Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

nauyeee
nauyeee
  • Thành Viên 20
Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy đã cho ta một bài học lớn, luôn cảnh giác trong mọi vấn đề. Đó là một bài học về vấn đề giữ nước, giữa cái tôi và cái chung phải được xử lí đúng đắn. Việc mất nỏ thần như là minh chứng đắt giá cho bài học ấy. Truyện còn phản ánh bi kịch tình yêu giữa Mị Châu và Trọng Thủy.

* Đôi nét về tác phẩm Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy

1. Xuất xứ

Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quá – một sưu tập truyện dân gian ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XV.

2. Bố cục (2 phần)

Phần 1 (từ đầu đến bèn xin hòa): Quá trình An Dương Vương xây thành, chế nỏ, bảo vệ đất nước.

Phần 2 (còn lại): Bi kịch tình yêu của Mị Châu, Trọng Thủy gắn với bi kịch nước mất, nhà tan.

3. Giá trị nội dung

Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy giải thích nguyên nhân mất nước Âu Lạc và nêu lên bài học lịch sử về việc giữ nước, tinh thần cảnh giác với kẻ thù cùng cách xử lí đúng đắn trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng với cái chung, giữa nhà và nước.

4. Giá trị nghệ thuật

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt lõi lịch sử với các chi tiết hư cấu.

Kết cấu chặt chẽ, xây dựng chi tiết hàm đọng, cô đúc, nhiều ý nghĩa cùng với những chi tiết tưởng tượng, hư cấu có giá trị nghệ thuật cao.

5. Nội dung chính của truyện

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó, nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ thể hiện một cách đặc sắc ý thức lịch sử của nhân dân – thể hiện tập trung ở vai trò của An Dương Vương trong sự nghiệp giữ nước. Vai trò ấy thể hiện trước hết bằng những chi tiết cụ thể : đó là việc nhà vua dời đô về Cổ Loa, và cho xây thành. Nhưng thành đắp đến đâu lại đổ tới đó, bèn lập đàn cầu đảo bách thần. Được thần Kim Quy giúp đỡ, xây thành xong, vua còn hỏi thần Kim Quy: “Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống ?” và chế “Linh quan Kim Quy thần cơ”. Trước cảnh nước mất nhà tan, được Rùa Vàng cho biết nguyên nhân bởi chính sự nhẹ dạ cả tin của con gái, vua tuốt kiếm chém Mị Châu.

Vì quá thương tiếc Mị Châu nên Trọng Thuỷ đã tự vẫn sau khi giúp Triệu Đà chiếm được Âu Lạc. Có thể nói : Mị Châu là con người thuần nhất của tình yêu, sự chung thuỷ. Trọng Thuỷ cũng vậy, nhưng Trọng Thuỷ còn một tư cách khác, đó là tư cách của một nam nhi với trách nhiệm cao đối với vua cha, đất nước. Cho nên, sau khi hoàn thành trách nhiệm đối với vua cha, Trọng Thuỷ lại sống trọn với tình yêu. Cái chết của chàng là minh chứng cho điều đó. Và không phải ngẫu nhiên mà tác giả dân gian để cho nước giếng nơi Trọng Thuỷ tự vẫn có tác dụng làm sáng trong thêm ngọc trai mà Mị Châu đã hoá thân.

Truyện phản ánh bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu. Bi kịch mất nước thể hiện qua tình tiết An Dương Vương vô tình gả con gái cho con trai của kẻ thù, thiếu cảnh giác, cậy có nỏ thần nên phải bỏ chạy khi bị giặc tấn công. Mị Châu nhẹ dạ cả tin, cho Trọng Thuỷ xem trộm nỏ thần, dẫn đến tai hoạ nước mất, nhà tan. Bi kịch tình yêu thể hiện qua chi tiết cái chết oan nghiệt của Mị Châu, Trọng Thuỷ cũng lao đầu xuống giếng, đôi lứa vĩnh viễn chia lìa.

Xung quanh hành động của Mị Châu, có ý kiến cho rằng nàng là một người vợ hiền, việc làm theo lời chồng là không có tội; cũng có ý kiến cho rằng Mị Châu là kẻ đáng lên án. Vấn đề này cần được nhìn nhận một cách toàn diện và khách quan để hiểu được dụng ý của tác giả dân gian. Thái độ của nhân dân không hề đơn giản, một chiều. Cho nên, cần tránh tuyệt đối hoá, chỉ khen hoặc chê, minh oan hoặc buộc tội ; bởi với tư cách là một người vợ, Mị Châu là người đáng được đồng cảm, đáng thương ; với tư cách là một công dân, lại là công chúa, phải có trách nhiệm với quốc gia, Mị Châu là người đáng trách và là bài học sâu sắc về tinh thần cảnh giác. Hai tư cách ấy cùng tồn tại trong một thực thể – Mị Châu.

Trong truyện, những chi tiết kì ảo có vai trò hết sức quan trọng nhằm dẫn dắt diễn biến của câu chuyện và là yếu tố thể hiện thái độ, tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật, đối với lịch sử : thần Rùa Vàng giúp An Dương Vương xây thành ; thần cho vua vuốt để làm lẫy nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn tên giặc ; thần Rùa Vàng hiện ra kết tội Mị Châu ; máu Mị Châu chảy xuống biển thành ngọc ; vua An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc theo Rùa Vàng rẽ nước xuống biển; Trọng Thuỷ đem xác Mị Châu về chôn, xác biến thành ngọc thạch ; ngọc trai rửa nước giếng Trọng Thuỷ tự vẫn thì trong sáng thêm

Hình ảnh ngọc trai – giếng nước được xem là một biểu tượng về tình yêu chung thuỷ giữa Mị Châu và Trọng Thuỷ; song cũng có thể xem đây là sự lí giải của tác giả dân gian về một nỗi oan tình. Qua các sự kiện, nhân vật, chi tiết, hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng đó, truyện thể hiện bi kịch nước mất nhà tan và ý thức lịch sử sâu sắc của nhân dân.

Tổng hợp

Xem thêm:
Thể loại truyền thuyết
Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bố cục văn bản cốt truyện nội dung truyện đọc hiểu văn bản
793
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top