Trong văn học, thế giới được tạo lập không phải một lần

Trong văn học, thế giới được tạo lập không phải một lần

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định

Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.​

Marcel Proust lại quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.​

Nêu ý kiến của bạn về hai ý kiến trên.

Trong văn học, thế giới được tạo lập không phải một lần.png
Có lẽ văn chương luôn là chuyện muôn đời, muôn người. Người nghệ sĩ như kẻ đa đoan ôm trọn vào lòng bao nỗi buồn đau khắc khoải, để rồi rót tất cả lên từng con chữ, len lỏi vào sâu trong tâm khảm bạn đọc, bầu bạn với những linh hồn đơn côi quạnh quẽ, xóa tan đi những mảng màu băng giá của trái tim cô độc và chai sạn. Vậy phải chăng sứ mệnh của văn chương nghệ thuật chính là phản ánh đời sống, thanh lọc đời người và đồng thời tái tạo lại thế giới? Cùng với những dòng suy nghĩ ấy, nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Nhưng Marcel Proust lại quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Vậy hai ý kiến trên có ý nghĩa như thế nào?

Từ cổ chí kim, văn chương vẫn luôn lấy con người và cuộc đời làm cứu cánh. Đến với văn chương là đến với thế giới, là được thanh lọc, giáo dục, mở rộng tâm hồn. Khi bàn luận về đặc trưng của văn học, Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Đó chính là lẽ tất yếu của văn chương nghệ thuật. Tác phẩm phải trở thành một tấm gương phản ánh, soi chiếu đời sống, phải là một khúc xạ của đời sống. Mỗi tác phẩm đều phải “soi bóng thời đại”, phải cho con người ta thấy được bản chất của sự sống, của cuộc sống thực tại. Nhưng nếu chỉ đơn thuần mang trong mình hơi thở của thời đại thì vẫn chưa đủ làm nên sức nặng của tác phẩm. Trong mỗi trang văn cũng đồng thời cần hiện lên một thế giới mới – thế giới được tạo lập từ những người nghệ sĩ tài hoa, là thế giới của ước mơ và hy vọng. Chính vì lẽ đó, Marcel Proust quan niệm rằng: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. “Người nghệ sĩ độc đáo” ở đây chính là muốn nói đến phong cách, tài năng đôc đáo và riêng biệt của mỗi người nghệ sĩ. Thông qua cái tài năng ngòi bút ấy thì “một lần thế giới được tạo lập”. Đó là sự kiến tạo nên một thế giới với đầy tin yêu và hạnh phúc, là sự tạo lập nên một thế giới “nó phải là”. Ngoài ra, tạo lập thế giới mới còn được hiểu là sự bổ sung, giáo dục con người những suy nghĩ và tư tưởng tiến bộ, những lập trường và quan điểm đúng đắn để từ đó con người tác động ngược lại vào cuộc sống, góp phần tạo nên một thế giới mới tươi đẹp hơn. Như vậy, ý kiến của Tô Hoài và Marcel Proust đã rất chính xác khi bàn luận về đặc trưng của văn học và chức năng của văn học. Mỗi tác phẩm vừa phải thấm đượm cái hơi thở của thời đại, vừa phải hướng ra một luồng sáng đầy ý nghĩa cho bạn đọc và đồng thời phải in đậm dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nhìn chung, hai nhận định trên tưởng chừng như mâu thuẫn, đối lập nhưng thật chất là bổ sung ý nghĩa cho nhau. Chế Lan Viên đã từng nhận xét: “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”. Vì thế, mỗi tác phẩm văn học phải là một bức tranh về đời sống, phải chứa trong mình cái nhịp của thời đại, phải in dấu được “dấu vân tay” nghệ thuật của người nghệ sĩ và đồng thời phải mang trong mình một sự vận động để nhằm kiến tạo nên thế giới mới tốt đẹp hơn.

Cuộc sống chính là nơi cung cấp chất liệu cho văn chương mà văn chương thì lại được phát khởi từ cuộc sống nên thấm đẫm trong từng lời thơ, con chữ chính là hơi thở của cuộc sống. Chính vì vậy mà nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Phải chăng có mối liên hệ thầm kín nào giữa sự sáng tạo âm thầm của mỗi cá nhân nghệ sĩ với những biến động của cuộc đời? Nhà văn bao đời nay luôn tìm đến hiện thực như một mạch nguồn cảm hứng sáng tác. Họ tìm đến những đau khổ ai oán, những bi thương cùng cực, những đớn đau đoạn trường như một nguồn tài nguyên vô tận cho tác phẩm của mình. Sẽ ra sao nếu tác phẩm của anh chỉ là những thứ viển vông, hư ảo, chỉ là những điều giả dối, huyễn hoặc? Victor Hugo có lần tâm sự về nghề viết của mình: “Bể khổ của nhân loại là nguồn khai thác không bao giờ vơi cạn của đời tôi”. Hay Giáo sư Lê Huy Bắc đã từng cho rằng: “Nghệ thuật chỉ đạt đến đỉnh cao của nó khi được chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời”. Văn chương bao đời luôn gắn mình với thời đại, với cuộc sống con người. Nó được ra đời từng những cơn rung chấn, biến động của cuộc đời. Bất kì một sáng tác nào, cho dù được viết theo lối chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hay trường phái siêu thực thì tất cả đều phải gắn liền với cốt lõi của hiện thực. Hiện thực chính là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật và đồng thời là chìa khóa lí giải các hiện tượng phức tạp của đời sống. Hiện thực như một bộ phận cấu thành để tạo nên nghệ thuật. Mặt khác, chức năng của văn học chính là trở thành “thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo một thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Muốn như thế, văn học phải phản ánh hiện thực cuộc sống, phải cho người ta thấy được bản chất cốt lõi của sự sống, những vấn đề xung quanh con người. Nghệ thuật tự nó không thể thay thế được cách mạng, không tạo ra nổi những tiến trình lịch sử, nhưng thông qua sự tác động tới những tư tưởng, tình cảm con người, nó tham dự vào sự vận động chung của xã hội như một nhân tố thúc đẩy hoặc kìm hãm. Tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng nếu nó chỉ là sự sáo rỗng, vô hồn, nếu nó chẳng phản ánh được những gì đang diễn ra trên cuộc sống này. Vì vậy, để những con chữ kia trở thành những áng văn thơ “lụy phần dư”, để những tác phẩm kia nằm ngoài quy luật phá hủy của thời gian thì mỗi trang văn đều phải “soi bóng thời đại mà nó ra đời”.

Nhưng thử ngẫm nghĩ xem, nếu văn chương chỉ đơn thuần là khắc họa đời sống, là lát cắt của cuộc đời mà chẳng hề mang lại giá trị lợi ích nào cho chúng ta thì liệu rằng nó có thể tồn tại lâu bền với thời gian hay không? Mỗi tác phẩm còn phải là sự giáo dục, hướng tới sự đúng đắn, phải tạo lập nên một” thế giới mới” thông qua tài năng ngòi bút của người nghệ sĩ “độc đáo”. Trong “Lược khảo văn học”, Giáo sư Nguyễn Văn Trung có viết: “Trước một thế gian tan vỡ hoặc có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh từng mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt sợi dây đàn cảm xúc của con người”. Theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, mỗi tác phẩm trước hết phải là một giấc mơ. Đó là giấc mơ về thế giới mới, cuộc sống mới chứa chan đầy hạnh phúc và hy vọng. Tác phẩm văn học phải vẽ nên được một thế giới mới trong sự khát vọng và ước ao. Hơn thế nữa, văn chương phải giúp ta thay đổi nhận thức, tư duy và suy nghĩ của chúng ta để từ đó kiến tạo nên một thế giới “nó nên là và phải là” (Aristotle). Bản chất vốn đã thế, văn chương mang lại nguồn sáng, nguồn sống cho cuộc đời, nó phải tạo lập nên được một thế giới mới bẳng những con chữ, lời văn. Văn học phải mang trong mình chức năng giáo dục, thanh lọc, thuần hóa tâm hồn con người. Nó phải cho ta thấy được sự chân-thiện-mỹ, nó phải gieo vào tâm khảm mỗi người sự đồng điều và yêu thương. Nó phải xây dựng được ở con người khát vọng vươn lên, biết tự soi mình để có được những nhận thức đúng đắn để rồi tác động ngược lại vào cuộc sống một cách tích cực:

“Tôi nhìn thấy
trong trang sách chưa đọc
sự vắng mặt của mình
thấy trong cái bóng mất hình
ánh tà dương cũ
tan tình trong sương
tôi nhìn thấy một nỗi buồn”.

(“Cái bóng mất hình”, Nhật Chiêu)

Đọc một tác phẩm văn học, ta chẳng cần quan tâm đến quốc tịch, màu da, sắc tộc của nhân vật. Điều mà ta cần chú ý đến chính là những hình tượng nghệ thuật, tâm lý nhân vật, tính cách, cách ứng xử, …Thông qua những hình tượng ấy, có vẻ dường như văn chương chất chứa trong mình sự vận động, nó khiến cho mọi người tự soi mình và tự nhận thức mình để từ đó “một lần nữa thế giới được tạo lập” thông qua ngòi bút sắc sảo của tác giả. Chính vì lẽ đó, để tác phẩm của mình trở thành những tuyệt tác muôn đời, để tác phẩm “nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sedrin) thì mỗi nhà văn cần tạo lập nên một thế giới mới thông qua những ngôn từ nghệ thuật, cần gieo vào lòng bạn đọc những chân lý và tư tưởng.

Ngoài ra, nhận định của Marcel Proust còn nhấn mạnh ở chỗ “người nghệ sĩ độc đáo”. Bên cạnh việc phản ánh hiện thực cuộc sống và mang lại những giá trị cao cả cho người đọc, tác phẩm văn học còn phải mang đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Mỗi người nghệ sĩ cần phải có sự độc đáo trong phong cách sáng tác. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao). Bản chất của hoạt động sáng tạo chính là phủ nhận cái cũ và tiếp thu cái mới. Để có thể tác động sâu mạnh tới bạn đọc nhằm xây dựng nên một thế giới mới, tác phẩm phải để lại sức ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Người nghệ sĩ phải gửi vào trang viết kia những dấu ấn cá nhân, cái tôi hiện sinh, cái tôi bản ngã của chính mình. Anh phải thể hiện được góc nhìn mới, nội dung mới, chủ đề mới, phải có sự khác biệt với các nhà văn khác và với cả chính mình trong xưa cũ. Bạn đọc sẽ hoàn toàn phớt lờ đi tác phẩm nếu như cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ hiện lên trên trang văn kia chỉ như “sương khói mờ nhân ảnh”. Như vậy, trong từng trang thơ hai mặt giấy kia cũng đồng thời phải in đậm “dấu vân tay nghệ thuật” riêng của người nghệ sĩ.

Văn chương vốn tự thân của nó đã mang trong mình những sứ mệnh cao cả và những đặc trưng riêng biệt. Mỗi trang văn tựa như một trang đời. Hơn thế nữa trên cái trang văn kia còn hướng ra một luồng ánh sáng cho người đọc, đem đến cho độc giả vô vàn những giá trị lợi ích cao đẹp thông qua từng con chữ, thông qua ngòi bút “độc đáo” của tác giả. Nhà văn ví như một kẻ diễn xiếc ngôn từ. Họ giao thoa vào cõi đời vội vã để rồi bật lên từng hồi vang vọng, gột rửa thời đại bằng chính giọt nước mắt của thi ca.

Bao đời nay, nhà văn luôn tìm kiếm hạt bụi vàng lắng sâu trong lớp vỉa trầm tích của hiện thực như một chất liệu để làm nên tác phẩm của mình. Từ những chi tiết hiện thực ấy, nhà văn muốn khái quát nên một thời đại, một lịch sử với đầy rẫy những mất mát và đau thương. Chẳng những vậy, qua những chi tiết ấy, người nghệ sĩ như muốn nhắn gửi đến bạn đọc một thông điệp đầy ý nghĩa, muốn gieo vào lòng bạn đọc sự đồng cảm và thương xót, muốn vẽ nên một thế giới mới với sự hạnh phúc và an yên. Điều này có lẽ rất giống với “Tây Tiến” của Quang Dũng:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Cảm hứng anh hùng kết hợp với bút pháp lãng mạn đã miêu tả rõ nét những khốn cùng của hiện thực tàn khốc thấm đẫm đau thương và đồng thời thể hiện được nét đẹp hùng dũng của người lính Tây Tiến. “Quân xanh màu lá” là tượng trưng cho những khổ đau, bệnh tật, tiều tụy mà chiến tranh, do sốt rét rừng gây ra. Nhưng đối lập với hình ảnh đó chính là một sự hùng dũng “dữ oai hùm”. Đó là khí phách hiên ngang, chất phác và ngang tang, bất chấp mọi gian khó của đoàn binh Tây Tiến. Dù cho phải chịu đựng bao cơ cực đắng cay như, dù cho phải chịu bao sự mất mát, hy sinh và ly biệt “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”, “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”,… nhưng hình ảnh người lính hiện lên với một khí chất đầy anh hùng, đầy nhiệt huyết “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nếu chỉ đơn thuần là khắc họa hiện thực với đầy khổ đau bất tận thì chẳng thể nào làm nên sức nặng của tác phẩm, chẳng thể làm nên một khúc tráng ca đầy hào hùng và oanh liệt. Cái “độc đáo”, cái mới lạ của Quang Dũng ở đây chính là khắc họa hình ảnh chiến trường đầy đau đớn đã làm người lính tiều tụy nhưng không hề gục ngã trước cuộc đời, trước số mệnh. Ở “Tây Tiến”, ta không chỉ thấy những hình ảnh quen thuộc từ các ngòi bút khác như: “áo anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá” (Chính Hữu) hay “áo vải chân không/ đi lùng giặc đánh” (Nguyên Hồng) mà ta còn thấy được một hình ảnh đầy cao thượng “Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, ta còn thấy được tồn tại trong tâm hồn người lính còn có cả những nét lãng mạn nhẹ nhàng “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Bằng ngòi bút điêu luyện và cái nhìn tinh tế, độc đáo của mình, nhà thơ đã khắc họa nên hình ảnh người lính với đầy nhiệt huyết và tinh thần hăng hái, bất chấp mọi hiểm nguy gian khó, sẵn sàng hướng ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc. Qua từng lời thơ, nhà văn muốn khắc họa toàn diện về một chiến tranh với đầy rẫy những đớn đau, chứa đựng bao nỗi cùng cực, sự chia lìa, ly biệt để rồi từ đó nhen nhóm lên trong lòng độc giả sự thương cảm với những người đã xả thân mình vì sự nghiệp Tổ quốc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và đồng thời nói lên những khát khao về đất nước, “thế giới mới” độc lập, yên bình.

Khi bàn luận về quá trình sáng tạo Ivan Turgernev đã từng quan niệm rằng: “Cái quan trọng trong tài năng văn học và tôi nghĩ rằng cũng có thể có trong bất kì tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói riêng của mình”. Thật vậy, điều làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm chính là sự độc đáo và mới lạ của người nghệ sĩ. Nếu văn chương chỉ là sự lặp lại quen nhàm, chán nản thì chắc chắn rằng vận mệnh của nó sẽ là cái chết. Thử hỏi xem điều gì đã làm nên một “Truyện Kiều” được vang danh lâu bền đến tận ngày hôm nay? Phải chăng đó chính là nhờ sự độc đáo trong ngòi bút, trong đề tài của Nguyễn Du khi ông lựa chọn viết về người phụ nữ phong kiến mà xã hội đương thời hiếm khi nào có? Điều gì đã khiến cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại có một sức ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ trong lòng bạn đọc? Đó có phải là nhờ sự ý thức nữ quyền, sự phản kháng mạnh mẽ và khí chất ngang tàng “Nín đi kẻo thẹn với non sông”? Thơ của Hồ Xuân Hương nhuốm chút vị buồn pha vị chua chát nên tình đã phả vào văn một cách lạ kì, chẳng ai bắt chước được mà cũng chẳng bắt chước được ai. Chính vì vậy, “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới trong con mắt nhà văn phải có hình sắc riêng” (Hoài Thanh). Cái nhìn của mỗi nhà văn về sự vật phải khác biệt so với chung quanh.

Cùng viết về hiện thực, lịch sử đẫm máu và bi thương nhưng điều gì đã khiến cho “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich lại trở nên hấp dẫn và độc đáo đến thế? Sức hấp dẫn lớn lao cho tác phẩm chính là ấn tượng chủ quan của nhà văn về hiện thực chiến tranh. Nhìn lại lịch sử thông qua lăng kính của một con người từng chịu đau đớn bởi chiến tranh và may mắn sống sót sau chấn thương, nhìn lại quá khứ với vị trí của con người sống ở thực tại, nhìn lại một thời hoa lửa với góc nhìn của người phụ nữ từng trực tiếp ra chiến trường, Svetlana Alexievich muốn tố cáo tội ác của chiến tranh đã đay nghiến tâm hồn lẫn thể xác của con người để rồi vẽ nên một sự thanh bình êm dịu, muốn gieo vào lòng bạn đọc sự căm phẫn về chiến tranh phi nghĩa, sự thương xót cho những thể xác đã từng chịu đớn đau bằng chính ngòi bút sắc sảo, mới lạ của mình:

Xuyên suốt thiên truyện, nhà văn đã viết về những cô gái xả thân nơi tiền tuyến: “họ mười bảy, mười tám tuổi, phần động vừa ra trường hoặc năm hai đại học”. Những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, tưởng chừng như không thể làm được những việc nặng nhọc, nhưng họ vẫn quyết định ra đi, bất chấp đối mặt với những gian khó và cơ cực “người ta vội vàng dạy họ cách sử dụng một khẩu tiểu liên, một khẩu súng máy. Ném bom và đặt mìn. Họ thuần thục tất cả các nhiệm vụ quân sự, thậm chí đó là những nhiệm vụ dành cho con trai”. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Svetlana Alexievich đã nhìn nhận chiến tranh với con mắt của người phụ nữ: thoáng chút đượm buồn phôi pha, nữ tính. Là phái nữ ra chiến trường, họ vẫn chính là họ, “giành giữ lãnh địa bên trong họ”. Vào mùa xuân, các cô mang về một cành cây con cắm giữ trong nước, như nhìn vào đó mà tiếp thêm cho mình sức sống, họ luôn chứ ý giữ cho mình nụ cười tươi nhất có thể. Nhưng môi trường kỷ luật và khắc nghiệt của chiến tranh đã không cho phép họ làm như vậy, họ đành tiếc nuối chôn giấu những mong muốn ấy vào sâu bên trong cái ưu tư của riêng mình. Cũng chính vì phái nữ tham gia tiền tuyển nên sự tổn thương giày xéo lên họ càng lớn hơn gấp bội phần. “Bọn SS đang tới rất gần. Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy, nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu… Đứa bé không còn rống lên nữa. Nó đã chết". Chiến tranh đã hủy diệt con người, hủy diệt sự sống. Bản chất, thiên chức của người phụ nữ là sản sinh ra sự sống, vun đắp nên sự sống và mang đến tình yêu thương nhưng tại sao trong chiến tranh, họ buộc phải giết người, giết chết đi cái bản tính yêu thương của mình, giết chết đi sự nữ tính của mình. Chiến tranh đã khiến cái bản năng giới tính của họ bị giới hạn. Họ như đã bị đánh cắp đi cái nữ tính bên trong của mình. Và đau đớn không chỉ đơn thuần xảy ra ở chiến tranh mà nó còn di căn đến thực tại, đến hậu chiến tranh. Những thương tổn ấy dường như đã đeo bám, ám ảnh dài dặc, hằn sâu trong tâm trí người lính nữ: “Tôi giặt quần áo, tôi nấu ăn, nó vẫn ở đấy, nó đeo bám tôi khắp nơi… đối với tôi, tất cả đều là mùi máu”. Họ đã bị ám ảnh bởi những xác chết, bởi máu, súng trường đạn dược. Tất cả những điều đó đã gây ra bao thương tổn cho họ. Có thể nói, chiến tranh quốc gia kết thúc cũng là lúc họ phải đối diện với một cuộc chiến tranh khác, cuộc chiến chống lại những thành kiến, chống lại tuổi già, bệnh tật và cả những nỗi ám ảnh dai dẳng. Đó là cuộc hành trình đi tìm lại bản ngã của chính mình, hàn gắn lại những tổn thương. Svetlana Alexievich viết những điều ấy để cho độc giả thấy rằng: đằng sau hào quang chiến thắng của những người anh hùng còn là những góc khuất mà ta chưa thấu rõ, còn là đầy rẫy sự bi thương mà không thể nào hóa giải. Tự sự về chấn thương là hành trình diễn lại nỗi đau và khắc sâu nỗi đau. Mượn những vấn đề của xã hội thực tại, mượn những sang chấn tâm lý của những người phụ nữ, bà đã tố cáo cái bỉ ổi, cái phi lý của chiến tranh, nói lên cái hậu quả nặng nề mà nó mang lại kéo dài dằng dặc lâu bền không chấm dứt. Nỗi thống khổ của chiến tranh không dừng lại ở việc “quân xanh màu lá”, cũng chẳng còn là “không có kính rồi xe không có đèn/ không có mui xe, thùng xe có xước”. Đó còn là những nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, là nỗi đau đánh mất đi sự nữ tính và lòng bao dung bên trong mình, là những ám ảnh chôn sâu vào tâm khảm của mỗi người. Cái độc đáo, cái “hình sắc riêng” của nhà văn ở đây được thể hiện qua con mắt những người từng tham gia chiến tranh – những người phụ nữ - để tác phẩm trở nữ tính hơn mà hầu hết xưa nay các tác phẩm khác đều nhìn qua con mắt nam giới, từ đó nhà văn muốn lột tả được chiến tranh đã lấy đi tuổi tác, sức mạnh tinh thần lẫn thể xác và cả bản tính của con người khiến cho “chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. Đó cũng là khát khao cũng muốn tạo lập nên một thế giới mới, một thế giới hòa bình, mong muốn giành lại bản tính nữ bên trong của những người lính, tìm lại bản ngã, ẩn ức của những chiến binh Liên Xô. “Con người sau bao nhiêu đau khổ sẽ biết thương xót nhau. Họ sẽ thương yêu nhau. Nhân loại sẽ thay đổi”. Bằng chính bản thân “người nghệ sĩ độc đáo”, cái “độc đáo” của nhà văn là muốn con người ta nhìn nhận đúng về chiến tranh, về sự tang thương, đầy tang tóc và tàn khốc của nó chứ không đơn thuần là là những khốn cùng, khó khăn của chiến tranh, để từ đó khơi vào lòng bạn đọc sự trắc ẩn, thương cảm, góp phần kiến tạo nên thế giới mới. Qua tác phẩm, nhà văn muốn gửi đến độc giả bức thông điệp về tự do, hòa bình. Thế giới đã đi qua chiến tranh, đã tìm thấy màu xanh hòa bình của nó, nhưng trong con mắt của những người từng tham gia chiến trường, họ sống giữa thời bình mà kí ức về chiến tranh vẫn ám ảnh mãi. Bầu trời hòa bình ấy như một món quà mà Thượng Đế ban tặng, đền đáp cho sự hy sinh cao cả, đó cũng đồng thời là lời gợi nhắc về sự biết ơn, trân trọng sự sống, trân quý sự tự do và hạnh phúc.

Từ xưa đến nay, văn chương luôn phản ánh đời sống, mang trong mình hơi thở của sự sống. Ngoài ra, văn chương cũng còn mang trong mình một sứ mệnh cao cả chính là mang ánh sáng cho người đọc. Nhận định của Tô Hoài và Marcel Proust đã rất chính xác khi bàn luận về đặc trưng và thiên chức của văn chương nghệ thuật đồng thời nêu lên phẩm chất mà mỗi nhà văn cần có. Đó chính là tiếng nói riêng, phong cách riêng, phải có một sự “độc đáo”. Để tác phẩm của mình trở thành những kiệt tác, những áng văn thơ bất hủ muôn đời, mỗi nhà văn phải trau dồi năng lực viết và thể nghiệm đời sống, cần trau dồi cái tâm và cái tài của mình, phải “trải niềm đau trên trang giấy mong manh”. Nhà văn cần phải hướng ngòi bút của mình về cuộc đời, tác phẩm phải truyền thổi vào lòng bạn đọc những tia sáng của niềm tin và hy vọng. Từng câu chữ, lời văn phải len lỏi vào sâu trong tâm khảm mỗi người để nhằm thanh lọc, nâng đỡ và yêu thương. Mặt khác, tác phẩm chính là thành quả của sự đồng sáng tạo giữa nhà văn và bạn đọc. Độc giả cần có một khả năng tiếp nhận phong phú, khả năng cắt nghĩa văn bản tốt để có thể hiểu được những vấn đề mà nhà văn đặt ra.

Dòng thời gian vẫn trôi chảy theo bản chất của nó. Hiện thực rồi cũng thành quá khứ, thời gian rồi cũng trở thành lịch sử. Duy nhất chỉ có những tác phẩm chân chính, tác phẩm mang trong mình cái nhịp của thời đại, mang đậm dấu ấn bản ngã của người nghệ sĩ và mang lại giá trị lợi ích cho người đọc thì mới tồn tại mãi với thời gian.



VŨ MINH ĐỨC​
 
Từ khóa
lại một lần thế giới được tạo lập mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời nhận định của marcel proust quá trình sáng tạo ivan turgernev thế giới được tạo lập không phải một lần
786
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top