bạo phát bạo tàn. Dẫu hẹn cùng nhau non mòn biển cạn nhưng tình sử trong văn thơ trăm vạn quyển của thế gian có mấy khi được viên mãn. Trải qua thăng trầm gió bụi rồi vẫn đổ vỡ trong mộng tưởng bi ai.

Có thể nói rằng đoạn múa bút này trác tuyệt trong 3254 câu. Viết về chữ hiếu và trả hiếu thì dễ nhưng về chữ tình thì thực lòng khó biểu đạt. Bởi vì khi dụng bút phải tế vi am tường về cõi tinh thần và chiều sâu bi kịch hay nói cách khác là cắt nghĩa công phu nhân cảm của con người là điều không hề dễ. Nhưng Nguyễn Du bằng sở học chuyên tinh, ngòi bút linh động và sự cảm ngộ nhân sinh sâu thâm đã tô kẻ đậm lạt những nét vẽ nội tâm hết sức khó nắm bắt của Vương Thúy Kiều để viết về Trao duyên đầy hành vi tâm lý phức tạp của con người.

Trần Quốc Tuấn – Gíao viên​
 
Từ khóa
gửi duyên cho em gái kiều đem kỉ vật tình yêu mà trao gửi cho em nguyện thề đã từng với kim trọng thi phẩm đích thực về thân phận con người trao duyên là bi kịch tình chị duyên em truyen kieu truyện tài tử giai nhân xót tình máu mủ thay lời nước non
  • Like
Reactions: Ngu Van
487
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top