Về Thoại Sơn – An Giang

Về Thoại Sơn – An Giang

Thoại Sơn là một trong những huyện vùng lúa nổi tiếng của An Giang. Nơi đây, từ hàng chục năm qua được nối liền thành vòng cung du lịch gắn với các điểm du lịch vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Ðốc, là "điểm nhấn" trong tâm thức du lịch về miền đất huyền thoại với núi Sập, núi Ba Thê... Tại đình thần trong khu du lịch Hồ Ông Thoại giữa thị trấn Thoại Sơn có bia Thoại Sơn, một trong ba di tích lịch sử, loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam còn lưu lại đến ngày nay. Hiện bia xưa được bảo quản khá tốt trong đình thờ Thoại Ngọc Hầu tại núi Sập. Ðể đánh dấu một công trình đào kênh Thoại Hà vào năm 1818, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần. Bia Thoại Sơn tạc bằng đá, đầu bia chạm to hai chữ Thoại Sơn, chiều cao 3 m, ngang 1,2 m, bề dày 2 tấc, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán. Hiện nay, bia xưa vẫn còn ở vị trí ban đầu, nét chữ Hán trên mặt bia còn sắc và đẹp. Bên ngoài đình thờ, người đời sau cho dựng thêm một tấm bia đá lớn khác, kích cỡ tương tự, nhưng kém mỹ thuật hơn, khắc bản dịch bằng tiếng Việt. Bia Thoại Sơn do Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) dựng năm 1822 và là một trong hai công trình di tích lịch sử và bia ký nổi tiếng, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

3858

"Chùa Một Cột ở hồ Thoại Ngọc Hầu - Thoại Sơn - An Giang". Ảnh sưu tầm​

Vào đầu thế kỷ 19, vùng Thoại Sơn rất hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ lấp, thuyền qua lại không nổi. Con sông Ðông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi giao thông của tàu, thuyền từ Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau. Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Ðông Xuyên - Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần (Ba Dầu hiện nay). Chủ trương đào kênh của ông được vua Gia Long chấp thuận và vào mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công. Kênh đào theo lạch nước cũ nên sau một tháng đã hoàn thành. Bề ngang kênh 61 m, chiều dài tới Rạch Giá là hơn 30 km và là con kênh đào sớm nhất ở miền nam. Nó có vị trí quan trọng cho giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp của huyện Thoại Sơn. Khi công trình đào kênh hoàn tất, vua Gia Long rất khen ngợi, ra chỉ lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho sông là Thoại Hà (sông Thoại). Trên bờ phía đông của Thoại Hà có một ngọn núi, tục gọi là núi Sập, vua liền cho đổi tên là Thoại Sơn (núi Thoại) để tặng thưởng công lao khó nhọc của Thoại Ngọc Hầu.

Những người Việt đầu tiên đến vùng đất Thoại Sơn có nhiều nguồn gốc khác nhau: họ là những người nghèo khổ từ đất miền Trung lần bước vào miền Nam kiếm sống; là những người giàu có ở vùng đất Thuận Hóa được chúa Nguyễn chiêu mộ vào khai hoang lập thôn (làng), thuê mướn tá điền; là những người mắc tội lưu đày, bị sung quân, khi mãn hạn ở lại lập gia đình làm ăn; là những người Khmer, người Chăm chạy giặc Xiêm vào sinh sống ở Vĩnh Trạch, chân núi Ba Thê, núi Sập…

3859

"Non nước hữu tình của vùng đất huyền bí Thoại Sơn". Ảnh sưu tầm​

Từ triều vua Gia Long (1802 – 1820), vùng đất Thoại Sơn còn đầy tre rừng và rừng tràm bạt ngàn. Bên bờ những con rạch tự nhiên đã có người ở nhưng còn rất thưa thớt. Một số người lập am tu học và bốc thuốc trị bệnh cho dân nghèo. Đến triều Minh Mạng (1820 – 1840) trở đi, các thôn lần lượt được thành lập. Khi dân cư đông đúc, các đình thần cũng được dựng lên để phục vụ cho tín ngưỡng truyền thống của người dân. Đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và những người có công với nước. Một số đình còn thờ các danh nhân, dũng tướng như: đình Thoại Ngọc Hầu thờ người có công khai sinh vùng đất Thoại Sơn, đình Vĩnh Trạch, Vĩnh Phú thờ di ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực, đình Định Mỹ thờ linh vị Trương Công Định... Vào dịp lễ Kỳ yên (cầu an) hàng năm, đình là nơi cho Nhân dân trong vùng tụ họp về vui chơi giải trí, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hầu hết các đình thần, cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện đều là nơi có hoạt động của cán bộ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân Thoại Sơn thường tự hào với ngôi đình thần Thoại Ngọc Hầu, vì đình thờ một danh tướng lẫy lừng công trạng.

Thời chống Pháp, một số sĩ phu yêu nước sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành (Quản Cơ Thành)… đã về ẩn cư trên núi như ông Bảy Lượng có môn đồ khắp lục tỉnh về đây vừa sản xuất vừa rèn luyện võ nghệ, trồng hàng vạn cây ăn trái các loại khắp núi Nhỏ (cụm Núi Sập); ông Đạo Ba (còn gọi là ông Ba Da Rán) cất am tu ở phía Đông Núi Lớn (Núi Sập). Về sau, những ông này đều nuôi chứa cán bộ hoạt động chống Pháp.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người dân Thoại Sơn lưu truyền nhiều truyền thuyết, huyền thoại về núi Ba Thê, núi Sập và miễu Thầy Thiếm được Nhân dân tôn sùng. Ngoài ra, Nhân dân còn sáng tác những câu hò dân gian thấm đượm tình người, tình yêu quê hương, tiêu biểu như:

Hò ơ…
Em chèo ghe vô Núi Sập
Lựa con khô cá sặc cho thiệt ngon
Lựa trái xoài tượng cho thiệt giòn
Em chèo ghe ra chợ Long Xuyên
Lựa gạo thiệt trắng thiệt thơm
Đem về nấu một bữa cơm
Cho người quân tử ăn còn nhớ quê.

3860

"Nơi check in đầy thú vị cho tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ".
Ảnh sưu tầm​

Thoại Sơn còn là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng, diễn ra những trận đánh nổi tiếng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, được ghi dấu trong lịch sử với bia chiến công ở xã Tây Phú, bia chiến công trên đỉnh núi Ba Thê v.v… Thoại Sơn có 39 bà Mẹ Việt Nam anh hùng cùng với những người con anh hùng được lưu danh trong sử sách như nữ anh hùng Nguyễn Thị Bạo (xã Vĩnh Phú), anh hùng Nguyễn Văn Muôn (xã Vọng Thê) trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, anh hùng Lâm Thanh Hồng (thị trấn Óc Eo) trong thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đó cũng là nguồn tài liệu phong phú bổ sung vào lịch sử địa phương và phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng.

Người dân Thoại Sơn có những phẩm chất tốt đẹp của con người Nam bộ: chất phác, thật thà, hào sảng, anh hùng trượng nghĩa và truyền thống đoàn kết trong suốt quá trình đấu tranh mở đất và giữ đất. Những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp đó càng được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, giúp cho Đảng bộ và Nhân dân Thoại Sơn làm nên những bước ngoặt lớn trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Ngày nay, con người Thoại Sơn luôn ra sức phấn đấu để không hổ thẹn với các thế hệ đi trước và luôn xứng đáng với hai danh hiệu anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động.

Tác giả: Lê Tuấn
 
Từ khóa
an giang nam bộ non nước hữu tình thoại ngọc hầu về thoại sơn
2K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top