Văn học không quan tâm đến câu trả lời do nhà văn đem lại mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra

Văn học không quan tâm đến câu trả lời do nhà văn đem lại mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định

“Văn học không quan tâm đến câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra và những câu hỏi này luôn rộng hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào.” (Claudio Magris).​

Bằng hiểu biết của anh (chị) về tác phẩm văn học, hãy bàn luận về ý kiến trên.

Bài tham khảo

Qua hàng vạn năm tồn tại ở đời, văn học đã dần khẳng định được chỗ đứng của chính mình trong lòng độc giả không chỉ bởi những giá trị sâu sắc mà nó đem lại, đồng thời đó còn là những câu hỏi đầy tính nhân văn khiến cho người đọc phải trăn trở khôn nguôi đến từ phía người viết. Phải chăng, cái mà văn học nói chung và độc giả nói riêng mong muốn ở người nghệ sĩ là góc nhìn của anh qua từng sự việc, hoàn cảnh từ hiện thực cuộc sống, từ những gì anh đã từng trải ở đời? Phải chăng, cái mà văn học quan tâm là những câu hỏi do nhà văn đặt ra chứ không phải là câu trả lời mà người cầm bút đem lại? Cho nên, khi bàn về thiên chức của nhà văn trong quá trình sáng tác, nhà văn người ý Chaudio Magrid cho rằng: “Văn học không quan tâm đến câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra và những câu hỏi này luôn rộng hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào.”

Văn học không quan tâm đến câu trả lời.png

Có thể nói, “câu trả lời” do nhà văn đặt ra đại diện cho những kiến giải, suy tư của nhà văn về cuộc sống, những giải đáp của nhà văn đưa ra và dự báo của họ về hướng đi của hiện thực. Song, văn học lại đề cao “câu hỏi”, tức là những vấn đề, trăn trở của người viết về hiện thực được họ đưa vào tác phẩm để khơi gợi người đọc cùng suy ngẫm. “Câu hỏi” được đặt ra có thể được phát họa trực tiếp hoặc cũng có thể thể hiện gián tiếp qua lời thoại, nhân vật, tình huống hay chi tiết trong tác phẩm. Từ đó, qua “câu hỏi” và “câu trả lời” được Claudio Magris đặt ra trong quá trình sáng tác văn học, ý kiến trên đã khẳng định vai trò của cả “câu hỏi” lẫn “câu trả lời” mà nhà văn đem đến trong tác phẩm, song, những “câu hỏi” vẫn là yếu tố then chốt, cần có và nên có của một tác phẩm văn học chân chính.

Để có được những tác phẩm có giá trị lay động được tới trái tim bạn đọc thì cần có một trái tim nóng bỏng, một tâm hồn nhạy cảm tinh tế; những gì viết ra cần phải xuất phát từ tình cảm chân thật sâu sắc. Muốn vậy trái tim người nghệ sĩ phải để ở giữa cuộc đời và vì cuộc đời. Đọc giả khi thẩm bình và hưởng thụ “cái Đẹp” của một tác phẩm văn học nói chung không nên nhìn vào kết cấu đồ sộ, dung lượng hoành tráng của câu từ để vội vàng đánh giá mà phải di sâu tìm ra được cái mạch nguồn cảm xúc dạt dào mà sâu kín của thi nhân, nắm được cái hạt ngọc mà người nghệ sĩ thai nghén gửi gắm. Có như thế mới có thể bước vào địa hạt của cái Đẹp.

Nói như nhà phê bình người Nga Bielinsky thì: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó”. Rõ ràng, đối với văn học nói chung và bất kì nhà văn nào nói riêng, câu trả lời của người cầm bút đối với hiện thực cuộc sống vẫn là một trong những điều kiện tiên quyết làm nên tác phẩm văn học. Bởi lẽ đó là những kiến giải, suy tư của chính nhà văn, những người đã mở cả tâm can của mình để trải nghiệm, để hiểu hơn về nhân thế và cuộc đời, đồng thời đó còn là thành quả của cả một đời lao động sáng tạo vì nghệ thuật.

Hơn ai hết, những nhà văn vĩ đại với những tư tưởng lớn lao vẫn có đủ khả năng mang đến những câu trả lời mang tính thời đại, đem đến cho cuộc sống bạn đọc những biến chuyển, lịch sử lớn, như chính Banlzac cũng thừa nhận: “Nhà văn là nhà thư kí trung thành của thời đại”. Đành rằng nhờ những câu trả lời do nhà văn mang lại, tức là một khía cạnh khác của hiện thực được khai sáng đến với người đọc, song, nếu trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ mà chỉ có những câu trả lời mang tính chủ quan thì sớm muộn đó cũng chỉ là những điều giáo điều, khô khan, vô nghĩa trên trang giấy, không còn thu hút độc giả. Cho nên, văn học không chỉ cần đến “câu trả lời” mà đồng thời, những “câu hỏi” mà nhà văn đặt ra trong quá trình sáng tác đóng một vai trò quan trọng hết thảy đối với cả tác phẩm, người viết và người đọc.

“Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Hiện thực cuộc sống thì hữu hạn còn con người nói chung và những câu trả lời do nhà văn đem lại thì vô hạn. Bởi lẽ, mỗi người nghệ sĩ chỉ có thể đưa ra những câu trả lời mang tính chủ quan, khó mà bao quát hết được sự vận động, biến chuyển không ngừng của hiện thực xung quanh ta. Nhưng những “câu trả lời” thì khác. Nói như Lev Tolstoy thì “Khi một nhà văn xuất hiện, ta sẽ đặt ra câu hỏi liệu rằng anh ta có thể mang cái gì đến cho chúng ta”. Thật vậy, bởi chính câu hỏi ấy sẽ là thứ khơi gợi vấn đề, kích thích tư duy, mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm khác nhau, từ đó dường như bao quát được hết tầm lớn lao vốn có của hiện thực. Và cũng chính bởi được khắc họa từ hiện thực đời sống rộng lớn, nên những câu hỏi được đặt ra không chỉ mang cấu trúc mở mà nó còn gần gũi với nhân sinh vô cùng. Điều đó khơi gợi tinh thần bạn đọc mong muốn đối thoại với nhà văn trong quá trình khám phá tác phẩm, trở thành cầu nối giữa “những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Từ sự bao quát của hiện thực mà đồng thời, những câu hỏi cũng giúp cho một tác phẩm trở thành cấu trúc gọi mời, liên tục mở rộng biên độ của nó để sản sinh nghĩa, trở thành một tác phẩm không chạm đáy, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn để trở thành tác phẩm chung cho cả loài người.

Nam Cao đã từng viết: “Sống cho đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống của nhân dân”. Hơn ai hết, nhà văn phải thể hiện, phải đặt ra những câu hỏi về nhân sinh, về cuộc đời trong chính đứa con tinh thần của mình. Bởi lẽ khi tác phẩm được mở ra cũng là lúc độc giả hiểu hơn về hiện thực cuộc đời, ý nghĩa, giá trị và bản chất ở thế giới mà họ đang sống, để từ đó bước vào thế giới đối thoại cùng nhà văn, tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn, trăn trở, suy nghĩa của chính mình. Còn nhớ Nam Cao, qua số phận bi kịch của Chí Phèo đã đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để thế giới không còn những người nông dân bị chèn ép đến tha hóa như Chí Phèo?”, “Làm sao để cứu vớt họ trở thành những người lương thiện trở lại?” Rõ ràng, xuyên suốt tác phẩm, câu hỏi như một hồi chuông đánh thẳng vào trái tim bạn đọc và đó cũng chính là nút thắt trong lòng Nam Cao, tuy không dẫn trực tiếp, song Nam Cao vẫn ngầm đưa ra câu trả lời cho bi kịch cự tuyệt quyền làm người của Chí. Đối với ông, chỉ khi tiêu diệt xã hội đại ác này, tiêu diệt tên quỷ dữ Bá Kiến, Đội Tảo… thì cuộc đời mới không còn những người bị tha hóa như Chí Phèo. Nhưng xét đến cùng, văn học cũng không quan tâm đến “câu trả lời” mà Nam Cao đã đem lại, khi bạn đọc hiểu được về nhân vật Chí và khám phá ra được “câu hỏi” đau đáu, vang vọng trong cái bi kịch cự tuyệt ấy, tôi chắc rằng có người sẽ như Nam Cao, sẽ cho rằng chỉ khi giết được Bá Kiến, chỉ khi lật đổ được cái xã hội xấu xa ấy thì những người như hắn mới không còn, nhưng có người lại cho rằng, trong đời để cứu rỗi những linh hồn tội lỗi như Chí đơn thuần chỉ cần một “lòng tốt bình thường”, là Thị Nở đây.

Vì hiện thực thì vô hạn, mà câu trả lời của người cầm bút chỉ là một cá nhân hữu hạn, cho nên có thể nói, văn học cần có những “câu hỏi” như vậy, không chỉ khẳng định thiên chức của nhà văn, đồng thời trở thành chân trụ vững chắc cho tác phẩm văn học, để khi nhớ về một con người từng bị xã hội, hiện thực đàn áp đến mất đi tính người, ta lại nhớ về một Chí Phèo đã từng cố gắng hướng về cánh cửa trở lại làm người ra sao, nhớ về Nam Cao đằng sau cái vẻ ngoài lạnh lùng trên câu chữ là một trái tim ấm áp tình đời, và để tác phẩm tồn tại đến muôn đời.

“Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật” (Nguyễn Khải). Nói đến nghệ thuật là nói đến cái hay, cái đẹp mà nhà văn phát hiện ra trong quá trình trải nghiệm ở cuộc đời để từ đó anh mới cảm thấy đau thay những số phận trong đời không thể lên tiếng cứu rỗi chính mình. Như đến với “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” của Nguyễn Huy Tưởng cũng vậy. Tác phẩm là một áng văn về câu hỏi cho nỗi trăn trở của số phận lẫn sức sống nghệ thuật cùng với vai trò nghệ sĩ của nhân vật Vũ Như Tô. Trước hoàn cảnh éo leo, trăn trở, oái ăm của người người đam mê nghệ thuật, câu hỏi đầu tiên được đặt ra “Nên hay không nên xây Cửu Trùng Đài?” Đối với Vũ Như Tô, dù ông lựa chọn phương án nào, thì ông cũng không thể trách khỏi bi kịch đau khổ đó. Hoặc là hoặc chấp nhận cuộc sống cam chịu không sáng tạo để hao phí tài trời và nhận cái chết ngay khi còn sống, hay chấp nhận lợi dụng quyền lực của Lê Tương Dực để thực hiện ước mơ, khát vọng và khẳng định ý nghĩa sống và nhận lấy cái chết bi phẫn đến tận cùng. Cái chết trong trường hợp này là cái giá vô cùng đau đớn mà người nghệ sĩ phải trả cho sự dấn thân tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại, để trả lời cho câu hỏi đầy khắc khoải đau đớn của Vũ Như Tô ở cuối màn kịch: “Trời ơi! Phú cho ta tài để làm gì?”. Từ đó ta cũng thấy rõ được khát vọng Vũ Như Tô là khát vọng mãnh liệt ngàn đời của nhân loại, của mọi dân tộc, của mọi nghệ sĩ, nên câu hỏi được đưa ra là “Vũ Như Tô nên chọn cuộc sống bình thường hay chọn vẻ đẹp siêu đẳng?”. Đó là vượt qua sự hữu hạn của không gian, thời gian để đạt đến sự trường tồn, bất diệt.

Như thế, đánh đổi xương máu cho vẻ đẹp đó, có xứng đáng không? Câu hỏi này không dễ gì trả lời, và bi kịch ở chỗ người nghệ sĩ không có quyền trả lời nó thay nhân dân. Chính sự trăn trở, băn khoăn này đã tạo ra tâm trạng đầy nghịch chiều ở Nguyễn Huy Tưởng khi sáng tác Vũ Như Tô, một mặt, ông đồng cảm với niềm tự hào của Trương Tửu về một dân tộc ham sống, khao khát sống, nhưng mặt khác đó cũng là niềm xót xa, càng tự hào, thì càng xót xa. Có thể thấy, những câu hỏi ấy “rộng hơn bất kì câu trả lời nào” vì đã nêu ra được những mối quan hệ không dễ gì giải quyết được giữa cái Thiện, cái Đẹp, giữa nghệ thuật và lợi ích của nhân dân. Chính những suy ngẫm, trăn trở ấy đã thể hiện rõ cho một tài năng tâm huyết, hết mình vì văn học để tác phẩm có thể sánh bước cùng thời đại đến sau này.

Rõ ràng, “câu hỏi” hay “câu trả lời” đều là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình hình thành tác phẩm văn học. Nhà văn trong hành trình cảm thụ cuộc đời cũng phải củng cố và cải cách tầm nhìn, tâm hồn chính mình trước hiện thực rộng lớn liên tục đổi thay. Nếu “Chí Phèo” là một câu hỏi đau đáu, vang vọng về số phận bị tước đoạt quyền làm người trong xã hội lúc bấy giờ thì đến với “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, đó lại là những khát khao, ước mơ theo đuổi nghệ thuật, theo đuổi cái đẹp không đúng thời điểm, để khi người đọc nhìn lại, họ lại thấy tiếc nuối cho một thân phận hết mình vì nghệ thuật, để chính ta phải tự hỏi, nếu Vũ Như Tô hay Chí Phèo ở thời ta, liệu những bi kịch ấy có xảy ra hay không? Có lẽ không ai biết được. Vì vậy mà có thể nói, chính những “câu hỏi” đã khơi gợi cho không chỉ cá nhân người viết những suy tư, trăn trở mà đồng thời, nó còn thúc đẩy bạn đọc khám phá, tìm tòi xa hơn những con chữ đơn thuần trên trang giấy, khiến họ tìm được cầu nối tâm hồn với người cầm bút.

Và tất yếu, những câu hỏi không chỉ là những con chữ vô tri, những câu hỏi bâng vơ mà nhà văn tự nghĩ ra, nói như Lê Ngọc Trà thì: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư”. Bởi những câu hỏi luôn phải bắt nguồn từ những trái tim thổn thức, những tấm lòng luôn hết mình vì cuộc đời và vì con người, nó phải được kết tinh từ trí tuệ của con tim thì mới đủ khả năng đưa tác phẩm lên đến tận cùng của vũ trụ, song hành với con người đến tận mai sau.

Tóm lại, ý kiến của Claudio Magris đã thể hiện đúng đắn về đặc trưng của văn học cũng như thiên chức của nhà văn. Văn học luôn cần đến những “câu hỏi” mà người viết đặt ra để bạn đọc có thể từ đó khám phá được nhiều hơn về tác phẩm và cuộc đời, đồng thời văn học cũng cần đến “câu trả lời” bởi nhờ đó mà ta mới thấy được các khía cạnh khác đến từ lăng kính của người viết. Cả hai “câu hỏi” và “câu trả lời” là những yếu tố then chốt, cần có và nên có trong quá trình sáng tạo để tác phẩm có thể tồn tại đến muôn đời, song hành cùng độc giả và thời đại, để nó mãi sống và neo đậu trong lòng bạn đọc.
 
Từ khóa
câu hỏi do nhà văn đặt ra claudio magris giá trị của một tác phẩm nghệ thuật nơi đi tới của văn học số phận bi kịch của chí phèo văn học không quan tâm đến câu trả lời ý kiến của claudio magris
1K
0
1

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
910
363,000
32
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529
Câu hỏi mở rộng tham khảo có liên quan:

Nhà thơ Tố Hữu cho rằng: “Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người; thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên.”​

Còn nhà văn đương đại của nước Ý, Claudio Magris thì quan niệm: “Văn học không quan tâm đến những câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra, và những câu hỏi này luôn rộng mở hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào.”​


Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

1. Giải thích nhận định:​

* Ý kiến 1:​

– Nghệ thuật: Một hình thái xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, bao gồm nhiều loại hình: kiến trúc, hội họa, âm nhạc… Ở đây, Tố Hữu đề cập đến loại hình nghệ thuật được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ: Văn chương.

– Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người: Văn học chứa đựng giá trị thẩm mĩ, hướng tới cái đẹp và là những câu trả lời cho những câu hỏi, băn khoăn của con người.

– Nghệ thuật thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên: Văn chương tác động đến thế giới tinh thần của con người, làm đời sống tinh thần thêm phong phú, hướng con người đến các giá trị chân thiện mĩ.

→ Ý kiến đề cập đến giá trị, chức năng của văn học, hướng con người đến những giá trị tinh thần cao đẹp.

* Ý kiến 2:​

– Văn học không quan tâm đến những câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra: Tác phẩm văn học không chỉ phản ánh, lý giải hiện thực mà còn đặt ra những câu hỏi về con người và cuộc sống.

– Và những câu hỏi này luôn rộng mở hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào: Câu trả lời về con người và cuộc sống trong tác phẩm dù cặn kẽ, kỹ càng đến đâu cũng không rộng mở bằng những vấn đề mà nhà văn khơi gợi, đặt ra để người đọc cùng suy nghĩ, trăn trở, hy vọng và mơ ước…

→ Ý kiến khẳng định tác phẩm văn học có khả năng đặt ra những câu hỏi để người đọc suy ngẫm về cuộc sống.

* Như vậy, 2 ý kiến đều bàn đến giá trị, chức năng văn chương, sức lan tỏa tác động của tác phẩm chân chính đến với thế giới tâm hồn, tình cảm của con người.

2. Bình luận về nhận định:​

a. Khẳng định 2 ý kiến đều xác đáng, không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau.​

* Lý giải:​

– Ý kiến 1:​

+ Văn học là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, kết tinh sự khám phá mới mẻ, sự lý giải sâu sắc của nhà văn về bản chất đời sống và con người. Do đó, văn chương làm giàu có thêm những hiểu biết của con người ở phạm vi rất rộng lớn, thay đổi, cải thiện đời sống tinh thần, tình cảm của con người, khiến nó trở nên phong phú, sâu sắc, thấu đáo.

+ Thông qua thế giới hình tượng, tác phẩm văn học chân chính mang đến những bài học, triết lý nhân sinh sâu sắc, gửi gắm tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng của nhà văn đối với con người và cuộc sống, hướng con người đến các giá trị chân thiện mĩ, do đó mà nâng con người lên, giúp con người hướng thượng, hướng thiện.

+ Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ bởi sáng tạo ra cái đẹp là mục đích cứu cánh của văn học, văn học không chỉ miêu tả phản ánh cái đẹp của cuộc sống mà còn sáng tạo những phương thức phản ánh (ngôn từ, hình tượng) mang tính thẩm mĩ cao, khơi dậy mĩ cảm nơi người đọc.

– Ý kiến 2:​

+ Văn học có khả năng đặt ra câu hỏi bởi văn học là nghệ thuật ngôn từ, đặc điểm của ngôn ngữ văn chương là tính hình tượng, tính đa nghĩa… ẩn giấu vô số khả năng biểu đạt và ý nghĩa mà con người chưa khám phá hết. Mỗi hình tượng, chi tiết nghệ thuật, cấu trúc ngôn từ là một câu hỏi khơi gợi sự ngạc nhiên, thu hút người đọc khám phá hết sự bí ẩn của ngôn từ, hình tượng…
+ Văn học không chỉ là sự hồi đáp mà còn thể hiện sự trăn trở của người viết về con người, cuộc sống, gửi gắm ước mơ, khát vọng, lý tưởng… Tác phẩm sâu sắc ở chỗ đặt ra được những vấn đề nhức nhối, chưa có lời giải đáp về nhân sinh để người đọc suy ngẫm, chiêm nghiệm, đánh thức khơi dậy trong lòng người đọc ước mơ, hy vọng về những giá trị tốt đẹp, nhân văn..
+ Thêm vào đó, sức phản ánh của tác phẩm dù bao quát đến đâu, tư tưởng nhà văn dù sâu sắc đến đâu nhưng đời sống bao giờ cũng phong phú hơn và con người bao giờ cũng ẩn chứa nhiều điều bí ẩn hơn những giới hạn văn chương đã tìm ra. Cho nên tác phẩm không phải là câu trả lời cuối cùng mà là câu hỏi còn bỏ ngỏ, thôi thúc người đọc suy tư về cuộc sống và thôi thúc chính người sáng tác tiếp tục khám khá, lý giải, đào sâu sự thật đằng sau sự thật, con người bên trong con người.

→ Mỗi tác phẩm lớn là một câu hỏi lớn khơi gợi người đọc suy tư, trăn trở về sự sống, về nhân sinh, về thân phận con người và về khả năng biểu đạt của ngôn ngữ, vậy nên mới nói những câu hỏi này luôn rộng mở hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào.

3. Chứng minh 2 nhận định:​

– Nội dung tư tưởng của tác phẩm văn chương đã đem đến những câu trả lời gì về con người, cuộc sống nhờ đó thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần, nâng cao con người lên như thế nào? Vì sao đó là những câu trả lời mang tính thẩm mĩ?
– Bên cạnh việc đưa những câu trả lời, nhà văn còn đặt ra những câu hỏi đầy suy tư trăn trở về phận người, về sự sống, sự tồn tại như thế nào? Khả năng biểu đạt vô cùng của ngôn ngữ khơi gợi khám phá sự bí ẩn, đa nghĩa của hình tượng ra sao?

4. Bàn luận mở rộng, nâng cao vấn đề:​

– Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhưng không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau. Kết hợp cả 2 ý kiến ta có cái nhìn toàn diện về giá trị, chức năng của văn học cũng như sứ mệnh của nhà văn.

– Hai ý kiến là kim chỉ nam cho người sáng tác để tạo nên giá trị đích thực của tác phẩm và định hướng người tiếp nhận để cảm nhận được hết giá trị ấy.

+ Với nhà văn: phải có tâm, có tài để có thể giúp người đọc khám phá, lý giải hiện thực đồng thời đặt ra những câu hỏi cho người đọc cùng suy ngẫm về giá trị sống…
+ Với người đọc: Phải suy ngẫm, chiêm nghiệm về những bài học mà tác phẩm gửi gắm, phải biết đặt ra câu hỏi cho chính mình và cho cuộc đời.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top