Soạn văn  Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài - đầy đủ, chi tiết

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài. Nhân vật Mị và A Phủ đã để lại dấu ấn sâu sắc cho người đọc bởi thân phận bị áp bức, bị chà đạp. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn đầy đủ chi tiết của truyện Vợ chồng A Phủ, sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 2.
Vợ chồng A Phủ.jpg
Ảnh: Vợ chồng A Phủ (sưu tầm)

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ngày 10 – 8 – 1920.
- Quê: huyện Thanh Oai – Hà Nội, làng ven đô trở thành một không gian nghệ thuật quen thuộc trong sáng tác của tác giả.
a. Cuộc đời
- Trước CMT8: Phải lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề
- Tham gia Hội Văn hóa cứu quốc (1943)
- Trong kháng chiến: Tham gia làm báo và hoạt động văn nghệ ở Việt Bắc.
- Sau này: Tham gia nhiều công tác; nhiều năm liền làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam.
b. Sự nghiệp sáng tác
- Thể loại: đa dạng.
- Trước CMT8: Đồng thoại về thế giới loài vật.
- Sau CMT8: Cuộc sống, số phận và vẻ đẹp người lao động nghèo ở miền xuôi và miền ngược.
- Tác phẩm tiêu biểu: Dế mèn phiêu lưu kí (đồng thoại, 1941), O chuột (tập truyện ngắn về loài vật, 1942), Nhà nghèo (tập truyện ngắn, 1944), Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953), Mười năm (tiểu thuyết, 1967)…
2. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ
a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
- Năm 1952, Tô Hoài theo đơn vị bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, sống gắn bó với đồng bào Tây Bắc trong 8 tháng.
- Tô Hoài viết tập truyện bằng sự am hiểu tường tận cuộc sống, phong tục, nhất là tâm hồn phóng khoáng, tự do phảng chút hoang dại của đồng bằng miền núi; nỗi ám ảnh về những kỉ niệm gắn bó và món nợ ân tình với người Tây Bắc.
- “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm xuất sắc được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953). Tập truyện gồm ba truyện ngắn Cứu đất cứu Mường; Mường Giơn và Vợ chồng A Phủ, tập truyện được tặng giải nhất - giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955.
b. Tóm tắt tác phẩm
Mị, một cô gái xinh đẹp, yêu đời, có khát vọng tự do, hạnh phúc bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Lúc đầu Mị phản kháng nhưng dần dần trở nên tê liệt, chỉ "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Đêm tình mùa xuân đến, Mị muốn đi chơi nhưng bị A Sử (chồng Mị) trói đứng vào cột nhà. A Sử đi chơi ngày tết, cậy thế con quan phá những cuộc chơi, bị A Phủ đánh. A Phủ bị bắt, bị phạt vạ và trở thành kẻ ở trừ nợ cho nhà thống lí. Vì không may để hổ vồ mất một con bò, A Phủ đã bị đánh, bị trói đứng vào cọc đến gần chết. Mị đã cắt dây trói cho A Phủ, hai người chạy trốn đến Phiềng Sa. Mị và A Phủ trở thành vợ chồng và đã giác ngộ, trở thành du kích.
c. Bố cục
- Kết cấu tác phẩm: 2 phần
+ Phần đầu: Cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, bị chà đạp, đày đọa trong nhà thống lý Pá Tra cho đến khi Mị cắt dây trói cứu A Phủ và cả hai bỏ trốn.
+ Phần tiếp: Sự đổi đời của Mị và A Phủ ở Phiềng Sa, họ thành vợ chồng, gặp gỡ cách mạng, được giác ngộ và trở thành du kích.
- Đoạn trích trong SGK gồm 3 phần.
+ Phần 1: Kể về Mị và cảnh sống bi đát trong nhà Pá Tra.
+ Phần 2: Kể về A Phủ (cảnh đánh nhau và cuộc xử kiện).
+ Phần 3: Cảnh A Phủ bị trói, Mị cứu A Phủ và hai người trốn khỏi Hồng Ngài.
d. Chủ đề
Truyện phản ánh đời sống tăm tối, cực nhục của người dân lao động miền núi dưới ách thống trị của bọn phong kiến cường hào. Đồng thời thể hiện lòng khát khao tự do và khả năng tự giải phóng của người dân Tây Bắc.

II. Đọc – hiểu văn bản
1. Nhân vật Mị

a. Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra.

- Xuất thân trong gia đình nghèo.
- Là cô gái Mèo xinh đẹp, tài hoa và có nhiều phẩm chất tốt.
+ Mị có tài thổi sáo: "Mị thổi sáo giỏi; Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”.
+ Mị chăm làm, siêng năng và hiếu thảo: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”.
+ Mị cũng có người yêu: “Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ở ngón tay”.
=> Mị là cô gái yêu đời, có cuộc sống tự do từ tâm hồn đến thể xác, là hình tượng đẹp về người thiếu nữ Tây Bắc: đẹp một cách tự nhiên, giản dị, phóng khoáng nhưng cũng không kém phần sâu sắc.
- Số phận: trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Con dâu gạt nợ thì bề ngoài là con dâu nhưng thực chất bên trong là con nợ. Là con nợ nhưng cũng lại là con dâu. Là con dâu, linh hồn đã bị đem trình ma nhà thống lí rồi, Mị không thể chạy đâu cho thoát! Mị sẽ phải kéo lê cái thân phận khốn khổ của mình cho đến tàn đời!
=> Mị bị ràng buộc bởi phong tục hôn nhân và phong tục tôn giáo của người miền núi. Suốt đời Mị sẽ không bao giờ được giải thoát, không bao giờ được trở về với cuộc sống tự do như trước đây. Đây cũng chính là bi kịch trong cuộc đời Mị.
b. Khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra
- Thời gian đầu: Mị phản kháng quyết liệt.
+ "Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”…
+ Mị tính chuyện ăn lá ngón để tìm sự giải thoát.
+ Vì lòng hiếu thảo nên phải nén nỗi đau riêng, quay trở lại nhà thống lí.
=> Đây là sự phản kháng tiêu cực của Mị. Mị không chấp nhận cuộc sống tàn lụi, Mị cố vùng dậy để thoát khỏi đời nô lệ nhưng không được.
- Thời gian sau (khi bố chết)
“Đã mấy năm”, nhưng “từ năm nào cô không nhớ …” . Mị sống cuộc đời của một súc nô khốn khổ với bao công việc vất vả quanh năm. Mị không còn ý thức về thời gian, không còn ý thức về cuộc đời làm dâu gạt nợ. Mị đã bị tê liệt cả lòng yêu đời, yêu sống lẫn tinh thần phản kháng.
- Cách giới thiệu nhân vật Mị
+ Hình ảnh: Một cô con gái “ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”.
+ “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.
+ Vị trí ngồi của Mị: bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa… chính là sự tiên đoán của tác giả về số phận tăm tối, cực nhọc của Mị.
=> Cách giới thiệu nhân vật ấn tượng để dẫn dắt người đọc vào hành trình tìm hiểu số phận nhân vật.
- Hành động, dáng vẻ bên ngoài
+ Lúc nào cũng cúi mặt, buồn rười rượi và “Nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau…”
+ “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa mùa thì giặt đay, xe đay, đến mùa thi đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”
+ “Con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”
- Suy nghĩ: Tưởng mình là con trâu, con ngựa. Nhưng đời Mị còn khổ hơn là con trâu, con ngựa.
+ “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”.
+ “Mỗi ngày Mị càng không nói lùi lũi như con rùa nuôi xó cửa”.
=> Mị trở thành một công cụ lao động, một nô lệ nhẫn nhịn, cam chịu bị đày đọa về thể xác.
- Không gian sống của Mị
+ “ Ở cái buồng Mị nằm, kín mít có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”.
+ Mị nghĩ rằng “mình sẽ ngồi trong cá lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi…”
=>Không gian tăm tối, gợi cuộc đời tù hãm, bế tắc, luẩn quẩn…
* Nhận xét
- Nghệ thuật tả thực, tương phản (giữa nhà thống lý giàu có với cô con dâu luôn cúi mặt, không gian căn guồng chật hẹp với không gian thoáng rộng bên ngoài).
- Giá trị hiện thực
Tô Hoài đã tố cáo sự thống trị và sự chà đạp quyền sống con người của các thế lực cường quyền, thần quyền miền núi đã hủy diệt đi ý thức sống của con người.
- Giá trị nhân đạo
Sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với số phận bất hạnh của những người lao động nghèo miền núi.
c. Diễn biến tâm lí, hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân (Sự trỗi dậy của khát vọng hạnh phúc, của sức sống tiềm tàng trong Mị)
* Khung cảnh mùa xuân

- “Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như những con bướm sặc sỡ”
- “Đám trẻ đợi tết, chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà..”
=> Thiên nhiên rực rỡ màu sắc, náo nức âm thanh. Đây là sự hiện diện của một thế giới căng tràn nhựa sống. Đánh thức kỉ niệm trong tâm hồn Mị.
* Đêm tình mùa xuân
- Không gian:
+Trong nhà: mọi người nhảy đồng, hát.
+ Bên ngoài: “Tiếng sáo gọi bạn thiết tha bồi hồi”.
=> Tô Hoài đã miêu tả sinh động thiên nhiên và phong tục tạp quán của người H’mông miền núi Tây Bắc. Đây cũng là yếu tố giúp tâm hồn Mị “trở về từ trong cõi chết”.
- Diễn biến tâm trạng:
+ Lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát.
+ Thấy phơi phới trở lại, Mị muốn đi chơi.
+ Thấy mình còn rất trẻ.
=> Không gian và thời gian của đêm tình mùa xuân làm Mị có ý thức trở lại và lòng ham sống đã trổi dậy. Trong Mị “muốn được đi chơi ngày tết”. Nhưng sực nhớ lại thực tại của mình, Mị đau đớn đến nỗi muốn ăn lá ngón cho chết ngay.
- Hành động:
+ Mị xắn mỡ bỏ vào đĩa đèn cho căn buồng sáng lên, Mị mặc áo váy mới để chuẩn bị đi chơi.
=> Khát khao ánh sáng, tự do, hạnh phúc.
- Nhưng giữa lúc lòng ham sống đang trổi dậy mạnh mẽ nhất thì cũng là lúc nó bị dập xuống phũ phàng nhất.
+ A Sử về, trói đứng Mị vào cột nhà.
=> Một hành động tàn nhẫn, không tình người. Nó đã dìm tắt đi khát vọng sống vừa mới được hồi sinh của Mị.
+ Suốt cái đêm bị trói đứng vào cột ấy, Mị như quên mình bị trói: Mị “vùng bước đi” theo tiếng sáo. Nhưng những vòng dây trói đang thít chặt lấy chân Mị. Nghe tiếng chân ngựa: Mị cay đắng nhận ra thân phận mình. Thân phận con người mà không bằng thân phận một con ngựa.
=> Hai biểu tượng của ước mơ và thực tại hiện ra trong hai âm thanh trái ngược nhau: Tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết và tiếng chân ngựa đạp vào vách khô khan.
* Qua nhân vật Mị, nhà văn thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ:
(1) Tố cáo thế lực thống trị, cường quyền, thần quyền đã liên kết để chà đạp tước đoạt quyền sống của những con người đáng ra phải được hạnh phúc nhất.
(2) Khám phá, phát hiện vẻ đẹp, phẩm chất người lao động, đặc biệt là khát vọng sống tự do. Người phụ nữ trong bão tố khổ đau vẫn nguyên vẹn niềm ham sống, khao khát tình yêu mà bấy lâu nay tưởng như héo úa lụi tàn trong đoạ đầy đau khổ.
(3) Khi sức sống tiềm tàng trong tâm hồn nhân vật được hồi sinh, nó sẽ là ngọn lửa không thể dập tắt. Nó tất yếu chuyển hoá thành hành động phản kháng táo bạo ở những nạn nhân của giai cấp thống trị, chính họ sẽ đứng lên chống lại cường quyền áp bức, chống lai mọi sự chà đạp, lăng nhục, vật hoá con người (déshumaniser) để cứu lấy cuộc đời mình.
d. Diễn biến tâm trạng, hành động của Mị trong đêm cắt dây trói cho A Phủ
Sức mạnh quật khởi trong con người Mị. Niềm tin của tác giả, mong muốn cho nhân vật giải phóng được số phận của mình và có được cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai.
- Thời điểm:
+ Mùa đông trên núi cao dài và buồn.
+ Mị trở dậy ngồi sưởi lửa, hơ tay, chỉ tha thiết với ngọn lửa.
=> Hình ảnh “bếp lửa”, “tiếng sáo” vừa có giá trị nghệ thuật, vừa mang màu sắc văn hóa của người vùng cao, như có sự cộng hưởng thắp sáng trong tâm hồn Mị: là hơi ấm, là âm thanh thức tỉnh góp phần tạo nên sức sống trong tâm hồn Mị.
- Khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng:
+ Lúc đầu: Mị thản nhiên.
=> Trạng thái vô cảm, vì nỗi đau quá nên Mị trở nên vô cảm với nỗi đau của người khác.
+ Khi nhìn thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ.
=> Mị xúc động nghĩ đến cảnh ngộ của mình ngày trước mà thương mình, thương người. Vừa đồng cảm với người cùng cảnh ngộ, vừa căm giận sự tàn bạo độc ác của giai cấp thống trị.
+ Mị cắt dây trói cho A Phủ - Đứng lặng rồi vụt chạy theo A Phủ.
=> Hành động của Mị diễn ra hết sức bất ngờ, đột ngột nhưng rất biện chứng về mặt tâm lí. Cuộc đấu tranh nội tâm phức tạp nhưng hợp logic của Mị. Hành động tự phát, xuất phát từ lòng yêu đời, yêu cuộc sống của Mị.
* Nhận xét:
(1) Hành động Mị cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng chạy trốn là một tình huống dữ dội phản ánh bước nhảy vọt về ý thức và tâm lí của nhân vật Mị. Mị vừa thương mình, vừa thương người, Mị căm thù cái ác đã chà đạp lên cuộc đời mình. Mị cắt dây trói cứu A Phủ cũng là cắt đứt sợi dây oan nghiệt đã biến con người thành nô lệ súc vật nhục nhã, đau thương. Mị đã giành được tự do và hạnh phúc.
(2) Thành công về nghệ thuật của tác giả
Đem vào tác phẩm không khí thời đại. Tô Hoài đã thấy được quá trình vận động trong tư tưởng, trong cuộc sống người lao động: từ cam chịu, khổ nhục đến chủ động giành lấy tự do, hạnh phúc, từ hành động phản kháng tự phát đến hoạt động cách mạng tự giác.
2. Hình tượng nhân vật Phủ
Nhân vật A Phủ cũng là một đóng góp mới của tác giả về phương diện xây dựng nhân vật.
- A Phủ với số phận đặc biệt:
+ Lớn lên giữa núi rừng, A Phủ trở thành chàng trai Mông khoẻ mạnh chạy nhanh như ngựa, biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo.
+ Con gái trong làng nhiều người mê, nhiều người nói: “Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu”.
- A Phú với cá tính đặc biệt
+ Cá tính gan góc của A Phủ vốn đã bộc lộ từ năm lên mười, cá tính ấy lại được chính cuộc sống hoang dã của núi rừng cùng hoàn cảnh ở đợ làm thuê nhiều cực nhọc, vất vả hun đúc để A Phủ trở thành một chàng trai có tính cách mạnh mẽ, táo bạo.
+ Thế nhưng, do tội đánh con quan, A Phủ cũng bị biến thành nô lệ nhà thống lí.
- Là người mạnh mẽ và gan góc, A Phủ không sợ cả cái chết...
(1) Sức sống mãnh liệt
+ Bị trói: Nhay đứt 2 vòng dây mây, quật sức vùng chạy.
=> Khát khao sống mãnh liệt.
+ Cảnh xử kiện và Cảnh cho vay tiền kỳ quặc:
. Diễn ra trong khói thuốc phiện mù mịt tuôn ra từ các lỗ cửa sổ như khói bếp …
. Người đánh, người quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, kể chửi lại hút. Cứ thế từ trưa đến hết đêm…
. A Phủ gan góc quỳ chịu đòn chỉ im lặng như tượng đá…
=> Hủ tục biểu hiện đậm nét sự tàn ác dã man của bọn thống trị miền núi. Và pháp luật nằm trọn trong tay bọn chúa đất nên kết quả: A Phủ trở thành con ở trừ nợ đời đời kiếp kiếp cho nhà thống lý Pá Tra.
(2) Cuộc gặp gỡ giữa Mị và A Phủ trong đêm mùa đông
+ A Phủ bị trừng phạt vì làm mất bò của chủ.
=> Cuộc gặp gỡ tự nhiên giữa Mị và A Phủ, gặp gỡ nhau trong đau thương, cùng đường, nhờ khát vọng tự do mà vùng lên tự thay đổi cuộc đời.
* Nhận xét:
Xây dựng A Phủ, Tô Hoài đã tô đậm thêm số phận người nông dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của chúa đất phong kiến. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đều bị biến thành nô lệ của bọn địa chủ phong kiến.
3. Giá trị tác phẩm
a. Giá trị nội dung

* Giá trị hiện thực
- Những trang viết chân thực về cuộc sống bi thảm của người dân nghèo miền núi thể hiện qua nhân vật Mị và A Phủ...
- Tố cáo thế lực thống trị, cường quyền, thần quyền đã liên kết để chà đạp cuộc sống của người dân, tước đoạt quyền sống của họ.
* Giá trị nhân đạo
- Lòng yêu thương con người.
+ Đồng cảm sâu sắc với số phận con người nghèo khổ miền núi trước cách mạng.
+ Tố cáo các thế lực chà đạp lên quyền sống của con người.
- Khám phá, phát hiện vẻ đẹp, phẩm chất người lao động, đặc biệt là khát vọng sống, khát vọng tự do của họ.
- Mở ra cho nhân vật một hướng đi: Thoát khỏi cuộc sống tăm tối nơi làng quê để tìm đến với ánh sáng của cách mạng.
b. Những đặc sắc về nghệ thuật
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo (miêu tả theo trình tự thời gian, đan xen hồi ức một cách tự nhiên, có pha trộn quá khứ với hiện tại một cách ý nhị có khi vận dụng kĩ thuật đồng hiện của điện ảnh, khó phân biệt hình ảnh của quá khứ - hiện tại – tương lai).
- Nghệ thuật kể chuyện
Kể chuyện kết hợp nhiều điểm nhìn (bên ngoài, bên trong, xa, gần) dần dần khám phá thế giới nội tâm sâu thẳm và ngọn lửa sống âm ỉ đằng sau vẻ ngoài vô cảm của Mị. Cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên mà ấn tượng; kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo.
- Ngôn ngữ
Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ,..
- Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi.
4. Ý nghĩa văn bản
Qua việc miêu tả cuộc đời, số phận của Mị và A Phủ, nhà văn đã tố cáo hùng hồn, đanh thép những thế lực phong kiến, thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt không gì huỷ diệt được của kiếp nô lệ. Khẳng định chỉ có sự vùng dậy của chính họ, được ánh sáng Cách mạng soi đường đến một cuộc đời tươi sáng.

III. Tổng kết
- Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đoạ, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.
- Tác phẩm khắc hoạ chân thực những nét riêng về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.
…………………………………………………………………………………………….


 
Từ khóa Từ khóa
bài soạn vợ chồng a phủ ngữ văn 12 nhân vật a phủ nhân vật mị tô hoài triều anh truyện ngắn vợ chồng a phủ vợ chồng a phủ đêm tình mùa xuân
5K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.