Dự thi Triền núi mù sương

Dự thi Triền núi mù sương

Nguyên
Nguyên
  • Thành Viên 28
IMG_0935.JPG


Bước sang tháng Chạp âm lịch, làn khói bếp đã bắt đầu vấn vương mùi Tết. Màn sương muối dường như cũng len lỏi chút ngai ngái của mưa phùn. Trong cái rét căm căm của mùa đông miền núi, hơi thở mùa xuân lặng lẽ vờn quanh các cột nhà sàn, chui qua ô cửa sổ không đóng kín, sau đó, bừng nở trên cành mận khẳng khiu ở góc vườn.

Sớm mùa đông chị Chỉ nhà bác Hoàn không lùa trâu lên đồi cỏ. Chị buộc trâu bên bờ suối, mõ kêu lọc cọc hòa vào tiếng cọn nước róc rách. Còn chị cúi đầu giặt cái váy hoa mới dệt xong.

Váy hoa như con bướm dập dìu trên đồi mua mùa hoa trước. Chị Chỉ cũng như con bướm dập dìu đợi tiếng khèn lá của trai bản tìm bạn mùa xuân.

Sương muối rơi đầy mái cọ. Mẹ làm lạp xưởng, ướp thịt trâu treo lên gác bếp, để khói bếp hun đầy trên thớ thịt đậm hương vị núi rừng. Bố chặt tre rào lại mảnh đất sau vườn, cho nhà mình yên tâm ăn Tết, khỏi sợ vườn rau bị trâu ngoài làng giẫm nát.

Bố ở dưới xuôi theo ông bà nội lên bản khai hoang từ mấy chục năm về trước. Cái Tết ở nhà mình vừa cố giữ tập quán dân xuôi, lại vừa mang theo chút ít phong tục của miền Tây Bắc. Tết của đồng bào miền núi hay miền xuôi, đều chẳng cần gì ngoài no ấm và sum vầy, chẳng cần gì ngoài gia đình bên cạnh.

Ở dưới xuôi người ta cũng học theo người miền núi làm thịt treo gác bếp, nhưng chẳng thể nào đậm vị như người trên núi tự tay làm. Bắp trâu ngon thái miếng dày, ướp với hạt dổi, mắc khén, với đủ thứ gia vị lá cây, buộc lạt giang treo đầy gác bếp. Qua vài ba bữa hun khói, miếng thịt săn lại, vừa tháo lạt xuống đã ngửi thấy mùi khói quyện cùng gia vị đặc trưng quấn quýt trên từng đầu ngón tay.

Hai lăm hai sáu tháng Chạp, mấy nhà chung nhau đụng lợn. Lợn nuôi bằng ngô trên nương cả một năm ròng, thịt chắc, mỡ cũng thơm như mùi Tết quẩn quanh gác bếp năm nào. Vừa nghe tiếng lợn kêu, đám trẻ con thính mũi đã ngửi thấy mùi bánh chưng đen, và mùi ngô khoai vùi trong than hồng nấu bánh. Còn người già lại chờ đợi hương rượu ngô men lá bên bếp lửa bập bùng.

Chẳng ai trong bản có thể ngửi thấy mùi của sương muối vùng cao. Nhưng ai cũng biết lách tách bếp lửa giữa trời sương, xuýt xoa ngô khoai vùi trong than hồng chính là khi gót chân của mùa xuân sắp lướt ngang qua trong nhà ngoài ngõ.

Bánh chưng bố gói bằng tay không mà vẫn vuông vức, đều chằn chặn như người ta gói bằng khuôn. Bánh gù mẹ học theo bác Hoàn ở nhà sàn bên kia đồi gói bằng gạo nương trộn với tro của lá cây ở trên rừng. Rồi Tết đến rất nhanh, từ lúc nào không biết. Kể cả mấy đứa trẻ con thính mũi cũng mải mê với khoai nướng bằng than hồng bếp lửa mà quên mất chạy theo mẹ tới chợ phiên để ngửi mùi áo mới.

Người già trong bản nhắm rượu bằng thịt trâu treo gác bếp, móm mém nụ cười. Các bà các mẹ vừa nhai trầu vừa ngồi bên bếp lửa bập bùng dạy cháu con hát cọi. Câu chuyện xưa về các chàng các nàng hẹn nhau ở phiên chợ tình mùa xuân dập dìu váy áo. Câu chuyện về các chàng các nàng không kịp nên duyên chỉ được gặp nhau mỗi năm một bận, uống rượu ngô ăn thắng cố, cũng xong một đoạn tình dài.

Cả hương vị núi rừng mùa xuân thấm đẫm trong miếng thịt đầy mùi khói. Rửa qua nước, xào với lá tỏi lá cần, hoặc nướng trên bếp lửa, cầm chày đập rồi xé nhỏ ra, chấm với nước chấm pha từ muối, mắc khén và hạt dổi. Người con miền núi có đi xa đến đâu cũng chỉ cần ngửi mùi hạt dổi, mắc khén là nhớ đến nhọc nhằn đá núi quê mình.

Sớm mùa xuân, cành đào em đi theo anh lên rừng chặt đã kịp nở đầy sắc hồng phơn phớt. Phơn phớt như đôi má của em nghe tiếng anh rủ sang bản ném còn. Cây còn mấy chục thước cao, chẳng ai ném trúng vòng giấy dó. Em cũng đâu cần làm người thắng cuộc trò chơi xuân, chỉ mong anh sẽ khẽ khàng đặt quả còn vào tay em, rủ em năm sau sang bản anh chơi khi Tết đến xuân về.

Hương rượu ngô nồng nàn váng vất, em chẳng biết say men lá hay là say men xuân. Men say làm người ta trở nên dạn dĩ hơn, đến ánh mắt trao nhau cũng đậm tình hơn khi tỉnh. Biết đâu anh cũng đang say, say tiếng tinh tang của vòng xà tích trên eo, say cặp mắt lúng liếng và say cả chảo thắng cố trên bếp lửa bập bùng. Nhớ lời mẹ bảo hơi rượu tan thì về, nên em theo anh uống hết bát này, lại thêm bát nữa. Cả trai cả gái chuếnh choáng men say, chẳng ai nhớ được đường về.

Rồi ngày tháng dần trôi. Lại đi qua mấy mùa hoa mơ hoa mận, bước chân anh lên rừng xuống bản, em cũng rời xa khói bếp vấn vương mùi hạt dổi mắc khén, rời xa sàn nhà đọng sương muối đêm xuân. Một năm nữa trôi qua, em ngẩn ngơ đầu cầu thang nhà sàn từ sáng tới chiều, sương đã rơi đầy ngoài ngõ mà vẫn không thấy bóng anh rủ sang bản ném còn như mùa xuân năm cũ.

Bố đưa tay xoa đầu con gái. Mẹ bưng bát rượu ngô uống ừng ực vài hơi. Màn sương phủ mờ triền núi hình như cũng thấm đẫm men rượu nồng nàn. Em hơ tay bên bếp lửa bập bùng, em vẫn nhìn ra ngoài trời sương muối.

Em sực nhớ ra đã mấy năm rồi nhà mình không có cành đào rừng, không ai đi chặt.

“Mùa đông năm nay lạnh quá! Sao mãi không thấy Tết về?”
Tác giả: Nguyên
Bài dự thi "Mùa Tết Quê Tôi"
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Ngu Van
829
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top