Về nhân vật bà Cụ Thi điên trong tác phẩm Hai Đứa Trẻ

Về nhân vật bà Cụ Thi điên trong tác phẩm Hai Đứa Trẻ

Hà Nội Honey
Hà Nội Honey
  • Mật Ong Hà Nội 33 đến từ Hà Nội
Thế gian là vậy đấy, cùng là một đời người nhưng cớ sao số phận dành cho mỗi người lại khác nhau đến vậy? Ai mà chẳng từng khóc khi bắt gặp những kiếp người hèn mọn? Ai mà chẳng từng xót thương khi thấy những cảnh đời leo lét? Và hơn cả, là một nhà văn mang trong mình sự nhạy cảm, tinh vi vốn có thì Thạch Lam lại càng thấm đượm hiện thực cuộc sống hơn ai hết.

Đến với truyện ngắn “Hai đứa trẻ” ta bắt gặp những cảnh đời tàn tạ đến khó tin. Họ chẳng khác nào những hình nhân mờ nhạt, được gắn vào lồng đèn kéo quân đã khô kiệt những giọt dầu cuối cùng. Cây đèn kéo quân ấy, lừ đừ, chậm chạp, kéo những hình nhân quẩn quanh, bế tắc và bất động… Hẳn rằng khi đọc “Hai đứa trẻ” độc giả thường sẽ chú ý vào các hình tượng nổi bật như An và Liên nhưng khi ấy ta lại quên đi một nhân vật có lẽ đặc biệt nhất trong toàn bộ thiên truyện của Thạch Lam đó chính là bà cụ Thi điên.

Phút chốc người đàn bà ấy xuất hiện đã để lại cho ta một sự ám ảnh đến kì lạ. Bà là người duy nhất cười, đúng vậy, bà cười to và nói cũng rất to nhưng tiếc thay đó chỉ là tiếng cười trong vô thức của một người đàn bà “hơi” điên, nhưng rồi ta lại đặt ra một câu hỏi, liệu rằng tiếng cười ấy là cố tình hay vô tình? Sống ở cái phố huyện nghèo, hẳn rằng khi điên chính là một điều sung sướng, bởi lẽ khi điên, họ sẽ sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ, chẳng phải đối diện với cuộc sống mòn mỏi đang gặm nhấm những kiếp người từng giây, từng khắc một. Nhưng mà “hơi” điên thì lại khác, nó mới thực sự là đau khổ đối với bà cụ Thi: lúc tỉnh thì thấy hiện thực tàn khốc, lúc điên thì hả hê sung sướng. Nếu như cư dân phố huyện coi chuyến tàu là nguồn động lực sống thì đối với cụ Thi nó lại là chén rượu, rõ ràng bà coi đó là thần dược, là vật quý giá, chỉ có rượu mới mang lại một vài giây phút lãng quên thực tại để có niềm vui cho riêng mình. Cách thức uống rượu của bà cũng rất đặc biệt: ngửa cổ uống một hơi cạn sạch, dường như người đàn bà “hơi” điên ấy muốn quay lại cơn say, cơn điên nhanh chóng. Bởi lẽ hoàn cảnh của bà cũng như Thúy Kiều vậy “Khi tỉnh rượu lúc tàn cành/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Giờ đây, bà như muốn trở thành một “kẻ điên” thực thụ vì nửa tỉnh nửa điên khiến bà đau quá! Tỉnh lại là phải đối diện với biết bao cảnh đời tàn tạ, phải chứng kiến cái cảnh phố huyện nghèo nàn, ảm đạm và chắc chắn rằng, chẳng một ai muốn sống ở một nơi như thế. Hành động khá đặc biệt của cụ Thi: “để ba đồng xu vào tay Liên, xoa đầu chị một cái”, dường như trong con người “hơi” điên là cả một khoảng trống lớn, thiếu vắng tình cảm gia đình. Ở cái tuổi đáng lẽ con cháu đầy nhà nhưng bà vẫn không có một ai bên cạnh cũng như Nguyễn Du đã từng viết thế này: “Ngẩn ngơ khi trở về già/ Ai chồng con tá biết là cậy ai.” Trong khi mẹ con chị Tí vất vả lam lũ để kiếm từng đồng lẽ ít ỏi để mưu sinh qua ngày, nhưng ít nhất đó là “hai mẹ con”. Còn bà thì sao? Vẫn thui thủi một thân một mình, ngày càng già nua, mỗi ngày chỉ biết tìm đến men rượu để giải sầu và rồi liệu rằng bà “tồn tại hay không tồn tại” (to be or not to be_ Shakespeare)?

Truyện ngắn Thạch Lam là vậy đấy, bao giờ cũng gieo vào lòng người đọc những thi vị nhẹ nhàng mà đầy tinh tế để rồi một mau kia, khi nghĩ về tác phẩm vẫn đọng lại trong ta nhưng nỗi băn khoăn, day dứt về kiếp người…đặc biết vẫn là người đàn bà “hơi điên” ấy!

Tham khảo bài viết của thầy La Vinh
 
Từ khóa
an và liên bà cụ thi điên hai chị em mẹ con chị tí pho huyen thach lam
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top